PGS, TS Ngô Văn Thạo (Hội đồng Lý luận Trung ương):
Phát huy 5 công cụ kiểm tra
Tôi rất tâm đắc với nội dung bài báo “Không để “hạt nhân chính trị” rơi vào tẻ nhạt, hình thức”. Tôi đã có thực tế kiểm nghiệm vai trò của chi bộ khi giúp việc Trung ương trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, khóa XI. Lúc đó, chúng tôi tham mưu các nội dung sinh hoạt học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của chi bộ theo từng tháng. Qua kiểm tra cho thấy, nếu khéo tổ chức thì sinh hoạt chi bộ rất phong phú, hiệu quả thiết thực. Tất nhiên, điều đáng tiếc là việc tổ chức sinh hoạt chi bộ hiện nay chưa đều, cho nên kết quả thực hiện Chỉ thị 03 có chỗ hiệu quả, có chỗ còn hình thức.
Điều tôi tâm đắc với tác giả bài báo là ở chỗ khái quát mối quan hệ giữa nguyên tắc tập trung dân chủ và việc sinh hoạt chi bộ như “khóa và chìa”. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, duy trì sinh hoạt chi bộ chính là thực hiện nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của Lê-nin. Tất cả đảng viên, dù là đảng viên thường hay đảng viên là những đồng chí lãnh đạo cấp cao phải sinh hoạt ở một chi bộ nhất định, không có đảng viên nào nằm ngoài sự quản lý, giám sát của chi bộ.
Vừa rồi, tại một hội thảo khoa học, tôi được nghe ý kiến của một đồng chí bí thư chi bộ trong một doanh nghiệp nhà nước. Đồng chí này chỉ là trưởng phòng chuyên môn, nhưng khi thấy dư luận không hay về đồng chí chủ tịch hội đồng quản trị vốn là đảng viên trong chi bộ mình. Bí thư chi bộ đã mời đồng chí chủ tịch này lên nói: “Hiện nay trong cơ quan có dư luận về anh quản lý lĩnh vực này còn lỏng, quản lý cán bộ có sự nương nhẹ người này, khắt khe với người kia. Tôi đề nghị đồng chí xem có việc đó không, nếu có thì đồng chí nên điều chỉnh. Vì đây là dư luận, nên chi bộ chưa có ý kiến gì, tôi chỉ thông tin để đồng chí tự kiểm điểm”. Kết quả, đồng chí chủ tịch hội đồng quản trị kịp sửa chữa, không để khuyết điểm nặng hơn. Ở đây cho thấy, vai trò chi bộ, vai trò của bí thư rất quan trọng trong tự phê bình hằng ngày. Bí thư chi bộ mà nể nang hay tự ti mình là cấp dưới, ngại góp ý, phê bình cấp trên thì chi bộ mất vai trò. Vừa rồi, Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có nhấn mạnh vai trò của đội ngũ bí thư cấp ủy, cũng chính là Đảng ta đã nhận thức rất rõ về vấn đề này. Muốn xây dựng Đảng vững mạnh, trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư chi bộ ngang tầm nhiệm vụ. Bí thư chi bộ phải luôn thể hiện rõ tính chất của Đảng, phải là người giữ gìn sức sống của Đảng trong cuộc sống.
Bên cạnh vai trò của cấp ủy, bí thư chi bộ, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay, cần phát huy 5 công cụ kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng. Đó là kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp; kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; kiểm tra, giám sát của nhân dân và thứ 5 là kiểm tra, giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta có gần 1.000 cơ quan báo chí, đó cũng là một công cụ kiểm tra, giám sát các chi bộ rất mạnh. Khi kiểm tra, giám sát làm mạnh thì chính đảng viên sẽ thấy được ý nghĩa của sinh hoạt tư tưởng, tự phê bình và phê bình trong chi bộ là rất quý để mình “soi gương, rửa mặt” hằng ngày. Trong sinh hoạt chi bộ, những đảng viên là cấp trên nên coi trọng ý kiến của đảng viên là cấp dưới, vì cấp dưới thường e ngại, chỉ khi thực sự có vấn đề thì người ta mới góp ý.
