Dường như anh đã quá hiểu rằng sau khi kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) sẽ lại lao đi với hàng núi công việc: Gặp đối tác để cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; thảo luận về việc ứng phó biến đổi khí hậu hay hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Lịch làm việc kín mít
Công việc của Elisa rất bận nên chị luôn đúng hẹn. Hoàng Bích Thảo, nhân viên của UN Women nói tôi thông cảm với sự bận rộn của "sếp" khi hẹn phóng viên phỏng vấn cả vào giờ nghỉ trưa: “Anh đợi chút. Elisa vừa mới xong công việc sáng nay nên chị đang tranh thủ ăn trưa, chỉ một lát thôi”. Biết Elisa bận nhiều việc trên cương vị Trưởng đại diện UN Women nhưng tôi nghĩ, đã là trưởng đại diện thì có thể cho phép cá nhân thoải mái một chút, chị có thể lùi thời gian hẹn gặp tôi lại 15 phút, 30 phút chẳng hạn, để ăn uống, nghỉ ngơi cho hợp lý. Chứ làm việc "thông tầm" thế này, hẳn ảnh hưởng tới sức khỏe lắm. Nhưng từng có lần, Elisa bảo tôi: “Thời gian không đợi ai cả”. Tôi hiểu ý chị.
Tôi từng có lần chắp nối các sự kiện và thấy lịch làm việc của chị kín từ sáng đến khuya: Sáng họp nội bộ UN Women, sau đó mọi người tỏa đi xử lý công việc. Elisa sang Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam bàn về việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ miền núi, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau đó chị lại vùi đầu vào đống giấy tờ, góp ý cho các báo cáo, nghiên cứu. Chiều, vị Trưởng đại diện UN Women sang họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rồi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức phi chính phủ... Đến tối, Elisa họp với tổng bộ bên New York (Mỹ) hoặc thảo luận, nghiên cứu các chính sách, kế hoạch giúp đỡ phụ nữ, trẻ em trên toàn cầu với các đồng nghiệp ở các quốc gia khác.
 |
Elisa với phụ nữ Việt Nam. |
Tinh thần làm việc cần mẫn, hết lòng vì nụ cười, hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em Việt Nam nơi Elisa đã truyền cảm hứng cho 17 nhân viên UN Women, trong tòa nhà LHQ ở Hà Nội. Tôi cảm nhận sự thân thiện, thái độ làm việc cực kỳ chuyên nghiệp, hết lòng vì phụ nữ, trẻ em Việt Nam của mỗi nhân viên ở đây mà tôi gặp, trao đổi công việc... Cuộc trò chuyện lần gần nhất giữa tôi và chị Elisa ban đầu được lên kịch bản khá chi tiết (vì ý định ban đầu của tôi là phỏng vấn), xoay quanh nhiều chủ đề nhưng cuối cùng lại chẳng đi theo kịch bản nào. Cuộc “hỏi-đáp” diễn ra vô cùng tự nhiên bởi sự mến khách của UN Women và cũng bởi vì tổ chức này có nhiều chuyện hay, mà hay hơn cả chính là chị Elisa.
Tôi rất muốn Elisa nói về thành tựu những năm qua của UN Women nhưng chị lại kiệm lời, không muốn kể về thành tích. Elisa bảo điều khiến chị tự hào nhất về UN Women chính là các nhân viên làm việc tại tổ chức này luôn cam kết và thực hiện đúng những gì cần phải làm để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Nghe “to tát” nhưng đi sâu vào, tôi thấy toàn những chuyện thực tế, “sát sườn”. Ngay sau đợt bão lũ ở miền Trung năm ngoái, UN Women đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Quảng Trị. Nói về chuyện này, chị Elisa cho rằng UN Women đã làm “cầu nối” rất tốt, bởi thực tế số tiền trên đến từ Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển. Dự án này là một phần trong kế hoạch hỗ trợ chung của LHQ tại Việt Nam trước những thiệt hại do lũ lụt gây ra tại các tỉnh miền Trung trong năm 2020. Hay như năm ngoái, UN Women đã thực hiện thành công một dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh dịch Covid-19 trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Chứng kiến Việt Nam phải gánh chịu nhiều thiên tai nên Elisa thường “thiết kế” các gói hỗ trợ sinh kế và nâng cao vai trò của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng qua các buổi trò chuyện với người đứng đầu UN Women, tôi thấy điều Elisa tâm đắc hơn cả chính là việc UN Women hỗ trợ Chính phủ Việt Nam lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới vào các bộ luật, chính sách, chương trình của quốc gia, ví như: Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và chiến lược mới giai đoạn 2021-2030. Lồng ghép giới vào chương trình phát triển nông thôn, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng, thực thi luật, chính sách, phù hợp với các công ước quốc tế về bình đẳng giới mà Việt Nam đã tham gia như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Thiết thực không kém, UN Women hợp tác với Hội LHPN Việt Nam để tăng cường sinh kế cho phụ nữ, cải thiện đời sống phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số; tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; phối hợp với phụ nữ cơ sở, đối tác và cộng đồng ở địa phương để ngăn chặn và xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái... Nói về những đóng góp của chị Elisa, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khẳng định: "Trưởng đại diện UN Women Elisa Fernandez Saenz luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc cùng Trung ương Hội LHPN Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các hoạt động phối hợp, từ đó có những giải pháp đẩy mạnh hợp tác hiệu quả, hướng tới mục đích nâng cao quyền năng cho phụ nữ, vì bình đẳng giới. Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cao của UN Women về nội dung, kỹ thuật, tài liệu... để làm tốt vai trò của mình trong tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".
UN Women có được thành công như ngày hôm nay, chị Elisa đặc biệt cảm ơn Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, các đối tác trong và ngoài nước đã tạo điều kiện, vào cuộc nhiệt tình giúp UN Women hoàn thành tốt công việc. Chị Elisa lấy ví dụ: Ngày 22-1 vừa qua, các lãnh đạo tới từ Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, VCCI, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng-LIGHT và đại diện UN Women đã cùng khởi động Chiến dịch “7 ngày cam thách thức!”. Tại sự kiện, các bên đã cam kết thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, không bạo lực, cùng chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay: "Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, việc thực hiện những chủ trương, chính sách này còn gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu những khó khăn này, thời gian qua, Trưởng đại diện UN Women Elisa Fernandez Saenz đã phối hợp rất hiệu quả với VCCI để triển khai các dự án vì một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng và bền vững".
Đừng để phụ nữ và trẻ em bị tụt lại phía sau
Góp phần có được một TP Đà Nẵng an toàn và thân thiện, từ năm 2013 đến 2020, UN Women đã hỗ trợ Hội LHPN TP Đà Nẵng triển khai Dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Đà Nẵng”, lấy cảm hứng từ mô hình quốc tế SASA. Theo chị Elisa, dự án mang tới những thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi của hơn 8.000 người, trong đó 40% là nam giới về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, dự án còn thành công trong việc tham mưu cho Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 22-4-2020 về “Xây dựng TP Đà Nẵng an toàn-không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”. Elisa không nói ra nhưng tôi biết thành công của dự án đã giúp chị vừa được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen “vì có thành tích đóng góp xuất sắc trong công tác viện trợ nhân đạo năm 2020”.
Câu chuyện giữa tôi và chị Elisa rồi cũng quay về chủ đề: Bình đẳng giới. Ngồi đối diện với tôi, người phụ nữ sinh năm 1973 này nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp và dịch vụ; ngăn ngừa và bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực giới trong cả không gian riêng tư lẫn nơi công cộng. Nhưng trên thực tế thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm...”. “Elisa này, vậy ở Costa Rica, quê hương chị có tình trạng bất bình đẳng giới không”, tôi hỏi. “Có! Hiện nay không một quốc gia nào trên thế giới đạt được những chuẩn mực về bình đẳng giới, cho dù đó có là những nước phát triển”.
Thay vì đi sâu vào chủ đề bất bình đẳng giới, Elisa giới thiệu cho tôi về cuộc thi “Chọn Tết bên nhau-Trọn Tết an vui” với tổng giải thưởng trị giá hơn 200 triệu đồng. Hóa ra UN Women cũng lắm cách làm hay và thiết thực. Nói về cuộc thi này, Elisa hào hứng chia sẻ: “Tết Nguyên đán là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết và các phong tục lâu đời. Thế nhưng, bên cạnh những ý nghĩa văn hóa tích cực, thì Tết cũng là gánh nặng về cả tinh thần, sức khỏe và trách nhiệm đối với phụ nữ Việt Nam, là dịp mà bất bình đẳng giới có cơ hội bùng phát. Vậy tại sao chúng ta không xích lại gần nhau hơn, lan tỏa những giá trị tích cực và dùng sức mạnh để tạo ra những phép màu ngoài đời thật?”.
Càng tiếp xúc với Elisa, tôi càng thấy chị có khí chất Việt. Không phải vì bộ sưu tập áo dài rất đẹp, thích đội nón, dùng quạt giấy, hay chiếc khăn lụa Hà Đông chị đang quàng trên cổ, mà trên hết những việc chị làm trên cương vị Trưởng đại diện UN Women luôn vì hạnh phúc, nụ cười của phụ nữ, trẻ em trên dải đất hình chữ S, mà nói như mong mỏi khát khao của chị: “Đừng để phụ nữ và trẻ em bị tụt lại phía sau”. 5 năm công tác ở Việt Nam đã giúp Elisa hiểu hơn về hào khí nơi đây nên không phải ngẫu nhiên năm ngoái chị đã mời mẹ mình (86 tuổi) và hai chị gái sang Việt Nam, mà trong lòng đầy sự tự hào về đất nước mà chị đã gắn bó bấy lâu nay.
Bài và ảnh: MINH NHI