Say công nghệ, mê nghiên cứu
Ấn tượng ban đầu của tôi về Thiếu tá Vũ Ngọc Văn là một người vui vẻ, hòa đồng và tận tụy với công việc. Vũ Ngọc Văn đam mê kỹ thuật và thường tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của nhiều loại máy móc. Đến năm 2017, anh mới có dịp áp dụng những kiến thức tích lũy được vào thực tiễn trong quá trình cải tiến máy bơm VA. Thiếu tá Vũ Ngọc Văn nhớ lại: "Cuối năm 2017, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 326 chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp đưa nước lên cao để giúp nhân dân vùng dự án giải quyết nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt và canh tác. Từ đó, tôi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về các hình thức phù hợp với nhu cầu của người dân, điều kiện, khả năng của bản thân và đơn vị”.
 |
Thiếu tá Vũ Ngọc Văn. Ảnh: HOA LƯ
|
Khi ấy, Vũ Ngọc Văn là Phó đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 nên anh thấu hiểu được thực trạng canh tác của bà con vùng biên. Địa bàn vùng dự án của Đoàn KT-QP 326 có độ dốc lớn nên người dân gặp khó khăn trong việc đưa nước lên đồi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu một số phiên bản máy bơm ống xoắn, bơm điện, bơm xăng, anh Văn nhận thấy máy bơm VA có tính ứng dụng cao, đáp ứng điều kiện địa hình vùng biên. Thiếu tá Vũ Ngọc Văn giải thích: "Máy bơm VA sử dụng thế năng của dòng nước, dẫn nước từ vị trí cao chảy vào máy đặt ở vị trí thấp để sinh ra áp suất đẩy nước lên cao hơn nhiều lần so với vị trí nguồn nước ban đầu. Đây là loại bơm không cần sử dụng nhiên liệu khi vận hành, được sáng chế và ứng dụng từ lâu, hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các phiên bản máy bơm VA khó chế tạo, độ bền không cao; khó sử dụng, khi hỏng hóc khó sửa chữa, chỉ bơm được gấp 8 đến 10 lần độ cao ban đầu".
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ và nhiều lần thực hiện quy trình “nghiên cứu-chế tạo-thực nghiệm-cải tiến” với hơn 10 phiên bản, đến cuối năm 2020, Thiếu tá Vũ Ngọc Văn đã cải tiến được phiên bản máy bơm VA ổn định nhất. Phiên bản máy bơm VA này có thể bơm nước lên gấp 20 lần độ cao ban đầu, đối với máy cỡ lớn có thể bơm nước lên gấp 40 lần độ cao ban đầu. Quá trình thực nghiệm và lắp đặt máy bơm VA, anh Văn gặp nhiều khó khăn, trong đó có một sự cố khiến anh mất đi một đốt ngón tay. Anh nhớ lại: “Trong quá trình thực nghiệm máy bơm VA cỡ lớn, do điều kiện làm việc phải ngâm mình dưới nước tôi đã sơ suất bị lá van của máy bơm kẹp nát đầu ngón cái của bàn tay trái”.
Nhiều lần nghiên cứu, rồi thử nghiệm thất bại, nhưng anh Văn không hề nản trí. Ngoài đam mê và quyết tâm cao, anh luôn nhận được sự quan tâm, động viên của thủ trưởng và đồng đội, được đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ nhân lực. Được biết, so với máy bơm phiên bản cũ, phiên bản máy bơm VA do anh Văn cải tiến có một số ưu điểm như: Độ cao bơm nước lên được nâng đáng kể, máy bơm có tính ổn định cao trong quá trình hoạt động, dễ lắp đặt và phù hợp với nhiều địa hình, dễ sửa chữa...
Ứng dụng cải tiến thiết thực giúp dân
Để tìm hiểu về hiệu quả của máy bơm VA, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Vì Văn Công ở bản Cang, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đây là hộ được Đoàn KT-QP 326 lắp đặt máy bơm VA từ tháng 12-2020. Trước đó, gia đình anh Công phải dùng máy bơm điện bơm nước lên ao trên đồi có diện tích khoảng 500m2. Vào mùa khô, có thời điểm tiền điện của gia đình anh lên đến khoảng 500.000 đồng trong một tuần. Bây giờ, máy bơm VA không những cung cấp đủ nước cho ao rộng 500m2 mà gia đình anh Công còn đào thêm một ao nữa với diện tích khoảng 600m2. Anh Vì Văn Công cho biết: “Máy bơm VA không tốn chi phí vận hành mà hoạt động rất ổn định. Ngoài việc nuôi cá trắm đen, gia đình tôi còn trồng thêm các loại cây ăn quả. Giờ chúng tôi không còn lo lắng về nguồn nước nữa”. Cùng niềm vui với anh Vì Văn Công, ông Tòng Văn Toản, Giám đốc Hợp tác xã Toản Duyên (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) cho hay: “Hợp tác xã Toản Duyên ngoài việc trồng 5ha xoài, 1ha dứa nguyên liệu, còn có ao nuôi cá rộng 2.400m² trên sườn đồi. Sau hơn một năm sử dụng máy bơm VA của Đoàn KT-QP 326, chúng tôi thấy rõ hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn so với sử dụng máy bơm điện trước đây”.
 |
Máy bơm VA cải tiến của Đoàn KT-QP 326 được nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: CHÍ KIÊN |
Máy bơm VA đang từng bước mang đến hiệu quả kinh tế cho bà con thuộc vùng dự án của Đoàn KT-QP 326. Đơn cử, một số hộ dân khi chưa lắp máy bơm tự áp thì chỉ canh tác được 1 vụ/năm, nay đã có thể canh tác 2 vụ/năm, góp phần tăng thu nhập. Từ đầu năm 2021 đến nay, Thiếu tá Vũ Ngọc Văn đã cung ứng, lắp đặt được hơn 40 máy bơm VA cho một số hộ dân trong và ngoài vùng dự án của Đoàn KT-QP 326. Ngoài việc cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ còn lắp đặt máy bơm VA để phục vụ nước sinh hoạt. Được biết, để sở hữu máy bơm VA người dân chỉ cần chi trả vật liệu chế tạo, tất cả công sức chế tạo và lắp đặt đều được Thiếu tá Vũ Ngọc Văn cùng các đồng đội Đoàn KT-QP 326 nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ.
Thượng tá Vũ Hồng Mạnh, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Việc ứng dụng máy bơm VA do Thiếu tá Vũ Ngọc Văn cải tiến đã góp phần giải quyết khó khăn về vấn đề đưa nước lên đồi cao để sản xuất nông nghiệp của bà con vùng biên. Máy bơm VA cải tiến đã bước đầu giúp bà con vùng biên nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”.
Nhờ tận tâm, sáng tạo trong công tác, nhiều năm liền, Thiếu tá Vũ Ngọc Văn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2020, anh vinh dự nhận bằng khen của Chính ủy Quân khu 2 vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
HOÀI PHƯƠNG