26 năm công tác, trải qua 18 năm là cán bộ quản lý, nhà giáo Nguyễn Viết Dũng với bản lĩnh của người cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã từng bước dẫn dắt Trường THPT Tháp Mười từ một trường khó khăn trở thành một trong số ít đơn vị có chất lượng giáo dục tốt nhất tỉnh Đồng Tháp.

Chọn đất sen hồng là quê hương thứ hai

Sinh ra từ một làng quê miền biển Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngập tràn nắng gió, nhưng thầy Nguyễn Viết Dũng lại gắn bó, cống hiến hết mình nơi bưng biền Đồng Tháp Mười. Năm 1981, tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, thầy giáo trẻ Nguyễn Viết Dũng tình nguyện nhận công tác tại miền Tây Nam Bộ, cách xa quê hương cả ngàn dặm đường.

Về Đồng Tháp, thầy Dũng được phân công dạy tại Trường Phổ thông cấp 3 Mỹ An (nay là Trường THPT Tháp Mười), ở huyện mới Tháp Mười. Đó là nơi bắt đầu hành trình một phần tư thế kỷ với nhiều thay đổi, đặc biệt cho cá nhân thầy và giáo dục trung học Tháp Mười.

Gắn bó với vùng quê nghèo như làng biển quê mình, thầy Dũng hiểu sự khát khao đổi đời từ con chữ của người dân đất sen hồng. Thầy tự hứa phải làm điều gì đó cho vùng đất này. Thầy đã xem vùng đất này là quê hương thứ hai để yêu thương, để gắn bó và cống hiến hết mình.

Là giáo viên dạy Toán, nhưng thầy chủ động tham gia hầu hết các công việc của trường. Từ giảng dạy, chủ nhiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, vận động học sinh đến trường, rồi công tác đoàn, lao động, trực trường... thầy đều làm với sự tận tâm. Sau 7 năm giảng dạy đầy nhiệt huyết, thầy được bổ nhiệm vào vị trí phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng. Từ đây, hành trình 16 năm làm người “thuyền trưởng” tận tụy, nhiệt huyết, đoàn kết cùng tập thể vượt qua nhiều thách thức bắt đầu. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thầy xây dựng các kế hoạch lâu dài về lực lượng giáo viên và cán bộ quản lý cho quê hương thứ hai. Thầy luôn động viên, khuyến khích cựu học sinh trở về phục vụ quê hương để “an cư lạc nghiệp” và để toàn tâm, toàn ý cho công tác. 

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Viết Dũng đánh trống khai trường, năm học 1997-1998. 

Thầy đã trực tiếp giúp đỡ, bồi dưỡng nhiều cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ tại các trường THPT của toàn huyện. Từ một trường không có giáo viên là người địa phương, đến năm 2007, huyện Tháp Mười có 5 trường THPT với số lượng giáo viên người địa phương chiếm hơn 60%, cán bộ quản lý là cựu học sinh của huyện chiếm 80%. Những thành quả đó là kết tinh của nhiều yếu tố, của nhiều người và trong thời gian dài, nhưng chắc chắn rằng, thầy đã giữ vai trò quan trọng.

Tiên phong thay đổi giáo dục vùng quê nghèo

Một trong những dấu ấn lớn nhất là vào năm 1999, khi giáo dục Đồng Tháp chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường THPT Tháp Mười là một trong ít trường được quy hoạch. Đó là vinh dự lớn, nhưng gắn liền với trách nhiệm nặng nề. Việc đi tiên phong, đồng nghĩa với không có nơi để tham khảo, cùng với đó là áp lực đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất khi trường còn nhiều thiếu thốn, đồng thời phải nhanh chóng tách cấp học trung học cơ sở (THCS) để bảo đảm chỉ có một cấp học và sắp xếp nhân sự...

Trong khi các trường khác thận trọng xin chậm lại, thì Trường THPT Tháp Mười mạnh dạn nhận nhiệm vụ này. Với sự chủ trì của Hiệu trưởng Nguyễn Viết Dũng, trường chủ động đề xuất với cấp trên khẩn trương hoàn thiện các hạng mục về cơ sở vật chất; xác định địa điểm để xây dựng mới Trường THCS thị trấn Mỹ An; tiến hành rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên cho mỗi đơn vị. Việc nào cũng mới, cũng khó, nhưng công tác nhân sự được xem là việc khó nhất, dễ “đụng chạm” nhất lúc này vì đa số giáo viên đều muốn ở lại cấp THPT...

