Chúng tôi gặp nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của UBND tỉnh Điện Biên.

Khi cái tên Quàng Thị Nguyệt vang lên giữa hội trường với kết quả phiếu đạt tỷ lệ 77,26% số phiếu hợp lệ, xếp thứ 3 trong danh sách đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Điện Biên, rất nhiều ý kiến bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Mọi ánh mắt hướng về cô gái dân tộc Khơ Mú, gửi gắm niềm tin, kỳ vọng với sức trẻ của mình, nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Điện Biên cũng như cả nước.

Chị Quàng Thị Nguyệt nghiên cứu chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV. 

Khác với những lần trước, niềm vui đang lộ rõ trên nét mặt tươi rói, với phong thái chững chạc tự tin của cô gái trẻ đến từ dân tộc Khơ Mú ở huyện Mường Chà. Quàng Thị Nguyệt cho hay, việc trở thành nữ ĐBQH là niềm vinh dự tự hào không chỉ của bản thân mà cả gia đình và thôn bản. "Từ khi có kết quả bầu cử rất nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm chúc mừng. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy có chút áp lực. Thời gian tới mình phải làm gì để góp phần đưa tiếng nói của dân bản đến với các cấp chính quyền; dân bản có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển, cuộc sống bớt khó khăn, ấm no hơn", niềm trăn trở của Nguyệt cũng là mong muốn của đông đảo cử tri khi cầm lá phiếu trên tay bầu cho Nguyệt.

Tuổi thơ tràn đầy khát vọng

Cô gái Khơ Mú Quàng Thị Nguyệt sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh chị em ở xã Mường Mươn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Cũng như nhiều dân bản, Nguyệt có 1 tuổi thơ gian khó. Bố mẹ Nguyệt làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Gia đình đông anh em, từ nhỏ Nguyệt đã phải lặn lội giúp bố mẹ làm ruộng mưu sinh qua ngày. Lên lớp 6, Quàng Thị Nguyệt đã phải rời xa ngôi nhà nhỏ ở bản Búng Giắt để đi học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THPT huyện Mường Chà. Trường học cách nhà hơn 20km, đường đồi núi nên chẳng mấy khi Nguyệt về thăm nhà.

Sống xa vòng tay bố mẹ từ nhỏ nên Nguyệt đã rèn cho mình tính độc lập, tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nguyệt thích nhất là môn Toán và Văn, từng nhiều lần vào đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp. Bởi đức tính ham học hỏi, biết chia sẻ với mọi người nên Nguyệt được thầy cô, bạn bè quý mến.

Chị Quàng Thị Nguyệt nghiên cứu chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV. 

Năm chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, chị gái Nguyệt muốn em mình có cuộc sống an nhàn, nên khuyên em gái sớm lấy một tấm chồng rồi về bản làm nông, sinh con, vợ chồng mưu sinh qua ngày. Thế nhưng Nguyệt lại có suy nghĩ khác: “Từ lúc sinh ra tôi đã thấy cảnh bố mẹ lam lũ, vất vả, dân bản còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, trẻ con không được đến lớp. Tất cả cũng vì không được đi học đến nơi đến chốn, nên tôi luôn tự nhắc mình quyết tâm nuôi giấc mơ trở thành sinh viên đại học ở Hà Nội. Gia đình tôi lúc đó chưa có ai học lên đại học nên lại càng quyết tâm”.

Bố mẹ Nguyệt thương con, không phản đối nhưng có lần mẹ Nguyệt tâm sự: Nhà mình nghèo, nếu đi học sẽ lấy đâu tiền để đóng học phí. Rồi nay mai học xong có xin được việc không? Khó khăn hiện ra trước mắt nhưng không cản được ước mơ, hoài bão của Nguyệt.

Thương con, bố mẹ Nguyệt tằn tiện những đồng bạc cuối cùng trong nhà nhờ bán thóc, bán heo để cho Nguyệt lên đường thi đại học. Rồi niềm vui cũng đến. Năm 2015, Nguyệt nhận được thông báo trúng tuyển vào chuyên ngành Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Bà con thôn bản đến chúc mừng Nguyệt và kỳ vọng nay mai Nguyệt sẽ lập nghiệp trở về giúp dân bản vơi bớt khó khăn.

Tấm lòng bao dung, nhân hậu

Là cô gái dân tộc Khơ Mú, quanh năm chỉ biết làm bạn với núi đồi, đồng ruộng bởi vậy khi trở về Hà Nội trở thành sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, Nguyệt gặp không ít khó khăn.

“Buồn nhất là những ngày lễ, Tết, bạn bè ở ký túc xá của trường nhà gần đều về thăm nhà. Để tiết kiệm tiền cho bố mẹ tôi không dám về nhiều. Có năm còn đón Tết ở trường”, Nguyệt tâm sự. Để có tiền trang trải cho việc học tập, sinh hoạt hằng ngày Nguyệt cũng theo các bạn đi làm thêm.

Khác với nhóm bạn đi gia sư hay làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn thì Nguyệt chọn công việc chăm sóc các em nhỏ khuyết tật để làm thêm. Nguyệt cho biết, do ngành học mà em theo đuổi là công tác xã hội, đòi hỏi tiếp xúc với các tầng lớp xã hội, đặc biệt là người yếu thế, trẻ em, người già, người khuyết tật nên em muốn thử sức mình.

Năm học thứ 2, Nguyệt nhận chăm sóc cho một em nhỏ học lớp 3, gia đình ở Hà Nội. Em nhỏ bị khiếm khuyết về tinh thần, bình thường vẫn lên lớp dạy học theo chương trình đặc biệt nhưng khi về nhà thì thường ngồi một chỗ không nói không cười, hỏi gì cũng không trả lời, đôi khi có nhiều hành động rất khó hiểu.

