Là đảng viên trẻ, Nguyệt Thanh luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nhận việc khó, chấp nhận thử thách để rèn luyện và trưởng thành. Chị còn là tấm gương sáng về tinh thần tự rèn luyện bản thân, xây dựng lối sống đẹp, góp phần lan tỏa sự sáng tạo, ngọn lửa tình nguyện cho thanh niên.
Nghiên cứu khoa học để chăm sóc sức khỏe người dân
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh sinh năm 1995, tốt nghiệp ngành y đa khoa tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngay khi bước chân vào môi trường đại học, Nguyệt Thanh đã dành niềm đam mê cho nghiên cứu khoa học để có thể tìm ra các phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Nguyệt Thanh và các cộng sự mang tính thực tế, được đánh giá cao và ứng dụng vào cuộc sống.
Một trong những đề tài đầu tiên của Nguyệt Thanh là “Cộng đồng nguồn tạng sống”-đề tài đã giành giải nhì trong Cuộc thi “Giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng” năm 2016 do Bộ Y tế tổ chức. Nguyệt Thanh xây dựng đề tài từ hiệu quả các ca ghép tạng thành công trên thế giới, nhất là mô hình hiệu quả từ Hoa Kỳ. Chị đã phân tích thực trạng, những khó khăn trên nhiều khía cạnh về chính sách, văn hóa, tôn giáo... của việc hiến tạng, ghép tạng mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đề tài đưa ra đề xuất và cũng là mong muốn lớn nhất của Nguyệt Thanh: Xây dựng một cộng đồng cho những người đã đăng ký hiến, ghép tạng có cơ hội được gặp nhau, giao lưu và sẽ là đại sứ cho các chiến dịch truyền thông về việc hiến, ghép tạng.
 |
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh hướng dẫn trẻ em các biện pháp phòng, chống dịch trong chuyến công tác tình nguyện tại địa bàn dân cư. |
Nguyệt Thanh còn đề xuất công trình nghiên cứu “Hiệu quả sử dụng ánh sáng đỏ trong thiết lập tĩnh mạch ngoại biên” nhằm phân loại các nhóm bệnh nhi cần được tiếp cận thận trọng trong quá trình thiết lập tĩnh mạch ngoại biên, góp phần làm tăng hiệu quả, giảm thời gian và chi phí điều trị. Đề tài đã giành giải nhì “Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ XV” năm 2019 và giải nhất “Hội nghị khoa học trẻ ứng dụng công nghệ sinh-y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng lần 1” năm 2019.
Chia sẻ về lý do đến với ngành y, Nguyệt Thanh tâm sự rằng, do mẹ chị bị bệnh tim bẩm sinh, còn bố bị hen suyễn nên chị muốn làm bác sĩ để chăm sóc được tốt nhất cho những người thân yêu của mình và mọi người xung quanh. Khi trở thành sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, được tới thực tập tại nhiều bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, cùng với các bác sĩ tham gia nhiều ca phẫu thuật cứu sống người bệnh, chị càng trân trọng và yêu nghề.
Với suy nghĩ như vậy, ngay khi tốt nghiệp và được làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh, bác sĩ Nguyệt Thanh đã tập trung nghiên cứu các đề tài về chuyên ngành huyết học, ung thư. Đây cũng là tâm huyết của chị và chị muốn thử sức ở lĩnh vực mới, khi nhận thấy các bệnh lý về máu đang có xu hướng tăng lên. Hiện tại, chị và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh cũng đang thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm cho phụ nữ dưới góc nhìn chuyên sâu. Điểm khác biệt của Nguyệt Thanh là khi làm các đề tài nghiên cứu, chị mời các sinh viên cùng tham gia để trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Dấu ấn đặc biệt trong phòng, chống dịch
Ngoài những nỗ lực vượt bậc trong chuyên môn, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh còn được mọi người yêu mến với tinh thần tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi đang là sinh viên năm cuối, chị đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 với vai trò là Trưởng nhóm Thông tin đội hình giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, Nguyệt Thanh đang công tác ở trường nhưng xung phong tình nguyện tham gia chống dịch trên mọi “mặt trận”, như: Lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vaccine, giám sát lấy mẫu xét nghiệm... với tần suất công việc kéo dài từ sáng đến tối.
Ngay khi được trở về nhà nghỉ ngơi vài ngày, chị tiếp tục vận động các thế hệ trong gia đình, người thân làm tấm chắn giọt bắn để gửi tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và người dân. Hơn 25.000 tấm chắn giọt bắn của gia đình bác sĩ Nguyệt Thanh đã được gửi đến các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn các quận: 12, Gò Vấp, Bình Thạnh... Cùng với đó, chị và gia đình thực hiện nấu, vận chuyển mỗi ngày hơn 400 suất cơm tặng các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Nguyệt Thanh còn tích cực vận động, kết nối nhiều vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho các cơ sở y tế và người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly ở quận 4, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh...
