Hiện nay phương châm phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở nước ta được xác định là: "Kiên trì, tự phê bình và phê bình, kết hợp giữa xây và chống". Sở dĩ phải kiên trì đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", “tự chuyển hóa" bởi vì "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" diễn ra cả ở con người và tổ chức, trên tất cả các lĩnh vực và đời sống xã hội, chịu sự chi phối của cả nhân tố khách quan và chủ quan, vì vậy, không thể khắc phục một sớm một chiều mà phải kiên trì đấu tranh khắc phục, không thể nóng vội, chủ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi". Mục đích của kiên trì trong đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhằm khống chế sự phát triển của mặt tiêu cực, làm cho mặt tích cực trong mỗi con người chiếm ưu thế; làm cho mặt tích cực tăng dần lên, nhiều lên về số lượng và chất lượng, mặt tiêu cực phải co hẹp và mất dần đi; làm cho những mặt tích cực có đủ thế, lực và sức mạnh để có thể thắng mặt tiêu cực.

Kiên trì trong đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để tạo ra "chất kháng thể" bên trong mỗi con người, để có thể tự ngăn chặn sự phát triển của các mặt tiêu cực. Kiên trì rèn luyện đạo đức cách mạng để mỗi con người ngày càng hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt địa vị, phần hưởng thụ; không công thần, quan liêu, kiêu ngạo, không hủ hóa. Kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là để tạo môi trường chính trị trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi, từ đó tạo ra thế và lực bảo đảm cho sự thắng lợi của mặt tích cực trong cuộc đấu tranh với mặt tiêu cực từ trong mỗi con người và tổ chức. Quá trình đấu tranh cần sử dụng các hình thức, biện pháp khác nhau. Trong đó phải coi trọng biện pháp kiên trì giáo dục, thuyết phục. Đồng thời, đối với mỗi người, phải kiên trì rèn luyện đạo đức cách mạng để khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công, vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, trung thực, cầu thị, phấn đấu.

Quá trình phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cần lưu ý tránh các “liệu pháp sốc”, chủ quan, duy ý chí để nhìn vào đâu cũng thấy hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà không thấy được mặt tốt, mặt tích cực của mỗi con người, tổ chức, hoặc nhìn mà không thấy hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đang thâm nhập vào con người, tổ chức. Do đó khi tiến hành phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cần phải xem xét kỹ lưỡng từng vấn đề, từng yếu tố, có sự phân tích, nhận định chính xác tính chất, mức độ của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để từ đó xác định các biện pháp cụ thể, giải quyết rốt ráo từng khía cạnh thì mới mong thu được hiệu quả vững chắc.

TRẦN THÔN