Vùng biển cách hải đăng Kê Gà chừng vài hải lý được dân hàng hải gọi là “vùng biển chết”.
Bởi từ năm 1987 đến nay đã có đến 14 chiếc tàu trọng tải lớn với hàng chục thủy thủ bỏ mạng khi lọt vào luồng nước tử thần ở đây.
Sóng “đá gà”
Ngày 2-3, tàu Đức Trí vận chuyển 1.700 tấn dầu FO từ TP.HCM đi Đà Nẵng bị lật úp trên vùng biển Bình Thuận khiến 14 thủy thủ chết thảm. Việc trục vớt xác tàu này đang được tiến hành nhưng tọa độ nơi con tàu gặp nạn vẫn chưa được xác định. Dù thế, giới thuyền trưởng, hoa tiêu thông thạo luồng lạch trên vùng biển Bình Thuận đều cho rằng tàu Đức Trí đã lọt vào luồng nước tử thần ở “vùng biển chết” cạnh mũi Kê Gà nên mới bị lật úp bất ngờ như trên.
Ông Tư Nhan, một thuyền trưởng với hơn ba mươi năm quần nát các vùng biển trong nước cho rằng ông chưa thấy đâu có luồng nước hung dữ, quá nguy hiểm và lạ lùng như ở đây. Theo ông Nhan, mặt biển tại luồng nước này luôn phẳng lì trông rất hiền hòa. Thế nhưng ở độ sâu khoảng chừng hai mét trở xuống có đến ba dòng chảy ngầm cuộn vào nhau tạo thành dòng xoáy rất khủng khiếp mà dân đi biển gọi là “sóng đá gà”. Chính vì vậy nên các thuyền trưởng, hoa tiêu thỉnh thoảng qua lại đây thường mất cảnh giác và đến khi lọt vào luồng nước tử thần là trở tay không kịp. Luồng nước tử thần có diện tích khoảng hơn một hải lý vuông, mặt biển êm ả chẳng khác gì xung quanh nhưng hơn ba giờ đồng hồ chúng tôi neo tàu gần đó khảo sát chẳng thấy bóng dáng một ghe thuyền nào qua lại. Tất cả ghe thuyền khi đến luồng nước này đều tránh xa và đều lưu thông ở xung quanh để đánh bắt thủy hải sản. Máy định vị trên tàu xác định tâm điểm của “vùng biển chết” nằm ở vĩ độ: 10o38’23"5 N, kinh độ: 107o57’23"5 E.
Theo ông Tư Nhan, đường biển cũng chẳng khác đường bộ vì cũng có đèo dốc khi đi qua các cồn biển; có chướng ngại vật khi đi qua các rạn đá ngầm và cũng có các điểm đen khi lọt vào vùng nước xoáy. Khi nhận lời đưa chúng tôi ra xâm nhập “vùng biển chết”, ngoài việc bảo chúng tôi nai nịt áo phao ông Tư còn kéo theo chiếc ghe 38 mã lực của mình một chiếc thúng chai. Ông Tư chỉ chiếc thúng bé tẹo cười khà khà động viên: “Đây là phương tiện cứu hộ ngon lành nhất ở luồng nước tử thần này mà tui biết nên các chú yên tâm. Ở độ sâu từ hơn hai mét trở xuống mới có dòng chảy ngầm, trong khi chiếc thúng bé tí có thể lắc ào ào trên mặt biển nên chẳng hề hấn gì khi lướt qua nó”.
 |
Anh Lê Văn Tám, một thợ lặn nổi tiếng trong nghề trục vớt ở Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết luồng nước tử thần ở Kê Gà vô cùng nguy hiểm, chỉ cần một tích tắc sơ hở là thợ lặn bỏ mạng ngay. Ở các vùng biển bình thường, thợ lặn chỉ cần ngậm ống hơi nhảy xuống theo phương thẳng đứng là có thể tiếp cận vị trí đã định, còn ở luồng nước này lại khác. Thợ lặn đeo nịt chì khoảng 15 kg để xuống nước nhanh hơn nhưng ở đây họ chỉ xuống chừng vài mét là bị dòng chảy kéo dây đi xa vài chục mét ngay. “Trục vớt xác tàu đắm ở “vùng biển chết” này là công việc vô cùng khó khăn và là thách thức của nghề thợ lặn” - anh Tám nói.