Câu chuyện phức tạp này bắt đầu từ đơn kiến nghị (gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Tháp Mười) của một nhóm giáo viên đã học liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học sư phạm, với nguyện vọng rất chính đáng là được dạy cấp THPT vì đã đủ chuẩn. Một lần nữa, cấp trên lại giao cho hiệu trưởng chủ trì bàn bạc với Phòng Giáo dục huyện để sớm ổn định tổ chức nhân sự, sớm trình danh sách đội ngũ hai trường, chịu trách nhiệm về việc bảo đảm sự đồng thuận của giáo viên để họ yên tâm công tác.

Thầy Nguyễn Viết Dũng đã cùng nhà trường phân tích toàn diện nhân sự nhằm tìm ra phương án tối ưu. Thầy hiệu trưởng đã lần lượt gặp gỡ, trao đổi với từng giáo viên dự kiến về trường THCS. Bằng sự chân thành, những phân tích thấu đáo và cả sự khuyến khích, trân trọng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn của các giáo viên, thầy chia sẻ về những yêu cầu nhiệm vụ công tác, đơn vị mới cũng rất cần đội ngũ cốt cán về chuyên môn là những người có kinh nghiệm dạy cấp THCS và có trình độ cao.

Thầy Nguyễn Viết Dũng động viên những giáo viên còn "lấn cấn" sang đơn vị mới để giúp trường, giúp ngành xây dựng đội ngũ chuyên môn cho trường THCS không ngừng lớn mạnh. Hiểu tâm tư cán bộ cấp dưới, những lời động viên của thầy còn gắn với việc giao trọng trách để ai cũng hiểu việc đi hay ở đều quan trọng, đều đóng góp cho ngành giáo dục Đồng Tháp. Người ở lại tham gia ngay vào nhiệm vụ xây dựng trường THPT chuẩn, người chuyển đi sớm ổn định hoạt động ở đơn vị mới và bắt tay vào việc phát triển trường THCS chuẩn quốc gia.

Cách đặt vấn đề này đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ nên hầu hết cán bộ đều vui vẻ nhận nhiệm vụ, đặc biệt là Phó hiệu trưởng chuyên môn đã tình nguyện sang trường mới. Đây là trường THCS có tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn cao nhất tỉnh lúc bấy giờ.

Nền tảng này đã góp phần quan trọng để Trường THPT Tháp Mười là trường phổ thông đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003), đồng thời trở thành trường THPT chuẩn quốc gia đầu tiên của Đồng Tháp và thứ hai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vào năm 2004); Trường THCS thị trấn Mỹ An cũng là trường THCS thứ 3 của tỉnh đạt chuẩn quốc gia ngay sau đó. Từ đó, cả hai trường đều duy trì chất lượng giáo dục ở mức cao, liên tục dẫn đầu các trường cùng cấp học của Đồng Tháp, được UBND tỉnh, Chính phủ, Nhà nước nhiều lần tặng bằng khen, cờ thi đua, huân chương...    

Do yêu cầu công tác, thầy Nguyễn Viết Dũng chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo từ cuối năm 2006 và nghỉ hưu từ năm 2019. Với những đóng góp và thành tích tiêu biểu xuất sắc cho ngành giáo dục, thầy Nguyễn Viết Dũng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2000). Đó là vinh dự lớn cho một nhà giáo, nhưng trên hết vẫn là phần thưởng tinh thần vô giá từ lòng biết ơn chân thành của nhiều thế hệ học sinh, gia đình học sinh và người dân Tháp Mười.

15 năm qua, từ ngày thầy Nguyễn Viết Dũng chia tay với giáo dục Tháp Mười, các trường THPT của huyện đã phát huy nền tảng quan trọng mà thầy để lại, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để luôn là điểm sáng của giáo dục Đồng Tháp.

Theo thời gian, giáo dục huyện nhà đã có nhiều thay đổi, nhưng dấu ấn của nhà giáo Nguyễn Viết Dũng về tài năng, đạo đức, nhất là tấm lòng đặc biệt với quê hương Tháp Mười vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn lan tỏa trong nhiều thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nơi này.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN ĐỊNH