Việc gì khó... có thầy Duy

Chúng tôi cùng thầy Duy vượt nhiều đèo dốc để đến thăm gia đình cháu Hồ Trường Giang ở nóc Tak Pu 1, thôn 2, xã Trà Nam, mang theo món quà ý nghĩa đúng ngày cháu Giang đầy tháng tuổi. Chẳng là sau khi sinh cháu Hồ Trường Giang, chị Hồ Thị Diện (dân tộc Xê Đăng) không may qua đời, để lại đứa con đỏ hỏn cho người cha nghèo và ông bà nội năm nay đã gần 80 tuổi. Biết chuyện, thầy Duy đến thăm và chụp hình, đăng bài lên tài khoản facebook Đại Ngàn để kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Của ít, lòng nhiều, thầy đã vận động được tổng số tiền gần 20 triệu đồng để giúp đỡ gia đình cháu Trường Giang bớt khó khăn.

Ở Trà Nam, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc Xê Đăng, trình độ dân trí còn thấp, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được bà con quan tâm nhiều nên việc thai phụ gặp sự cố trong quá trình sinh nở không phải là hiếm. Càng thương tâm hơn khi những người mẹ yểu mệnh lại đang ở tuổi ăn, tuổi học như trường hợp em Lê Thị Hen (dân tộc Xê Đăng, trú nóc Tak Pu 2, thôn 2). Khi đang là nữ sinh trung học phổ thông, do sự bồng bột của tuổi mới lớn, Hen đã có thai và sinh con tại nhà. Nhưng chỉ 4 giờ đồng hồ sau khi sinh con, em đã mất do bị sót nhau, không được cấp cứu kịp thời. Lúc cháu bé chưa có tên, để tiện cho việc kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, thầy Duy đã đặt tên tạm thời cho cháu là Hồ Văn Thương (đa số người dân Xê Đăng tại Trà Nam đều lấy họ Bác Hồ). Cái tên gửi gắm niềm ước mong cuộc đời cháu sẽ được sống trong tình yêu thương của mọi người. Sau hơn 10 ngày đăng ảnh, bài viết trên facebook và video trên youtube về hoàn cảnh của cháu Thương, thầy Duy đã quyên góp được số tiền gần 90 triệu đồng (trao sổ tiết kiệm) cùng bỉm, sữa để phần nào giúp đỡ gia đình cháu.

Thầy Phạm Duy trao quà tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Trà Nam.

Gần 5 năm qua, tài khoản facebook Đại Ngàn của thầy Phạm Duy đã trở thành nơi kết nối những tấm lòng nhân ái đến với bà con Trà Nam. Với chiếc điện thoại cũ, mạng internet chập chờn, những hình ảnh không mấy sắc nét về việc sinh hoạt, học tập của các em học sinh và cuộc sống người dân Trà Nam được thầy chia sẻ trên mạng xã hội. Mỗi hình ảnh là một câu chuyện mộc mạc, dung dị, vui có, buồn khổ, nghèo túng có. Cũng từ đây, nhiều người biết đến những phận đời cơ cực ở xã Trà Nam và huyện Nam Trà My, nhiều tấm lòng hảo tâm ở các nơi đã tài trợ, giúp đỡ. Thầy Duy còn chủ động kết nối, phối hợp với các cá nhân, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện tại nhiều tỉnh, thành phố để tổ chức các chương trình trao quà tặng người nghèo và học sinh khó khăn tại các xã thuộc huyện Nam Trà My. Theo đó, hàng nghìn phần quà của các đoàn thiện nguyện đã đến với bà con trong lúc khó khăn, làm ấm lòng biết bao người dân vùng cao vốn còn nhiều thiếu thốn.

Không chỉ kết nối những sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời giúp các gia đình nghèo khó, bằng uy tín, tấm lòng của mình, thầy Duy còn tích cực vận động bà con người dân tộc Xê Đăng tham gia xây dựng nơi ăn uống, phòng nghỉ trưa, khu vui chơi giải trí tập trung cho học sinh thôn 2, xã Trà Nam.

Nhiệt tình "vác tù và"...

Lên miền núi công tác từ năm 1996, đến nay, đã gần nửa cuộc đời thầy Duy gắn bó với con em đồng bào Xê Đăng, miệt mài “cõng chữ lên non”, vận động trẻ đến lớp và làm công tác dân vận.

Đối với những trường hợp cần giúp đỡ, thầy đến tận nhà xác minh, tổng hợp thông tin, chụp hình, quay video rồi đăng lên trang cá nhân, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Với mỗi hoạt động, thầy luôn công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, chi. Cứ đều đặn hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, thầy Duy lại làm báo cáo tình hình hoạt động, những trường hợp được giúp đỡ, số tiền hỗ trợ một cách rõ ràng. Nhờ đó, uy tín của thầy và trang facebook Đại Ngàn ngày càng cao, việc kêu gọi hỗ trợ càng thuận lợi hơn. Các hoạt động thiện nguyện cũng được mở rộng về quy mô, địa bàn, đa dạng về nội dung chương trình: Trao quà tặng người nghèo, kêu gọi ủng hộ xây dựng điểm trường, xây công trình vệ sinh, chuồng gà cho người già neo đơn, tặng học bổng định kỳ cho học sinh nghèo...

Công tác lâu năm nên khi các đồng nghiệp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam chuyển về giảng dạy tại các địa phương khác, thầy Duy có thêm nguồn “cộng tác viên” đáng tin cậy, trải rộng tại nhiều khu vực. Các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm có cơ hội gần học sinh, biết được hoàn cảnh cụ thể của các em. Trường hợp nào thực sự khó khăn, cần giúp đỡ, các thầy cô sẽ liên hệ với thầy để nhờ hỗ trợ. Và thế là, tranh thủ những ngày cuối tuần, thầy Duy lại lên đường, tìm đến tận nhà học sinh cần giúp đỡ để xác minh. Ban đầu là trong xã Trà Nam, sau đó mở rộng ra cả huyện Nam Trà My, rồi nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam đều in dấu chân thầy. Không quản ngại đường xa, mưa nắng, chiếc xe Wave cũ mèm vẫn đồng hành cùng thầy trên những chặng đường của tình yêu thương.

Mồ côi mẹ từ nhỏ, từng trải qua tuổi thơ đầy cơ cực, đói ăn, thiếu mặc nên thầy Duy thấu hiểu nỗi vất vả, khổ đau của những phận đời bất hạnh. Do đó, thầy mong muốn được gieo duyên lành, giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn, nhất là các em học sinh. Chính vì vậy, Quỹ “Những mảnh đời khốn khó” ra đời như một phương cách để góp phần hàn gắn vết thương lòng của các em. Qua việc kêu gọi quyên góp của thầy, đến nay đã có hàng chục học sinh được nhận học bổng định kỳ hằng tháng trị giá 500 nghìn đồng/tháng. Dịp chuẩn bị năm học 2020-2021, thầy Duy đã vận động quyên góp hàng chục bộ sách giáo khoa cả mới và cũ tặng học sinh nghèo, giúp các em tiết kiệm tiền mua bút, vở. Bên cạnh được nhận quà dịp Tết, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng bánh kẹo, sữa, đồ chơi trong những ngày lễ của trẻ thơ như: Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu...

Gần 3 năm nay, thầy Duy luôn cần mẫn cập nhật danh sách học sinh mồ côi của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam để tổ chức một số hoạt động đặc biệt, trong đó có “Bữa cơm yêu thương”. Năm học vừa qua, 23 em học sinh mồ côi đều đặn được các thầy cô giáo tổ chức những bữa ăn giàu dinh dưỡng vào chiều thứ 4 hằng tuần. Thương học sinh, thầy Duy còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở, giày dép... tặng các em. Mùa đông đến, những bộ quần áo ấm áp được trao tặng giúp các em tránh cái lạnh cắt da nơi vùng cao, bảo vệ sức khỏe, yên tâm đến trường. Đáp lại sự giúp đỡ, yêu thương từ thầy Duy và các tấm lòng nhân ái, các em học sinh đều cố gắng chăm ngoan, học tập tiến bộ.

Ở miền đất nghèo Trà Nam, cứ đến cuối năm học hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, các học trò lại mang những món quà “cây nhà lá vườn” đến tặng thầy Duy. Quà của học trò vùng núi rừng là nắm ớt sim, ống nếp nướng hay đơn giản là bức “tâm thư” được nắn nót viết tặng thầy bằng tất cả tình yêu thương, kính trọng. Làm nhiều việc ý nghĩa, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng người thầy của buôn làng Trà Nam luôn khiêm tốn, giữ cách sống giản dị, mộc mạc, chân thành. Chọn cách ẩn danh trên mạng xã hội, thầy Duy muốn mọi người biết đến một cái tên đậm chất núi rừng và dùng nó để giúp ích cho đời, đó là “Đại Ngàn”, một trang facebook đầy tin cậy, một nhịp cầu nhân ái vững chắc.

Với tâm niệm “Khi ta trao yêu thương cũng là lúc ta nhận lại hạnh phúc”, thầy Phạm Duy không ngừng trăn trở làm sao để giúp được nhiều người khốn khó một cách kịp thời, thiết thực và phù hợp nhất. Với những việc làm ý nghĩa, thầy Phạm Duy thực sự là một tấm gương bình dị mà cao quý ở vùng gian khó Nam Trà My.

Bài và ảnh: ĐINH THANH THÚY