Nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân

Tháng Tám, tiết trời Vũng Tàu ngột ngạt, oi nồng trong cái nắng hầm hập. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến phố biển càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chính trong những ngày “sinh tử” này, hàng loạt câu chuyện về những y, bác sĩ liên tục về chi viện cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 đã làm lay động trái tim biết bao nhiêu người. Bác sĩ trẻ Đỗ Trường Thanh Sơn là một trong số các y, bác sĩ, theo tiếng gọi hỗ trợ của ngành y đã xung phong đi “tiếp viện” tại Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cơ sở 4 của tỉnh BR-VT.

Ngày 30-7, sau khi nhận điện thoại từ Sở Y tế BR-VT, Ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã thông báo cho Khoa Hồi sức tích cực về việc cử bác sĩ đi BR-VT chi viện. Không chút đắn đo, bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn xung phong lên đường. Sau khi chuẩn bị tư trang đồ đạc cho chuyến đi dài ngày, bác sĩ Sơn chào bố mẹ và nhờ ông bà chăm sóc cho vợ cùng hai cô con gái nhỏ (bé thứ hai mới sinh 4 tháng) rồi lên đường xuống thành phố Vũng Tàu. Đúng 2 giờ chiều ngày 1-8, chiếc xe ô tô của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh dừng bánh tại Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cơ sở 4. Sau khi tham quan một vòng tại bệnh viện, bác sĩ Sơn tranh thủ sắp xếp đồ đạc, nghỉ ngơi để bắt đầu chuỗi 14 ngày trong khu cách ly của Bệnh viện Vũng Tàu cùng các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

 Bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn trong giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau giờ làm việc tại Bệnh viện Vũng Tàu.

Theo lời của bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn thì việc đầu tiên khi bước vào buồng dành cho bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực, anh nhận bàn giao từ ca trước để nắm tình trạng bệnh nhân nặng; sau đó, đánh giá phân theo cấp độ thứ tự ưu tiên từng bệnh nhân để có hướng điều trị. Hầu hết, bệnh nhân Covid-19 khi vào khoa đều nặng nên luôn luôn phải có bác sĩ theo dõi sát. Vì thế, không khí làm việc ở buồng bệnh luôn căng thẳng và khẩn trương; nào là tẩy trùng, sát khuẩn, theo dõi sát… để có hướng xử lý kịp thời. Đó cũng là lý do, các bác sĩ hồi sức làm việc liên tục, không có khái niệm ngày hay đêm. “Bệnh nhân thường diễn tiến rất nhanh, nên các bác sĩ sẽ thay nhau túc trực để có hướng xử lý nhanh. Có những bệnh nhân, ở tuyến dưới vẫn bình thường nhưng khi chuyển vào khoa, chúng tôi phải đặt ống nội khí quản giúp thở ngay. Dường như, khi bước vào buồng bệnh, chúng tôi không có thời gian để ngồi vì phải luôn theo sát diễn biến của bệnh nhân”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Trong những ngày trực chiến tại Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ Sơn chia sẻ, 35 tuổi, 9 năm trong nghề y, anh chưa từng trải qua quãng thời gian làm việc căng thẳng như bây giờ. Thế nhưng, với trách nhiệm, tình yêu với nghề, khoác trên người bộ đồ bảo hộ kín mít suốt hàng giờ đồng hồ, bác sĩ Sơn vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài chăm sóc, giành lại sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mỗi ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhân. Mỗi ca làm việc của anh cùng đồng nghiệp kéo dài 4 giờ liên tục trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 và lớp khẩu trang N95 dày, kín mít không có điều hòa và không có thời gian nghỉ. “Làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cảm giác đầu lúc nào cũng nóng, mồ hôi tuôn như tắm. Kết thúc mỗi ca làm việc, khi rời buồng bệnh, tôi chỉ muốn uống nước. Vì thế, hầu như trưa tôi mới ăn sáng và chiều mới ăn trưa”, bác sĩ Sơn kể.

Khi được hỏi về nỗi sợ hãi với dịch, bác sĩ Sơn bảo rằng: “Biến thể Delta lây lan rất nhanh nên mọi y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ý thức rất rõ về mối nguy hiểm này. Để bảo đảm an toàn, ngoài kiến thức đã được đào tạo, tôi và đồng nghiệp thực hiện một cách nghiêm ngặt trong sử dụng phương tiện bảo hộ nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân cùng với nhân viên y tế. Hơn nữa, đội ngũ nhân viên y tế đã được ưu tiên tiêm vaccine, bản thân tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Các y, bác sĩ điều trị tại bệnh viện thực hiện theo dây chuyền khép kín, di chuyển theo 1 chiều rõ ràng. Đặc biệt, làm hồi sức quen rồi nên khi bước vào buồng bệnh tôi luôn tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn. Vì thế, tôi và các đồng nghiệp luôn trong tâm thế tự tin, sẵn sàng”.

Bước vào trận chiến với Covid-19 với bao khó khăn, nguy hiểm nhưng bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn không nề hà. Theo anh thì trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đối diện với bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao khiến áp lực về trách nhiệm của bác sĩ trước sự sống còn của bệnh nhân rất lớn. Đặc biệt là bản thân bác sĩ tự đặt trách nhiệm của mình trước người nhà bệnh nhân khiến anh và đồng nghiệp luôn cố gắng nỗ lực hết mình. Suốt 11 ngày chiến đấu cùng các bệnh nhân Covid-19, niềm vui lớn nhất với anh cùng đồng nghiệp là khi điều trị thành công, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn kể: “Trong số các bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, tôi nhớ mãi bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi. Đó là ca bệnh lớn tuổi nặng, xếp vào nhóm nguy cơ tử vong rất cao, với bệnh nền nhiều, khó cai máy thở và phải phụ thuộc vào thuốc ngủ. Để đưa bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch là một thách thức lớn. Thế nhưng, sau 12 ngày tập cai máy thở, giảm dần liều thuốc, cùng với nỗ lực của toàn bộ các y, bác sĩ thì bệnh nhân đã cai được máy thở. Cảm giác khi giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, chúng tôi ai cũng vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, trong diễn biến phức tạp của dịch hiện nay thì những nỗ lực của chúng tôi chưa thấm vào đâu bởi bệnh nhân nặng, diễn biến nhanh có nguy cơ tử vong cao còn rất nhiều. Đó là nỗi trăn trở lớn đặt ra cho các y, bác sĩ lúc này làm sao để cứu được nhiều bệnh nhân hơn nữa”.

“Hết dịch, ba con mình sẽ đi biển”

Suốt 11 ngày nay, chiếc điện thoại là phương tiện duy nhất để bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn ngắm nhìn hai cô con gái bé bỏng của mình… Mỗi lần khi thấy ba gọi điện về, cô bé Minh Anh, 3 tuổi - đều hỏi: “Ba đi đâu đấy? Bao giờ ba mới về?”. Sau những giây phút nhớ nhung, bé lại an ủi, động viên ba rằng: “Mỗi tối, con cầu nguyện cho ba bình an và sức khỏe”.

Kể với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn cho biết, vợ anh là giáo viên và mới sinh bé gái thứ hai được 4 tháng tuổi. Vợ chồng anh sống cùng ông bà nội đã lớn tuổi. Ở nhà, anh là trụ cột chính chăm sóc cho cả gia đình. Thế nhưng, khi tình nguyện xung phong xuống Vũng Tàu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, anh gửi lại người vợ mới sinh và hai con nhỏ nhờ ông bà nội chăm sóc. “Nhớ con lắm, nhưng vì công việc nên mình phải cố gắng bởi ở đây còn rất nhiều bệnh nhân đang cần mình. Mỗi lần gọi điện, khi con gái nói nhỏ: “Con nhớ ba lắm” rồi bé đưa bức vẽ tô màu có chữ “Con yêu ba rất nhiều” động viên khiến tôi rất xúc động. Tôi bảo với con “Khi nào hết dịch, ba con mình sẽ đi biển” khiến bé rất thích và hào hứng”, bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn tâm sự.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y. Bố anh là y sĩ trong quân đội đã nghỉ hưu; chị gái làm trong nghề dược. Ngay từ nhỏ, bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn đã có niềm đam mê với nghề y và quyết tâm theo học bác sĩ Đa Khoa. Tốt nghiệp ra trường, cơ duyên đã đưa anh trở thành bác sĩ hồi sức cấp cứu suốt 6 năm qua. Khi biết anh tình nguyện xung phong lên đường điều trị cho bệnh nhân Covid-19, gia đình đều lo lắng. Mỗi lần gọi điện thoại về nhà, anh luôn tìm cách cố gắng trấn an để cả nhà yên tâm. “Khi mình xuống đây nhận nhiệm vụ thì cả nhà lo cho mình, còn mình lại lo ở nhà, ông bà nội lớn tuổi, vợ mới sinh và con còn nhỏ. Vì thế, hằng ngày dù mệt mỏi sau mỗi ca làm việc, tôi vẫn tranh thủ gọi điện thoại về để cả gia đình tranh thủ nói chuyện với nhau, qua đó cũng yên tâm và vơi nỗi nhớ con”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Chiều 9-8, trên chiếc bàn làm việc của bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn, bên cạnh những vật dụng phòng, chống dịch thì hộp cơm trưa vẫn còn nguyên dù lúc này đã 2 giờ chiều. Theo bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn, Khoa Hồi sức tích cực của anh có 12 bác sĩ thì 8 người trước đó đã lên đường chi viện cho các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hiện ở khoa chỉ còn lại 4 bác sĩ trực chiến. Trong những ngày cả nước đang căng mình chiến đấu với dịch Covid-19 này, cùng với các lực lượng tuyến đầu, mỗi bác sĩ như anh đều trong tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến với Covid-19 với mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Bài và ảnh: MINH PHÚC