Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Tự giác giữ gìn phẩm chất nhân cách, lối sống phù hợp với chuẩn mực xã hội
Là cơ quan tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo về xây dựng phong trào đời sống văn hóa trong cả nước, chúng tôi cho rằng, một trong những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào này chính là vai trò đầu tàu gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên. Muốn xây dựng nếp sống văn hóa, trước hết phải từ nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc phát huy tinh thần tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đây là một quá trình tự đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi con người giữa các yếu tố: Khả năng-nhu cầu, tiếp thu cái tốt-loại bỏ cái tiêu cực... Cuộc đấu tranh nội tâm này chỉ có kết quả khi cán bộ, đảng viên tự kiềm chế, kiểm soát bản thân trước những ham muốn vật chất tầm thường; đồng thời luôn giữ gìn phẩm chất nhân cách, đạo đức, lối sống phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Việc Đảng ta cảnh báo thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ăn uống, chè chén xa hoa, tiếp khách lãng phí, cũng không ngoài mục đích “vá” những “lỗ hổng” về phẩm chất nhân cách của bộ phận này. Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đó là Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, trong đó tuân thủ tuyệt đối quy định: “Đảng viên không được uống rượu, bia đến mức bê tha”; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 7-6-2012 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; đồng thời tự giác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngoài trách nhiệm nêu gương của bản thân, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người thân trong gia đình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức ăn uống, việc cưới, việc tang.ANH THẢO (ghi)
Ông Bùi Phúc Tốt, Bí thư Chi bộ ấp Chà Là, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Tôi nghĩ rằng, không ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Để quy định này đi vào cuộc sống, các cấp ủy chi bộ cần chú trọng tổ chức quán triệt, xây dựng các kế hoạch hành động rất cụ thể để cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày, uống rượu, bia là một nét văn hóa của người dân Việt Nam, trong đó có người dân Nam Bộ. Đối với cán bộ, đảng viên khi tham gia ăn uống thì điều cần quan tâm chú ý là sử dụng rượu, bia sao cho đúng, đủ, có văn hóa. Vì ăn uống cũng là một biểu hiện của hành vi văn hóa, đạo đức. Do đó, học cách ăn uống điều độ, không rượu chè bê tha, không tiếp khách xa hoa, lãng phí cũng là một việc làm thiết thực để rèn luyện, bồi đắp giá trị văn hóa đạo đức cho cán bộ, đảng viên, từ đó thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” như lời Bác Hồ dạy. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là phương châm hành động trong rèn luyện nhân cách và thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Quần chúng luôn lấy đảng viên làm tấm gương soi. Đảng viên có tư cách tốt, có phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong từng lời ăn tiếng nói, trong sinh hoạt ứng xử hằng ngày thì mới làm tăng sức giáo dục, thuyết phục đối với quần chúng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. HỒNG GIANG (ghi)
Già làng Y Út Byă, buôn Mơ Yúi, xã Ea Trang, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắc Lắc: Cán bộ gương mẫu để giáo dục, thuyết phục đồng bào
Những năm gần đây, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào xã Ea Trang, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắc Lắc nói riêng ngày càng khấm khá hơn, có của ăn của để nhiều hơn. Bên cạnh niềm vui đó là nỗi lo vì đã nảy sinh tình trạng một bộ phận dân cư, trong đó có cả cán bộ, đảng viên tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt, rượu chè bê tha không những gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn gây mất đoàn kết trong thôn, buôn. Thậm chí một số cán bộ trước đây sống giản dị, khiêm tốn, đồng cam cộng khổ với dân, nhưng nay lại thiếu gương mẫu, gả con gái đi lấy chồng mà mổ nhiều bò, nhiều heo làm cỗ tràn lan, tổ chức cưới rình rang mấy ngày liền. Cũng có trường hợp cán bộ xã, huyện về thôn, buôn đi tuyên truyền, vận động nhân dân mà mặt mày đỏ như gấc vì uống rượu nhiều. Thấy cán bộ như vậy nên có đám thanh niên trong buôn cũng tụ tập đàn đúm, kéo nhau vào hàng quán ăn nhậu tưng bừng. "Rượu vào lời ra", họ chấp nhau từng tí, rồi dẫn tới cãi cọ, xô xát làm sứt mẻ tình nghĩa cộng đồng. Như vậy, vô hình trung cái gương không tốt của cán bộ đã tác động xấu đến hành vi của một bộ phận thanh-thiếu niên trong buôn làng.
Muốn xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, theo tôi, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm, nói để dân hiểu, làm để dân tin. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, niềm tin là rất quan trọng. Khi cán bộ và những người thân trong gia đình cán bộ không uống rượu bia say, không tổ chức việc cưới, việc tang lãng phí thì mới có thể vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục bà con trong buôn làng hạn chế được những tập tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay, hạn chế tụ tập uống rượu, nhậu nhẹt bê tha. Bà con dân tộc vẫn thường nói với nhau rằng, cán bộ nói phải, nói hay cũng tốt, nhưng sẽ là tốt hơn nếu cán bộ làm đúng, làm thật thì bà con mới tin, mới có chỗ dựa để làm theo. Lời nói đó tuy chất phác, mộc mạc, nhưng lại thể hiện một khía cạnh tâm lý: Sự nêu gương của cán bộ và gia đình cán bộ trong xây dựng nếp sống văn hóa mới sẽ có sức lan tỏa, tác động tích cực đến người dân tự giác thực hiện phong trào này ở buôn làng. TÙNG LÂM (ghi)
PGS, TS Nguyễn Hữu Thức, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa, văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương): Phát huy vai trò góp ý, phê bình của nhân dân
Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là thông qua vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp phải đề cao trách nhiệm nêu gương trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.
Cán bộ, đảng viên cũng là con người, cũng phải ăn uống, giao lưu, tiếp khách vì đó là nhu cầu tự nhiên, bình thường trong cuộc sống. Nhưng việc sinh hoạt mang tính cá nhân này phải đặt trong mối quan hệ với tập thể, với tổ chức. Vì luật pháp đã quy định, công dân có thể làm mọi điều pháp luật không cấm; còn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất thiết chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Việc cán bộ ăn uống, tiếp khách tuy mang tính cá nhân mà làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự của tập thể, hình ảnh của Đảng thì đương nhiên không những trái với Điều lệ, kỷ luật Đảng, mà còn tổn hại đến tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Để góp phần ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ăn uống, nhậu nhẹt xa hoa, lãng phí, theo tôi, một trong việc cần làm hiện nay là các cơ quan, đơn vị duy trì một “hòm thư góp ý” bố trí ở những vị trí đông người qua lại. Thông qua hòm thư này, mọi nhân viên, người lao động và người dân có thể viết thư góp ý, phê bình, tố cáo những cán bộ, công chức, viên chức hay đi nhà hàng, quán xá nhậu nhẹt và có biểu hiện vi phạm nếp sống văn hóa, đạo đức công vụ. MINH NAM (ghi)
Ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, tôi nghĩ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, phòng, chống sự tha hóa nhân cách. Muốn phát huy tốt vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, công đoàn, hội cựu chiến binh) cần động viên, khuyến khích cán bộ, đoàn viên, hội viên bám sát, gần gũi với nhân dân, kịp thời lắng nghe những phản ánh, ý kiến của dân về những biểu hiện suy thoái, tha hóa của cán bộ, đảng viên nơi cư trú.
Phẩm chất đạo đức, lối sống không phải là những cái gì trừu tượng, mà là những biểu hiện cụ thể trong cử chỉ, việc làm, hành vi, ứng xử, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, đảng viên. Thực tế thời gian qua cho thấy, những đám cưới to, những bữa tiệc ăn mừng nhà mới, mừng lên chức của một số cán bộ lãnh đạo hay những hành vi ăn uống quá đà, chè chén xa hoa, tiếp khách lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên dù cố “che đậy” tinh vi đến mấy cũng khó mà lọt qua được hàng triệu con mắt của nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để kịp thời nhận diện, phát hiện và phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện sai phạm của một số cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên công tác ở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng phải tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của tổ chức mình về xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn lối sống giản dị, tiết kiệm. Vì muốn thể hiện được vai trò giám sát của mình đối với người khác, bản thân người đi giám sát trước hết phải “sạch sẽ”, trung thực, liêm chính. NGUYỄN HỒNG (ghi)
Chị Đỗ Hà Lan, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội: Quản lý chặt chẽ ngân sách, tránh tiếp khách với động cơ “của người phúc ta”
Thời còn là sinh viên, tôi đã từng đi làm thuê cho một nhà hàng. Khoảng hai năm nay, tôi cũng làm nhân viên kế toán cho một nhà hàng. Qua theo dõi, chứng kiến, tôi nhận thấy ngoài các doanh nhân, chủ cơ sở doanh nghiệp, còn có một bộ phận cán bộ, công chức hay tổ chức ăn uống, tiếp khách khá đình đám tại nhà hàng. Có những bữa tiệc có tới ba bốn chục người cả chủ lẫn khách. Họ ăn uống tràn lan, nói cười vô tư, thậm chí có người tuổi trung niên khi đã ngà ngà say còn có biểu hiện thiếu tế nhị đối với phụ nữ ngồi cùng bàn ăn. Cá biệt có bữa tiệc kéo dài hai ba tiếng đồng hồ khiến nhân viên phục vụ nhà hàng cảm thấy rất mệt mỏi. Cũng có những bữa tiệc khi mọi người đứng dậy ra về, nhưng còn dư thừa nhiều đồ ăn thức uống trên bàn trông rất lãng phí. Đáng nói nhất là khi thanh toán, những “thủ quỹ” của các đoàn khách thường đề nghị nhân viên kế toán nhà hàng viết hóa đơn “đội” giá lên, thậm chí có trường hợp đề nghị viết hóa đơn “khống".
Theo tôi, những biểu hiện ăn uống, tiếp khách nêu trên của một bộ phận cán bộ, công chức là không lành mạnh. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, công chức; đồng thời quản lý chặt chẽ các nguồn tài chính, ngân sách, kinh phí của cơ quan để tránh tình trạng lợi dụng ăn uống, tiếp khách với động cơ “của người phúc ta”, tức là lấy tiền của công để phục vụ việc tư, mang lại lợi ích cho cá nhân. ĐÌNH PHÒNG (ghi)