Lời cảnh báo từ thế kỷ XIX
Trong lịch sử hàng hải, vùng biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu thì mũi Kê Gà được đánh giá là vị trí vô cùng hiểm yếu. Nhiều thế kỷ trước đã có rất nhiều tàu buôn nước ngoài và cả tàu của quân đội thực dân Pháp qua lại vùng biển này bị mất tích. Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã bắt tay vào nghiên cứu để xây dựng ngọn đèn biển tại đây nhằm hướng dẫn tàu bè qua lại và cảnh báo vị trí xung yếu, hiểm trở khi tàu bè lưu thông qua “vùng biển chết”.
Tháng 2-1897, hải đăng Kê Gà khởi công do kỹ sư Chnavat thiết kế và chỉ huy công trình. Đến năm 1899 ngọn đèn biển này chính thức đưa vào hoạt động. Tháp đèn được xây bằng đá granit và toàn bộ vật liệu đều được vận chuyển từ cảng Marseille ở Pháp sang. Tháp hải đăng Kê Gà có hình bát giác, mỗi cạnh ba mét, cao 41 m. Bên trong lòng tháp là một cầu thang xoắn ốc bằng thép gồm 184 bậc. Với độ cao 65 m so với mặt biển, hải đăng Kê Gà được xem là hải đăng cao nhất Việt Nam. Đã có đến 86 người tù khổ sai bỏ mạng khi tham gia xây dựng ngọn hải đăng này. Hải đăng Kê Gà phát ra ánh sáng trắng, chớp theo quy ước ba ngắn một dài với chu kỳ một vòng quay là 20 giây. Đó là tín hiệu quy ước để phân biệt Kê Gà với các hải đăng khác; còn ban ngày sẽ phân biệt bằng màu sắc đá granit vàng nhạt của tháp đèn. Trước đây, ngọn đèn này được chiếu sáng bằng đèn dây tungstène của Pháp có công suất 1.000 W đặt trên một đế xoay và xoay quanh bằng một bộ cơ điện cổ. Nhờ hoạt động theo nguyên tắc lăng kính cấu tạo bởi nhiều đường kính khác nhau và đồng tâm nên ánh sáng phát ra khi trời trong lên đến 22 hải lý (tương đương khoảng 40 km), khi trời mù khoảng 14-15 hải lý. Từ 2004 đến nay, chiếc đèn cổ kính này đã được thay bằng dàn đèn của Mỹ và được thắp sáng bằng dòng điện từ pin năng lượng mặt trời, chiều rộng của dòng ánh sáng hẹp hơn nhưng vẫn có thể chiếu tối đa đến 22 hải lý.
 |
Từ cuối thế kỷ XIX đến xuyên suốt thế kỷ XX và nay là thế kỷ XXI, ngọn đèn trên chưa bao giờ tắt. Thế nhưng, do mức độ nguy hiểm của luồng nước tử thần trong “vùng biển chết”, số lượng những con tàu đắm có trọng tải lớn vì chủ quan, vô tình lọt vào đây ngày một nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Sáu - Trưởng trạm hải đăng Kê Gà (thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải II) cho biết mỗi lần nghe tin có tàu lớn chìm trong khu vực là anh cùng các anh em gác đèn lại phải lo đủ thứ. Lúc đó, ngoài việc giữ cho ngọn đèn biển không tắt dù chỉ một giây, họ còn kiêm thêm nhiệm vụ đặt và kiểm tra phao báo hiệu chướng ngại vật thường xuyên để ngăn không cho các tàu khác vô tình lọt vào vùng biển này. Hiện trạm Kê Gà đang quản lý phao “H” nơi có xác con tàu Hoàng Sơn 16 bị đắm. Cứ ba ngày một lần họ phải có mặt ở “vùng biển chết” để thay bình ắc-quy cung cấp năng lượng phát sáng cho phao để cảnh báo tàu bè. Gần hai năm trước, tàu Hoàng Sơn 16 với thủy thủ đoàn 14 người vận chuyển 1.000 tấn than đá từ Quảng Ninh trên hải trình vào cảng Sài Gòn. Thế nhưng họ đã vô tình đi vào “vùng biển chết”, chiếc tàu có trọng tải 1.200 tấn bỗng giống như một thỏi kẹo chewing-gum khi lọt vào luồng nước tử thần. Theo: PL-TP.HCM