"Chắp cánh tương lai" cho học sinh, sinh viên nghèo

Ở tuổi 72, nhiều người chọn cách nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu nhưng bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TP Hồ Chí Minh lại chọn những chuyến đi gieo tinh thần học tập, nghị lực vươn lên cho học sinh hoàn cảnh khó khăn như một lẽ sống. Nhắc đến bà là nhắc đến học bổng khuyến học Huỳnh Văn Một và học bổng nghề "Chắp cánh tương lai". Công việc hằng ngày của bác sĩ Tâm rất bận rộn, từ việc cập nhật danh sách học sinh ở các địa phương gửi về đến nắm bắt tình hình học tập của những học sinh, sinh viên đang thụ hưởng các học bổng, công tác vận động kinh phí học bổng, phối hợp tổ chức những hoạt động an sinh xã hội...

Bà Tâm tham gia lực lượng dân y của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 19 tuổi, Huỳnh Thị Minh Tâm vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trải qua nhiều giai đoạn của kháng chiến, dù ở vị trí công tác, đơn vị nào, bà vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng, bà đi học hoàn thiện đại học ngành bác sĩ nhi và công tác tại nhiều đơn vị. Năm 2002, bà xin nghỉ hưu sớm, tiếp tục đi học chuyên môn về siêu âm tim, siêu âm tổng quát... và tham gia hoạt động xã hội.

Bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm trong một lần trao học bổng khuyến học Huỳnh Văn Một tặng học sinh nghèo hiếu học. 

Chia sẻ về chương trình học bổng, bác sĩ Tâm bộc bạch: “Nhiều lần trở lại thăm quê hương Long An và những nơi kháng chiến khi xưa ở Tây Ninh, Đồng Nai..., chứng kiến các cháu học sinh phải dang dở học tập do hoàn cảnh quá khó khăn, tôi trăn trở cần làm việc gì đó cho các cháu. Khi tôi đọc được hồi ký của cha-nhà cách mạng Huỳnh Văn Một, tôi cảm phục tinh thần kiên trung, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cũng như sự che chở, đùm bọc của người dân ở những nơi cha tôi từng hoạt động cách mạng. Tôi quyết tâm triển khai thực hiện học bổng khuyến học mang tên Huỳnh Văn Một để tiếp sức đến trường cho học sinh nơi đây”.

Lúc đầu triển khai thực hiện, bà Tâm sử dụng lương hưu, huy động thêm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng đóng góp kinh phí. Với mong muốn học bổng khuyến học Huỳnh Văn Một là động lực lâu dài, bà quyết định xây dựng học bổng tiếp sức dài hạn cho mỗi học sinh. Nghĩa là, nếu học sinh bảo đảm đủ tiêu chí, phấn đấu vươn lên đạt kết quả học tốt thì sẽ nhận học bổng từ cấp đầu tiên đến hết bậc trung học phổ thông. Với tâm niệm, học bổng là động viên, khích lệ chứ không phải quà biếu hay làm chiếu lệ, bà trực tiếp đến từng địa phương khảo sát, chọn đúng đối tượng để trao. Bà đã thực hiện hành trình đến những vùng quê cách mạng, vùng biên giới khó khăn như: Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai); Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu (Tây Ninh); Củ Chi, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh)... để trao học bổng như một lời tri ân thế hệ trước và tiếp sức cho ước mơ của thế hệ trẻ. Nhiều người biết được tấm lòng cao đẹp của bà nên đã hỗ trợ, đóng góp cho quỹ học bổng khuyến học.

Năm 2013, bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm vận động thành lập Quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TP Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là quỹ) và làm giám đốc của quỹ, giúp học bổng khuyến học Huỳnh Văn Một hoạt động định kỳ, chất lượng tốt hơn, cũng như xét trao tặng số lượng nhiều hơn. Ngoài trao học bổng, bà Tâm còn vận động trao quần áo, tập, sách, dụng cụ học tập, xe đạp... tặng những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đêm hội trăng rằm, tặng bánh trung thu cho trẻ em tại các điểm trường biên giới. Quỹ cũng vận động xây cầu bê tông, xây nhà tình thương cho gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cùng với học bổng khuyến học, bác sĩ Tâm luôn đau đáu chuyện việc làm cho thế hệ trẻ nên bà đã tham mưu cho quỹ triển khai học bổng nghề “Chắp cánh tương lai”, là học bổng toàn phần cho học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp nghề. Phần lớn sinh viên nhận học bổng nghề này đều nối tiếp từ học bổng khuyến học Huỳnh Văn Một. Bà Tâm cho biết: “Trước yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là bổ sung đội ngũ này về góp sức xây dựng các vùng quê còn khó khăn, chúng tôi triển khai Chương trình “Chắp cánh tương lai”. Điều đáng mừng là trong quá trình đi vận động, một số đơn vị đã đồng tình ủng hộ, tham gia đồng hành. Trong đó, tiêu biểu như: Trường Trung cấp Âu Việt, Trường Cao đẳng Kinh tế-Công nghệ TP Hồ Chí Minh”.

Thầy Bùi Xuân Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt cho biết: “Bác sĩ Tâm là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập, sự chia sẻ yêu thương và nguồn cảm hứng không ngừng vươn lên cho mọi người. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến sự phát triển của thế hệ trẻ, nhất là học sinh hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chúng tôi đồng hành với quỹ và đến nay đã hỗ trợ học nghề cho hơn 40 học sinh. Các học sinh này sau khi tốt nghiệp đều được nhà trường và quỹ hỗ trợ việc làm đúng chuyên môn, ổn định công tác. Ngoài ra, còn có 9 học sinh được tham gia thực tập sinh ngành điều dưỡng tại Nhật Bản và hiện đã có 6 em đang làm việc và học tập tại Nhật Bản”.

