Nhiều năm vượt sông đưa người đi cấp cứu

Ấp Đông Định thuộc xã Tân Thuận Đông có hơn 4.300 nhân khẩu bị ngăn cách bởi hai nhánh rẽ của con sông Tiền. Mỗi khi người dân gặp sự cố về sức khỏe, hầu hết đều trông cậy vào chiếc tắc ráng cấp cứu của ông Thuận nên mọi người vẫn gọi ông là “ông Thuận cấp cứu”.

Từ trung tâm TP Cao Lãnh qua hai chuyến đò ngang mới đến được nhà ông Thuận. Ngồi trên con đò, tôi nghe người dân kể rằng, bất kể ban ngày hay đêm khuya, ông Thuận đầu tóc bạc trắng đều nhiệt tình chuyển bệnh nhân vượt sông cấp cứu miễn phí. Ông Nguyễn Văn Lập, 49 tuổi, là tài công đưa đò sang ấp Đông Định, xởi lởi: “Ở xã Tân Thuận Đông này ai cũng biết chú Thuận. Chú là người duy nhất chuyển bệnh nhân cấp cứu miễn phí bằng chiếc tắc ráng. Bất kỳ người nào gọi điện nhờ đưa bệnh nhân vào đất liền chữa bệnh chú đều nhận lời”. Số điện thoại tiếp nhận cấp cứu 0857874219 của ông Thuận được dán công khai ở Ban nhân dân ấp Đông Định để người dân được biết. Tôi lấy điện thoại gọi cho ông Thuận để hẹn phỏng vấn. Ông vừa nghe máy liền hỏi dồn: “Đưa người cấp cứu phải không? Địa điểm bệnh nhân ở chỗ nào? Chờ tôi tới liền...”.

Tôi tìm đến nhà ông Thuận. Ông vừa rót trà vừa kể: “Năm 2007, trong một lần bàn với một số người bạn về việc làm từ thiện, tôi nảy ra ý định mua chiếc tắc ráng cũ để phục vụ việc cấp cứu bệnh nhân. Thấy tôi làm việc nghĩa, có người đã tặng tôi chiếc tắc ráng cũ, chỉ bán chiếc máy hiệu honda với giá 1,5 triệu đồng. Từ ấp Đông Định, bệnh nhân muốn đến bệnh viện đa khoa tỉnh phải qua hai chuyến đò, mất khoảng một giờ đồng hồ. Nếu vào đêm khuya thì thời gian chờ đò còn lâu hơn nữa, trường hợp người bệnh nặng sẽ khó được cấp cứu kịp thời. Với chiếc tắc ráng công suất lớn, tôi chỉ mất khoảng 10 phút là có thể đưa bệnh nhân vào bờ". 

Ban đầu, chiếc tắc ráng của ông Thuận nhỏ, tốc độ thấp, vượt sông gặp gió lớn, sóng to dễ gặp nguy hiểm. Thấy vậy, Công an xã Tân Thuận Đông cho ông mượn chiếc tắc ráng với tải trọng một tấn. Ông tự bỏ 12 triệu đồng để mua chiếc máy công suất 20 mã lực. Ông Nguyễn Văn Thuận trải lòng: “Có chiếc tắc ráng to hơn, công suất lớn hơn rồi nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Quá trình đưa bệnh nhân đi cấp cứu vẫn thấy sốt ruột dữ lắm! Tôi muốn có chiếc tắc ráng lớn hơn, tốc độ vượt sông nhanh hơn để phục vụ bệnh nhân kịp thời”. Nghĩ là làm, ông Thuận tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ để mua chiếc tắc ráng tải trọng hai tấn với giá 25 triệu đồng và bỏ 14 triệu đồng tiết kiệm để mua chiếc máy 40 mã lực.

Ông Thuận cấp cứu” xem lại cuốn sổ viết tay thống kê số lần chuyển bệnh nhân cấp cứu từ năm 2007. 

Ông Thuận lấy cuốn sổ tay trong tủ ghi đầy đủ thông tin mỗi lần cấp cứu bệnh nhân, lật giở từng trang cho chúng tôi xem. Cuốn sổ được ông ghi chép từ năm 2007 đến nay đã cũ dần theo thời gian. Danh sách dài khiến ông không thể nhớ hết, nhưng có những kỷ niệm ông không thể nào quên. “Những ngày đầu mới lái tắc ráng cấp cứu vào đêm khuya, trời tối đen như mực, chưa quen, tôi đâu thấy đường mà điều khiển. Có khi chiếc tắc ráng vướng vào bãi bồi, tôi phải nhảy xuống, một mình ì ạch đẩy ra khỏi bờ đất để tiếp tục đưa người dân đi cấp cứu. Có đêm khuya, đưa bệnh nhân xong quay về nhà gặp trời mưa, xuất hiện gió lớn, sóng to đánh, cũng may là vẫn về nhà an toàn...”, ông Thuận nhớ lại. Tuổi cao, một mình lênh đênh qua hai nhánh rẽ của con sông Tiền giữa đêm cũng khiến ông lo lắng, nhưng theo lời ông Thuận: “Mỗi lần lo lắng trong lòng, tôi liền nghĩ đến việc bằng mọi giá phải kịp thời cấp cứu người bệnh nên quên đi cảm giác lo sợ ấy. Cứ thế, dòng sông như cảm nhận được việc làm của tôi nên suốt hành trình nhiều năm vượt sông cứu người, chuyến nào cũng an toàn...”.

Không để gián đoạn việc cấp cứu bệnh nhân

Ngồi tiếp chuyện tôi mà chuông điện thoại của ông Nguyễn Văn Thuận cứ reo liên tục, khiến cuộc trò chuyện bị gián đoạn nhiều lần. Ông vui vẻ giải thích: “Lúc nào tôi cũng giữ điện thoại bên người. Tôi phải trực điện thoại 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân đưa đi cấp cứu”.

Các con của ông Thuận đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Ông sống chung với người con trai thứ, cùng chăm sóc 6 công đất vườn trồng xoài và nhãn. Cuộc sống gia đình ổn định nên ông dành thời gian và đóng góp tiền làm việc thiện. Mỗi khi chuyển bệnh nhân cấp cứu, không bao giờ ông nhận bất cứ khoản tiền nào của họ. Chính điều này làm cho nhiều người nể phục, quý trọng tấm lòng của ông. Ông Thuận chia sẻ: “Tôi tâm niệm, làm việc thiện nguyện giúp người thì không bao giờ được nhận tiền. Nhiều trường hợp thân nhân của người bệnh cố tình nhét tiền vào túi áo của tôi, nhưng tôi đều kiên quyết trả lại”.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Văn Thuận vẫn rất hăng say với công việc thường ngày. Ngoài thời gian làm việc nhà, ông thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, đổ thêm dầu vào máy và khởi động cho máy nổ thử, kịp thời phát hiện sự cố để sẵn sàng cơ động, cấp cứu bệnh nhân 24/24 giờ. Ông vừa đưa tôi đi cùng để kiểm tra phương tiện vừa bộc bạch: “Tôi làm công việc này riết rồi cũng quen. Tôi phải kiểm tra phương tiện thường xuyên vì khi có bệnh nhân cấp cứu mà gặp sự cố là không thể đưa đến bệnh viện kịp thời. Máy móc đâu biết nó hư hỏng lúc nào nên tôi phải kiểm tra cho chắc chắn”.

Năm 2018, vợ và các con thấy ông Thuận tuổi cũng đã cao, sức khỏe có phần giảm sút nên khuyên ông ở nhà nghỉ ngơi, đi trên sông gặp mưa to gió lớn, sóng dữ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nghe lời khuyên của gia đình, ông Thuận giao lại công việc cho người con trai tên Nguyễn Quốc Việt, 34 tuổi. Anh Việt đảm đương nhiệm vụ lái tắc ráng thay ông khi có bệnh nhân yêu cầu. Ông quả quyết: “Tôi giao lại cho con nhưng khi nó vắng nhà hoặc có những trường hợp đặc biệt thì tôi vẫn trực tiếp lái tắc ráng đưa người đi cấp cứu. Sức khỏe của tôi vẫn bảo đảm để làm công việc này. Trong bất kỳ điều kiện nào cũng không để gián đoạn việc vận chuyển bệnh nhân”.

Ngoài việc tiếp nhận thông tin bệnh nhân cấp cứu, giao nhiệm vụ cho con trai hoặc trực tiếp lái tắc ráng chở bệnh nhân vượt sông, cứ có thời gian rảnh rỗi là ông Nguyễn Văn Thuận lại cùng với những người bạn trong ấp đi tìm cây thuốc Nam mang về chặt nhỏ, phơi khô, mang đến tặng các phòng chẩn trị y học cổ truyền để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng”, ông Thuận được tín nhiệm giao làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Đông Định. Công việc chủ yếu của ông là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, tuyên truyền thanh thiếu niên không vi phạm pháp luật, không tham gia vào tệ nạn xã hội. Ông Thuận còn tham gia thành lập mô hình “Nắm gạo tình thương” để tiết kiệm theo gương Bác. Từ mô hình này, hằng tháng nhiều người nghèo trong ấp đã được tặng gạo, tặng quà...

Ông Huỳnh Ngọc Tường, Phó trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Thuận có tấm lòng tương thân tương ái. Bất cứ thời điểm nào cũng sẵn sàng vượt sông chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Ông Thuận còn đứng ra thành lập các tổ từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Gia đình ông cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động từ thiện xã hội, được chính quyền và bà con trong ấp tin tưởng, yêu mến”. 

Bài và ảnh: DƯƠNG ÚT