Nguyệt tâm sự: “Công việc của em là kèm cặp dạy em đó bổ túc chương trình trên lớp, cũng như chăm lo sinh hoạt cho em. Việc chăm sóc một em nhỏ bình thường đã khó khăn, nhưng để chăm lo được cho một em nhỏ khiếm khuyết về tinh thần thực sự với em là một thử thách. Nhưng với những gì được học trên lớp về phương pháp ứng xử với người yếu thế, trẻ em, người già, khuyết tật em đã được gia đình tin tưởng và giao chăm sóc cho em nhỏ trong nhiều năm”.

Một ngày tại gia đình của nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Trong quá trình học tập Nguyệt được tham gia nhiều chuyến thực tế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang. Nguyệt nhớ nhất là lần gặp một bác gái trung niên bị khuyết tật về mắt, bác già yếu sống một mình không ai chăm sóc nên phải vào Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Quảng Ninh.

“Hằng ngày tôi đến trợ giúp bác sinh hoạt nhưng mới đầu bác rất hay gắt gỏng, không vừa ý. Biết vậy, nhiều lần tôi ngồi tâm sự với bác, một thời gian sau thấy bác, vui vẻ hơn. Hai bác cháu tâm sự, chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của mình. Bác gọi tôi bằng con, và mong hằng ngày được trò chuyện với tôi. Ngày tôi chia tay về trường học, bác ấy khóc, bịn rịn, như thể mất đi người thân của mình vậy. Tôi rất cảm động và thương bác”, Nguyệt tâm sự.

Quyết tâm xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình

Năm 2019 sau khi tốt nghiệp Học viện Phụ nữ Việt Nam, Nguyệt trở về quê hương Mường Chà làm hồ sơ thi công chức nhưng chưa có kết quả. Năm 2020, Nguyệt lập gia đình, chồng Nguyệt là thợ cơ khí, thu nhập chỉ tạm đủ sinh hoạt tối thiểu. Khi 2 vợ chồng có con đầu lòng, cuộc sống càng thêm vất vả. Để trang trải cuộc sống hằng ngày, vào vụ mùa Nguyệt gửi con cho mẹ rồi ra đồng cày cấy, gieo mạ, trồng ngô, trồng sắn, lúc nông nhàn thì ở nhà bán hàng tạp hóa.

Chị Quàng Thị Nguyệt trình bày chương trình hành động tại một buổi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Năm 2019, Nguyệt là hội viên Hội Phụ nữ bản Búng Giắt. Từ khi tham gia hoạt động hội, Nguyệt thường theo đoàn công tác hội đến tuyên truyền vận động các hội viên thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vừa qua tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở Điện Biên, phát huy vai trò tổ tự quản ở các thôn bản, Nguyệt cũng tham gia cùng tuyên truyền dân bản phòng, chống dịch Covid-19, tự khai báo y tế, thực hiện quy tắc 5K.

Trong kỳ bầu cử ĐBQH và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, Nguyệt là cử nhân đại học, lại hoạt động hội tâm huyết nên được Hội Nông dân lập danh sách làm ứng cử viên ĐBQH. Nguyệt cho hay: “Mới đầu tôi không tự tin lắm nhưng được sự tin tưởng của chính quyền địa phương, sự quan tâm của gia đình, nên tôi cố gắng làm tốt công việc của mình trong quá trình tiếp xúc cử tri trước bầu cử”.

 Vì đang có con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi nên quá trình tham gia tiếp xúc cử tri Nguyệt đều phải nhờ mẹ đi theo để trông con. Dân bản Búng Giắt vốn không lạ lẫm cô gái Nguyệt trẻ người, xinh xắn lại có học thức nên các buổi tiếp xúc cử tri ai cũng tranh thủ lo xong việc đồng áng để đến chia sẻ tâm sự với Nguyệt. Mỗi lần tiếp xúc dân bản Nguyệt đều lắng nghe tiếp thu ý kiến của người dân và mong muốn sự tin tưởng, ủng hộ, để tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri gửi gắm.

Nói về chương trình hành động của mình khi tiếp xúc cử tri, Quàng Thị Nguyệt cho biết: Mường Mươn là xã miền núi khó khăn, với 4 dân tộc (Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh) cùng sinh sống. Trong cộng đồng hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến, nhất là định kiến trọng nam khinh nữ. Bản thân từ nhỏ Nguyệt cũng mang mặc cảm tự ti. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, từng bước loại bỏ được những định kiến “trọng nam khinh nữ”, các vụ bạo hành gia đình có xu hướng giảm theo từng năm.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như: Phong tục tập quán và trình độ nhận thức nên vấn đề “trọng nam khinh nữ”, bạo lực gia đình vẫn diễn ra và vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề mà nhiều cử tri rất quan tâm, nhất là những cử tri thuộc thành phần yếu thế trong xã hội.

Việc trúng cử ĐBQH khóa XV cũng chính là bắt đầu chặng đường ĐBQH Quàng Thị Nguyệt thực hiện lời hứa của mình với cử tri đã nêu trong chương trình hành động. Nguyệt cho biết, sẽ cùng các ĐBQH kiến nghị những giải pháp mang tính chiến lược, đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới việc thực hiện bình đẳng giới cả phương diện pháp luật và thực tiễn. Qua đó, góp phần giúp người dân bản Búng Giắt, xã Mường Mươn, cũng như đồng bào các DTTS tỉnh Điện Biên sẽ có cuộc sống tươi đẹp, ấm no hơn...

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN