Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương:

“Lượng hóa” trong đánh giá chất lượng đảng viên

Tôi rất tâm đắc với bài báo “Nhận diện, xử lý những “con rắn nước” trong tập thể” đăng Báo Quân đội nhân dân ngày 20-9-2018. Bài báo đã phân tích bản chất, đặc trưng cùng những biểu hiện cụ thể của căn bệnh “trung bình chủ nghĩa”. Tôi thấy cần bổ sung thêm hiện tượng một bộ phận không nhỏ đảng viên hiện nay sinh hoạt đảng lừng chừng, chiếu lệ, họ gần như không quan tâm đến nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng; không trăn trở hoặc thờ ơ, vô cảm với những vấn đề quốc kế, dân sinh và đương nhiên là không đau đáu đến những vấn đề mang tính chất sống còn của Đảng, của chế độ hiện nay. Nhận diện họ không khó, nhưng xử lý họ mới khó. Vì họ lừng chừng nhưng chưa đến mức bỏ bê sinh hoạt, họ im lặng nhưng thi thoảng cũng phát biểu “nhát gừng” hoặc cứ đến dịp gần cuối năm thì họ tích cực hơn, hăng hái phát biểu chung chung, “không đụng đến ai”, ve vãn lấy lòng tất cả.

Về nguyên nhân xuất hiện những đảng viên này, tuy nguồn gốc đều từ chủ nghĩa cá nhân, nhưng cụ thể hơn là công tác phát triển Đảng còn chưa chú ý đúng mức đến chất lượng. Vì thế mới để lọt vào Đảng những người mang nặng đầu óc cơ hội. Mà không ít người trong số họ kịp leo lên “ghế này, ghế kia”, lọt ghế thấp thì họ leo tiếp lên ghế cao hơn. Biểu hiện của những người này khá rõ, nhất là gần dịp bầu cử, bổ nhiệm, quy hoạch thì càng rõ. Họ đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi, xử thế theo kiểu “anh không đụng đến tôi thì tôi không đụng đến anh”. Một số khác, cũng không đến nỗi quá cơ hội, nhưng vẫn sa vào "trung bình chủ nghĩa" vì sợ rằng mình không toàn diện, phê bình người sợ bị người phê bình ngược, sợ đấu tranh thì “tránh đâu”.

Hiện nay, Trung ương và các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành khá nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn nhưng sự chuyển biến trong đấu tranh chống bệnh “trung bình chủ nghĩa” chưa nhiều. Vì sức ỳ trong đảng viên còn lớn, vì “một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những người này đã làm trì trệ, làm cho mong muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng chậm được đổi mới; làm cho “trên nóng, dưới lạnh” nên tác dụng, hiệu quả chưa được như mong muốn. Ban Tổ chức Trung ương cũng vừa ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 về một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, quy định rất chặt chẽ, hướng dẫn rất cụ thể nhưng nếu số đảng viên “trung bình chủ nghĩa” không thay đổi nhận thức chính trị tư tưởng thì vẫn rất khó.

Giải quyết bệnh “trung bình chủ nghĩa” phải căn cơ, đồng bộ. Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên là quan trọng nhưng vấn đề hiện nay, chỉ tác động vào nhận thức là không đủ. Tôi cho rằng, phải có chế tài siết chặt kỷ luật Đảng, để những người dạng "trung bình chủ nghĩa" sẽ bị bộc lộ, xử lý được những người im lặng và cả những người chuyên nêu ý kiến kiểu “chém gió chung chung”. Ví dụ, cả năm mà cứ im lặng hoặc phát biểu kiểu “nể và né” thì cuối năm kiên quyết đánh giá hoàn thành nhiệm vụ mức thấp. Rồi phải lượng hóa sản phẩm và chất lượng công tác của đảng viên, phải tăng kỳ đánh giá lên, theo tháng hoặc quý, nửa năm, một năm. Sự đánh giá liên tục như thế sẽ thực chất hơn, khiến đảng viên giảm sức ỳ. Việc lượng hóa chất lượng công tác rất quan trọng. Ví dụ, trong năm anh thể hiện tính tiền phong gương mẫu và tính chiến đấu như thế nào thì sẽ được đánh giá là đảng viên xuất sắc và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên xây dựng thành các quy định. Như vậy, các anh “trung bình chủ nghĩa” sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, không thể lượn lờ như “con rắn nước” được nữa. Đây là một vấn đề mấu chốt để chống “trung bình chủ nghĩa”. Vừa qua, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Quy định tiêu chí đánh giá chất lượng các loại hình sinh hoạt chi bộ theo 4 mức: Tốt, khá, trung bình, kém; nhờ vậy, cấp ủy các cấp dễ phân biệt chi bộ nào có tính chiến đấu cao, chi bộ nào có tính chiến đấu thấp. Đây là một cách làm sáng tạo mà các địa phương trong cả nước có thể tham khảo để vận dụng.