Điểm nhấn đặc biệt trong tham gia chống dịch của Nguyệt Thanh là khi chị đến thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Cấp cứu 115 dã chiến từ tháng 7 đến 10-2021. Với vai trò là Phó chỉ huy trung tâm, chị đã cùng hơn 250 tình nguyện viên xử lý mỗi ngày từ 4.000 đến 6.000 cuộc cấp cứu và các tình huống dịch bệnh. Ngày cũng như đêm, tiếng chuông của 60 đường dây tổng đài cứ reo liên tục. Các tổ tiếp nhận thông tin, tổ lọc bệnh, tổ điều phối của trung tâm đều làm việc hết công suất.
Các tình nguyện viên làm việc theo ca, mỗi ngày 8 tiếng, riêng chị làm từ 8 giờ đến 20 giờ để chăm lo mọi việc. Nhằm giúp tình nguyện viên vượt qua áp lực về tinh thần, chị luôn nhắn nhủ mọi người trước khi tiếp nhận một cuộc gọi đến hãy nghĩ đó là người nhà của mình để tìm mọi cách tốt nhất giúp họ. Chị còn xây dựng “Cẩm nang Tổng đài Cấp cứu 115” làm cơ sở để đề xuất lãnh đạo thành phố trong việc nâng cấp và mở rộng Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, góp phần giảng dạy điều dưỡng khối ngành cấp cứu ngoại viện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Nguyệt Thanh nhớ lại: “Chúng tôi có một tổ đặc biệt tập trung xử lý các ca rất nặng và tìm cách chuyển viện cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Thế nhưng, cũng có trường hợp không cứu kịp, chúng tôi rất đau lòng. Do đó, xử lý được ca nào, cả đội mừng lắm. Với các ca trực đêm, tôi dặn tình nguyện viên cố gắng đừng ngủ quên, vì nếu lỡ chợp mắt dù chỉ ít phút đều có thể đánh đổi bằng tính mạng con người. Trong quá trình giám sát, có trường hợp nào nguy kịch, tôi liền vào làm tổng đài viên, điều phối viên để làm sao người bệnh được chăm sóc tốt nhất. Vì vậy, các tình nguyện viên hay gọi tôi với biệt danh “chuyên gia ca khó”.
Trăn trở lớn nhất của bác sĩ Nguyệt Thanh chính là lúc biết tin cả gia đình chị đều bị nhiễm Covid-19, trong khi chị đang thực hiện nhiệm vụ ở tổng đài nên không thể có mặt chăm sóc bố mẹ. “Đó là giai đoạn đỉnh dịch, nhiều nơi trong thành phố chuyển thành vùng đỏ, kể cả quận 4-nơi gia đình tôi sinh sống. Mẹ tôi trong quá trình đi tham gia từ thiện không may bị nhiễm bệnh, sau đó, bố tôi cũng trở thành F0. Tôi không nghĩ có lúc mình lại phải tư vấn điều trị từ xa cho chính bố mẹ mình”, Nguyệt Thanh nhớ lại.
Là một bác sĩ trẻ năng động, Nguyệt Thanh luôn chấp nhận nhiều thử thách mới để có cơ hội rèn luyện các kỹ năng, trau dồi kiến thức. Chị đã tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe, có các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Vừa đảm nhiệm chuyên môn, bác sĩ Nguyệt Thanh hiện còn là Phó bí thư Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu y sinh, Chi ủy viên Chi bộ Sinh viên 2 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Nguyệt Thanh luôn sống và nghĩ cho mọi người. Theo chị, phải nỗ lực không ngừng và đoàn kết thì mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Bác sĩ Nguyệt Thanh tâm sự: “Tham gia chống dịch Covid-19 như một chuyến đi của tuổi trẻ. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được cống hiến, phục vụ cộng đồng. Sau quá trình tình nguyện chống dịch, việc thích ứng được với mọi khó khăn, thử thách càng tôi luyện, thôi thúc tôi tiếp tục các dự án tình nguyện khác. Ngay trong dịp Tết vừa qua, tôi đã vận động bạn bè, nhà hảo tâm trao 200 phần quà tặng những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 4”.
Hiện tại, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chia sẻ thêm về dự định tương lai, chị mong muốn trở thành một nghiên cứu sinh về lĩnh vực tế bào gốc trong chuyên ngành huyết học-truyền máu nhằm tập trung giải quyết các bệnh lý cho bệnh nhi mắc các bệnh ác tính về máu. Về lâu dài, chị muốn nghiên cứu sâu hơn về huyết học, tế bào gốc nhằm đóng góp nhiều hơn cho nền y học Việt Nam và góp sức đào tạo ra nhiều bác sĩ giỏi để chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài và ảnh: LÊ TRẦN