“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội hiện nay ở nước ta được biểu hiện thông qua các mức độ như: Thứ nhất là thiếu niềm tin vào những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và sự phát triển văn hóa, xã hội của đất nước. Hiện nay có một số người cho rằng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã trở thành “quá khứ”, không còn phù hợp với hiện tại, nên cần phải “bỏ qua” để tiếp cận với văn hóa hiện đại. Từ một số vấn đề tiêu cực, bức xúc nảy sinh trong xã hội, họ nhìn nhận xã hội nước ta toàn “màu xám” và cho rằng, lỗi này là do các cấp lãnh đạo, do Đảng, Nhà nước. Từ đó, trong hoạt động thực tiễn, họ hành động thực dụng, lấy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm... làm tiêu chí hành động, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, đề cao lối sống thực dụng kiểu phương Tây.

Thứ hai là hiểu sai lệch những thành quả trong lĩnh vực văn hóa, xã hội của đất nước, nhất là trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mức độ này chính là không nhìn thấy những thành tựu về văn hóa, xã hội, về quyền làm chủ của nhân dân, về nền dân chủ mà Đảng, Nhà nước đã dày công xây dựng hơn 70 năm qua. Trong xã hội xuất hiện hiện tượng nhầm lẫn về bản chất giữa dân chủ tư sản với dân chủ vô sản; không thấy được bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ dân chủ và nhân quyền ở nước ta. Một bộ phận trong xã hội thiếu tin tưởng vào việc phát huy dân chủ, thực hiện và giải quyết các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Họ ca ngợi và từng bước khuyến khích xã hội tiến theo con đường của chủ nghĩa tư bản, nhất nhất cho rằng "chỉ có dân chủ tư sản mới là dân chủ thực sự" và phủ nhận giá trị truyền thống lịch sử dân tộc.

Thứ ba là từ những nhầm lẫn về nhận thức tiến tới hành động, hành vi xuyên tạc, chống đối, công kích, phủ nhận mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Bộ phận người nhiễm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức độ này nghĩa là đã ngả về phía các thế lực thù địch hiện đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam. Họ trực tiếp đưa ra hoặc cổ xúy, tuyên truyền cho những luận điệu xuyên tạc, chống đối, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người xưa gọi những người thuộc diện này là loại "nối giáo cho giặc". Những chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của Đảng, Nhà nước đều bị họ công kích, xuyên tạc theo kiểu vừa ngấm ngầm, vừa công khai núp dưới chiêu bài “vì dân, vì nước”. Xuyên suốt các hoạt động chống phá nhằm làm rối loạn xã hội để tiến tới mục tiêu cuối cùng là đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta thay đổi thể chế chính trị, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chính vì thế, nhận rõ những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội là để chúng ta có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và làm thất bại hoàn toàn mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch.

TRẦN THÔN