Dân chủ, công khai, minh bạch trong sinh hoạt chi bộ là điều kiện tiên quyết để sinh hoạt chi bộ có chất lượng. Gần đây, mỗi khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp xong đều công khai ngay kết quả hội nghị cho báo chí. Điều đó cho chúng ta thấy rõ sức mạnh của sự công khai, minh bạch. Xét về lý thuyết, vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của chi bộ là rất to, nhưng trên thực tế thì nhiều người lại thấy rất bé. Tại sao vậy, vì chúng ta chưa làm đúng nguyên tắc, chưa để chi bộ phát huy hết vai trò của mình và trong sinh hoạt chi bộ thì nhiều nơi chưa dân chủ, chưa công khai. Chẳng hạn, hiện tượng đảng viên giữ chức vụ cao thường lơ là, ít sinh hoạt chi bộ, trong khi Điều lệ Đảng quy định nếu bỏ sinh hoạt quá 3 tháng trong năm thì đã bị xem xét khai trừ ra khỏi Đảng. Chỉ riêng làm đúng, làm tốt điều này thì chất lượng sinh hoạt chi bộ đã rất khác.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My (Quảng Nam):
Nâng cao năng lực của bí thư chi bộ
Đọc bài “Không để “hạt nhân chính trị” rơi vào tẻ nhạt, hình thức” trên Báo Quân đội nhân dân, tôi rất đồng tình với những vấn đề mà bài viết đã phân tích, đánh giá. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua: Sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.
Thực tế, những vụ việc tiêu cực xảy ra ở một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua chưa được ngăn chặn và phát hiện kịp thời ngay từ cơ sở là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc duy trì không nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nhất là ở cấp chi bộ còn nhiều bất cập. Đối với một số chi bộ có cán bộ lãnh đạo cấp trên cùng sinh hoạt thì bí thư, đảng viên phát biểu chính kiến tự phê bình và phê bình càng e dè khi đánh giá về những yếu kém, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình. Trong điều hành sinh hoạt, một số cấp ủy cũng như lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; một số đảng viên còn có biểu hiện tư tưởng trung bình chủ nghĩa, sợ va chạm, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trước hết cần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, bí thư chi bộ. Đội ngũ này phải là những người tiên phong, gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho cán bộ, nhân viên và quần chúng noi theo; có trình độ, năng lực, kiến thức về công tác xây dựng Đảng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ. Thực hiện tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là một giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, song do sợ bị trù dập, một số đảng viên chưa dám mạnh dạn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái. Vì vậy, cần có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ người đấu tranh phê bình.
Thượng tá, ThS Lê Quang Thà, Giảng viên Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị:
Kiên trì đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ
Những vấn đề đặt ra trong bài viết “Không để “hạt nhân chính trị” rơi vào tẻ nhạt, hình thức” trên Báo Quân đội nhân dân là sát thực tế, phản ảnh đúng tình hình của nhiều chi bộ ở cơ sở hiện nay. Vì vậy, để phòng, chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, theo tôi, một trong những vấn đề mấu chốt là phải kiên trì đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới” và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 16-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
Cần chú trọng đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt theo hướng thiết thực, phù hợp với từng đối tượng đảng viên ở mỗi loại hình chi bộ. Nên tránh hình thức sinh hoạt theo kiểu bí thư chi bộ đọc “một mạch” văn bản (nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên có liên quan đến cấp mình; dự thảo nghị quyết của chi bộ…), rồi vài ba đảng viên có ý kiến qua loa, chiếu lệ sau đó yêu cầu thư ký ghi chép vào sổ nghị quyết để có nội dung “lưu trữ” nhằm mục đích đối phó khi cấp trên kiểm tra văn bản. Cũng nên tránh nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, đơn điệu, một chiều, nặng về thông báo tình hình, mà không có sự thảo luận, tranh luận. Thực tế cho thấy, nếu duy trì thường xuyên, nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, sẽ không chỉ góp phần rèn luyện, củng cố, nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chấp hành, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; mà còn góp phần phòng ngừa, đẩy lùi những biểu hiện sai trái của cán bộ, đảng viên. Chi bộ được ví như “tai, mắt” của Đảng ở cơ sở. Bất cứ một biểu hiện tiêu cực manh nha nào của cán bộ, đảng viên được chi bộ góp ý, giáo dục, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, đúng lúc sẽ góp phần ngăn chặn được những biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thượng tá Đinh Kim Cường, Chính ủy Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3
"Màng lọc" ngăn chặn tiêu cực
Sinh hoạt chi bộ là chế độ và biện pháp thường xuyên, trực tiếp, hiệu quả để quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, giúp đảng viên nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời tạo ra màng lọc ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được đánh giá trên 5 tiêu chí cơ bản: Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt; công tác chuẩn bị sinh hoạt; tổ chức sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần nâng cao chất lượng của cả 5 nội dung trên bằng những biện pháp, cách làm cụ thể và linh hoạt, phù hợp đặc điểm, tình hình chi bộ.