----------------------------------

Tiến sĩ Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị:

Dẹp bỏ nạn cục bộ, thân hữu, "cánh hẩu"... trong công tác cán bộ

Hiện nay, không ít đảng viên có thái độ “ươn hèn, yếu ớt” trong sinh hoạt. Họ luôn trong trạng thái “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”, “nước chảy thì bèo trôi”, hành vi thì “lươn lẹo” với phương châm hành động “dĩ hòa vi quý"... Hệ quả là, đã cổ vũ, tiếp tay cho lối sống xu thời, cơ hội, sẵn sàng làm “tấm bình phong” che đỡ những kẻ tài hèn, đức mọn; đồng thời không tạo chỗ dựa, động lực, niềm tin phấn đấu vươn lên cho những nhân tố tích cực, những con người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tập thể, cơ quan, đơn vị. Không những thế, họ có thể thay đổi lập trường bất cứ lúc nào, miễn là sự thay đổi đó mang lại lợi ích cho bản thân. Những người sống theo kiểu “tiền hậu bất nhất” vô hình trung làm biến dạng, méo mó các mối quan hệ và ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng môi trường văn hóa của tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Hiện tượng “dàn hàng ngang cùng tiến” trong công tác cán bộ cũng là biểu hiện khác của bệnh "trung bình chủ nghĩa". Cấp ủy và cơ quan làm công tác cán bộ chuyên trách các cấp nếu có biểu hiện thiếu khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ sẽ dung túng cho hiện tượng "chạy chức, chạy quyền", khuyến khích tình trạng cục bộ, khép kín, bệnh phường hội, lợi ích nhóm, thân hữu, dòng tộc, “cánh hẩu”... Điều đó khiến cho những cán bộ tâm huyết rơi vào chán nản, trì trệ, bảo thủ, vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật, kỷ cương, triệt tiêu những tư duy đổi mới, sáng tạo. Từ đó, một mặt, làm thui chột ý chí và năng lực của những con người dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho lộng quyền, tha hóa quyền lực. Mặt khác, sẽ ít người dám đột phá vì lợi ích chung mà nảy sinh tư tưởng an phận thủ thường trong đội ngũ cán bộ. Đây cũng là tình trạng rất nguy hại mà các tổ chức đảng cần kiên quyết đấu tranh, loại bỏ.

--------------------------------------

Đồng chí Lê Quang Bất, Phó bí thư Đảng ủy xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc:

Người đứng đầu phải có "bàn tay sạch"

Mặc dù rất khó khăn nhưng nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng vẫn là giải pháp căn cơ để giải quyết bệnh "trung bình chủ nghĩa". Muốn vậy, việc lựa chọn, xây dựng người đứng đầu cấp ủy phải là những người tiên phong, gương mẫu, có trình độ, năng lực, kiến thức về công tác xây dựng Đảng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy mà "tay đã nhúng chàm" thì chủ nghĩa cơ hội, "trung bình chủ nghĩa" trong tổ chức đảng đó tự khắc sẽ nổi lên. Muốn có "bàn tay sắt" thì trước hết phải có "bàn tay sạch".

Người đứng đầu cấp ủy có "bàn tay sạch" sẽ luôn mở rộng dân chủ, duy trì chặt chẽ chế độ tự phê bình và phê bình, việc sinh hoạt đảng sẽ được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng nhân cách của mỗi con người. Tự phê bình và phê bình phải gắn liền với xử lý nghiêm vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm. Dân chủ đi liền với kỷ cương. Tuyệt đối không được lợi dụng dân chủ trong sinh hoạt để đả kích nói xấu nhau, hoặc dân chủ hình thức, mang tính chất xuôi chiều. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần tiến hành một cách chủ động, có kế hoạch khoa học sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa những người mắc bệnh "trung bình chủ nghĩa".

-------------------------------------------

Thạc sĩ Sầm Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang:

Dân chủ để chữa "im lặng mà không đồng ý"

Tư tưởng "trung bình chủ nghĩa" thực chất là một dạng chủ nghĩa cơ hội. Những người có tư tưởng "trung bình chủ nghĩa" thường tìm cho mình một đường đi ở giữa và luôn thỏa hiệp với bất kỳ quan điểm nào dù đúng hay sai. Nó khéo léo thích nghi và thích ứng để đạt mục tiêu cá nhân với lầm tưởng không làm phương hại lợi ích chung. 

Để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái đấu tranh của cán bộ, đảng viên. Quần chúng không nói không phải vì họ không biết, không có ý kiến nhưng vì nói ra cấp trên không nghe, không xét, có khi lại bị trù dập, tư thù cá nhân... Vì vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ là "chìa khóa" để giải quyết tình trạng "im lặng mà không đồng ý" ở các tổ chức, tập thể hiện nay.

Bên cạnh đó, phải chấp nhận thực tế có nhiều ý kiến khác nhau trong cùng một vấn đề, gắn liền với công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình, đặc biệt là ở những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Mặt khác, phải khắc phục kiểu đánh giá chung chung, hình thức, chiếu lệ trong đánh giá tổ chức đảng và đảng viên. Chính cách đánh giá này sẽ dẫn đến phân phối, khen thưởng theo lối cào bằng, ai cũng như ai. Vì thế sẽ không tạo ra động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức vươn lên, phát huy năng lực của bản thân. Cuối cùng, phải tăng cường động viên, biểu dương những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã nêu rõ, trong ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém thì “người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên”.

--------------------------------------------

Ông Nguyễn Văn Tòng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh:

Bảo vệ người dám nói, dám đấu tranh

Tôi rất tâm đắc với vấn đề chống bệnh “trung bình chủ nghĩa” trong sinh hoạt Đảng. Bài báo đã phân tích rất sâu sắc tác hại của căn bệnh này, thoạt nhìn thì tưởng vô hại mà hóa ra rất nguy hiểm, nguy hại khôn lường đến sức sống, sức chiến đấu của các tổ chức, tập thể.

Để có một chi bộ tốt, một tập thể mạnh cần phải có những thành viên dám nói, dám làm, tâm huyết với tập thể; mạnh dạn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của đồng chí, đồng đội trên tinh thần xây dựng. Trong sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm, tích cực chuẩn bị ý kiến có chất lượng để tham gia phát biểu thẳng thắn, trung thực, tự phê bình và phê bình giúp nhau cùng tiến bộ. Điều đó được thể hiện ngay trong sinh hoạt, công tác, ứng xử, giao tiếp… Mỗi thành viên phải có trách nhiệm bảo vệ cái đúng, ủng hộ lẽ phải, đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực vì mục đích cuối cùng là xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất, vững mạnh. Tuy nhiên, phương pháp đấu tranh cũng cần hợp lý, vì lợi ích chung của tập thể, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “phê bình việc chứ không phê bình người”. Cùng với đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tổ Đảng, bình xét, phân loại cán bộ, đảng viên đúng thực chất, không cào bằng, bởi cào bằng chính là điều kiện để tư tưởng "trung bình chủ nghĩa" tồn tại và phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên.