Đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động trẻ khuyết tật đến lớp
Tôi đến thăm lớp học của bà Hồ Hương Nam vào một ngày oi nóng. “Nghiêm!”, tiếng hô dõng dạc của bạn lớp phó bắt đầu một buổi học mới. Đôi bàn tay run run của bà Nam đi từng bàn, uốn từng nét chữ cho các em, có những lúc đôi bàn tay ấy lại chính là công cụ giao tiếp với các học sinh khuyết tật của mình.
Bà Hồ Hương Nam sinh năm 1933 tại Huế. Năm 1954 gia đình bà chuyển ra Bắc và bà từng có thời gian dạy học tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Năm 1979, bà nghỉ hưu và tham gia công tác cộng tác viên dân số tại phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Trong thời gian này, bà tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh của các trẻ em khuyết tật. Là một giáo viên, bà hiểu rõ hơn hết những thiệt thòi, mặc cảm của các em. “Để các cháu khuyết tật bị thất học, tôi cảm thấy có lỗi với các cháu”, bà Hồ Hương Nam chia sẻ. Và rồi bằng tấm lòng nhân ái và hơn hết là tình thương, trách nhiệm của một nhà giáo, năm 1997, bà Hồ Hương Nam đã quyết định thành lập lớp học đặc biệt, dạy chữ miễn phí cho trẻ khuyết tật.
Chia sẻ những khó khăn ngày đầu đi vận động học sinh, bà Hồ Hương Nam cho biết: “Đi đến đâu người dân cũng rất ngạc nhiên, thậm chí có người còn chửi, cho rằng tôi lẩm cẩm. Đến họ không tiếp, đóng sập cửa lại". Không nản lòng, hằng ngày bà vẫn đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động để trẻ em khuyết tật được đến lớp. Lớp học đầu tiên chỉ có 2 học sinh nhưng sau đó, số lượng học sinh tăng dần lên khi nhiều gia đình nhận ra nghĩa cử cao đẹp của bà giáo già.
 |
Bà Hồ Hương Nam hướng dẫn em nhỏ khuyết tật học bài. |
Bất kể nắng hay mưa, bà giáo Hồ Hương Nam vẫn đều đặn đứng lớp tuần 5 buổi, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Trên đôi lưng đã còng, bà hằng ngày không chỉ cõng từng con chữ mà còn cõng những mảnh đời bất hạnh vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, đưa các em đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn. Suốt hơn 20 năm qua, bà chưa từng từ chối một trường hợp nào theo học. Lớp học hiện tại có 18 em, em thì khiếm thính, em lại bại liệt,… Mỗi em có một trình độ, khả năng tiếp thu khác nhau, chính vì thế, lớp học tình thương của bà giáo Nam không có bảng đen, phấn trắng mà bà phải đến từng bàn, uốn từng nét chữ, truyền dạy kiến thức tỉ mỉ. Nhiều khi chữ O, chữ A phải cầm tay các em 3, 4 tháng mới viết được, có em nổi nóng còn đánh cả bà giáo già. Lớp học không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em cách chia sẻ, giao tiếp, hay tập vẽ, dạy toán,… để các em có được những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hằng ngày.
Thành quả ngọt ngào
Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó hơn bội phần. Mặc cảm tàn tật và những khó khăn vất vả khiến các em sống thu mình, không muốn giao tiếp hay chia sẻ với bất kỳ ai. Nhưng rồi bằng tình thương và sự kiên trì của mình, dần dần, bà giáo Hồ Hương Nam đã giúp các em thoát khỏi mặc cảm, trở nên hòa đồng, hoạt bát hơn. Niềm vui lớn nhất của bà Nam là hằng ngày được chứng kiến nụ cười và sự tiến bộ của các học trò.
Bà Nam quan niệm, trước khi dạy chữ, phải dạy các con lễ phép, đạo đức tốt, dạy các cháu trở thành công dân lương thiện. Hơn 20 năm, 62 học sinh theo học, đến giờ bà vẫn nhớ mặt gọi tên từng người. Em Đỗ Thị Kim Thúy, sinh năm 1990, bị liệt nửa người, mẹ mất sớm, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, theo lớp từ những ngày đầu, giờ đây đã có thể biết đọc, biết viết, đạt trình độ học sinh lớp 4. Em Nguyễn Thị Dung, một trong hai học sinh đầu tiên giờ đã lấy chồng và có hai con; ngày em lấy chồng, chính bà Hồ Hương Nam làm chủ hôn. Hay như trường hợp em Lưu Hồng Dương, bị thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp giờ đây đã biết cầm bút, biết đọc báo...
Hơn 20 năm mở lớp, trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, nhiều khi nghĩ rằng không thể tiếp tục nhưng chính bằng tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo, bà Hồ Hương Nam đã vượt qua tất cả. Chia sẻ về một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất, bà Nam tâm sự: “Có đợt tôi bị tai nạn gãy tay, phải nghỉ dạy 2 tuần. Hằng ngày các cháu đều đến thăm tôi, rồi một hôm, có cháu ngồi ở cuối giường ôm tôi khóc hỏi: “Bà ơi, bà có chết không?”, lúc đó tôi giật mình, bất ngờ lắm, hạnh phúc lắm...".
Giờ đây, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà lại trăn trở một điều, sợ rằng khi sức khỏe đi xuống, không thể tiếp tục dạy học, thì ai sẽ là người đứng ra quan tâm, chăm sóc các em. Đã có rất nhiều bạn mong muốn ngỏ ý thay bà đứng lớp, nhưng được một thời gian phần vì lớp học không có kinh phí hỗ trợ, phần vì dạy trẻ khuyết tật vô cùng khó khăn và cần sự kiên trì cao mà không thể gắn bó lâu dài. ”Tôi mong rằng tất cả mọi người nên quan tâm đến các cháu khuyết tật, vì các cháu thiệt thòi nhiều lắm", bà Hồ Hương Nam chia sẻ.
Trước những đóng góp cho xã hội, bà giáo Hồ Hương Nam đã được Thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu "Tuổi cao - Gương sáng" của Hội Người cao tuổi TP Hà Nội.
Bài, ảnh: THẾ QUYỀN