"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Những ngày này, xã Cư Pui cũng đang bị dịch Covid-19 hoành hành. Các con đường bê tông thưa vắng bóng người. Tiếng cười đùa của trẻ, tiếng hát dân ca truyền thống của các chị, các mẹ không còn ngân vang bên nhà văn hóa cộng đồng mỗi khi chiều về. Nhà nhà khép cửa, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Để dân ấm cái bụng, an tâm giãn cách xã hội, cán bộ xã Cư Pui vừa ra sức “chống giặc Covid”, vừa tìm mọi nguồn vận động lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân. Trong những cán bộ thầm lặng ấy, có Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm.

Thật là may mắn, trước ngày dịch Covid ập đến, chúng tôi đã đến tìm hiểu về hành trình “thay da đổi thịt” của vùng đất Cư Pui. Sau khi dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa cộng đồng, Bí thư Nguyễn Văn Tâm chia sẻ về sự đổi thay này: "Mọi công trình đường, trường, nhà văn hóa cộng đồng đều do người dân góp tiền của, công sức cùng kinh phí từ nguồn xã hội hóa và ngân sách từ các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Để người dân đồng thuận, trước khi triển khai dự án, chúng tôi đều lên kế hoạch cụ thể, sau đó mời đại diện thôn, buôn là những người có uy tín tham gia họp bàn, đi đến thống nhất. Sau đó, mỗi cán bộ, người có uy tín trong thôn, buôn trở thành một tuyên truyền viên vận động nhân dân hưởng ứng. Khi dân được nghe và trực tiếp đóng góp ý kiến... họ sẽ thấy mình được tôn trọng nên hào hứng tham gia. Tất cả khoản đóng góp đều được chúng tôi công khai, minh bạch”.

Người dân Cư Pui trồng hoa làm đẹp cung đường. 

Trong những lần huy động sức dân đóng góp, ông Nguyễn Văn Tâm nhớ nhất là lần tìm quỹ đất để thay ngôi trường tạm bợ, cũ kỹ thành trường học kiên cố. Theo ông, bên cạnh dạy cách trồng lúa nước hai vụ cho người dân "no cái bụng", thì cũng phải làm cho dân "sáng cái đầu"., muốn vậy phải khai mở dân trí bằng con đường dạy chữ. Trong lúc ngân sách địa phương có hạn, chính quyền quyết định dựa vào sức dân, huy động cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến tận thôn, buôn cùng vào cuộc.

“Việc đầu tiên, chúng tôi vận động người dân cho trẻ đi học. Có nhiều trường hợp, cán bộ phải lui tới giải thích nhiều lần, gia đình mới đồng ý. Dần dần, lớp học đông lên, cha mẹ cũng nhận thấy cần một nơi rộng rãi và khang trang cho con mình học. Biết tin chính quyền có chủ trương xây trường nhưng thiếu quỹ đất, các vị trưởng thôn, buôn, người có uy tín đã vận động bà con góp mỗi người vài trăm nghìn đồng mua một miếng đất thuận tiện. Cứ thế, mái trường cũ, tạm bợ trên khuôn viên chật hẹp dần được thay thế bằng ngôi trường kiên cố. Đến nay, Cư Pui đã có 3 trường tiểu học, 1 trường THCS và 2 trường mầm non được xây dựng khang trang”, Bí thư Tâm kể.

Thấm nhuần tinh thần “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên Bí thư Tâm kiên trì vận động người dân đồng lòng phá bỏ hàng rào, chặt cây trồng để hiến đất, mở rộng đường, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đã thành công như mong đợi.

Tiên phong trẻ hóa cán bộ, đảng viên

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm, để nói cho dân nghe, làm cho dân tin là cả một quá trình, bởi Cư Pui là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, dân số đông nhất huyện Krông Bông (hơn 14.000 người). Trong đó, 90% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Với giọng nói đậm chất Quảng Nam, Bí thư Tâm đã kể cho chúng tôi nghe về thuở hàn vi của mình... Ông theo gia đình rời quê vào Cư Pui từ năm 11 tuổi. Thời đấy, nơi đây hẻo lánh, người dân muốn ra trung tâm huyện Krông Bông phải cuốc bộ hơn 25 cây số. Chính vì cùng nếm trải ngọt bùi, cay đắng trên vùng đất nghèo này nên ông coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Đau đáu với quyết tâm đưa Cư Pui thoát khỏi lạc hậu và đói nghèo, ông xác định phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trình độ. Có thời kỳ, Cư Pui bị đánh giá là một trong những đảng bộ yếu kém, thiếu tập trung dân chủ, cấp trên phải cử cán bộ về tăng cường một thời gian. Do đó, khi được bầu làm Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Pui (năm 2005), việc đầu tiên ông Tâm làm là củng cố tổ chức đảng, xây dựng quy chế làm việc tại cơ quan theo hướng dân chủ, công khai, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời đấy, những người trẻ, nhất là đội ngũ nhà giáo, chưa được quan tâm, phát triển Đảng. Ông cho rằng, đội ngũ đó vừa có sức trẻ và trình độ chuyên môn, lại khát khao được cống hiến. Thế nên một mình ông đạp xe khắp các huyện trong tỉnh Đắc Lắc, thậm chí đón xe khách ra các tỉnh, thành phố khác đi xác minh nhân thân, lý lịch của quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhờ vậy, ông và cấp ủy các cấp đã gây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm (thứ hai, từ phải sang) cùng nhóm thiện nguyện trao bò sinh sản cho các hộ dân, năm 2017.

