Ông Đoàn Mạnh Chánh, "cửu vạn" ở cảng Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ví von như thế về công việc mưu sinh của mình. “Dù vất vả, cực nhọc trăm bề, nhưng nó là cái nghiệp của mình rồi, không bỏ được. Điều quan trọng là mình phải tìm ra những giá trị thăng hoa từ nỗi vất vả, nhọc nhằn kia, để cuộc sống có thêm chất thơ”. - Ông Chánh nói...
Mấy li rượu từ bữa cơm tối đạm bạc cùng với nửa ngày chạy xe máy mỏi nhừ cả người đã khiến tôi ngủ rất say. 3 giờ sáng, khi làng quê miền biển Phước Hải dậy lên tiếng gà gáy râm ran, tiếng í ới gọi nhau của cư dân làng chài, tôi giật mình tỉnh giấc. Quyền ăn quáng quàng tô mì tôm rồi tất tả lao ra khỏi nhà: “Tàu ghe về rồi, phải đi ngay thôi”. Tôi chỉ kịp xách vội chiếc máy ảnh, chạy ra cảng cá Phước Hải. Chưa rõ mặt người nhưng cảng đã tấp nập. Quyền hòa mình vào đội quân cửu vạn bắt đầu cõng lên lưng những bao tải nghêu, sò và những thùng cá nặng chừng bảy chục ký, chạy huỳnh huỵch từ mé biển lên bờ. Mọi công việc diễn ra rất khẩn trương. “Phải làm thật nhanh để kịp chuyển hàng đi các chợ” - Mai, vợ Quyền nói với tôi-rồi cùng những người phụ nữ khác thoăn thoắt lựa cá, xếp hàng cho các chủ ghe. Hàng được chuyển lên những chuyến xe ba gác và xe máy rẽ gió chạy về thành phố. Gió biển thổi hồng hộc làm tôi run lên vì lạnh, nhưng Quyền và đội quân cửu vạn thì ai nấy quần áo sũng nước.
 |
Cửu vạn ở cảng Bến Lội |
... Tôi gặp Quyền trong chuyến đi viết về vụ cứu hộ tàu Đức Trí bị chìm. Một chiều trên bãi biển, giữa đông người, bỗng nghe một giọng “quê choa”, tôi lại hỏi mới hay, Quyền là đồng hương cùng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) học sau tôi một khóa ở trường cấp 3. Hôm ấy, Quyền đi thu gom dầu tràn trên bãi biển. Gặp đồng hương, Quyền vui lắm và nằng nặc mời tôi về nhà chơi. Tổ ấm của họ là một mái nhà nhỏ đơn sơ giữa làng chài. Quyền kể: Tốt nghiệp cấp 3, Quyền theo người thân vào Đắc Lắc làm nghề chăm sóc, thu hoạch cà phê mướn rồi gặp Mai, một cô gái quê biển Vũng Tàu cùng cảnh ngộ. Hai người nên duyên chồng vợ. Công việc bấp bênh nên hai vợ chồng rủ nhau về quê Mai lập nghiệp. Ban đầu Quyền phụ việc cho các chủ ghe đi đánh cá, tháng ngày lênh đênh trên biển. Từ ngày vợ sinh con, Quyền thôi nghề đi biển, gia nhập đội quân cửu vạn để được gần gũi, giúp vợ chăm sóc con. Mai cũng tham gia vào lực lượng làm công cho các chủ ghe, tàu ở cảng cá. Phước Hải là một trong số các làng chài lâu đời và lớn nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn 20.000 nhân khẩu của làng chủ yếu sinh sống bằng nghề cá, trong đó đội quân "cửu vạn" chiếm số lượng không nhỏ. Hằng đêm, ngoài ghe, tàu của ngư dân địa phương, còn có ghe của ngư dân của các tỉnh ven biển miền Trung cặp cảng. Nhờ đó, việc làm của đội quân "cửu vạn" khá đều. Gần đây, nghề đi biển gặp rất nhiều khó khăn nên thu nhập của những người như Quyền cũng giảm sút. Ông Lê Văn Nhung, một chủ ghe cho biết: “Nếu nghề đi biển làm ăn thuận lợi thì một chuyến ghe cặp bờ có thể giải quyết việc làm cho độ dăm chục người trong ngày”.
Đội quân "cửu vạn", bên cạnh đàn ông còn có cả phụ nữ, nhưng phải là những người có sức khỏe tốt. Chị Nguyễn Thị Bé là một ví dụ. Vóc người to lớn, nước da ngăm đen (chị được anh chị em cửu vạn gọi là Bé Đen), cõng hàng ngót chục năm nay. Làm việc vất vả thế, nhưng thu nhập bình quân của cửu vạn chỉ khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng, tùy từng thời điểm.
Những người làm nghề "cửu vạn" ai cũng bị còng lưng, da đen cháy, cơ bắp săn lại. “Anh đừng tưởng dân "cửu vạn" chỉ biết còng lưng gánh vác, nhiều người làm thơ rất hay đấy”. - Quyền nói rồi kể cho tôi nghe chuyện về một "cửu vạn" làm thơ có tên là Đức, khỏe như vâm. Bữa nọ, chàng phóng xe máy lên thị xã. Giữa đường gặp một vụ tai nạn. Hai mẹ con nhà nọ chạy xe trên cầu bị rơi xuống dòng kênh sâu, nước chảy xiết. Đức lao xuống cứu. Với sức lực của một cửu vạn, anh dễ dàng đưa được người đàn bà, nặng hơn bảy chục ký lên bờ. Cô con gái cảm phục quá nên... yêu luôn anh chàng nghĩa hiệp. Quá hạnh phúc vì có vợ đẹp, con nhà giàu, Đức hứng chí làm liền mấy bài thơ rồi đọc cho cánh cửu vạn cùng nghe và... bình luận. Vui đáo để...
Đội quân "cửu vạn" ở Phước Hải ngoài cư dân địa phương là một bộ phận lớn người nhập cư tạm trú. Họ đến từ các vùng quê khác nhau. Mùa chài lưới thì làm nghề bốc vác ở cảng biển. Hết việc thì đi phụ hồ hoặc đến các cảng cá khác tiếp tục còng lưng cõng hàng.
Cuối ngày, tôi tìm đến cảng cá Bến Lội ở huyện Xuyên Mộc. Không tấp nập, nhộn nhịp như ở cảng Phước Hải nhưng "cửu vạn" ở cảng Bến Lội phải làm việc vất vả hơn nhiều lần. Vào mùa nước lớn, tàu ghe cặp cảng dễ dàng thì việc bốc vác đỡ hơn. Gặp những ngày nước rút, ghe, tàu phải neo ở khu Bãi Ngang, dân "cửu vạn" phải lội bộ 3km dưới bùn đất để vác hoặc cho lên thuyền thúng những bao nghêu, sò nặng bảy, tám chục ký vận chuyển vào bờ. Ông Đoàn Mạnh Chánh than thở “Vất vả thế nhưng có việc mà làm là tốt rồi”.
Mỗi ngày mưu sinh của dân "cửu vạn" là một chuỗi những công việc cực nhọc, nhưng vì thế cũng đầy ắp ước mơ. Làng chài Phước Hải những năm gần đây tỷ lệ con em vào đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, có người đã học lên cao học. Ngay cả làng chài Bến Lội, trên khung hình của nhiều gia đình đã có hình ảnh con em mặc trang phục cử nhân trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Những người như ông Đoàn Mạnh Chánh, gắn bó với nghề "cửu vạn" gần bốn chục năm nay, bây giờ dù tấm lưng vẫn phải còng thêm hằng ngày, nhưng ông đã có thể cười rất tươi mà rằng: “Có nhiều nghề được tự hào là nghề gia truyền, nhưng cái nghề "cửu vạn" này thì chẳng ai mong thế. Đời mình vất vả cho con cháu được mở mày mở mặt với thiên hạ, có cực cũng phải ráng thôi”.
Chẳng hiểu sao tôi thích cách nói ví von nhưng đầy hình ảnh của ông Chánh. Khi tang tảng sáng, họ xuống biển cõng hàng, giống như cõng cả mặt trời. Cuối ngày, những tấm lưng còng ấy lại như cõng mặt trời về với dãy núi đằng tây. Những ước mơ, dù đó là những ước mơ rất đỗi bình dị đã làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn.
Bài và ảnh: LỮ NGÀN