Cuộc đời binh nghiệp của anh là hành trình cống hiến sức lực, tài năng nhằm xây dựng đơn vị và giúp đỡ nhân dân. Đó là Thượng tá Lê Công Hạnh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bến Tre (Quân khu 9).

Từ thủ lĩnh đoàn năng động, sáng tạo

Tôi may mắn được biết anh Lê Công Hạnh trong công tác Đoàn từ năm 2016, khi anh là Trưởng ban Thanh niên Quân khu 9. Tâm sự với tôi, anh Hạnh khẳng định, chính môi trường năng động, sáng tạo của công tác Đoàn đã nuôi dưỡng và vun đắp cho sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, không ngừng đổi mới trong anh. Nó đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nên nền tảng quan trọng trên con đường binh nghiệp của anh. Từ ngày anh là bí thư chi đoàn, chính trị viên phó đại đội đến ngày trở thành thủ lĩnh của tuổi trẻ LLVT Quân khu 9, anh đã gắn bó với công tác đoàn trong quân đội hơn 20 năm. Nhắc đến anh, không chỉ riêng cán bộ trong Quân khu 9 mà còn cả các tỉnh đoàn, thành đoàn đều yêu mến và ngưỡng mộ bởi anh có nhiều mô hình, chương trình hoạt động, phong trào mới lạ, hấp dẫn, hiệu quả.

Bước đột phá đầu tiên phải kể đến là Hội trại khối các trung, lữ đoàn đủ quân và khối bộ CHQS 12 tỉnh, thành phố (thuộc Quân khu 9) được diễn ra hằng năm xoay vòng các đơn vị đăng cai tổ chức. Xuất phát từ ý tưởng tổ chức một hoạt động mang tính “diễn tập tổng hợp” về công tác đoàn, trực tiếp nâng cao kỹ năng toàn diện cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp, Lê Công Hạnh đã chủ động tham mưu, đưa vào chương trình hội trại nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, như: Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm, tặng quà gia đình người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; xây tặng nhà đồng đội; tổ chức hoạt động kỹ năng lều trại... Các hoạt động này luôn được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. Sau 12 lần tổ chức, tuổi trẻ Quân khu 9 đã phối hợp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí hơn 6.000 suất, tặng 4.000 phần quà, xây tặng hàng chục căn nhà đồng đội... với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Các hoạt động đó không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên LLVT Quân khu 9 mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, để lại dấu ấn tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Lê Công Hạnh (thứ hai, từ trái sang) cùng cán bộ, chiến sĩ vận chuyển nước ngọt hỗ trợ bà con vùng hạn mặn Sóc Trăng (ảnh chụp năm 2016). 

Như được chắp thêm đôi cánh, từ khi kiêm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2015-2020, Lê Công Hạnh đã tâm huyết khởi đầu nhiều phong trào giàu ý nghĩa. Tiêu biểu như năm 2015, triển khai mô hình “Dã ngoại tiếp sức mùa thi”, hoạt động này đã tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, nhường 1.000 chỗ nghỉ cho thí sinh và gia đình từ các tỉnh về cụm thi Cần Thơ, An Giang tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Năm 2016, trước “cơn khát nước ngọt” tại các tỉnh, thành phố miền Tây, anh đã tham mưu, đề xuất với thủ trưởng các cấp phát động Phong trào thi đua “Thanh niên quân khu xung kích, tình nguyện giúp dân vùng hạn mặn”...

Lan tỏa các phong trào thi đua kể trên, 100% tổ chức cơ sở đoàn trong Quân khu 9 phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành địa phương tích cực tham gia hoạt động khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, như: Khai thông, nạo vét kênh mương dẫn nước ngọt, đào đường ống dẫn nước; đắp đê ngăn mặn, đào giếng, vận chuyển nước uống, nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân. Trong các hoạt động này, hơn 7.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã hưởng ứng tham gia, đồng thời vận động quyên góp hỗ trợ nhân dân với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Nói về phong trào thi đua ấy, Thượng tá Lê Công Hạnh cho biết: “Khi thấy bà con phải đương đầu với tình trạng thiếu nước ngọt, với sức trẻ, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, mình không thể ngồi yên được! Đây chính là lúc nhân dân, địa phương cần mình nhất, đồng thời cũng là việc làm thể hiện sâu sắc nhất vai trò của tuổi trẻ LLVT trong xung kích, tình nguyện đi đầu ở những nơi khó, việc khó”.

Một tấm gương người thật, việc thật sẽ hơn ngàn bài thuyết giảng là điều mà cán bộ, chiến sĩ thấy được từ những gì Lê Công Hạnh mang lại cho tập thể đơn vị. Trưởng thành từ công tác đoàn đã mang lại cho anh những cột mốc đáng nhớ trên con đường binh nghiệp: 2 lần thăng quân hàm trước niên hạn; 4 lần vinh dự tham gia đoàn sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam giao lưu tại nước ngoài; 4 bằng khen của Bộ Quốc phòng (từ năm 2015 đến 2019); điển hình tiêu biểu của toàn quân trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, giai đoạn 2014-2019; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2019...

Chia sẻ về thành tích đạt được, Thượng tá Lê Công Hạnh khiêm tốn bảo: “Để có được những phần thưởng đó là nhờ sự tin tưởng, quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên và tinh thần không ngại khó, ngại khổ của đồng chí, đồng đội đã đồng hành với tôi trong suốt chặng đường qua. Bản thân tôi luôn biết ơn và không ngừng cố gắng để xứng đáng với những phần thưởng đạt được”.

Đến cán bộ gương mẫu, trách nhiệm

Cuối năm 2020, tạm xa công tác Đoàn, anh đảm nhận cương vị Chính ủy Lữ đoàn Pháo phòng không 226, Quân khu 9. Tinh thần “không ngừng đổi mới” năm nào của người cán bộ đoàn vẫn sục sôi theo từng nhịp đập trái tim. Trên cương vị mới, anh đã cùng Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn tạo chuyển biến tích cực trong nhiều hoạt động tại đơn vị. Điển hình trong các mô hình, cách làm hay tạo nên sự chuyển biến hiệu quả đó là mô hình “Chi bộ 4 tốt” (phẩm chất đạo đức tốt; năng lực công tác tốt; tinh thần trách nhiệm tốt; chấp hành kỷ luật tốt). Nổi bật của mô hình này là đã nhìn nhận được hạn chế, khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên để từ đó chi bộ đưa ra phương hướng, biện pháp giúp đỡ đảng viên khắc phục khuyết điểm, không ngừng tiến bộ.

Nhiều lần có dịp đi cùng anh Hạnh xuống các đơn vị trực thuộc lữ đoàn, tôi càng hiểu hơn tại sao cán bộ, chiến sĩ đơn vị lại rất quý mến, trân trọng anh. Vẫn tác phong nhanh nhẹn, ân cần, gần gũi như lần đầu tôi gặp, anh luôn đặt một câu hỏi quen thuộc với mỗi đơn vị: “Hiện tại, đơn vị còn gặp điều gì khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ?”. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hạnh cho biết: “Phải biết đặt mình vào vị trí người cán bộ quản lý, chỉ huy đơn vị và bản thân mình cũng từng trải qua những cương vị đó, thì lúc đó, mình nghe, hiểu và có thể chia sẻ, giúp đỡ được họ. Để cán bộ tiến bộ, không phải lúc nào cũng phê bình, chỉ trích, tạo ra những áp lực mà quên đi việc động viên, giúp đỡ anh em!”.

Với lòng hăng say, nhiệt huyết, gương mẫu đi đầu, Lê Công Hạnh đã cùng cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn Pháo phòng không 226 lãnh đạo, chỉ huy đơn vị liên tục hai năm liền (2020, 2021) nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

Nói về người đồng đội có trái tim “lửa cháy”, Đại tá Nguyễn Văn Cao, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo phòng không 226 cho biết: “Không chỉ là người nhạy bén, linh hoạt trong công tác, anh Hạnh còn là tấm gương về đạo đức, lối sống và là trung tâm, cầu nối của đoàn kết nội bộ. Luôn phát huy tinh thần dân chủ, gần gũi, sâu sát với cấp dưới, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị tại đơn vị ngày càng có nhiều tiến bộ vững chắc, đạt được hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, Lê Công Hạnh còn tích cực học tập, trau dồi, nghiên cứu thêm về chuyên ngành pháo phòng không để tham mưu giúp Đảng ủy lữ đoàn ra nghị quyết lãnh đạo sát đúng, nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác của đơn vị. Đó cũng là nhân tố góp phần quan trọng để Lữ đoàn Pháo phòng không 226 hai năm liền nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng”.

Tháng 10-2021, Thượng tá Lê Công Hạnh được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bến Tre. Trên cương vị mới, anh nhanh chóng nắm bắt tình hình đơn vị, tích cực học tập, nghiên cứu sâu hơn công tác quân sự địa phương; làm tốt công tác tham mưu với cấp trên, thực hiện hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; hoạt động phối hợp với sở, ngành địa phương được thực hiện một cách nhịp nhàng, chặt chẽ. Từ đó, anh cũng như đơn vị luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, yêu mến.

Ngày anh Hạnh nhận nhiệm vụ mới cũng là lúc miền Tây Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng phải căng mình chiến đấu với "giặc Covid-19". Nhớ lúc anh mới nhận công tác, tôi gọi điện chúc mừng, hỏi thăm thì được biết, anh đang trên xe cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, mặc dù lúc ấy đồng hồ đã điểm gần 12 giờ trưa.

Càng biết nhiều hơn về Lê Công Hạnh, tôi càng trân trọng ở anh hai điều, đó là trách nhiệm và lòng nhiệt huyết. Chính việc xem thành tích là động lực, lấy việc được cống hiến sức lực, tài năng làm mục tiêu đã giúp Lê Công Hạnh cùng với tập thể đơn vị đi đến đích cuối cùng là hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: THÀNH NHÂN