Một thời bạt đồi trồng rau
Nhiều người vẫn thường dùng biệt danh “Dũng hậu cần” để gọi Đại tá Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1, nhưng tôi thì vẫn hay gọi anh là “Dũng rau” cho ngắn gọn. Trong danh bạ điện thoại của tôi, cái tên “Dũng rau” đã mấy lần làm cho vợ nghi ngờ, thắc mắc vì nghĩ tôi có ông bạn làm nghề "buôn rau" theo một nghĩa nào đó. Một kẻ không thạo chợ búa, chưa thuộc hết tên các loại rau dùng thường nhật như tôi thì có bạn buôn rau là điều khó tin... Cho đến cái lần tôi ôm một bao tải rau sạch do anh Dũng tặng về "báo cáo" thì vợ tôi mới à lên tấm tắc: Đúng là rau bộ đội có khác!
Dông dài một chút về vị Đại tá đáng mến này để thấy cái biệt danh “Dũng rau” của riêng tôi là có lý do.
Cùng tuổi con ngựa, nhưng Dũng hay bảo tôi, ông sướng vì cầm bút còn tôi thì cầm cày! Âu cũng do số phận sắp đặt bởi Dũng được đào tạo bài bản về sĩ quan hậu cần. Ngược lại giai đoạn năm 2002-2003, khi đó anh đang mang quân hàm Trung tá, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 102 và công tác TGSX cải thiện đời sống bộ đội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, đất đai khu vực đóng quân của đơn vị rặt một loại đá ong "truyền thống" của đất Sơn Tây, bổ cuốc chim xuống còn tóe lửa thì “trồng cây gì, nuôi con gì” là câu hỏi hóc búa đặt ra cho nhiều thế hệ lãnh đạo đơn vị. Đã từng có người nêu ý kiến, không trồng được thì nuôi! Nuôi bò, nuôi dê, nuôi cá... nhưng nuôi thì cũng phải có thức ăn cho chúng chứ không thể mãi tận dụng “cơm thừa canh cặn” của bộ đội như tư duy trước đây. Từ thực tế đơn vị, Thượng tá Trần Văn Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 (nay là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu) đã đi đến quyết định táo bạo: Cải tạo lại toàn bộ khu vực tăng gia của đơn vị cách xa hẳn khu doanh trại. Nhiệm vụ này được Đảng ủy, chỉ huy lãnh đạo thống nhất và có hẳn một nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, trên dưới một lòng quyết tâm thực hiện... Tất nhiên, nhiệm vụ nặng nề và vinh dự này được giao cho Chủ nhiệm Hậu cần Nguyễn Huy Dũng đảm trách.
 |
Đại tá Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1 (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn công tác kiểm tra việc bảo đảm hậu cần tại Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Ảnh: TRẦN HẢI NAM |
Ngồi với tôi hôm đầu năm mới con trâu vừa rồi, Dũng bồi hồi nhớ lại: Nhận nhiệm vụ, phải san gạt “phẳng như sân Mỹ Đình”-ý tưởng của Trung đoàn trưởng Trần Văn Ba và cải tạo triệt để đất mới có thể “làm ăn lớn” được. Dự kiến là vậy nhưng bắt tay vào việc mới thấy muôn vàn khó khăn đặt ra. Nhân lực đâu khi cả đơn vị luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện chuyên môn kỹ thuật. Muốn làm thật nhanh nhưng bộ đội chỉ có thể tranh thủ lao động trong giờ nghỉ, ngày nghỉ theo quy định. Sức người có hạn thì phải dùng máy móc-Dũng nghĩ vậy và tham mưu cho chỉ huy đơn vị xin cấp trên hỗ trợ máy ủi và bảo đảm luôn cả số xăng dầu theo thực tế công việc. Họ đã gặp may bởi ý tưởng làm khu tăng gia quy mô và quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm” được cấp trên ủng hộ nhiệt tình. Một máy ủi T55 của sư đoàn được điều xuống Trung đoàn 102 để san ủi. Trong vòng một tháng, khu tăng gia rộng 3,4ha đã hòm hòm như trong kế hoạch của Đảng ủy, lãnh đạo chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, không phải tất cả số diện tích đó sẽ được trồng trọt và trồng rau thì phải có nước tưới. Nhiều đêm suy nghĩ, nhiều ngày cuốc bộ dọc ngang trên “công trường”, Dũng đã phác ra quy hoạch tổng thể cho khu tăng gia: Phía trên cao hơn sẽ là “khu chăn nuôi”. Từ khu này, chất thải trong chăn nuôi sẽ có hệ thống dẫn xuống khu vực ao thả cá. Xa hơn một chút là khu vực trồng trọt các loại rau ngắn ngày, dài ngày, khu vườn cây ăn quả...
"Nghĩ được như vậy là nhờ kinh nghiệm tuổi thơ bạt đồi san núi khu vực Xuân Mai nhà tôi", Dũng cười và bảo vậy. Chính những đam mê thuở nhỏ ấy đã ngấm vào người, để khi đến tuổi trưởng thành, Dũng quyết tâm thi vào Trường Sĩ quan Hậu cần. Rồi kinh nghiệm của đời học viên trực tiếp tăng gia suốt quá trình học tập; kiến thức từ những buổi lên lớp của giáo viên... đã giúp Dũng cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị biến cái tưởng như không thể thành có thể.
Cả tháng trời đào múc thì mặt bằng để trồng trọt đã “phẳng như sân Mỹ Đình”; khu ao đã sâu theo tiêu chuẩn; khu chăn nuôi lợn đã có độ dốc chênh so với ao; kênh dẫn nước tưới đã len lỏi đến nơi cần đến. Thế nhưng...
Tầm sư học đạo
Dũng bảo, hiểu biết của mình về trồng trọt, chăn nuôi khi ấy vẫn còn “tủn mủn” lắm. Nếu ở mức độ tăng gia “quanh bếp, quanh nhà” thì tàm tạm nhưng ở tầm cao hơn, quy mô lớn hơn thì thực sự khó khăn. Hơn thế nữa, cũng chưa thể trồng gì trên diện tích ấy khi đất vẫn là đá ong dù đã được san gạt phẳng phiu. Không biết thì phải học-nghĩ là làm, Dũng lọ mọ đến gõ cửa các thầy ở Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Cao đẳng Nông nghiệp Xuân Mai. Sự nhiệt thành học hỏi của Trung tá Nguyễn Huy Dũng đã thuyết phục được các thầy, các cô của những cơ sở đào tạo trên. Họ cử các chuyên gia về nông nghiệp, chăn nuôi tư vấn cho các đồng chí "bộ đội 102" đứng chân trên địa bàn. Đầu tiên là về chất đất, phải cải tạo. Vậy là hàng ngàn mét khối đất phù sa sông Tích, sông Hồng được dần dần chuyển về khu tăng gia. Xe vận chuyển xin cấp trên, công bốc xúc đất là của bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. “Kiến tha lâu đầy tổ”, thời gian sau, lớp đất màu dày 30-40cm trộn phân ủ theo đúng tỷ lệ các thầy đã chỉ bảo được hình thành. Và, bắt đầu thôi!
"Cũng chưa phải đã “ngon ăn” ngay-Dũng cười-đang kinh nghiệm “quanh bếp, quanh vườn” tiến thẳng lên quy mô cỡ vài héc-ta như thế này thì phải cần chuyên nghiệp và bền vững hơn". Dũng tham mưu cho Trung đoàn trưởng Trần Văn Ba có kế hoạch cử cán bộ đi học tại chức chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi. Một lần nữa thực tế “vừa chạy vừa xếp hàng” lại đúng. Những kiến thức “học cấp tốc” cộng với kinh nghiệm về tăng gia sản xuất của bộ đội được phát huy đã cho ra những thành quả đầu tiên. Mắt Dũng rưng rưng khi nhớ lại những ngày đầu tiên chứng kiến từng luống rau xanh nảy mầm trên diện tích đất mới ngày nào còn lổn nhổn, mấp mô sỏi đá, nắng thì xém lá, mưa thì ngập úng...
Rồi cái ngày những bó rau đầu tiên xanh mướt, sạch sẽ được cân chuyển cho nhà bếp và trở thành những bát canh rau ngon ngọt đặt trên mâm ăn chiến sĩ đã đến! Húp bát canh rau trong bữa cơm hôm ấy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhìn nhau, mắt ai dường như cũng ươn ướt...
Quả ngọt hôm nay
Gần 20 năm đã qua đi, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn “có một không hai” (102-như cách nói vui của lính) đã làm bạn với “khu tăng gia” này. Hàng vạn tấn rau, hàng trăm tấn cá thịt đã được đưa vào bữa ăn bộ đội để Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” có được những kết quả thiết thực, bền vững, nổi tiếng toàn quân. Đến nay, mỗi ngày một chút, khu tăng gia ngày ấy giờ được đầu tư hiện đại thêm: Hệ thống tưới tự động; khu trồng rau trong nhà; khu chăn nuôi đà điểu; dãy chuồng trại nuôi lợn, gà... Những sản phẩm tăng gia của đơn vị không chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng của bộ đội mà còn là địa chỉ cung cấp cho nhiều cửa hàng, siêu thị, khu công nghiệp khu vực Xuân Mai, Sơn Tây và nội thành Hà Nội.
Năm 2014, vô tình tôi và Dũng lại học cùng lớp, cùng tổ ở khóa đào tạo cán bộ Chỉ huy tham mưu cấp Chiến dịch chiến lược Học viện Quốc phòng. Tất nhiên, lính hậu cần thì được giao “trọng trách” lo hậu cần khi liên hoan tổ. Mỗi lần như thế, không hiểu dưới con mắt chuyên môn hậu cần của Dũng thế nào mà thực đơn rất đa dạng và lại “ngon, bổ, rẻ”. Riêng rau, Dũng có thể thuyết trình hàng giờ, loại rau này ăn vào bổ gì, tốt cho sức khỏe như thế nào và hình như khẩu phần rau cho mọi người lúc nào cũng được ưu ái thêm... Tết năm ấy, sản vật “cây nhà lá vườn” của Dũng dành cho mỗi người là 1kg giò đà điểu. Vì cân giò này mà trong những ngày Tết năm ấy, tôi “oai” lên trong mắt mọi người khi bà xã khoe cả phố trên đời này có một thứ rất ngon, rất lạ, rất mới là giò đà điểu và... chỉ bộ đội mới có!
Đầu năm vừa rồi, trở lại thăm Trung đoàn 102, tôi phấn khởi khi được Thiếu tá Nguyễn Thành Công, Phó chủ nhiệm Hậu cần thông báo: Trong năm 2020, từ khu tăng gia này, đơn vị đã thu được 296 tấn rau củ quả; 42,5 tấn thịt lợn; 24,5 tấn thịt nạc; 68,9 tấn cá tươi... Hiện đơn vị vẫn đang duy trì đàn lợn nái trên 200 con; đàn đà điểu 150 con. Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi được ủ kỹ, chế thành phân vi sinh dùng trong đơn vị và bán ra thị trường...
Không hiểu có phải chuyện rau cỏ, tăng gia vận vào người không mà ngay tại gia đình mình, Dũng cũng thiết kế vườn rau, ao cá, khu chăn nuôi một cách khoa học. Hôm tôi đến nhà, chỉ tay vào đàn gà béo mẫm, cô giáo Vân, vợ Dũng khoe: "Đàn này nhà em 70 con, Tết vừa rồi vừa thịt vừa cho tổng cộng 20 con, vẫn còn 50 con trong chuồng... Mình nuôi trồng để sử dụng trong gia đình nên yên tâm lắm!".
Công nhận vợ Dũng nói đúng nhưng không phải gia đình nào cũng làm được!
TRỊNH VÕ