Trong đó, người “đứng mũi chịu sào” là Đại tá, Đoàn trưởng Văn Phú Diệp. Đồng bào Cơ Tu coi anh Diệp là ân nhân, là con của buôn làng. Bằng tình thương và trách nhiệm, Đại tá Văn Phú Diệp và đồng đội đã đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần làm hồi sinh những vùng đất chết, giúp hàng nghìn đồng bào dân tộc có cuộc sống ổn định...
Đổi đời nhờ mô hình “3 trong 1”
Trang trại gia đình anh A Lăng Ghim ở thôn Pa Lan, xã La Êê hôm nay thật đông vui. Ngay từ sáng sớm, Đại tá Văn Phú Diệp cùng Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Trung, trợ lý kỹ thuật nông lâm cùng các trí thức trẻ tình nguyện đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách làm cho cây cam, chanh sai quả, lớn nhanh. Nhìn những cành cam, chanh trĩu quả, cái bụng A Lăng Ghim vui lắm. Từ xưa nay, cả đời chỉ biết nay rẫy này, mai nương khác, an phận với cuộc sống du canh, du cư. Làm lụng quanh năm mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Vậy nhưng hôm nay, ngay trên khu vườn trong nhà mà trước đây chỉ toàn là cỏ dại, đã có gần 100 cây cam, chanh sắp cho vụ mùa bội thu.
Đến nhà anh Pơ Lang Blay, chúng tôi thấy cả đàn lợn lai béo nung núc trong dãy chuồng trại. Chăn nuôi chuồng trại tưởng chừng đơn giản, nhưng đây là cả một sự tiến bộ rõ rệt so với cách chăn thả rông được chăng, hay chớ như trước đây. Từng con vật nuôi, cây trồng cũng được bộ đội chuyển giao tận tay cho từng hộ dân. Theo định kỳ, cán bộ kỹ thuật Đoàn KTQP 207 đến kiểm tra, hướng dẫn cách nuôi, trồng. Bây giờ không riêng gì gia đình Pơ Lang Blay, hàng trăm hộ dân ở các xã vùng cao này đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình.
 |
Đại tá Văn Phú Diệp trao bò giống tặng các hộ dân xã La Êê, huyện Nam Giang. |
Hài lòng với sự đổi thay của quê hương, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã La Êê khẳng định: “Có được cuộc sống như hôm nay, đồng bào Cơ Tu biết ơn Đoàn KTQP 207. Những kết quả đáng khích lệ hôm nay là nhờ vận dụng mô hình “3 trong 1” do Đại tá Văn Phú Diệp khởi xướng. Mà cụ thể là Đoàn KTQP 207 đã xây dựng mô hình sản xuất tập trung, hình thành các trang trại cây, con giống. Đây vừa là mô hình sản xuất tập trung của đơn vị, vừa là mô hình mẫu giới thiệu cho chính quyền, nhân dân địa phương tham quan, học tập. Cùng với đó là mô hình kinh tế vệ tinh, bởi lực lượng cán bộ, nhân viên và trí thức trẻ tình nguyện đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học giúp bà con chăn nuôi, trồng trọt các sản phẩm từ mô hình sản xuất tập trung.
Trao đổi với các anh trong Ban chỉ huy Đoàn KTQP 207 cùng lãnh đạo địa phương và nhân dân, chúng tôi biết từ năm 2017, Đại tá Văn Phú Diệp (thời điểm ấy là phó đoàn trưởng, phụ trách ban dự án giảm nghèo) đã đề xuất phương án triển khai “ngân hàng bò”. Nghĩa là, bò giống được đơn vị chăm nuôi qua nhiều thế hệ, khi chúng thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt vùng cao biên giới này, sau đó hỗ trợ cho bà con. Nhờ cách làm như vậy nên tỷ lệ chết do thời tiết, khí hậu chỉ ở con số 0. Những đàn bò và các giống cỏ phục vụ chăn nuôi của Đoàn KTQP 207 đã từng bước được chuyển giao cho các nhóm hộ đồng bào. Ngày trước, để có được một con bò như vậy, mỗi gia đình phải chắt chiu, dành dụm, có khi mất nhiều năm, mà không phải ai cũng làm được.
Buổi sáng, khu cảnh La Êê thanh bình. Phóng tầm mắt về phía thung xa, nơi những làn khói trắng còn vương vấn trên nương rẫy, Đại tá Văn Phú Diệp tâm sự với tôi: “Từ bao đời nay, sản phẩm bà con làm ra thường không có thị trường tiêu thụ, bởi người dân vùng biên ải vốn không có khái niệm mua bán. Những năm trước, thực phẩm hằng ngày được tư thương chở từ dưới xuôi lên để trao đổi nông sản. Hàng hóa có gì dùng nấy, giá cả gấp đôi, gấp ba lần. Trăn trở trước sự bất cập ấy, Đại tá Văn Phú Diệp cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy Đoàn KTQP 207 chủ động giải quyết luôn “tròn khâu”, đó là vừa giúp bà con có cây trồng, vật nuôi và bao tiêu luôn cả sản phẩm.
Một sự kiện lớn mà bà con các đồng bào các dân tộc nơi đầu nguồn biên giới, ai ai cũng hồ hởi đón nhận đó là chợ phiên do Đoàn KTQP 207 phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Từ đây, hàng hóa, những sản phẩm do chính tay đồng bào làm ra được bày bán, mang lại thu nhập. Phiên chợ đã giúp những người dân nơi đây từ chỗ tự cung, tự cấp đã chuyển sang giao thương hàng hóa. Và cũng với hoạt động buôn bán mới mẻ này, những sản phẩm truyền thống được bảo tồn, phát huy. Nông sản được làm ra bằng mồ hôi và công sức của người dân được tiêu thụ. Giờ đây, các cửa hàng bình giá của bộ đội trên vùng biên giới này đã là địa chỉ quen thuộc của đồng bào. Nó bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ các hàng hóa, nông sản của bà con trong vùng dự án.
Đồng bào Cơ Tu biết ơn Bộ đội Cụ Hồ
Đại tá Văn Phú Diệp là người gắn bó với vùng biên giới phía tây Quảng Nam, luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi nên đồng bào coi anh như đứa con của buôn làng. Những thành quả và sự đóng góp của anh Diệp cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 207 giành cho đồng bào là rất đáng trân trọng. Nhất là kết quả thực hiện các chương trình Dự án khu KTQP. Từ đặc điểm, yêu cầu của chính quyền địa phương, đơn vị chú trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ quốc kế dân sinh như: Xây dựng 46 hạng mục cơ sở hạ tầng trong vùng dự án với kinh phí hơn 102 tỷ đồng, gồm: 2 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường mẫu giáo, 1 nhà bán trú, 3 trạm y tế, 1 nhà văn hóa xã; hoàn chỉnh 13,2km đường giao thông kiên cố miền núi, 1 đập thủy lợi, 2 hệ thống cấp nước sạch, cải tạo 7,8ha ruộng lúa nước, 25ha ruộng hoa màu...
Trong những năm qua, để giúp nhân dân phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình giảm nghèo bền vững, Đại tá Văn Phú Diệp cùng Ban chỉ huy Đoàn KTQP 207 tập trung khai hoang, xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất mẫu; về chăn nuôi xây dựng ngân hàng bò giống đã cung cấp cho 10 nhóm hộ, 100 hộ gia đình với hơn 200 con bò. Về trồng trọt xây dựng trại giống cây trồng và 8 mô hình: Lúa lai, sắn cao sản, cây có múi, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đã chuyển giao cho nhân dân phát triển sản xuất hơn 7,8ha lúa nước, 12ha cây có múi, 2ha cây dược liệu, 15ha cây lương thực khác phù hợp với điều kiện tự nhiên có thể phát triển nhân rộng chuyển đổi kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa trong thời gian tới. Đáng chú ý, dự án KTQP đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ 620 hộ nghèo phát triển chăn nuôi và sản xuất làm tăng thêm thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/năm/hộ đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, làm thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi của đồng bào vùng cao góp phần cùng địa phương giảm nghèo 4-5% năm.
Gắn bó với mảnh đất này khá lâu, nên Đại tá Văn Phú Diệp hiểu rõ những khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía tây Quảng Nam.Thế nên anh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong đơn vị không chỉ quan tâm lo từ cái ăn, cái mặc, khám, chữa bệnh cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 207 còn quan tâm đến những điều cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hình ảnh người dân tìm đến đơn vị nhận lấy nước uống tinh khiết mang về nhà vào mỗi buổi chiều hay nồi cháo nghĩa tình của các chú “bộ đội hai linh bảy” trích từ đồng lương hằng tháng, nấu cho các cháu nhỏ Trường Mầm non thôn Pa Lan vào các bữa trưa hằng ngày... cũng đã phần nào nói lên tấm lòng thơm thảo của người chiến sĩ.
Cảm kích trước những việc làm tình nghĩa của Đoàn KTQP 207, đồng chí Lê Văn Hường, Bí thư huyện ủy Nam Giang khẳng định: “Trong những năm qua, Đoàn KTQP 207 đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Bằng tình yêu, trách nhiệm của người chiến sĩ, trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Đoàn KTQP 207 kiên trì bám bản, làng, thực hiện “4 cùng” với bà con, đấy là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất đi đến một tương lai tươi sáng, góp phần xây dựng “trận địa lòng dân” vững chắc, phên giậu biên cương được giữ vững...”.
Chia tay Nam Giang trong chiều quyến luyến... già làng Coorl Vếnh (dân tộc Cơ Tu) ở thôn Công Tơ Rơn tiễn khách qua đầu con suối cạn. Chúng tôi ấn tượng mãi câu nói của ông: “Văn Phú Diệp là đứa con của buôn làng ta đó. Chính nó và “bộ đội hai linh bảy” đã giúp đồng bào Cơ Tu ta thoát đói nghèo. Ơn này bà con mãi khắc ghi!”.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG