Ngôi nhà sàn của gia đình bà Mạc Thị Hiền ở khối Tây Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, trước mặt là ao rộng mà chắc chắn đến hè sẽ tỏa hương ngào ngạt... Tôi liên tưởng đến chi tiết này, bởi trong những hoa văn thổ cẩm do bà Hiền dệt nên có rất nhiều họa tiết hoa sen.

Bà Hiền kể, năm 2004, bà được nghỉ hưu theo chế độ. Từ vị trí người lãnh đạo cấp huyện được cấp trên đánh giá là sâu sát, gần gũi với người dân, bà nghĩ ngay phải tiếp tục làm điều gì giúp những người dân nghèo huyện nhà có việc làm, có thu nhập. Có thể làm gì, với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người cán bộ? Tưởng được nghỉ ngơi, an nhàn, ai dè khi nghỉ hưu rồi bà Hiền lại nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc, trăn trở.

Và rồi, trong một đêm trăng rừng đã chếch đầu ngọn núi soi vào tận giường nằm, bà Hiền bật dậy: Thổ cẩm! Bà nhớ lại từ thuở bé được mẹ dạy nghề dệt vải, may vá. Những chiếc váy của người Thái, những chiếc khăn piêu, thắt lưng thổ cẩm màu sắc hài hòa, rực rỡ, hoa văn dịu dàng, thanh thoát hiển hiện trong ký ức, bà Hiền mường tượng có thể sờ tay lên mặt vải mát lạnh, tuy thô mộc nhưng thân thương, gần gũi vô cùng... Thế nhưng đã lâu rồi, bà Hiền ít thấy phụ nữ dân tộc Thái ở địa phương sử dụng. Thỉnh thoảng dịp lễ hội, tết nhất, một vài bà già khóm khém vận vào người chiếc váy thổ cẩm đã cũ mà họ cất giữ như bảo vật, lòng bà nôn nao. Mẹ của bà, bà của bà... từng mặc những chiếc váy như thế, đội chiếc mũ như thế, quàng chiếc khăn piêu như thế. Bà nhớ lại, có lần huyện tổ chức trưng bày hàng hóa, đặc sản vùng miền, nhiều xã mang trưng bày cả váy giả thổ cẩm sản xuất hàng loạt của nước ngoài, thế mà các anh chị lớp trẻ trong ban tổ chức không biết, vẫn chấm cho giải cao. Còn thổ cẩm dân tộc Thái, giờ tìm đâu?

Bà Mạc Thị Hiền may váy thổ cẩm tại nhà riêng. 

Phải phục hồi nghề dệt thổ cẩm thôi, phải làm thôi! Mình không làm thì ai làm?

Bà Hiền nghĩ vậy và nói với chồng, ông Quang Toàn, cũng là cán bộ huyện nghỉ hưu. Ý tưởng của bà được ông “nhất trí hoàn toàn”. Số tiền lương tiết kiệm gom góp bao năm ông bà định dành dựng ngôi nhà sàn, đã được rút về một phần lớn để bà Hiền sắm sửa khung dệt và mua nguyên vật liệu. Bà Hiền ngồi dệt, ngày này qua ngày khác... Đôi bàn tay bà nhanh nhẹn trở lại như thời con gái, như múa trên khung cửi. Đôi bàn tay của bà những năm tuổi trẻ từng chăm sóc thương binh, nấu cơm, giặt giũ khi còn là chiến sĩ của Đoàn 200, Quân khu 4. “Những năm quân ngũ đó đã rèn cho tôi ý chí, quyết tâm hoàn thành công việc”, bà Hiền nhớ lại.

Tấm vải thổ cẩm đầu tiên hoàn thành, cả bản đến xem. Các bà, các chị, các em gái người Thái ánh mắt trong veo, trầm trồ: “Đẹp quá, đúng là vải thổ cẩm của ông bà ta rồi...”. Bà Hiền hỏi ngay: “Mọi người có muốn tôi bày cho cách dệt vải thổ cẩm như thế này hay không? Dệt vải để mặc, để bán lấy tiền mua trâu, dựng nhà”.

Bắt đầu từ đó, bà Hiền cùng với sự trợ giúp đắc lực của người cháu gái Lô Thị Hồng, vừa dệt, vừa hướng dẫn phụ nữ trong bản cách xe sợi, nhuộm màu, dệt thổ cẩm. Cùng dịp đó, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Quế Phong có chương trình dạy nghề cho người dân, đã mời bà Hiền tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Thế là bà Hiền đi khắp các bản xa, bản gần, như: Nậm Giải, Nậm Nhoóng, Châu Thôn, Cắm Muộn... để truyền nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm phụ nữ.

Vải dệt được rồi, nhưng còn “đầu ra”? “Thực ra, để tiêu thụ nội địa thì số lượng không nhiều, mỗi phụ nữ chỉ cần một, hai chiếc váy, chiếc khăn. Cần phải tìm nơi tiêu thụ. Trong khi hàng giả thổ cẩm sản xuất công nghiệp của nước ngoài bày bán khắp thị trường, giá lại rẻ hơn thổ cẩm chính hiệu rất nhiều. Nếu không bán được, tiền vốn nguyên vật liệu, công sức của hàng trăm chị em sẽ nằm đó, sao thoát được nghèo?”, bà Hiền cho biết. Nhớ lại ngày còn công tác ở UBND huyện, bà Hiền từng gặp gỡ, trao đổi, phối hợp công tác với nhiều bạn người Lào. Họ cũng mặc đồ thổ cẩm như người Thái ta... "Ồ, ta xuất khẩu thổ cẩm thôi!", bà Hiền reo lên thành tiếng như vậy cũng trong một đêm mất ngủ, trăng rừng chếch đầu ngọn núi soi vào tận giường nằm... Sáng sớm, bà Hiền gọi ngay điện thoại cho một người bạn Lào ở Viêng Chăn. Mấy ngày sau, bà gom được một túi du lịch đựng hơn trăm sản phẩm thổ cẩm, đón xe khách sang Viêng Chăn. Người bạn Lào giới thiệu bà cho các cửa hàng bán đồ thổ cẩm. Người ta ra giá, một chiếc váy tính ra tiền Việt được một đến hai triệu đồng. Giá này là tốt rồi! Người ta lại đặt hàng thêm rất nhiều. Vậy là đã có “đầu ra” rồi, bà Hiền mừng rỡ reo thầm.

Trở về, thanh toán tiền công, tiền hàng đầy đủ cho chị em, bà mạnh dạn vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng mua nguyên liệu cung cấp cho các chị, các bà ở nhiều bản tiếp tục dệt vải thổ cẩm. Còn bà và cháu gái Lô Thị Hồng đảm nhiệm thiết kế hoa văn và may thổ cẩm thành váy, thắt lưng, khăn, túi. “Nghề may tôi học được từ bố chồng đấy”, Bà Hiền nói. Ông Quang Văn Keo là thợ may có tiếng trong vùng từ thời trước cách mạng. Khi bà mới về làm dâu, bố chồng bảo: “Con dâu làm cán bộ bận công tác, nhưng để bố dạy con nghề may, sau này có điều kiện thì giúp gia đình, giúp người, không phí đâu”. Bà nghe lời, hằng đêm, bên ngọn đèn dầu bà cặm cụi đạp máy, xâu kim, luồn chỉ, may áo quần dưới sự chỉ dẫn đầy yêu thương của bố chồng.

Trong những chuyến đi Lào bán sản phẩm, bà Hiền luôn để ý tìm hiểu, ghi nhớ các họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm, tìm hiểu “gu” của khách hàng để từ đó phát triển, sáng tạo thêm, tạo nên tấm thổ cẩm vừa mang màu sắc văn hóa người Thái ở Quế Phong, vừa hợp nhu cầu của khách hàng.

Từ những lớp học dạy nghề của bà Hiền, những năm qua, có khoảng 500 phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Quế Phong đã có việc làm phù hợp, có thu nhập cải thiện kinh tế gia đình. Bà Châu, bà Tuyên ở bản Đàn, xã Tiền Phong; bà Sơn, bà Minh ở bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch; bà Sướng ở xã Nậm Giải nhờ tiền bán thổ cẩm mà mua được trâu; dựng, sửa được nhà cũ dột nát. Giờ đây, không còn có chuyện vợ dệt vải, chồng không những không cho dệt lại còn phá khung cửi đi. Chả là trước đó, khi mới bắt đầu vận động chị em làm thổ cẩm, thu nhập còn ít, thậm chí chưa có, nhiều ông chồng không tin, nói vợ không lo làm nương, chăm con mà làm cái thứ vô tích sự này. Giờ không những đã có tiền mà trong những đêm hội hè ở bản, thấy vợ, con gái mình gọn gàng, duyên dáng trong tấm váy thổ cẩm đặc sắc, chiếc khăn piêu, chiếc thắt lưng tự dệt, tự may điệu đàng múa sạp, bên chum rượu cần, các ông chồng mãn nguyện lắm! Rồi từ những phụ nữ đã biết dệt thổ cẩm đó lại truyền nghề chăn tằm, nuôi kén, xe tơ cho lớp trẻ sau. Một nghề truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đã được bảo tồn, lưu giữ và phát triển...

Cháu gái của bà Hiền là Lô Thị Hồng sinh năm 1975, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả, không được học hành, không biết chữ. Bà Hiền tâm sự: “Tuy thế, cháu nó thông minh, sáng dạ, có năng khiếu nghề dệt, may thổ cẩm. Chỉ cần hướng dẫn sơ qua, cháu làm được ngay, lại có sáng tạo trong nét vẽ hoa văn, họa tiết”. Mười bảy năm qua, được bà Hiền truyền dạy, hướng dẫn, Lô Thị Hồng trở thành người trợ giúp đắc lực của bà Hiền và điều này mới vui làm sao: Cô Hồng đã biết đọc, viết những câu từ đơn giản. Đấy là trong một số hoa văn, họa tiết thổ cẩm, bà Hiền thiết kế mẫu viết chữ lên đó, như “Quế Phong”, “Việt Nam”, “Quê nhà”, “Hạnh phúc”. Lô Thị Hồng làm theo và học chữ bằng cách như vậy.

Hai năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, cửa khẩu “đóng”, hàng thổ cẩm không bán ra nước ngoài được, còn tồn đọng. Nhiều chị em làm thổ cẩm trong các bản xa thường xuyên nhắn tin, gọi điện hỏi bà Hiền, bao giờ thì hết dịch, để chúng em còn dệt vải. Nhớ nghề lắm rồi và cũng cần tiền lắm rồi! Bà Hiền động viên: “Các em kiên nhẫn giữ nghề đó, chắc không lâu nữa đâu. Chị em ta sẽ dệt nhiều thổ cẩm đẹp hơn”.

Tâm sự với tôi, bà Hiền nói: “Mong các cấp, các ngành quan tâm, có chính sách đầu tư hỗ trợ chị em chúng tôi, nhất là trong giải quyết “đầu ra”, sản xuất và xuất khẩu thổ cẩm một cách chính ngạch, chuyên nghiệp trên quy mô lớn hơn. Được như thế thì không những chỉ riêng Quế Phong mà tất cả huyện, thị xã miền Tây xứ Nghệ vừa phục hồi một nghề truyền thống quý giá, vừa giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế và văn hóa-xã hội cho bà con dân tộc thiểu số”.

Ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, khi tôi hỏi đường đến nhà bà Mạc Thị Hiền, người dân nói ngay: “Bà Hiền thổ cẩm phải không chú?”. Từ người chiến sĩ quân đội, hết chiến tranh thì giải ngũ, phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo huyện, rồi nghỉ hưu, rồi làm người truyền dạy nghề truyền thống, bà Hiền đã gắn tên mình vào một sản phẩm văn hóa có giá trị, mang nhiều ý nghĩa của dân tộc mình.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI