Ông đã hiến đất, hiến rừng, hiến kế và đóng góp nhiều công sức, khơi dậy tinh thần đoàn kết của người dân nơi cư trú.

Tìm cách làm lợi cho dân

Khi chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Bát thì ông đang hì hụi đào hố xây dựng công trình xử lý phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học. Ông bảo: “Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có công trình này để xử lý chất thải. Đây là một trong những tiêu chí về môi trường để đạt đô thị văn minh. Tôi phải làm trước để bà con làm theo”.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông kể, từ năm 2012, ông làm tổ trưởng tổ dân phố, rồi năm 2017 làm bí thư chi bộ cho đến nay. Nhớ lại năm 2014, lúc bấy giờ, tổ dân phố số 5 mới được sáp nhập từ tổ dân phố số 9 với tổ dân phố số 11. Hạ tầng, thiết chế văn hóa rất thấp, khoảng cách giữa hai cụm dân cư gần 5km, đường giao thông liên tổ dân phố đang là đường đất hoặc bê tông đã xuống cấp.

Muốn rút ngắn khoảng cách giữa hai cụm dân cư thì phải mở con đường mới để nhân dân thuận lợi trong đi lại, sinh hoạt, lao động sản xuất, trao đổi hàng hóa. Khảo sát thiết kế con đường có chiều dài 1km, trong đó có khoảng 2.800m2 đi qua đất vườn và đất rừng trồng của gia đình ông Bát. Nếu phải đền bù theo quy định thì ngân sách của thị trấn Tây Sơn không có, trong khi còn phải lo kinh phí làm đường. Trước tình thế đó, ông Bát đã vận động gia đình hiến toàn bộ 2.800m2 đất đã được cấp sổ đỏ mà trên đó đang trồng 1.000 cây keo hơn hai năm tuổi và hơn 100 cây ăn quả các loại...

Ông Nguyễn Văn Bát, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 5, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) làm kinh tế giỏi. 

Tổng trị giá đất và tài sản trên đất lúc ấy là gần 300 triệu đồng. Ông Bát cùng Ban Công tác Mặt trận đã bỏ ra nhiều ngày, đi đến từng hộ gia đình để vận động, tạo sự đồng thuận trong việc làm đường. Việc lập dự toán công trình cũng được căn ke sao cho tiết giảm đến mức thấp nhất sự đóng góp của người dân, nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng công trình.

Việc huy động nội lực từ bà con lúc bấy giờ quả thực khó khăn, ông Nguyễn Văn Bát quyết định nêu gương đi đầu, làm trước, hỗ trợ máy móc, dụng cụ trị giá gần 20 triệu đồng để san ủi, trộn bê tông và không nhận tiền giám sát trong 3 tháng để hỗ trợ tiền nước uống cho bà con làm đường. Xi măng thì được Nhà nước hỗ trợ. Người dân chỉ phải đóng kinh phí mua cát, sỏi và đóng góp công lao động.

Với sự chỉ đạo, đóng góp của Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát, kinh phí làm đường đã giảm 2/3 so với dự toán ban đầu. Sau gần 3 tháng, con đường dài 1km, rộng 10m đã hoàn thành, bảo đảm về chất lượng với tổng số tiền làm đường gần 800 triệu đồng.

Đảng viên đi trước

Đầu năm 2020, tổ dân phố số 5 là đơn vị duy nhất của thị trấn Tây Sơn chưa có nhà văn hóa nên chưa đạt chuẩn tổ dân phố văn hóa. Chủ trương của cấp ủy, chính quyền đề ra: Trong năm 2020, mục tiêu 6/6 tổ dân phố đều đạt tổ dân phố văn hóa. Là người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Bát trăn trở nhiều đêm và quyết tâm thực hiện. Ông Bát nêu chủ trương, bàn bạc với cấp ủy, với chi bộ và Ban Công tác Mặt trận, tiến hành họp dân nhằm thuyết phục, tạo sự đồng thuận.

Tuy nhiên, trong năm 2020 xảy ra nhiều thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của bà con. Đã có nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện được. Ông Bát cùng tập thể cán bộ, đảng viên của chi bộ quyết tâm thực hiện và dành nhiều thời gian đi vận động nhân dân ủng hộ.

Ông Bát “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, gửi thư ngỏ kêu gọi bà con xa quê có điều kiện kinh tế, các mạnh thường quân ủng hộ, đồng thời, ông tìm cách mua lại vật liệu các công trình xây dựng thanh lý để tiết kiệm chi phí. Chi bộ cũng đã huy động đảng viên, đoàn viên và những người dân có sức khỏe, có tay nghề xây dựng, thành lập tổ xây dựng cùng đóng góp sức lực thi công nhà văn hóa.

Chính Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát cũng là thành viên tổ này. Thời điểm giữa tháng 6, thời tiết nắng như đổ lửa, gió Tây thổi ràn rạt, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát cùng bà con nhân dân lăn lộn ngày đêm xây dựng nhà văn hóa. Ông Bát vừa góp sức vừa vận động gia đình ủng hộ 7 triệu đồng và hàng trăm ngày công. Ông cũng đội nắng mưa, xuôi ngược tìm mua vật liệu, trông coi, giám sát thi công...

Từ các khâu thiết kế, chi phí, vật liệu đều được đưa ra nhân dân bàn thảo kỹ rồi mới triển khai thực hiện. Với những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, tổ dân phố số 5 đã hoàn thành nhà văn hóa khang trang với diện tích 120m2 sử dụng và 320m2 khuôn viên trị giá 350 triệu đồng.

Nói chuyện với chúng tôi, ông bảo: "Muốn bà con làm theo thì mình phải xông xáo, bắt tay làm đầu tiên theo đúng phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vì thế, ở tổ dân phố số 5, theo gương ông Bát, nhiều người dân trước còn thờ ơ với phong trào địa phương thì nay đã thay đổi nhận thức, hăng hái, tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn minh, góp phần thúc đẩy các phong trào của tổ dân phố lên đứng tốp đầu của thị trấn. 

Ông Trần Hải Hoàn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tây Sơn cho biết: “5 năm qua, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát cùng đội ngũ cán bộ tổ dân phố số 5 đã vận động nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công làm đường giao thông; làm mới, nâng cấp 5km đường điện thắp sáng đường quê; làm bồn hoa, mương cứng; 5,1km đường bê tông, xây dựng cổng làng, xây mới nhà văn hóa... với tổng số tiền huy động 2,2 tỷ đồng. Đồng chí Bát đã phát huy được vai trò nêu gương của người đứng đầu, thể hiện trong lời nói đi đôi với việc làm, từ đó đã tạo được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân”.

Làm kinh tế giỏi

Năm 1985, ông Nguyễn Văn Bát hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Trở về quê, ông trở thành công nhân cầu đường, rồi nghỉ theo chế độ 176, về làm nông dân, tham gia các công việc xã hội ở địa phương.

Khi tham gia vào công việc tập thể, ông Nguyễn Văn Bát luôn xông xáo, đặt lợi ích của tập thể, của người dân lên trên hết. Khi về cuộc sống thường ngày, ông chăm chỉ làm lụng, nghĩ cách phát triển kinh tế gia đình. Ông tích cực cải tạo vườn tạp, khoanh nuôi rừng, kết hợp chăn nuôi.

Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Bát nhận quản lý 1ha rừng tự nhiên, 14ha rừng trồng cây lâu năm, 10.000m2 đất vườn trồng rau, quả, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nuôi 15-20 con hươu, 10 con lợn nái sinh sản, 3-5 con bò sinh sản và hơn 500 con gia cầm, 20 con dê, 2 ao thả cá, 150 cây chuối tiêu hồng. Ông có hai con trai đang lao động ở nước ngoài. Tổng thu nhập gia đình ông hơn 500 triệu đồng/năm.

Có điều kiện kinh tế, ông thường xuyên hỗ trợ cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với nhiều gia đình trong tổ dân phố có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ thoát nghèo. Như mới đây, ông Bát hỗ trợ nhiều ngày công xây dựng công trình vệ sinh cho bà Phan Thị Thanh; hỗ trợ cây giống cho gia đình các ông: Phạm Quang Tâm, Nguyễn Xuân Võ, Thái Vĩnh...

Những lời nói và việc làm của Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát có uy tín cao trong dân. Khi phát động bất cứ phong trào nào, bà con trong tổ dân phố đều tin tưởng, ủng hộ và đoàn kết để thực hiện. Nhiều năm liên tục, đồng chí Nguyễn Văn Bát là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bát được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021; được huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Ông Bát tâm niệm: “Tôi vẫn học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Tôi thấy rõ rằng, cứ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, không vụ lợi, chí công vô tư ắt người dân sẽ tin tưởng, đồng tình, ủng hộ”.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