Món nợ ân tình
Sinh ra ở vùng quê Yên Lập - một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, bên cạnh đam mê dạy học, tiếng nói quê hương, gia đình, thầy cô là ba điều níu chân Hà Ánh Phượng trở về theo đuổi những trang sách mở. Niềm đam mê dạy học của Phượng bắt đầu khi bóng dáng người thầy, người cô tận tụy bên học trò gắn liền với ký ức tuổi thơ. Khoảnh khắc ấy in sâu vào trí nhớ của cô gái Mường, để rồi nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Hà Ánh Phượng chia sẻ: “Tôi luôn biết ơn vì gia đình luôn là điểm tựa cho tôi trên hành trình này. Bố tôi từng tự tay làm chiếc bảng gỗ để tôi thỏa mong ước đóng vai cô giáo; từng vượt hàng chục cây số ra thành phố mua cho tôi cuốn sách hay. Khi đứng trước cơ hội có thể trở thành giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên, mẹ tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ rằng “hãy làm điều con thích”. Và còn một người giúp tôi biến niềm đam mê thành động lực phấn đấu, là cô giáo chủ nhiệm cấp 2 - ở cô, tôi ngưỡng mộ về cả kiến thức lẫn nghị lực sống”.
 |
Cách bố trí lớp học tiếng Anh của cô Phượng khác với thông thường nhằm nâng cao khả năng giao tiếp. Ảnh: Thúy Nga |
Trong rất nhiều câu chuyện, có một điều mà cô giáo trẻ này luôn nhắc đi nhắc lại đó là “món nợ ân tình với quê hương”. Hà Ánh Phượng tâm sự: “Là người con dân tộc, trưởng thành từ mái trường Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ, suốt năm tháng còn đi học, mọi chi phí học tập của tôi đều được Nhà nước chi trả. Khi trở thành thạc sĩ, tôi cũng may mắn được đặc cách vào biên chế nhà nước. Trở về quê, thực hiện ước mơ “gieo chữ vùng cao”, dạy các con biết sống cống hiến và không ngừng học hỏi là cách để tôi có thể trả món nợ ân tình với quê hương, với Đảng và Nhà nước”.
Ngày nhận được bằng khen của Thủ tướng vì có nhiều đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy và được Tổ chức giáo dục Varkey Foundation vinh danh là giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020, với Hà Ánh Phượng, bên cạnh niềm hạnh phúc riêng, còn là niềm tự hào khi những giá trị cộng đồng mà cô tâm huyết được ghi nhận.
“Giáo viên toàn cầu” nhân rộng cách làm cho các đồng nghiệp Việt Nam
Năm 2020 vừa qua là một năm thành công với cô giáo Mường vùng cao. Nhờ công nghệ thông tin, Hà Ánh Phượng đã giúp học sinh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) - ngôi trường có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số tham dự các tiết học “xuyên biên giới”. Cô cho biết: “Điều kiện sống của học sinh dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài. Tâm lý rụt rè, e ngại là rào cản lớn nhất của các em khi tiếp xúc với ngôn ngữ mới. Vì vậy, khi chọn cách học theo hình thức trực tuyến, tôi không chỉ lựa chọn kết nối với giáo viên người nước ngoài, mà còn kết nối với cả những học sinh cùng tuổi các em. Để làm được điều này, tôi đã tham gia diễn đàn giáo viên đổi mới sáng tạo toàn cầu của Microsoft thông qua những ứng dụng như Skype hay Zoom”.
 |
Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng nhóm học sinh trong buổi thảo luận dự án. Ảnh: NVCC |
Câu chuyện về cô Phượng và những tiết học xuyên biên giới trở thành điểm sáng về đổi mới giảng dạy trong giáo dục tỉnh nhà Phú Thọ. Em Vũ Mai Thảo (Trường THPT Hương Cần), học trò của cô Phượng tự hào: “Những tiết học tiếng Anh của cô Phượng, với chúng em ban đầu là sự thích thú, sau đó dần làm quen rồi tự tin giao tiếp. Lần gần đây nhất chúng em được kết nối với học sinh người Nga, kể cho các bạn nghe về câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất nước. Cô giáo chính là người truyền lửa, truyền tình yêu tiếng Anh đến với chúng em”.
Tính đến tháng 3-2021, cô Phượng cùng các em học sinh đã “đi du lịch không visa” qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 châu lục, trong đó có các nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất như: Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan,...
Những ứng dụng dạy học hiện đại và tiện ích được cô Phượng chia sẻ rộng rãi tới nhiều đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh, ở nhiều cấp học khác nhau. Cô giáo Trần Thanh Hà, đồng nghiệp cùng trường của cô Phượng chia sẻ: “Giáo viên trong trường thường xuyên trao đổi phương pháp dạy học, Phượng luôn năng nổ và đi đầu trong đổi mới. Một số ứng dụng dạy học nhờ bạn ấy chia sẻ mà các giáo viên đã tự tin giảng dạy hơn nhiều. Cảm nhận về Phượng gói gọn trong hai từ “giản dị”. Khi đã là “giáo viên toàn cầu”, tiếp xúc với mọi người vẫn là Phượng của ngày đầu tiên, vẫn rất thật”.
Cứ như thế, cô giáo trẻ sinh năm 1991 này không chỉ thắp lên ngọn lửa đam mê, sáng tạo cho học trò của mình mà còn lan tỏa tình yêu nghề với những đồng nghiệp.
Khi cái tên Hà Ánh Phượng được xướng trên bảng xếp hạng giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô nhận được thư chúc mừng từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong thư có viết: “Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy với mong muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành những "công dân toàn cầu" như cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước".
 |
Năm 2020 là một năm thành công với cô giáo Hà Ánh Phượng với liên tiếp những thành tích tiêu biểu. Đồ họa: Khánh Huyền |
Viết tiếp hành trình cùng “những trang sách mở”
“Dù ở nông thôn hay miền núi, dù đặt chân đến mảnh đất khô cằn hay phù sa màu mỡ, chỉ cần luôn nỗ lực, chúng ta sẽ không tụt hậu”. Với tâm niệm ấy, cô giáo Hà Ánh Phượng vẫn bước tiếp hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp, hành động vì cộng đồng.
Dự án quốc tế “Say no to plastic straw" - "Nói không với ống hút nhựa" của nhóm học sinh do cô Phượng hướng dẫn đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức. Tại đây, các em học sinh đã rất tự tin thuyết trình sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy đến bạn bè quốc tế, kết nối với hơn 7 đất nước tới từ 4 châu lục.
Em Nguyễn Minh Tuấn (Trường THPT Hương Cần) - thành viên chủ chốt của dự án tự hào: “Kết quả tốt đẹp của sản phẩm ống hút tre là nhờ chúng em có sự dẫn dắt của cô Phượng. Từ dự án, chúng em tự tin sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thuyết trình trước đám đông, biết áp dụng những kiến thức đã học, và trau dồi kỹ năng mềm. Chúng em tiếp cận với cách làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy năng lực làm việc xã hội, làm những điều có ích cho cộng đồng”.
Đến nay, Hà Ánh Phượng vẫn tiếp tục phát triển những dự án thúc đẩy học tập như sáng tạo kênh Youtube dạy tiếng Anh miễn phí, tìm kiếm những đầu sách hay cho Happy Library - Thư viện hạnh phúc,... Đặc biệt, nói về dự án phòng, chống bạo lực trên không gian mạng, Hà Ánh Phượng tâm đắc: “Trong thời điểm những chiêu trò trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, liên tục những vụ lừa đảo thông tin, bạo lực ngôn ngữ,... rất cần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về an toàn mạng. Chúng tôi xây dựng dự án trên nền tảng Microsoft, viết cẩm nang, tuyên truyền cho học sinh, tổ chức hội thảo với khách mời chuyên gia, diễn giả. Đến nay sự kiện đã có mặt ở 41 trường học trên 20 quốc gia và vẫn còn tiếp tục”.
Miệt mài bên trang giáo án, nỗ lực sáng tạo mô hình giáo dục, mỗi tiết học của cô giáo Hà Ánh Phượng là mỗi chân trời kiến thức mở ra với học sinh. Giờ đây, khi những công sức được ghi nhận, khi nhiều cơ hội lớn mở ra, cô Phượng vẫn kiên định trên hành trình viết “những trang sách mở”. Trên hành trình ấy luôn có một thứ ánh sáng, ánh sáng trong ánh mắt với lòng tin và ánh sáng trong tim để dẫn đường.
|
Clip về một tiết học xuyên quốc gia của học sinh miền núi do cô Hà Ánh Phương giảng bài |
TRƯƠNG KHÁNH HUYỀN