Biển có vài trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng và của thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã lợi dụng thế mạnh về biển đạt trình độ phát triển kinh tế rất cao. Do tầm quan trọng của biển, từ lâu cuộc chạy đua trong sự phát triển kinh tế biển cũng như triển khai lực lượng quân sự trên biển và sự tranh chấp trên biển diễn ra rất gay gắt.

Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là “Thế kỷ của đại dương”, bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển. Riêng trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, các nước, nhất là các nước lớn đều có thiên hướng bảo tồn tài nguyên trên đất liền và vùng biển của mình, vươn ra điều tra, khai thác tài nguyên trên đại dương.

Do ý nghĩa và vai trò quan trọng của biển nên sự hợp tác quốc tế về biển cũng không ngừng được mở rộng, bao gồm việc xây dựng khuôn khổ pháp lý mà tập trung nhất là Công ước biển năm 1982 của Liên Hợp quốc, hình thành các cơ chế, tổ chức hợp tác toàn cầu và khu vực.

Việt Nam nằm trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối liền châu Âu, Trung Cận Đông với Đông Á và bờ viển phía Tây châu Mỹ. Điều này vừa tạo thuận lợi cho nước ta vươn ra biển, nâng cao vị trí địa chính trị và địa kinh tế của Việt Nam, vừa đặt ra những phức tạp, thách thức do sự cạnh tranh giữa các nước lớn ở khu vực trọng yếu này.

Vị trí địa kinh tế và địa chính trị của biển Việt Nam

Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông, có vùng biển rộng trên 1 triệu km2 . Bờ biển Việt Nam dài trên 3.260km ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, trung bình khoảng 100km2 đất liền có 1km bờ biển (cao gấp 6 lần tỉ lệ này của thế giới) , không một nơi nào trên đất nước ta lại cách biển hơn 500km. Ven bờ có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ các loại, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, với diện tích 1.700km2 , trong đó, có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100km2 , 23 đảo có diện tích lớn hơn 10km2 , 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và khoảng trên 1.400 đảo chưa có tên. Vì vậy, biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước.

Biển Đông được bao bọc bởi 10 nước và vùng lãnh thổ là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và Đài Loan (Trung Quốc). Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân của các nước và vùng lãnh thổ này.

Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Hầu hết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên Biển Đông. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.

Biển Đông (trong đó có vùng biển Việt Nam) có vị trí địa kinh tế và chính trị quan trọng như vậy, nên từ lâu đã là nhân tố không thế thiếu trong Chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. Đó cũng chính là lý do quan trọng dẫn đến những tranh chấp ở vùng biển này.

Vùng biển và ven biển Vịêt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Biển Đông đóng vai trò là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Biển và vùng ven biển là cửa mở lớn, là “mặt tiền” quan trọng của đất nước để thông ra Thái Bình Dương và mở cửa mạnh mẽ ra nước ngoài. So với các vùng khác trong nội địa, vùng ven biển gồm hầu hết các đô thị lớn có kết cấu hạ tầng khá tốt; có các vùng kinh tế trọng điẻm của cả nước đang được đầu tư phát triển mạnh; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong đó một số loại có thể trở thành mũi nhọn để phát triển; có nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ thuận tiện; là môi trường hết sức thuận lợi để tiếp nhận các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý hiện đại của nước ngoài, từ đó lan toả ra các vùng khác trong nội địa. Có thể nói, vùng ven biển là vùng có nhiều lợi thế hơn hẳn các vùng khác để phát triển kinh tế nhanh.

Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa ( đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hoá xuất, nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, đồng thời thu hút cả vùng Tây Nam Trung Quốc, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Cam-pu-chia.

Hiện nay, các nước trong khu vực đang tích cực khởi động chương trình phát triển Tiểu vùng Mê Công, ta và Trung Quốc đang hợp tác xây dựng và thực hiện chương trình Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, coi đó là một cực tăng trưởng mới trong khuôn khổ của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA).

