Như các số báo trước chúng tôi đã giải thích, “tự diễn biến” xuất hiện trong lĩnh vực tổ chức, cá nhân và đời sống xã hội.

Nội dung và biểu hiện của “tự diễn biến” ở phạm vi tổ chức đó là: Chấp hành không đúng, không đầy đủ Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ban hành các chủ trương, chính sách, quyết định không phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, vị thế của tổ chức để tự đặt ra các quy định, thủ tục hành chính trái với quy định, nhằm trục lợi; không chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức, chia bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết của nội bộ tổ chức (kể cả ở tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước các cấp).

Ở phạm vi cá nhân: “Tự diễn biến” chính là sự nhận thức mơ hồ, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. “Tự diễn biến” đối với cá nhân còn biểu hiện bằng việc không chấp hành nghiêm kỷ luật của tổ chức, pháp luật Nhà nước; không thực hiện tốt trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công dân. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng nhưng không gương mẫu, lợi dụng cơ chế, chế độ tập thể để thao túng tổ chức, không thực hiện nghiêm quy chế làm việc của tổ chức nhằm hợp lý hóa các quyết định, ý đồ cá nhân, làm sai nguyên tắc để trục lợi. Các cá nhân không dám đấu tranh ngăn chặn cái xấu, cái tiêu cực, bảo vệ cái tốt, cái tích cực.

Trong phạm vi đời sống xã hội, “tự diễn biến” được biểu hiện: Ở lĩnh vực chính trị là sự hoài nghi thiếu tin tưởng vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng dẫn đến mất phương hướng trong hành động. Ở lĩnh vực kinh tế là sự thiếu tin tưởng vào sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân; hoạt động sản xuất kinh doanh không đúng pháp luật của Nhà nước, chỉ chạy theo lợi ích kinh tế mà xem nhẹ lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh; đề cao lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, dần làm cho nền kinh tế tụt hậu, phụ thuộc vào nước ngoài. Trong lĩnh vực văn hóa là sự thiếu tin tưởng vào những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc; không trân trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ thực dụng, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, nỗi khổ của người khác.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại: “Tự diễn biến” biểu hiện bằng sự không tin tưởng vào sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân; từng bước xa rời nguyên tắc độc lập tự chủ, không thực hiện đúng đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc.

TRẦN THÔN