Tôi phải chờ đến tối mịt, ông Vi Ngọc Chân mới trở về nhà ở bản Ba Cống, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu, Nghệ An). Ông là nghệ nhân truyền dạy loại chữ viết có tên gọi là Lai Tay của người Thái ở Quỳ Châu. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác tại Trung tâm Chính trị huyện Quỳ Châu. Tôi từng gặp ông trong những lớp truyền dạy chữ Thái hay khi đang đương chức là một giảng viên trường đảng, thường ăn vận chỉnh tề. Vì thế lần này gặp ông, tôi khá lạ lẫm khi ông mặc bộ quần áo lao động của người nông dân miền núi. Suốt 18 năm qua, nghệ nhân Vi Ngọc Chân đã tham gia truyền dạy hơn 20 lớp học chữ Thái trên địa bàn.
Phủ Quỳ trước đây ở phía tây bắc tỉnh Nghệ An. Trước năm 1945, tên gọi này chỉ lãnh hạt thuộc 3 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay. Hiện giờ, báo chí vẫn dùng “Phủ Quỳ” để chỉ một vùng văn hóa người Thái mà ở đó vẫn còn lưu giữ được một loại chữ viết đặc biệt. Hệ chữ Lai Tay là công cụ ký âm tiếng Thái địa phương. Nó đặc biệt ở cách trình bày từ trên xuống dưới và trái qua phải, khiến người ta liên tưởng đến kiểu trình bày văn bản chữ Hán trước kia. Bộ chữ gồm hơn 50 ký tự tạo thành các chữ cái khá hoàn chỉnh. Cũng như nhiều hệ chữ Thái khác ở Việt Nam, chữ Lai Tay dùng ký hiệu Sangcrit, có nguồn gốc từ tiếng Phạn để ký âm.
 |
Ông Vi Ngọc Chân và các văn bản chữ Thái. |
Dẫu vậy, suốt một thời gian dài, chữ Lai Tay vắng bóng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và chỉ còn hiện hữu trên những văn bản cổ, những bài cúng, truyện thơ, phương thuốc, điệu dân ca chép tay trên những cuốn sách cũ kỹ. “Hồi nhỏ, mình cũng từng nhìn thấy những cuốn sách như vậy. Tò mò lắm, nhưng chẳng mấy ai còn nhớ được nội dung”, ông Vi Ngọc Chân nhớ lại.
May thay, trong cộng đồng cũng có những người cao tuổi vẫn nhớ được cách đọc, cách viết chữ Lai Tay. Những cụ cao tuổi như vậy không nhiều, nhưng họ luôn sẵn lòng truyền dạy lại cho thế hệ sau. Trong số này có một người từng làm lý trưởng thời Pháp thuộc. Ông này tên là Lý Bích, ở cùng bản với ông Vi Ngọc Chân. Đó cũng là người thầy đầu tiên dạy ông Chân về chữ Lai Tay. “Khi tôi mới 8 tuổi đã được ông Lý Bích dạy về viết chữ Thái. Năm nay tôi đã 62 tuổi. Như vậy, tính từ ngày đó đến nay, tôi đã biết về hệ chữ này hơn 50 năm rồi”. Ông Vi Ngọc Chân bắt đầu câu chuyện như thế, trong khi trời đã nhá nhem tối. Vậy là đêm đó tôi phải ở lại trong căn nhà sàn của vị nghệ nhân chữ Thái. Nó vừa lạ, vừa quen. Và câu chuyện ông đến với việc truyền dạy chữ Thái cùng như một thứ có thể gọi là định mệnh. Ông Chân xúc động nói với tôi: “Hồi nhỏ, mình thấy người già có thể viết ra được những câu hát tiếng Thái, những truyện thơ chủ yếu chỉ truyền khẩu nên thấy thích lắm. Vậy nên, khi học được chữ Thái thì còn gì thú vị hơn, bởi ngoài chữ quốc ngữ học từ trường, mình còn biết thêm chữ viết của ông bà tổ tiên người Thái”.
* * *
Cuộc sống khó khăn ở bản nghèo khiến cậu học trò Vi Ngọc Chân dường như cũng dần phai nhạt niềm đam mê chữ cổ. Khi ông đang học cấp 2 thì ông Lý Bích, người truyền dạy chữ Thái cho ông cũng về cõi trời. Vậy là chẳng còn mấy ai hỏi đến chữ Thái nữa. Từ ngày vào cấp 2, cậu trò hiếu học ở bản Ba Cống phải vượt dãy núi Pù Xén cao nhất huyện Quỳ Châu ra trung tâm huyện theo học. Chữ Thái hệ Lai Tay tưởng như sẽ phai nhạt dần bởi cậu trò phải lo học hành và vô vàn mối quan tâm khác mà muôn người phải trải qua vào cái thời đất nước vừa mới được giải phóng. Nhưng may thay, tại ngôi trường mới, ông gặp một thầy giáo đồng thời cũng là một người giỏi chữ Thái hệ Lai Tay. Vì thế, ông có điều kiện tốt hơn để hệ thống lại những kiến thức manh mún, vụn vặt học được từ ông Lý Bích. Thầy giáo chỉ vẽ cho ông về nguyên tắc ký âm và ghép tiếng. Đó cũng là cơ sở để ông soạn ra tài liệu hướng dẫn học chữ Lai Tay của riêng mình sau này.
Học hết phổ thông, ông Chân nhận được giấy gọi nhập học của Trường Đại học Tây Bắc ở tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, khi ông có mặt ở trường thì khóa học đã diễn ra được hơn một tháng. Năm sau, một trường đại học chiêu sinh ngành y cũng gửi giấy gọi ông nhập học. Cũng như lần trước, ông đến muộn cả tháng và... không thể nhập học. Ông trở về địa phương và được bố trí công việc tại xã Châu Hoàn. Năm 1977, ông theo học lớp học đào tạo cán bộ cho trường đảng huyện và từ đó gắn bó với công việc của một giảng viên đào tạo cán bộ ở địa phương.
“Nếu như ngày ấy mình đi học ở Tây Bắc hay theo nghề bác sĩ, có thể mình cũng sẽ xa rời chữ viết của ông bà mình. Ngày nhỏ mình học chữ Thái cũng không biết rằng sẽ có ngày dùng đến”, ông Chân mào đầu như thế khi nói về công việc giảng dạy chữ Thái của mình. Hồi nhỏ, khi học chữ Thái, ông Chân không nghĩ rằng sau này chính mình lại trở thành người truyền dạy. Đó là vào năm 2002 khi phong trào học chữ Thái đã khá phát triển ở huyện Quỳ Hợp. Lúc này, huyện Quỳ Châu và nhiều địa phương có người Thái sinh sống ở Nghệ An bắt đầu khởi động việc giảng dạy chữ Thái. Những bộ tài liệu giảng dạy đầu tiên được biên soạn bởi nghệ nhân Sầm Văn Bình ở huyện Quỳ Hợp là cơ sở đầu tiên cho việc truyền bá chữ Thái. Ông Vi Ngọc Chân cũng bắt tay vào biên soạn tài liệu truyền dạy của riêng mình. Vốn sẵn nghiệp vụ sư phạm, nên ông chẳng mấy khó khăn khi giảng dạy lớp chữ Thái đầu tiên mở tại huyện Quỳ Châu. Thế nhưng đây cũng là lần đầu ông truyền dạy kiến thức văn hóa của chính cộng đồng người Thái bằng tiếng mẹ đẻ. “Khi cầm tay một học viên viết nét chữ đầu tiên, mình chợt nhớ về những ngày đầu đến lớp, khi ấy còn khói lửa chiến tranh. Sau giờ học, đi lên rẫy được ông Lý Bích bày cách viết chữ Thái trên một nền đất nhỏ hẹp cạnh rẫy lúa”, ông Vi Ngọc Chân nhớ lại. Học viên của lớp đầu tiên ấy chủ yếu là các cán bộ công an, quân sự. Sau này có một người từ lớp học đầu tiên ấy cũng đang tham gia truyền bá chữ Lai Tay trong cộng đồng người Thái là Trung tá Lô Đức Mậu, hiện nghỉ hưu tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Bẵng đi một thời gian, năm 2006, ông Vi Ngọc Chân mới tiếp tục việc truyền dạy chữ Thái, công việc mà ông liên tục thực hiện từ đó đến nay. Năm đó, ông mở được 2 lớp dạy chữ Lai Tay ở huyện Quỳ Châu. Những năm tiếp theo, hầu như ông đều tham gia truyền dạy chữ Thái ở một số địa phương trên địa bàn, như các huyện: Quế Phong, Quỳ Hợp và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An. Ở mỗi lớp học ông đều chú ý chọn ra những người thực sự tâm huyết để có thế hệ kế cận. Phần lớn họ đều là những nhân tố tốt đang góp phần truyền dạy chữ Lai Tay trong cộng đồng.
Người viết bài này từng có thời gian làm công việc chọn lựa bài viết phù hợp cho một chuyên mục về chữ Thái duy trì đã 8 năm nay ở Báo Nghệ An mà ông Vi Ngọc Chân là cộng tác viên tích cực. Những bài viết được trình bày bằng chữ Lai Tay, font chữ do chính những nghệ nhân chữ Thái lập trình tạo cảm giác thú vị lạ thường. Những người biết chữ Lai Tay từ đó có thể đọc trên báo, trên mạng những bài dân ca, trích đoạn truyện thơ, bằng chữ Thái. Sau đó, bản tin của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên đăng tải các tác phẩm văn học bằng chữ Thái hệ Lai Tay. Có thể nói từ nhiều năm trở lại đây, chữ Thái hệ Lai Tay đã bám rễ khá chắc và lan tỏa trong cộng đồng. Những nghệ nhân cũng có nhiều cố gắng tạo ra font chữ riêng để có thể số hóa chữ Thái. Đó quả là một cố gắng không nhỏ, trong số này có một người khá thầm lặng là ông Vi Ngọc Chân.
 |
Ông Vi Ngọc Chân ham gia tích cực trong việc số hóa chữ Thái. |
Gần đây, tôi mới hay tin ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, nơi ông Vi Ngọc Chân đang sinh sống vừa bế giảng một lớp truyền dạy nhạc cụ của người Thái là khèn bè, sáo, cồng chiêng. Lớp học này do ông Chân vận động tổ chức. Ông bảo bản thân không chơi được các nhạc cụ như sáo, khèn bè, nhưng cũng đam mê lắm. Khi nghỉ hưu về sinh sống ở địa phương, ông nhận thấy làng bản có nhiều đổi thay, nhưng vốn văn hóa cổ truyền cũng đang trên đà mai một. Lớp trẻ gần như không còn ai thích thổi khèn bè, sáo. Chỉ một ít người biết đánh cồng chiêng. Nói vậy không hẳn họ không còn ưa thích các nhạc cụ dân tộc. Bởi quan sát trong những lễ hội của làng bản, nhiều bạn trẻ vẫn say sưa xem hát dân ca mà nhạc cụ đệm chủ yếu cho những điệu hát này là khèn bè và sáo. “Có lẽ họ cũng như mình thôi. Thích chơi nhạc cụ dân tộc nhưng chẳng ai truyền dạy cho”-nghĩ vậy nên ông Vi Ngọc Chân làm hồ sơ xin kinh phí, tìm nghệ nhân truyền dạy rồi mở lớp. Quả nhiên, khi hay tin có lớp dạy thổi sáo, khèn bè, nhiều bạn trẻ đến xin theo học. Chỉ trong một buổi sáng, lớp đã tuyển đủ 45 học viên theo quy mô dự án.
Giờ đây, những học viên này phần lớn đều đã thổi được khèn bè, là nhạc cụ khó sử dụng nhất của người Thái ở Nghệ An. Ông Chân nói đó là niềm vui lớn của ông. Mỗi khi nhìn thấy nét chữ Thái được hiển hiện từ bàn tay người được ông truyền dạy, hay nghe tiếng sáo, khèn bè vang lên từ đâu đó trong bản xa, núi rừng, nương rẫy, lòng ông dậy lên niềm yêu thương quê hương, từ con suối, ngọn núi, lối mòn xa xăm.
Bài, ảnh: HỮU VI