Nhắc đến bác sĩ Tâm, bạn Lê Trí Bảo (ngụ tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) xúc động tâm sự rằng: “Cha tôi mất từ năm 2017, mẹ phải lao động vất vả nhưng kinh tế gia đình rất khó khăn. Nếu không có học bổng từ bà Tâm thì tôi đã gác lại con đường học tập. Quỹ còn tặng gia đình tôi căn nhà tình thương để ổn định cuộc sống. Tôi đang theo học nghề điều dưỡng để sau này trở thành thầy thuốc giỏi, giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người”. Không riêng Trí Bảo, phần lớn học sinh, sinh viên nhận học bổng nghề “Chắp cánh tương lai” đều chọn ngành y như: Điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ y học cổ truyền... với mong muốn noi gương theo bà Tâm và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các địa bàn còn khó khăn.

Thời gian qua, bà Tâm còn cùng quỹ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai hoạt động hướng nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, dạy võ cổ truyền, các lớp tâm sinh lý vị thành niên, an toàn học đường... Đồng thời, hỗ trợ phát triển phong trào thể thao học đường nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện thể chất cho học sinh, góp phần cải thiện tầm vóc cho thế hệ trẻ. Hiệu quả từ các hoạt động trên đã từng bước kết nối thêm những tấm lòng nhân ái, mang đến cho các em niềm vui và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

"Còn sức thì tôi vẫn đi"

Ngoài chăm lo học bổng, bác sĩ Tâm đã xin phép thành lập Trung tâm Chắp cánh tương lai để xây dựng mái nhà chung cho các học sinh, sinh viên được nhận học bổng “Chắp cánh tương lai”. Các sinh viên tự quản lý, sinh sống hòa thuận như một gia đình. Bên cạnh một phần kinh phí chăm lo từ quỹ, các sinh viên tại trung tâm chủ động làm thêm, thu mua rau, củ, quả ở các chợ đầu mối về bán cho người dân xung quanh. Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối biết về bà Tâm, hoạt động nghĩa tình của trung tâm nên chia sẻ phần rau, củ, quả mà không lấy tiền để giúp đỡ sinh viên.

Anh Huỳnh Văn Mẫn, Giám đốc Trung tâm Chắp cánh tương lai cho biết: “Trung tâm là đơn vị từ thiện xã hội trực thuộc quỹ, đã nuôi dưỡng, chở che cho gần 50 lượt học sinh, sinh viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng. Cô Tâm hướng dẫn chỉ dạy rất tận tình về cách làm người, sự sẻ chia cộng đồng. Hằng tháng, mỗi người đều tự nhận 5 ưu điểm và 5 khuyết điểm để báo cáo lại với cô. Cô luôn quan tâm nắm rõ tình hình phát triển của từng người và bao dung, chăm lo mọi người ở trung tâm như người thân trong gia đình. Vì vậy, học sinh, sinh viên ở đây đều gọi cô với cái tên thân thương “mẹ Tâm”. Nhiều bạn trẻ cảm phục tấm lòng của cô đã xin làm tình nguyện viên cho quỹ và trung tâm để cùng lan tỏa những đều tốt đẹp đến cộng đồng”.

Sinh viên Lê Huyền Nhi (sinh năm 2001, ngụ tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bộc bạch: “Tôi đang theo học ngành điều dưỡng Trường Cao đẳng Kinh tế Công Nghệ TP Hồ Chí Minh. Học bổng từ mẹ Tâm mang đến nguồn động lực về tinh thần quý giá giúp tôi vượt qua những thử thách lớn trong cuộc sống. Không chỉ sâu sát trong cuộc sống, mẹ Tâm còn luôn động viên, truyền năng lượng tích cực, là người thầy giúp tôi vững tin bước tiếp trên con đường học vấn để có tương lai tươi sáng. Tôi sẽ luôn đồng hành hoạt động với mẹ Tâm bằng khả năng phù hợp”.

Gần 55 tuổi Đảng, bên cạnh hoạt động từ thiện, bà Tâm thường tham gia các buổi nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ, kể về người cha, về hào khí đáng tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương... Trong năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Tâm cùng quỹ đã vận động thực hiện Chương trình “Giữ bàn tay em sạch xinh-phòng, chống dịch Covid-19” trao gần 200 máy rửa tay sát khuẩn tự động cùng dung dịch sát khuẩn tặng các trường học tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh... Bác sĩ Tâm đang ấp ủ dự án phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thực hiện giải thưởng mang tên Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Dương Long dành cho các sinh viên có công trình nghiên cứu về sử học, thực hiện dự án hỗ trợ kinh phí học tập cho 500 học sinh nghèo vượt khó tại TP Hồ Chí Minh thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố.

Bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm tâm sự: “Tôi đã vào sinh ra tử trong kháng chiến, hiểu được giá trị to lớn của hòa bình, độc lập. Còn sức thì tôi vẫn đi, vẫn làm, vẫn muốn tiếp thêm nghị lực cho các cháu học sinh, sinh viên. Góp sức chăm lo cho thế hệ trẻ cũng chính là cách tri ân đối với sự hy sinh xương máu của đồng chí, đồng đội và thế hệ đi trước. Tôi nguyện sống xứng đáng với chữ “Tâm” mà cha mẹ đã đặt tên”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG