Tại đây, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Hải Thành, người đã góp phần tạo nên kỳ tích trong năm học 2020-2021 của nhà trường. Đây không chỉ là câu chuyện của một giáo viên trên bục giảng...

Trong sân trường rợp bóng cây và vắng lặng bởi học sinh phải học trực tuyến do dịch Covid-19, trước mặt chúng tôi là một người đàn ông nước da sạm nắng. Đó là thầy giáo Nguyễn Hải Thành, một trong những tấm gương tiêu biểu về dạy tốt của nhà trường nhiều năm qua.

Sau những lời giới thiệu, làm quen, thầy Thành kể về thành tích học tập của Lớp 12A1 mà thầy làm chủ nhiệm vừa mãn khóa cách đây ít lâu. 100% học sinh Lớp 12A1 đỗ vào đại học, trong đó nhiều em đạt điểm cao, như: Đậu Ngọc Hà Phương (28,9 điểm) trúng tuyển Học viện Quân y, Nguyễn Quán Thục Anh (28,75 điểm) trúng tuyển Trường Đại học Ngoại thương, Nguyễn Tiến Hưng (28,55 điểm) trúng tuyển Học viện Hậu cần...

Nhiều em đỗ vào các cơ sở đại học uy tín như: Bách khoa Hà Nội, Y dược Hà Nội, Học viện Tài chính... Đặc biệt, lớp có 3 em được tuyển thẳng là Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Trí Đạt (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phan Văn Tài Nguyên (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Thầy Thành còn quan tâm dìu dắt, hướng dẫn và giúp đỡ hai học sinh được kết nạp vào Đảng.

Thầy giáo Nguyễn Hải Thành cùng tập thể học sinh Lớp 12A1, Trường THPT Quỳ Hợp 2 (Quỳ Hợp, Nghệ An), năm học 2020-2021. 

Thầy Thành chia sẻ với chúng tôi về phương pháp dạy học và quản lý đã được đúc rút, kiểm nghiệm trong thực tế suốt 16 năm làm chủ nhiệm và 20 năm giảng dạy môn Vật lý. Theo cách hiểu của chúng tôi, đó là suy nghĩ, cách làm của một giáo viên kết hợp với chuyên môn của một chuyên gia tâm lý thì đúng hơn.

Vùng quê Quỳ Hợp vẫn còn nghèo bởi bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đã thế thời tiết lại khắc nghiệt, chất đất thì cằn cỗi. Một thời, Quỳ Hợp từng là "điểm nóng" vì nạn đào đá đỏ, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt trong đời sống kinh tế-xã hội, trẻ em là đối tượng thiệt thòi nhất. Nhiều học sinh bị cơn lốc kiếm tiền cuốn theo mà xao nhãng chuyện học hành. Những năm gần đây, khi ảnh hưởng của "cơn lốc" đá đỏ ngày trước dần vào dĩ vãng thì sự học của các em mới bắt đầu nhen nhóm những yếu tố tích cực.

Làm thế nào để đột phá trong giảng dạy, làm thế nào để nhiều em đỗ đại học và có thể thoát nghèo... là câu hỏi trăn trở của ban giám hiệu, nhiều giáo viên nơi đây. Tuy nhiên, thầy Thành có cách làm riêng. Thầy nghĩ, điều kiện kinh tế của gia đình học sinh khó khăn trong khi các em lại đang tuổi lớn, tâm sinh lý thất thường, thay đổi từng phút, từng giờ, rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, bê trễ học tập. Muốn các em học tốt thì chỉ còn cách yêu thương, động viên, vỗ về; chia nhóm để thảo luận, tự học, chuyển kiến thức của thầy thành kiến thức của trò.

Nghĩ vậy thôi chứ bắt tay vào việc mới khó. Vào học lớp 10, dù thầy cô có định hướng nhiều buổi, giáo viên nói khản cổ nhưng các em vẫn chưa thông. Phải nắm nhu cầu từng em, phải xem chất lượng học thế nào rồi xếp vào từng nhóm theo khối thi. Sau đấy thì phải kết hợp với các giáo viên khác, ngoài học trên lớp sẽ phụ đạo thêm cho các em vào các buổi chiều. Giờ sinh hoạt hằng tuần, thầy Thành tiến hành rút kinh nghiệm nhanh chóng rồi dành phần lớn thời gian để trao đổi với học sinh về phương pháp tự học, định hướng tương lai. Hay ở chỗ, học sinh được phụ đạo miễn phí, không có sự phân biệt.

Nhiều học sinh bỡ ngỡ với cách học mới, thầy Thành phải giảng từng chút, giảng lại nhiều lần, rồi thị phạm, giao nhiệm vụ để duy trì nhóm thảo luận cho các em quen dần. Tối về, thầy dành phần lớn thời gian cho việc nhận tin nhắn của học sinh qua mạng xã hội. Dù là học sinh lớp thầy chủ nhiệm hay lớp khác, thầy cũng nhiệt tình hướng dẫn, khơi gợi suy nghĩ của các em. Một trong những nguyên tắc của thầy Thành là không bao giờ trả lời đáp án cho học sinh mà chỉ ra cách làm để học sinh “tự bơi”. Đó là cách để học sinh hiểu, nắm kiến thức, nắm bài học kỹ nhất, sâu nhất và nhớ lâu nhất.

Thầy Thành kể về trường hợp của học sinh Phan Mạnh Hùng. Vào lớp 10, bố mẹ Hùng chia tay và em về ở với ông bà nội. Hùng buồn lắm, đến lớp tiếp xúc với bạn bè giống như người tự kỷ. Thầy Thành đến tận nhà gặp riêng, chia sẻ, động viên Hùng. Cụ Phạm Văn Tiêm, ông nội của Hùng quý thầy Thành như con trong nhà, tạo mọi điều kiện để thầy Thành làm tròn bổn phận người thầy tâm huyết. Hùng hòa nhập, học khá dần. Năm lớp 11, Hùng vượt lên và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vừa qua, Hùng thi đỗ vào Trường Sĩ quan Pháo binh như mong ước của em.

Sinh năm 1979, sau khi tốt nghiệp THPT, dù đã theo học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trước sức ép của cha, chàng trai trẻ Nguyễn Hải Thành từ bỏ con đường trở thành kỹ sư và chuyển về nhập học vào Khoa Vật lý và Công nghệ, Trường Đại học Vinh. Hiện nay, dù thu nhập bằng đồng lương chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của gia đình, nhưng thầy Thành vẫn tâm huyết với các thế hệ học trò. Thầy tâm sự, khi nhận thức, tâm lý học trò khác xưa thì không thể quản hoặc ép học sinh được. Cái chính là phải định hướng, khơi gợi, trang bị phương pháp tự nghiên cứu và tổ chức cho các em tự học, thi đua học tự giác. Học một mình chưa đủ mà phải học theo nhóm. Qua đó để các em tự đua đuổi nhau, tự bổ khuyết, lấp chỗ trống kiến thức cho bằng nhau.

Chị Quán Thị Thủy là mẹ của cựu học sinh Nguyễn Quán Thục Anh tâm sự với tôi rằng, con chị được học lớp do thầy Thành chủ nhiệm là một may mắn. Từ một học sinh có lực học khá, với sự chỉ bảo, giúp đỡ của thầy Thành, cháu đã vươn lên thành học sinh giỏi và đến tháng 5-2021 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lớp 12A1 do thầy Thành làm chủ nhiệm, còn có em Trần Thanh Ngân cũng được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thầy Thành chia sẻ, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vào đại học, ngoài học tập, các em sẽ phấn đấu và cống hiến nhiều hơn. Đó là môi trường tốt để các em rèn luyện và trở thành những công dân, trí thức có ích trong tương lai.

Khi nhắc đến thầy Thành, Ngân nói ngắn gọn: “Một thầy giáo tuyệt vời. Thầy không chỉ thương yêu, giúp đỡ chúng em như con trong gia đình mà còn kịp thời khuyến khích, động viên, tạo động lực để mỗi người phấn đấu”. Thầy Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhờ sự nỗ lực không ngừng nhiều năm qua của toàn trường, đặc biệt là tâm huyết của thầy Thành cùng những giáo viên điển hình, Trường THPT Quỳ Hợp 2 đã có tên trên “bản đồ tri thức” trong nước. Việc tất cả học sinh Lớp 12A1 và 12A2 đều trúng tuyển nguyện vọng 1, trong đó nhiều em đỗ vào các trường đại học tốp đầu là một kỳ tích, làm rạng danh vùng quê nghèo miền núi khó khăn".

Rời trường khi nắng chiều nhạt dần, tôi nhớ lại lời thầy Phan Văn Sơn: "Không có thầy tâm huyết, không có người truyền cảm hứng thì không có học sinh giỏi. Trường THPT Quỳ Hợp 2 đang phấn đấu để có nhiều cán bộ, giáo viên như thầy Thành. Chúng tôi tin là, với cách làm đặt học sinh là trung tâm, hết lòng với học trò thân yêu trong sự nghiệp trồng người, không lâu nữa, Trường THPT Quỳ Hợp 2 sẽ là nơi ươm mầm cho những ước mơ xanh, góp phần tạo nên những lớp người tài năng, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc...".

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG - PHÚ SƠN