Trước hết, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị sinh hoạt, căn cứ tính chất cụ thể của buổi sinh hoạt là theo thường kỳ hay theo chuyên đề để xác định nội dung cho phù hợp. Quá trình sinh hoạt chi bộ phải phát huy được các ý kiến phát biểu của cán bộ, đảng viên, tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; góp ý, phê bình đối với đảng viên trong chi bộ hoặc phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân. Đồng thời, phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, không tổ chức sinh hoạt chuyên môn lồng ghép với sinh hoạt chi bộ; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề không thay thế sinh hoạt chi bộ thường kỳ; nếu chi bộ khó khăn về thời gian, địa điểm có thể kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi, nhưng phải thực hiện lần lượt, sinh hoạt thường kỳ xong mới sinh hoạt chuyên đề hoặc ngược lại. Trong tự phê bình và phê bình, động cơ phê bình phải trong sáng, thẳng thắn, trung thực, có ý thức xây dựng. Có biện pháp để động viên và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh vì lẽ phải, làm cho cái tốt, cái hay, cái đẹp có điều kiện nảy nở, phát huy và người tốt, người tài, người tích cực có chỗ dựa vững vàng để yên tâm làm việc, cống hiến xây dựng chi bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ông Đặng Đức Phu, Phó chủ tịch Hội CCB phường Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai):
Cấp ủy phải thực sự gương mẫu
Những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ được Báo Quân đội nhân dân chỉ ra có ý nghĩa rất thiết thực đối với đội ngũ bí thư chi bộ, cấp ủy đảng ở cơ sở. Tôi cho rằng, “hạt nhân chính trị” không chỉ cần làm tốt vai trò lãnh đạo mà còn phải giải quyết tốt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong chi bộ và quản lý chặt chẽ chất lượng, tư tưởng đảng viên. Muốn vậy, cấp ủy phải thực sự gương mẫu trong lời nói, việc làm để đảng viên học tập, noi theo.
Mỗi chi bộ có đặc thù riêng. Với chi bộ cựu chiến binh, nhiều đảng viên đã qua chiến đấu, tuổi cao, sức khỏe giảm sút. Một số đảng viên tham gia công tác xã hội hoặc kinh doanh phát triển kinh tế gia đình… Đây là những lý do khiến buổi sinh hoạt chi bộ có thể sẽ thiếu vắng đảng viên. Cũng có trường hợp đảng viên dự sinh hoạt chi bộ cho có lệ, thờ ơ với nội dung dự thảo nghị quyết. Do vậy, cấp ủy phải hiểu tâm lý, đặc thù của chi bộ để lựa chọn nội dung, bố trí thời gian sinh hoạt phù hợp, ngắn gọn; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Sự gương mẫu thể hiện ngay trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt Đảng, tuân thủ nguyên tắc tổ chức; có phương pháp, tác phong làm việc mẫu mực, nghiêm túc, đề cao dân chủ và ý thức tập thể… Sự gương mẫu của cấp ủy chính là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Đồng chí Hoàng Thị Hiền, Trưởng thôn Đình Dầm, xã Nga My (Phú Bình, Thái Nguyên):
Gắn sinh hoạt với nhiệm vụ thực tế
Đưa những nhiệm vụ cụ thể của thôn ra thảo luận trong sinh hoạt chi bộ là kinh nghiệm của chúng tôi. Để đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm và gắn kết với quần chúng, chi bộ tôi phân công mỗi đảng viên phụ trách một nhóm hộ gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh trong sinh hoạt chi bộ, thường xuyên bàn biện pháp vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, như: Đóng các loại quỹ đúng thời gian, tham gia phong trào văn hóa văn nghệ, gương mẫu trong mọi việc, thực hiện ứng xử văn hóa, nếp sống văn minh khu dân cư... Nhờ vậy, sinh hoạt chi bộ thôn luôn thiết thực.
Trước những khó khăn hiện nay, đặc biệt các thế lực thù địch phao tin, đồn thổi sai sự thật hòng chống phá Đảng, chính quyền, đảng viên chúng tôi thường nhắc nhau giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh, có quan điểm, lập trường chính trị chắc chắn, tránh a dua, chạy theo tâm lý đám đông để làm gương cho quần chúng. Tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ chính là nơi cung cấp cho chúng tôi thông tin chính thống để tự tin, vững vàng trước những tác động tiêu cực từ những luồng thông tin đồn thổi trên mạng xã hội.