Làm “thuyền trưởng” ở tuổi xưa nay hiếm

Ông Phan Diễn sinh năm 1937, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, địa phương miền Trung khó khăn nhưng là một trong những nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước. Đến nay, ông Phan Diễn đã có gần 60 năm tuổi Đảng, gần 15 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương, gần 10 năm là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông nghỉ hưu năm 2007. Lúc nghỉ hưu, ông đã 70 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm mà lẽ thường người ta có thể an nhàn, vui vầy cùng con cháu, hưởng niềm vui tuổi già, nhất là với người đã dành cả cuộc đời cho cách mạng như ông. Thế nhưng ở tuổi “cổ lai hy” ấy, ông lại chọn để khởi đầu một chặng đường dài đầy lẽ cống hiến và tận tâm, một “sự nghiệp” lớn lao, đẹp đẽ-hỗ trợ phòng tránh thiên tai cho người dân.

Nhớ lại cuối năm 2007, trước tình hình bão lũ phức tạp ở miền Trung, ông Phan Diễn liên hệ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Tổng Biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Công Khế nhờ kết nối, hỗ trợ tổ chức một chương trình truyền hình trực tiếp ở Đà Nẵng để kêu gọi ủng hộ giúp đồng bào vùng thiên tai. Chương trình thu được số tiền 20 tỷ đồng, vượt xa cả mong đợi. Qua chương trình, ông và không ít người nhận ra sự cần thiết phải thành lập một tổ chức chính quy, chuyên nghiệp, phi lợi nhuận nhằm huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công cuộc phòng tránh thiên tai. Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung (tiền thân của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai) ra đời tháng 9-2008 theo Quyết định số 1253 của Bộ Nội vụ và chính thức đi vào hoạt động tháng 3-2009. Hơn 12 năm hoạt động, ông Phan Diễn cũng là Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ từ khi thành lập đến nay. Thậm chí, ông còn cho quỹ mượn địa điểm tại nhà riêng của mình làm văn phòng đại diện; ủng hộ hàng trăm triệu đồng tiền lương hằng năm mà quỹ trả cho ông. Ông nói rằng: “Tôi không nhận lương thì anh em sẽ ngại. Nhưng tôi giờ ở tuổi này cũng không có nhu cầu lớn gì về tài chính nên số tiền lương quỹ trả, tôi đều ủng hộ lại để tham gia đóng góp vào hoạt động chung”. Quãng thời gian đó đủ dài để người dân, chính quyền khắp 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung và sau này là cả nước nhớ đến người “thuyền trưởng” Phan Diễn của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai nhiều hơn là một cựu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Dưới sự chèo lái của ông cùng các cộng sự, quỹ nhận được sự đóng góp, ủng hộ của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mở rộng phạm vi hỗ trợ từ các tỉnh miền Trung ra cả nước. Số tiền năm 2009 quỹ nhận được là 14 tỷ đồng thì tới năm 2020, mặc dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 nhưng đã lên tới 80 tỷ đồng. Hơn một thập kỷ qua, hình ảnh người đàn ông lớn tuổi đội nắng đi khảo sát công trình nước sạch ở miền Tây, dầm mưa đi kiểm tra nhà cộng đồng chống lũ ở miền Trung, xắn quần lội bùn thăm rừng ngập mặn ở miền Bắc đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều vùng quê.

 Ông Phan Diễn tặng quà cứu trợ bà con vùng thiên tai miền Trung. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ứng phó chủ động - mục tiêu hàng đầu

Việt Nam là quốc gia ven biển nên từ hàng nghìn năm nhân dân đã được rèn luyện “thói quen” đương đầu với thiên tai. Thế nhưng những năm gần đây mưa lũ, sạt lở đất, mặn xâm nhập, hạn hán, cháy rừng... ngày càng khó lường và nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập quỹ, ông Phan Diễn và các cộng sự luôn tâm niệm: Quỹ đã hỗ trợ rất nhiều người dân vượt qua thiên tai nhưng thay vì giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt thì quan trọng và cần thiết hơn là phải tạo điều kiện để mọi người có thể sống chung lâu dài với thiên tai. Bởi nếu có sự chuẩn bị tốt về con người, phương án, phương tiện, hậu cần... thì khi xảy ra tình huống sẽ giảm thiệt hại và đỡ nguồn lực khắc phục rất nhiều. Thực tế này đã được ông Phan Diễn trải nghiệm, kiểm chứng ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Trên cơ sở đó, các hoạt động của quỹ ưu tiên là hỗ trợ xây dựng công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai (105 công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch); xây dựng 85 đội xung kích cứu hộ, cứu nạn (CHCN) cấp thôn, xã (mỗi đội 20-30 người được tập huấn kỹ năng, trang bị hàng trăm thuyền máy, hàng vạn áo phao, loa cầm tay); lắp đặt 412 trạm đo mưa tự động, cảnh báo lũ lụt; xây dựng 71 bể bơi học đường (giúp trẻ em bổ sung kỹ năng chống đuối nước); trao sổ tiết kiệm tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng tặng hàng trăm học sinh vùng thiên tai gặp khó khăn trong học tập, thậm chí có nguy cơ bỏ học; hỗ trợ vay vốn quay vòng phòng tránh thiên tai (gần 7 tỷ đồng cho 270 hộ nghèo vùng lũ xây gác xép, phát triển kinh tế gia đình); trồng hơn 100ha rừng ngập mặn phòng hộ đê biển...

Một trong những nội dung mà ông Phan Diễn đặc biệt trăn trở là việc xây dựng các đội xung kích CHCN ở địa phương. Trong gần 10 năm mà quỹ chỉ hỗ trợ xây dựng được 85 đội trong khi cả nước có hàng nghìn xã cần lực lượng này. Để giải quyết bài toán khó, ông Phan Diễn nghĩ điều cần thiết nhất bây giờ là kết hợp các lực lượng xã hội lại cùng làm. Từ đây, ông cùng cộng sự chủ động làm việc với Cục Dân quân tự vệ, Cục CHCN (Bộ Tổng Tham mưu), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... để tham gia bàn bạc, góp tiếng nói đề nghị Nhà nước có chủ trương, đề xuất mục tiêu xây dựng các đội xung kích tại chỗ ở khắp các địa phương. Đến cuối năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Đến đầu năm 2020 đã có hướng dẫn cụ thể xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Và giờ đây, quỹ lại cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn kỹ năng cho các đội xung kích đã được thành lập.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định: Vai trò của các tổ chức xã hội và từng cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai là rất quan trọng. Đặc biệt, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai là một tổ chức xã hội thực hiện hỗ trợ phòng tránh thiên tai một cách bài bản cả 3 giai đoạn, gồm: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục. Trong đó, hoạt động hỗ trợ phòng ngừa của quỹ đã giúp các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả việc phòng tránh trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan và dị thường.

Đoàn kết là sức mạnh, minh bạch là bền vững

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phan Diễn hầu như không nhắc về mình. Ông nói nhiều về các thành viên đã cùng ông sáng lập, điều hành quỹ như Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, ông Hồ Huy, ông Thân Đức Nam, ông Hồ Văn Đắc, bà Lê Thị Thúc... đến từng nhân viên. Đặc biệt, ông luôn bày tỏ sự trân trọng, vinh danh đối với các nhà tài trợ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đồng hành, sẻ chia cùng quỹ trong suốt thời gian qua. Một trong những điều ông tâm huyết nhất chính là việc kết nối sức mạnh cộng đồng, bởi một cá nhân, một hội nhóm dù có tiềm lực đến đâu cũng sẽ chỉ là “muối bỏ bể” trong sự nghiệp phòng tránh thiên tai. Năm 2020 vừa qua, nước ta gánh chịu thiệt hại nặng nề cả về con người và vật chất chưa từng có do thiên tai. Đây cũng là năm mà nguồn tài trợ đến với quỹ tăng đột biến lên đến 80 tỷ đồng. Ông Phan Diễn chia sẻ: “Trong hơn 10 năm, chúng tôi đã đón nhận sự ủng hộ của hàng trăm tổ chức, cá nhân. Mấy năm gần đây khi quỹ mở rộng hoạt động ra cả nước ngoài, thì cũng có thêm một số doanh nghiệp quan sát, tìm hiểu hoạt động của quỹ. Cảm thấy yên tâm về hiệu quả, ý nghĩa các chương trình mà quỹ đang làm, các doanh nghiệp bắt đầu cam kết ủng hộ lâu dài. Tập đoàn Vingroup là một ví dụ, chúng tôi đã mất gần một năm để trao đổi thống nhất quy trình, phối hợp hoạt động và xúc tiến làm các công tác chuẩn bị, như xác định dự án, khảo sát, chuẩn bị các hợp đồng tài trợ, yếu tố con người... Khi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, Vingroup thông qua Quỹ Thiện tâm của tập đoàn bắt đầu tài trợ đều đặn cho quỹ mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng giúp quỹ ở các mức độ nhỏ hơn nhưng đều rất quan trọng. Có thể thấy rõ, nguồn lực tài chính trong xã hội là rất dồi dào, tuy nhiên để huy động được sự đóng góp ấy thì một trong những điều quan trọng nhất chính là sự minh bạch. Minh bạch tạo ra niềm tin cho nhà tài trợ, cho người nhận tài trợ và cả chính những người đi làm cầu nối như chúng tôi. Chúng tôi luôn yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên phải cùng nhau giữ nghiêm sự minh bạch của quỹ để giữ niềm tin của mọi người”.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chắc chắn những điều chúng tôi viết về ông Phan Diễn và hành trình cùng Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai là rất ít ỏi và không thể nói hết sự nỗ lực, cống hiến và tâm huyết của ông cùng cộng sự đóng góp cho xã hội suốt hơn 12 năm qua. Năm nay đã 84 tuổi, rồi ông sẽ đến lúc thôi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ nhưng tôi tin những giá trị mà ông góp phần để lại không phải chỉ là 400 tỷ đồng mà quỹ đã huy động, không phải hàng trăm công trình cộng đồng được hoàn thành, hàng vạn trang thiết bị được trao tặng, hàng trăm nghìn người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc được thụ hưởng các giá trị mà quỹ mang tới. Đó còn là niềm tin lớn lao vào sức mạnh cộng đồng, tinh thần sẻ chia đoàn kết của các thành phần xã hội, niềm tin vào sự tận tâm, trong sáng, minh bạch của những người “vác tù và hàng tổng” như ông. 

HOÀNG LÊ ANH MINH