Gieo yêu thương trên quê hương

Võ Văn Tiếng sinh năm 1991, quê ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, Tiếng nghỉ học sớm và làm quen với cây lúa. Đến một ngày, Tiếng chợt nhận ra cách làm nông nghiệp của gia đình anh còn nhiều bất cập, như: Canh tác nhỏ lẻ, vẫn dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật... Nhưng do kiến thức, vốn sống của chàng thanh niên tuổi đôi mươi còn hạn hẹp, chưa thể thay đổi cách làm, Tiếng quyết định đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, Tiếng đi làm ăn xa... 

Suốt hai năm “vạn lý độc hành” đi làm thuê khắp miền Tây Bắc, Võ Văn Tiếng trân trọng những tập tục, cách sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số. Anh nhận thấy họ hạnh phúc không phải vì có nhiều của cải mà nhờ có sức khỏe tốt, nguồn thực phẩm sạch. Và mỗi nơi đến, anh cùng ăn, cùng sinh hoạt với người dân, đồng thời tự đúc kết cho mình những kinh nghiệm quý báu, dần xây dựng hoài bão, khát vọng về việc làm nông nghiệp sạch. Võ Văn Tiếng chia sẻ: “Tôi cảm phục khi thấy ở nhiều nơi, đồng bào người dân tộc thiểu số làm lúa không phun thuốc hóa học. Gạo rất an toàn, thơm ngon. Tôi quyết định về quê mượn đất làm lúa "nói không" với thuốc hóa học”.

Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái đất ngập nước, vốn được biết đến là vùng đất “trên cơm dưới cá”. Tuy nhiên, hệ sinh thái này đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu sử dụng qua mỗi mùa vụ. Theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, một chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp, hệ lụy của sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp là phá hủy môi trường sinh thái, đất trồng; không ít sản phẩm nông sản làm ra chưa bảo đảm chất lượng, khó xuất khẩu và cuối cùng là người nông dân dù rất vất vả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình mà vẫn nghèo.

Võ Văn Tiếng (ngoài cùng, bên phải) cùng cộng sự vui mừng trong ngày gạo Tâm Việt được đóng gói thành phẩm.  

Chính những bất cập này đã thôi thúc ý chí của chàng thanh niên 9X về khởi nghiệp tại quê nhà. Năm 2015, vừa tròn 24 tuổi, Võ Văn Tiếng quyết định khởi nghiệp trồng lúa hữu cơ. Dù không thuận với cách làm này, song vì thương con nên ba mẹ chấp nhận cho Tiếng thử nghiệm với 1,7ha đất ruộng-cả tài sản của gia đình. Vậy là một quy trình canh tác hoàn toàn mới được áp dụng trên cánh đồng lúa của Tiếng. Từ đào rãnh, lên bờ bao đến chọn giống lúa mới Nàng Hoa 9 canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc hóa học, tận dụng tối đa thiên địch để phòng trừ sâu bệnh. Trên các rãnh nước quanh ruộng, Tiếng thả cá, thả vịt để diệt sâu rầy, ốc bươu vàng. Ban đầu, mô hình gặp nhiều khó khăn, thử thách. Năng suất lúa cuối vụ chỉ đạt 4 tấn/ha, bằng 60% năng suất ruộng lúa bên ngoài. Đặc biệt, đầu ra gạo sạch chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, bởi vậy, Tiếng chỉ cung cấp cho những người quen... Biết ba mẹ không yên tâm nhưng Võ Văn Tiếng quyết không nản chí và tiếp tục thuyết phục gia đình để làm vụ thứ hai. Từ những kinh nghiệm đúc rút được, anh chú trọng áp dụng các biện pháp phù hợp để giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, anh tự tổ chức xay xát lúa, đóng bao bì, khép kín từ khâu sản xuất đến thành phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu gạo Tâm Việt (với ý nghĩa là tâm của người Việt). Sản phẩm đã được cung cấp ra thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua các kênh phân phối với giá 28.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá gạo truyền thống. Trừ các khoản chi phí, mặc dù lợi nhuận thu được không cao hơn so với phương pháp canh tác thông thường nhưng bù lại, Võ Văn Tiếng đã cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm gạo sạch. Cũng trong thời gian này, gạo Tâm Việt của Võ Văn Tiếng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Năm 2016, "cánh đồng Tâm Việt" của Võ Văn Tiếng được mở rộng từ 1,7ha lên 10ha và năm 2017 là 42ha. Diện tích càng lớn, áp lực càng tăng, Tiếng cùng các cộng sự là những bạn trẻ có kiến thức, có chung tình yêu nông nghiệp sạch quyết tâm chinh phục mọi rào cản. Với cách làm thuận thiên, sau mỗi mùa vụ, cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ của Võ Văn Tiếng luôn mang lại những kết quả khả quan, dần dần tạo được niềm tin, thu hút sự chú ý của bà con nông dân, chính quyền địa phương và cả doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Ông Huỳnh Văn Mẫm, Chủ nhiệm Tâm Việt hội quán, huyện Hồng Ngự nói: “Từ mô hình trồng lúa sạch của Võ Văn Tiếng, nông dân ở đây nhận ra phương thức canh tác mới. Trước đây, bà con sản xuất thường chú trọng đến số lượng thì mô hình này lại chú trọng chất lượng hạt lúa, an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái về lâu dài. Đó là cách làm thuận thiên cần được nhân rộng”. Sau mỗi vụ, bên cạnh lợi nhuận thu được từ lúa sạch, Võ Văn Tiếng cũng thu hoạch thêm cá, vịt thả nuôi trên ruộng để tăng thu nhập. "Tôi cho rằng cách làm này không mới, đây là cách trở về phương thức canh tác truyền thống của ông cha. Đặc biệt, tôi muốn canh tác hai vụ lúa thay vì 3 vụ như trước nay vẫn từng làm để đất có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi dinh dưỡng...”, anh Võ Văn Tiếng chia sẻ.

"Gạo ngon từ đất-Gạo chất từ tâm"

Hiện tại, gạo sạch Tâm Việt của chàng thanh niên 9X Võ Văn Tiếng không chỉ có mặt ở các cửa hàng phân phối tại TP Hồ Chí Minh mà còn cung cấp cho người tiêu dùng ở TP Đà Nẵng, TP Hà Nội. Nhìn lại hành trình của hạt gạo sạch Tâm Việt, Võ Văn Tiếng tâm sự: “6 năm trôi qua, cũng có mùa bội thu, cũng có mùa thất bát. Nếu không có niềm tin, tình yêu vào cây lúa, hạt gạo quê nhà thì chắc hẳn chúng tôi khó có thể gắn bó với đồng ruộng và đưa hạt gạo Tâm Việt đi từ Nam ra Bắc”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp từng tâm đắc với mô hình sản xuất lúa sạch của Võ Văn Tiếng và tặng câu slogan "Gạo ngon từ đất-Gạo chất từ tâm". Ông Lê Minh Hoan chia sẻ: 5 năm, 10 năm trước đây, chúng ta đề ra chủ trương làm nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Nhưng để bắt tay vào thực hiện thì nhiều người e ngại, kể cả doanh nghiệp lớn vì sợ rủi ro. Thậm chí, nhiều người không tin là có thể làm được. Thành ra câu chuyện của Võ Văn Tiếng một lần nữa khẳng định một thực tế không gì là không thể nếu quyết tâm làm.

Từ mô hình trồng lúa sạch của Võ Văn Tiếng, đến nay, một tổ chức nông dân lớn hơn được huyện Hồng Ngự thành lập đó là Tâm Việt hội quán. Đây là nơi gần 60 thành viên gồm những người nông dân của thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2 quây quần bên nhau, cùng các cán bộ nông nghiệp, các nhà khoa học, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói" về kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ, về định hướng thị trường, liên kết tiêu thụ... Và hiện tại, trong đê bao 2.600ha của huyện Hồng Ngự-đê bao lớn nhất, nhì của tỉnh Đồng Tháp, bà con nông dân đang dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từng ngày cần mẫn chăm bón cho những thửa ruộng của mình với nguyên tắc thuận thiên. Bởi hơn ai hết, bà con hiểu rằng, yêu cây lúa, yêu đất trồng chính là yêu cuộc sống của chính họ. Ngày càng có nhiều hơn những diện tích sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mô hình trồng lúa sạch Tâm Việt cũng đã về đến Long An, một địa phương trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Tại đây, chàng thanh niên 9X Võ Văn Tiếng vẫn từng ngày miệt mài trên đồng ruộng, vẫn xem cây lúa là bạn, ruộng đồng là nhà, thiên nhiên trong lành là môi trường sống hạnh phúc...

Bài và ảnh: LÊ MINH