QĐND - Hơn 8 năm làm công tác thiện nguyện, từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của người “vác tù và hàng tổng”, thế nhưng chưa một lần chị Trần Thị Nhung, giáo viên Trường THCS Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) có ý định dừng lại. Chị coi mỗi việc mình làm là để nhân lên tình người, giống như tên gọi của câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện mà chị là chủ nhiệm: Từ trái tim đến trái tim.
Từ chương trình 200 hộp sữa
Chúng tôi gặp cô giáo Trần Thị Nhung tại nhà riêng. Chị vừa bị cảm nắng vì một ngày tất bật đưa các tình nguyện viên vào Bệnh viện Quân y 103 để tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3. Nước da vẫn xanh tái, vậy mà khi nhắc đến cái “duyên” với những hoạt động vì cộng đồng, ánh mắt chị lại sáng rỡ, long lanh. Được biết, chị Nhung là một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 1 và sau đó đã trở thành người kết nối để có thêm nhiều tình nguyện viên tham gia ở các giai đoạn tiếp theo. Tính đến nay, chị đã kết nối được hơn 500 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax với mong muốn đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm có vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất.
 |
Chị Trần Thị Nhung và các nhà hảo tâm trong chuyến thiện nguyện tại Mù Cang Chải, Yên Bái, tháng 4-2021. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nhớ lại những ngày đầu đến với công việc thiện nguyện, chị Nhung cho biết: "Tháng 5-2013, trong một lần đi phát cháo từ thiện cùng người bạn tại Bệnh viện K cơ sở 2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), hình ảnh những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nằm bẹp trên giường không thể ăn được cơm, cháo khiến tôi bị ám ảnh. Thương nhất là những bệnh nhi còn quá nhỏ tuổi. Sự đau đớn khiến các em không thể ăn được dù là một chút cháo. Lúc ấy, tôi và người bạn đã ra cửa hàng bách hóa ở cổng viện “vét” hết tiền trong túi mua được 100 hộp sữa. Khi trở lại phòng bệnh, trao đến hộp sữa cuối cùng mà số bệnh nhi chưa được nhận vẫn còn nhiều, tôi nảy ra ý định kêu gọi cộng đồng góp sức để giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn".
Sau đó, Trần Thị Nhung đã chia sẻ và viết lời kêu gọi trên Facebook cá nhân. Ngay lập tức chị nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè, người thân, học sinh, sinh viên, phụ huynh và những nhà hảo tâm. Rồi CLB “Từ trái tim đến trái tim” do chị làm chủ nhiệm được thành lập với mục đích chia sẻ “200 hộp sữa mỗi tuần cho bệnh nhân ung thư”. Dù nắng hay mưa, mỗi tuần 200 hộp sữa đã được chị và thành viên CLB chuyển đến tận tay bệnh nhân ở Bệnh viện K cơ sở 2 và cơ sở 3.
Khi bắt đầu công việc này, chị Nhung cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng càng làm, chị càng nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. “Tiếng lành đồn xa”, từ 200 hộp sữa/tuần, đến nay, chị Nhung đã kêu gọi được từ 1.200 đến 1.400 hộp/tuần để CLB dành tặng bệnh nhân người lớn 3 hộp/tuần, bệnh nhi là 6 hộp/tuần.
Đến hành trình nhân lên việc tử tế
Không chỉ dừng ở việc phát sữa cho bệnh nhân ung thư, từ năm 2015, chị Nhung lại có thêm nhiều sáng kiến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Biết đến xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi tham gia một chương trình truyền hình, tận mắt thấy hoàn cảnh khó khăn của những người cả đời phải gắn bó với bệnh viện, chị thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Chị đã kêu gọi tặng gạo cho bệnh nhân chạy thận ở đây. Vậy là cứ mỗi tháng một lần, các thành viên CLB lại cùng đến đây để trao tặng 5kg gạo cho mỗi bệnh nhân.
 |
Cô giáo Trần Thị Nhung (thứ hai, từ trái sang) tặng quà các thầy cô giáo tại điểm trường Cô Đông, Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai), tháng 11-2020. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Đồng hành với các cộng sự, chị bắt đầu tổ chức các chương trình như: Trung thu cho em, Tết cho người nghèo... ở các bệnh viện lớn, các trung tâm chăm sóc trẻ em, khu làng chài... Cứ mỗi khi tổ chức một hoạt động, chị lại kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm với hàng nghìn suất quà tặng các em. Từ năm 2018, chị Nhung mong muốn “nối dài” cánh tay của CLB khi quyết định đi tìm hiểu thực tế để xây dựng các điểm trường cho trẻ em vùng cao. Chị trực tiếp tới các điểm trường xa xôi ở vùng cao Tây Bắc. Mỗi lần đi thực tế là mỗi lần chứng kiến thêm những khó khăn, vất vả của thầy trò vùng cao. Tận mắt thấy các em trong những bộ quần áo phong phanh, những đôi chân đỏ sưng vì lạnh ngồi học dưới những căn nhà tranh vách đất, gió lùa thông thống, chị Nhung thấy xót xa vô cùng. Nếu ở thành phố, giáo viên phải đối mặt với các tiêu chuẩn thi đua thì với thầy cô ở vùng cao đôi khi "tiêu chuẩn" chỉ là... giữ cho các con đi học đầy đủ. Và lớp học khang trang chính là lý do để các con thích đến trường. Chị Nhung kể: “Có đi thực tế mới thấy, giáo viên và học sinh vùng cao phải dạy và học trong điều kiện khắc nghiệt thế nào. Mình cũng là giáo viên nên càng đồng cảm...”. Giáo viên vùng cao thường ở điểm trường từ thứ hai đến thứ bảy mới được về vì đường đi lại khó khăn nhưng chỗ ở lại rất tạm bợ. Khi xây các điểm trường, chị đã nghĩ ngay đến xây các phòng ở cho giáo viên với mong muốn: “Để các thầy cô thêm vững lòng với sự nghiệp giáo dục”.
Đến nay, chị Nhung và các cộng sự đã kêu gọi xây dựng được 6 điểm trường ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái như: Trường Tiểu học Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La), điểm trường Háng Bla Ha, xã Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), điểm trường Nậm Pẻn 1, Trường Mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai)... Khi đến với đồng bào vùng cao, xe của chị luôn chật ních chăn, áo ấm cho trẻ em và cả... cây giống để tặng bà con. Hiện tại, chị đang tiến hành các thủ tục để xây dựng Trường Mầm non Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng số tiền chị Nhung vận động để xây các điểm trường đến nay gần 2 tỷ đồng; và tổng số tiền thiện nguyện qua 8 năm là gần 6,5 tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bệnh viện K Tân Triều, Bắc Giang và Bắc Ninh, chị Nhung đã kêu gọi ủng hộ được gần 400 triệu đồng mua các trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để ủng hộ và trực tiếp mang tặng các y, bác sĩ và lực lượng chống dịch ở Bắc Giang.
 |
Cô giáo Trần Thị Nhung với trẻ em vùng cao trong một chuyến thiện nguyện tại Mù Cang Chải, Yên Bái, đầu tháng 4-2021.
|
Từ trái tim đến trái tim
Là giáo viên tiếng Anh dạy giỏi nhiều năm liền kiêm Tổng phụ trách đội của Trường THCS Giáp Bát, công việc chuyên môn của chị cũng khá bận rộn. Thế nên, chị Nhung thường dành hai ngày nghỉ cuối tuần để "toàn tâm toàn ý" với công việc từ thiện. CLB thiện nguyện “Từ trái tim đến trái tim” hoạt động đến nay đã được hơn 8 năm, với số thành viên thường trực từ 40 đến 50 người, còn số thành viên không thường trực lên đến hàng trăm người. Chính sự tận tâm, hết mình vì cộng đồng của chị đã truyền cảm hứng để nhiều người gắn bó với CLB. Chị có cả những thành viên danh dự mới... 1 tuổi khi bố, mẹ đều cùng tham gia CLB và đưa cả em theo trong những chuyến thiện nguyện. Kể về các thành viên CLB, chị Nhung không giấu sự trân trọng, biết ơn. Chính tấm lòng đã đưa họ từ những người xa lạ đến sát cánh cùng chị. Anh Hoàng Đức Cường, 24 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Từ năm 2016, tôi biết đến cô Nhung qua một người bạn và gắn bó với CLB từ đó cho đến nay. Chính cô đã truyền cảm hứng để tôi đến với công việc thiện nguyện. Tôi là thợ sửa chữa điện nước tại nhà nên có nhiều thời gian rảnh để sát cánh cùng cô Nhung hơn".
 |
Cô giáo Trần Thị Nhung (thứ tư, từ phải sang) và các thành viên Câu lạc bộ "Từ trái tim đến trái tim" trong chuyến thiện nguyện ở Phong Thổ, Lai Châu, tháng 12-2019. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Theo chị Nhung, những việc chị và CLB đang làm không quan trọng bởi giá trị vật chất mà cái lớn hơn là tình người được lan tỏa, sẻ chia. Những mạnh thường quân của CLB đến từ nhiều thành phần, lứa tuổi. Cứ mỗi tuần, nhóm của chị lại cử một bộ phận để “vuốt” cho phẳng phiu những đồng tiền lẻ 2.000, 5.000 đồng ủng hộ của học sinh, mà khi trao cho chị, các em đã nói: “Con nhịn ăn sáng để ủng hộ các bạn”. Có những nhà hảo tâm thì luôn nhắc: “Nếu có chương trình gì nhớ nhắn cho chị nhé”, cũng có người thì chia sẻ: “Rất hạnh phúc vì được tham gia thiện nguyện cùng em”... Đó chính là động lực để chị không từ bỏ mỗi khi gặp khó khăn.
“Trong hành trình yêu thương suốt những năm qua, có những giai đoạn tôi phải sống trong nước mắt vì bị chỉ trích, hiểu lầm. Nhưng rồi tôi cũng cố gắng vượt qua bởi tự thấy thanh thản với lương tâm. Tôi nhớ mãi lời một thành viên CLB trong những giai đoạn khó khăn ấy: “Cô đã tự chọn con đường đi quá nhiều sự vất vả. Vì thế, điều gì đưa cô đến với con đường này thì cô nên vì nó mà vượt qua”. Và tôi chợt nghĩ, chính niềm vui của những bệnh nhân, những hoàn cảnh khó khăn và sự tin tưởng của những nhà hảo tâm là món quà vô giá để mình tiếp tục gieo những việc tử tế”, chị Nhung chia sẻ.
Chia tay cô giáo Trần Thị Nhung, chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về những chia sẻ của chị, một người luôn muốn đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng. Từ năm 2015, với suy nghĩ "sống có ích cho xã hội thì chết cũng muốn có lợi cho cộng đồng" chị Nhung đã đăng ký hiến tạng cho y học sau khi qua đời và là người kết nối, lan tỏa để gần 100 người cũng tình nguyện đăng ký hiến tạng!
PHẠM THU THỦY