Khi có đội ngũ đảng viên “trẻ-khỏe-nhiệt tình”, ông bắt đầu giao việc cho từng chi bộ với hai nhiệm vụ chính là tập trung nâng cao trình độ dân trí cho người dân tộc thiểu số và và phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, cán bộ tập trung và hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng cây lúa nước để có gạo ăn, giảm việc thiếu đói mỗi khi đến mùa giáp hạt. Trước khi muốn xây dựng công trình gì, ông đều yêu cầu UBND xã lấy ý kiến rộng rãi trong dân, sau đó công khai bàn bạc để đi đến thống nhất. Bằng cách làm thiết thực như vậy,  Đảng bộ xã Cư Pui từ yếu kém, trở thành đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu...

“Cầu nối” của những tấm lòng thiện nguyện

Nhập cuộc thời đại 4.0, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm sớm sử dụng Facebook, Zalo. Ông xem đây là kênh tiếp cận thông tin, sự kiện trên địa bàn, đồng thời giao lưu, kết nối với thế giới bên ngoài. Cũng từ đây, vị Bí thư Đảng ủy xã đã trở thành “cầu nối” của những tấm lòng thiện nguyện.

“Mọi sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức dù lớn hay nhỏ đều đáng quý. Tuy nhiên, của cho không bằng cách cho, trước khi có đoàn từ thiện đến trao quà, họ thường kết nối với tôi, khảo sát xem bà con cần gì nhất để cho đúng người, đúng hoàn cảnh. Nhờ cách làm này, nhiều đoàn từ thiện, nhất là ở TP Hồ Chí Minh rất hay về đây, dù khoảng cách tới hàng trăm cây số”, Bí thư Tâm chia sẻ.

Từ những chương trình kết nối từ thiện, ông Tâm ưu tiên “trao cần câu” cho người nghèo như mô hình "bò sinh sản" được triển khai đầu tiên ở thôn Ea Rớk. Khu vực này, bà con chủ yếu là người Mông, di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc nên có tới 91% hộ nghèo. Mô hình này do chị Vũ Thị Ngọc Ái Vy, một nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh khởi xướng. Từ mô hình này, Bí thư Tâm và chị Vy cùng các nhà tài trợ đã huy động được nhiều nguồn lực để triển khai Dự án “Ngân hàng bò cái sinh sản luân phiên” nhằm hỗ trợ các hộ nghèo.

Bí thư Tâm (áo trắng) cùng cán bộ xã thăm, tặng quà người dân dịp Tết Nguyên đán 2021. 

Để dự án được triển khai thành công, ông Tâm lập ra một ban điều hành, tiếp nhận đợt đầu gồm 4 con bò cái sinh sản giao cho 4 hộ nghèo tại thôn. Khi bò sinh sản lứa đầu tiên được 5 tháng tuổi, gia đình giữ lại bê con và chuyển bò mẹ sang cho hộ nghèo khác tiếp tục nuôi. Theo định kỳ, ban cử người xuống kiểm tra, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò. Nhờ cách hỗ trợ thiết thực cùng sự quản lý chặt chẽ trên, dự án mang lại hiệu quả tích cực, góp phần trao sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Từ năm 2017 đến nay, dự án này hỗ trợ được 40 con bò cái sinh sản (trị giá gần 600 triệu đồng) với 52 lượt hộ nuôi. Số bò giờ đã tăng lên thành 60 con lớn nhỏ với giá trị ước tính hơn 1 tỷ đồng. Ban điều hành dự án tặng bò sinh sản dự định nhân rộng mô hình sang thôn Ea Uôl.

Ông Dương Văn Pao-một trong những hộ đầu tiên được nhận "bò sinh sản" cho hay: "Nhà mình làm rẫy, nhưng đất xấu quá, trồng cây gì cũng còi cọc. May nhờ được tặng bò, lại có cán bộ tới hướng dẫn chăm sóc nên sau 3 năm chăm nuôi, bò cái đã đẻ một con bò mập mạp, trị giá 25 triệu đồng. Nay gia đình mình đã giao lại bò mẹ cho hộ khác nuôi rồi”.

Bên cạnh mô hình trao bò sinh sản, Bí thư Tâm đang triển khai mô hình phát triển kinh tế rừng cho người dân trên địa bàn. Trước đó, ông đã đi khảo sát các mô hình trồng rừng hiệu quả ở huyện M’Drắk và nhận thấy tiềm năng. Không chỉ vận động người dân trồng cây, từ các mối quan hệ của bản thân, Bí thư Tâm đã xin hỗ trợ hàng nghìn cây giống cho bà con. Năm 2020, toàn xã Cư Pui trồng được hơn 150ha; năm 2021, ông đặt mục tiêu 300ha. “Dù cuộc sống của người dân Cư Pui đã cải thiện nhiều nhưng vẫn còn nghèo khó. Mô hình trồng rừng khai thác gỗ keo đã được huyện M’Drắk làm thành công nhiều năm nay. Khí hậu, đất đai Cư Pui có nhiều điểm tương đồng với huyện bạn; Nhà nước lại mở rộng các đường kết nối, tạo thuận lợi để Cư Pui giao thương với địa phận M’Drắk. Do đó, ta phải chủ động vùng nguyên liệu trước. Tôi hy vọng đây sẽ là mô hình tạo sinh kế bền vững, giúp người dân Cư Pui thoát nghèo”, Bí thư Tâm cho biết.

Trải qua nhiều vị trí công tác, Bí thư Nguyễn Văn Tâm luôn thấm nhuần bài học lấy dân làm gốc, thế nên ông luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân. Vì vậy, trước khi đưa ra những quyết sách gì, ông luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Đánh giá về Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm, đồng chí Lê Văn Long, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắc Lắc) nhận xét: “Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, gắn bó với cơ sở, nên đồng chí Tâm có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, được nhân dân kính trọng, tin yêu!".

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH