Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ sinh mệnh chính trị, danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ chủ chốt các cấp; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, phương thức, thủ đoạn trong hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, chống đối, góp phần xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.  

 Ảnh minh họa: qdnd.vn

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về internet và số lượng người dùng mạng xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tháng 5-2025, Việt Nam có 79,8 triệu người dùng internet, tương đương hơn 78% dân số. Việt Nam cũng là “nước đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số lượng người dùng di động đang bị mã độc tấn công; 70% người dùng máy tính dễ bị mã độc tấn công, thông qua các phần mềm, USB hay thẻ nhớ”, là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại (qua kết nối internet, sử dụng điện thoại di động thông minh, tham gia các trang mạng xã hội, sử dụng USB, thẻ nhớ...). Đặc biệt, không gian mạng là môi trường lý tưởng để các thế lực thù địch, phản động: (1) Tán phát mã độc, phần mềm gián điệp trên internet, các ứng dụng mạng xã hội để thu thập, đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật của tổ chức và bí mật đời tư của cá nhân nhằm mục đích chiếm quyền kiểm soát và điều khiển hệ thống thông tin, khống chế, đòi hỏi đáp ứng yêu sách về đường lối, vật chất và tinh thần; (2) thực hiện các hoạt động xâm nhập, tuyển lựa gián điệp, tập hợp lực lượng, huấn luyện, điều khiển, dẫn dắt, chỉ đạo các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và lực lượng vũ trang nhằm tạo bất ổn về chính trị; (3) thực hiện các phương thức, thủ đoạn cụ thể hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng nước ta phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; (4) thực hiện các hoạt động giả danh, mạo danh của tổ chức và cá nhân để hướng lái nhận thức của nhân dân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; (5) thực hiện các hoạt động câu dẫn, thúc đẩy công dân tham gia các hoạt động trái pháp luật, phát triển tệ nạn xã hội, từng bước thay đổi và phá hoại lối sống tốt đẹp, truyền thống của con người Việt Nam.

Do đó, đòi hỏi công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải mở rộng trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh không gian mạng luôn tồn tại các mặt trái, có tác động tiêu cực đến mọi quốc gia-dân tộc nói chung, đời sống chính trị-xã hội, nhất là tư tưởng của con người nói riêng. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức cơ sở đảng nói chung, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục các nguy cơ từ không gian mạng, giữ vững và khẳng định được vai trò của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực sự góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, không gian mạng thực sự là môi trường khó kiểm soát toàn diện; hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam còn lỗ hổng trong xử lý thông tin xuyên quốc gia, đặc biệt từ các nền tảng chưa đặt đại diện pháp lý tại Việt Nam; lực lượng chuyên trách còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp cơ sở; thiếu công cụ kỹ thuật để phát hiện sớm, phản ứng nhanh với các luồng thông tin nguy hiểm. Không những vậy, nhận thức, ý thức của công dân Việt Nam về tính hai mặt của không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, còn vô ý làm lộ bí mật nhà nước, thông tin nội bộ của tổ chức và thông tin bí mật đời tư trên không gian mạng; cá biệt, có cá nhân còn bị tác động bởi các thông tin không chính thống, thông tin xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động, dẫn đến có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có những lời nói, việc làm gây phương hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc, danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân.

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo vệ chính trị nội bộ là công tác đặc thù, giữ vị trí nền tảng trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nói chung, là “xương sống” của công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong Quân đội nói riêng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Trước tình hình quân nhân tham gia tương tác trên môi trường không gian mạng là tất yếu, những năm qua, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong Quân đội đã tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác bảo vệ an ninh Quân đội nói chung, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội nói riêng; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã đặc biệt quan tâm, quán triệt và thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của trên về công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói chung, bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng nói riêng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng ở một cơ quan, đơn vị trong từng thời điểm nhất định vẫn còn sơ hở, thiếu sót cần khắc phục; vẫn còn có quân nhân chấp hành không nghiêm các quy định khi truy cập internet, sử dụng mạng xã hội, vô ý làm lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ; có quân nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham gia, theo dõi, tương tác các trang mạng có nội dung xấu độc, bị khống chế, đe dọa, mất tiền; cá biệt còn có quân nhân hùa theo, hậu thuẫn, cổ xúy hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn và có quân nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội trên không gian mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ... Do đó, trong giai đoạn hiện nay, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng là đòi hỏi tất yếu đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Để đạt kết quả tốt, có tính bền vững, cần thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của quân nhân về vị trí, vai trò của công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội nói chung, bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng nói riêng.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, nhất là đơn vị cơ sở, đơn vị trọng yếu, cơ mật cần thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, giúp cho mọi quân nhân nâng cao nhận thức về tính hai mặt của không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bồi dưỡng nhận thức chính trị, các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết khi tương tác trên không gian mạng, biết chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ, đủ sức đề kháng và khả năng miễn nhiễm trước các thông tin tiêu cực trên không gian mạng.

Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, cần trang bị tri thức về không gian mạng, các thành tố cấu thành không gian mạng, nhất là các tác động tiêu cực từ không gian mạng đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội, để mọi quân nhân biết cách phòng ngừa. Hình thức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cần phong phú, đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính tập trung và cá biệt, tính phổ biến và chuyên sâu, bảo đảm sát với đối tượng cụ thể, đạt được mục đích, yêu cầu; có thể kết hợp các hoạt động hội họp của đơn vị để tuyên truyền, thậm chí đưa nội dung tuyên truyền vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng hằng năm.

Hai là, thường xuyên, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại các hoạt động lợi dụng không gian mạng để cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và lực lượng vũ trang.

Quán triệt, thực hiện phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thường xuyên thực hiện tốt các quy định, nguyên tắc trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, các quy định về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội; thường xuyên, định kỳ làm tốt công tác thẩm tra, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị, công tác tuyển chọn, điều động, bố trí quân nhân công tác tại các vị trí trọng yếu, cơ mật; theo dõi, giám sát các quân nhân thường xuyên có hoạt động tương tác trên không gian mạng, quân nhân tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài, quân nhân học tập, công tác tại nước ngoài...

Chú trọng phát hiện các dấu hiệu bất minh, các dấu hiệu lộ bí mật nhà nước, lọt bí mật vào tay địch; dấu hiệu nghi vấn các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài câu kết, móc nối, mua chuộc, lôi kéo, tác động phá hoại tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện các biểu hiện tuyên truyền ngược, lan truyền trong nội bộ các luận điệu tuyên truyền phá hoại tư tưởng, các biểu hiện mất đoàn kết, chia rẽ, phân hóa trong nội bộ mang màu sắc chính trị; các biểu hiện tiêu cực khác, như tham nhũng, hối lộ, quan liêu, tuyển dụng, bố trí cán bộ không đúng nguyên tắc... Bên cạnh đó, cần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của quân nhân trong cơ quan, đơn vị về các vấn đề chính trị-xã hội và các vấn đề xoay quanh cuộc sống của quân nhân, như: Các tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, phân hóa giàu-nghèo, luân chuyển, bổ nhiệm, tinh gọn bộ máy hành chính và Quân đội... không để quân nhân có “diễn biến tư tưởng tiêu cực, tìm cách giải tỏa trên không gian mạng”, vô ý làm lộ, mất bí mật nhà nước, bí mật quân sự, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong truy cập kết nối internet, sử dụng mạng xã hội...

Ba là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư xây dựng lực lượng an ninh mạng và kiểm tra an ninh, an toàn công nghệ thông tin trong Quân đội tiến thẳng lên hiện đại.

Cơ quan chuyên trách về bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh mạng trong Quân đội cần thường xuyên làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm thế trận an ninh chủ động trong công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trên không gian mạng. Theo đó, hằng năm, cần tiến hành các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác pháp chế, kịp thời phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, cần phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị ban hành các chủ trương, quyết sách quan trọng, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ an ninh Quân đội nói chung, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội nói riêng. Chú trọng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các hành vi của quân nhân khi truy cập internet, tham gia mạng xã hội, tương tác trên không gian mạng, bảo đảm tính pháp quy, tính chính trị và phù hợp với bối cảnh mới.

Những năm tới, cơ quan chức năng các cấp cần tham mưu, đề xuất Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị ban hành các chính sách trọng dụng nhân tài công nghệ thông tin cho Quân đội, ưu tiên trong công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ am hiểu công nghệ, truyền thông số, an ninh mạng và từng bước nâng cao cơ sở vật chất, nhất là các trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị trong Quân đội,

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh trong Quân đội cần chủ động nắm tình hình, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến nội bộ Quân đội; thành lập các tổ công tác chuyên trách về bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng, kịp thời phát hiện các hoạt động chống phá Quân đội. Tăng cường thực hiện biện pháp pháp luật, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vu khống, xuyên tạc, chống phá Quân đội, xúc phạm danh dự, hạ thấp uy tín lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Quân đội trên cả thực địa và không gian mạng. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội cần thường xuyên lãnh đạo thực hiện tốt công tác nắm bắt dư luận và định hướng quân nhân nhận thức đúng đắn về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia-dân tộc, liên quan đến nội bộ Quân đội; đưa thông tin tích cực, thông tin chính thống giữ vai trò chủ đạo và chủ động phòng, chống “tuyên truyền ngược” trong phát ngôn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Đại tá ĐỖ QUYẾT KHOA, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xem các tin, bài liên quan.