Nghỉ hưu, Đại tá Lê Minh Trí-ông Ba Trí không chọn cách sống vui thú điền viên mà bằng nhiều việc làm thiết thực là “chiếc cầu nối” xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ người nghèo, cựu chiến binh khó khăn... vươn lên trong cuộc sống.
Ông Bụt giữa đời thường
Tôi men theo lối mòn tìm đến căn nhà tình thương nép bên bìa rừng đước phòng hộ của em Trần Hữu Dự (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Một gia cảnh neo đơn đến tội vì cả cha lẫn mẹ của em Dự đã qua đời trong một vụ tai nạn vào 5 năm trước. Khi đó, Dự học lớp 6 thì lâm cảnh mồ côi. May nhờ nghĩa cử của ông Ba bộ đội (cách gọi trìu mến của dân địa phương dành cho Đại tá Lê Minh Trí) mà Dự có được nhà tình thương để ở, học bổng hằng tháng để em trang trải cuộc sống và cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa.
“Trong lúc cuộc đời em lâm vào cảnh bi đát nhất thì ông Ba bộ đội xuất hiện như một ông tiên, ông bụt. Ông đã vận động tiền cất nhà cho em ở, cấp cho em tiền học bổng hằng tháng để đi học và động viên tinh thần để em vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo của đời mình. Học xong lớp 12, nếu đủ điều kiện để được tuyển dụng em sẽ tình nguyện phục vụ trong quân đội lâu dài như cuộc đời đáng kính của ông Ba bộ đội”, Dự chia sẻ.
Qua tìm hiểu, tại ấp Thạnh Hòa, còn hai trường hợp là học sinh có hoàn cảnh bi đát tương tự như em Dự cũng được ông Ba bộ đội giúp đỡ liên tục gần chục năm qua. Trong cảnh mồ côi và nhiều cám dỗ ở tuổi mới lớn nhưng các em vẫn vững vàng, học hành chăm chỉ và ngoan ngoãn theo lời dạy dỗ của ông.
 |
Ông Ba Trí cùng lãnh đạo các cấp và mạnh thường quân trao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách trên địa bàn xã (ông Ba Trí người đứng sau áo cam hàng trước). |
Những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cũng là những ngày mưa gió liên hồi, "vòi rồng" quét xuống khu vực ven biển Bến Tre gây cho hàng trăm hộ dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất” giữa dịch. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn, ông Ba bộ đội cứ thường trực một nỗi buồn vời vợi trên đôi mi trắng. Không phải vì ông lo lắng những trận mưa to, lốc xoáy như vòi rồng tiếp theo làm hư hại căn nhà đã vượt được 10 vụ mưa, bão của mình! Điều ông canh cánh khi phải “chôn chân” tại nhà, lo rằng những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn xã Thạnh Phong sẽ không có cái ăn, nhà cửa của họ bị "vòi rồng" quét qua làm hư hại, lại lâm cảnh khốn cùng...!
Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, ông Ba bộ đội đã trích lương hưu của mình 10 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ một số chi hội cựu chiến binh xã gặp khó khăn. Đồng thời, ông cũng vận động các mạnh thường quân và thông qua chính quyền địa phương trao 200 suất quà (gồm gạo và các nhu yếu phẩm) mỗi suất 200.000 đồng tặng bà con nghèo, khó khăn trên địa bàn xã nhà và các xã lân cận để họ vượt qua đại dịch.
Tấm gương sáng ở địa phương
Đại tá Lê Minh Trí sinh ra và lớn lên trên vùng đất Anh hùng Thạnh Phong-đầu cầu tiếp nhận vũ khí chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ bé, ông Trí luôn tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất Anh hùng và sớm hôm trông thấy những bộ đội anh dũng lên đường làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc. Vì lẽ đó, năm 1971, Lê Minh Trí xin gia đình nhập ngũ tại Đoàn 962 nơi mà có những đồng chí tham gia tại Bến nhận vũ khí Bắc-Nam (Bến A101 huyền thoại). Sau đó, ông tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Tại đây, ông đã vào sinh ra tử trong nhiều trận đánh lớn, được hơn một năm, đơn vị gọi về đi học nghiệp vụ. Ra trường, Lê Minh Trí được cử lại nước bạn Campuchia làm chuyên gia hơn 3 năm rưỡi. Quá trình công tác ông được đồng đội, các cấp yêu mến và chỉ huy tạo điều kiện đi đào tạo cơ bản, trải qua nhiều chức vụ khác nhau đến Phó trung đoàn trưởng-Tham mưu trưởng Trung đoàn Giang thuyền 962, Quân khu 9. Năm 2005, Đại tá Lê Minh Trí về hưu từ chức vụ Phó trưởng phòng Dân quân tự vệ, Quân khu 9.
“Suốt hơn 35 năm binh nghiệp, lúc chiến tranh lửa đạn cũng như hòa bình, hình ảnh những người mẹ nghèo, những đứa trẻ mồ côi... khốn khổ của quê hương Thạnh Phong gió cát biển luôn ở trong trái tim tôi. Tâm nguyện của tôi khi tham gia bộ đội là giúp đỡ cho những người dễ bị tổn thương đó có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Thế là sau khi về hưu, tôi quyết định khăn gói về quê hương Thạnh Phong để sẻ chia với bà con nghèo và dõi theo sự phát triển kinh tế-xã hội của nơi chôn nhau cắt rốn của mình”, Đại tá Lê Minh Trí chia sẻ.
Bằng lối sống giản dị, gương mẫu và những nghĩa cử cao đẹp tại quê nhà Thạnh Phong, năm 2010, Đại tá Lê Minh Trí được bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa. Ngoài ra, ông còn kiêm chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Phong.
Thống kê của UBND xã Thạnh Phong cho biết, từ khi về sinh sống trên địa bàn xã, mỗi năm, ông Ba bộ đội tự trích lương hưu, vận động đóng góp từ 5-7 căn nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa và nhà tình thương cho người nghèo. Tổng giá trị của 75 căn nhà mà ông Ba bộ đội vận động hỗ trợ bà con là hơn 3 tỷ đồng. Ngoài nhà ở, ông còn vận động từ các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 2.000 suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, tổng giá trị hơn 500 triệu đồng; 180 suất học bổng cho học sinh là con em gia đình nghèo vượt khó học giỏi, tổng giá trị 120,5 triệu đồng; 25.000 quyển sách và xe đạp cho học sinh nghèo, tổng trị giá là 125 triệu đồng,...
Đồng chí Trần Minh Tạo, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong khẳng định, đồng chí Ba Trí là một cán bộ quân đội nghỉ hưu có phẩm chất đạo đức tốt, được bà con địa phương vô cùng yêu mến. “Cuộc đời binh nghiệp và lối sống giản dị, giàu tình cảm của chú Ba Trí là tấm gương sáng ở địa phương. Đặc biệt, nhiều lần địa phương gặp khó khăn trong vận động người dân hiến đất làm đường, làm công trình nông thôn mới, hoặc một số hộ dân chưa đồng thuận làm theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì chỉ cần chú Ba bộ đội xuất hiện, phân tích điều thiệt hơn là bà con nghe lọt tai và vui vẻ làm theo”, ông Tạo cho hay.
Với những đóng góp của mình trong 16 năm ở xã Thạnh Phong, Đại tá Lê Minh Trí được UBND tỉnh Bến Tre tặng 5 bằng khen, UBMTTQ tỉnh Bến Tre tặng 3 bằng khen, Hội CCB tỉnh Bến Tre tặng 3 bằng khen, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre tặng 4 bằng khen.
Bài và ảnh: ĐẶNG THẠCH