Tiềm năng tài nguyên biển

Biển có ý nghĩa to lớn để nước ta phát triển, mở cửa giao lưu với quốc tế và ngày càng có vai trò lớn trong tương lai. Kết quả thăm dò, khảo sát đến nay cho thấy, tiềm năng tài nguyên biển của nước ta tuy không được coi là vào loại giàu có của thế giới, nhưng cũng rất đáng kể và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Dọc bờ biển có một số trung tâm đô thị lớn, có trên 100 địa điểm có thế xây dựng cảng, trong đó, một số nơi có khả năng xây dựng cảng quy mô tương đối lớn (kể cả cấp trung chuyển quốc tế); có nhiều đảo có giá trị kinh tế cao; có nhiều bãi biển lớn và nhỏ, cảnh quan đẹp, trong đó, có những bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển. Ngoài ra, ven bờ biển có nhiều khoáng sản quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp như than, sắt, titan, cát thuỷ tinh, các loại vật liệu xây dựng khác và khoảng 5-6 vạn ha ruộng muối biển.

Vùng ven biển Việt Nam có dân cư tập trung khá đông đúc, với khoảng hơn 25 triệu người, bằng gần 31% dân số cả nước và khoảng hơn 13 triệu lao động (năm 2005). Dự báo đến năm 2010, dân số vùng ven biển khoảng gần 27 triệu người, trong đó lao động gần 18 triệu người; năm 2020, dân số khoảng trên 30 triệu người, trong đó, lao động khoảng gần 19 triệu người.

Những thành tựu chủ yếu về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam

Sự phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới vừa qua đã có bước chuyển biến đáng kể và đạt được những thành tựu quan trọng.

Các ngành và địa phương đã tích cực xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch phát triẻn các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển. Thực hiện các chủ trương của Đảng, chấp hành Chỉ thị 399/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các địa phương đã tiến hành quy hoạch, trong đó, rõ nhất là quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010, các quy hoạch chuyên ngành thủ sản (khai thác xa bờ, nuôi tôm và hải sản ở các vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản ở bán đảo Cà Mau, quy hoạch thông tin cứu nạn ngành thuỷ sản…); chiến lược phát triển ngành dầu khí; quy hoạch phát triển ngành tàu thủy; các quy hoạch về phát triển cảng, tìm kiếm cứu nạn, v.v… Đến nay, các tỉnh ven biển đều có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, có nội dung định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực về biển. Ngoài ra, đã tiến hành một số quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế biển như quy hoạch phát triển các đảo Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo; quy hoạch phát triển một số khu kinh tế ven biển như Vân Phong, Cam Ranh, Chân Mây, Chu Lai, Nhơn Hội…

Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên, cơ cấu ngành, nghề có thay đổi cùng với sự xuất hiện ngành kinh tế mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn…

Năm 2000, GDP của kinh tế biển và vùng ven bằng47% GDP cả nước. Năm 2005, GDP của kinh tế biển và vùng ven biển bằng hơn 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế biển chiếm khoảng gần 22% tổng GDP cả nước.

Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, trong đó, khai thác dầu khí chiếm 64%; hải sản 14%; hải sản (vận tải biển và dịch vụ cảng biển) 11%; du lịch biển trên 9%. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thuỷ, hải sản, thông tin liên lạc, v.v… bước đầu phát triển.

Nhiều ngành kinh tế biển phát triển mạnh so với thời điểm trước năm 1993 (năm có Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển). Ví dụ, năm 2005 ngành dầu khí đã khai thác 18,6 triệu tấn dầu thô và 6,6 tỷ m3 khí. Sản lượng khai thác hải sản năm 2005 đạt 1,8 triệu tấn. Ngành du lịch biển cũng phát triển mạnh, thu hút hàng năm 73% số lượt khách du lịch quốc tế trong cả nước, đạt tốc độ tăng bình quân gần 13% /năm.

Vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ. Năm 2005, ngành dầu khí đã đóng góp trên 7 tỷ USD cho xuất khẩu, tăng hơn năm 2004 gần 1,33 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước trên 50.000 tỷ đồng, tăng 1.850 tỉ đồng so với năm 2004. Hải sản xuất khẩu chính ngạnh (gồm cả đánh bắt hải sản và nuôi trồng) năm 2005 đạt hơn 2,6 tỷ USD. Các ngành khác như vận tải biển, đóng sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên, v.v… đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã được quan tâm tốt hơn. Hiện nay, các kết quả điều tra nghiên cứu về biển đã cung cấp được sự hiểu biết khái quát về các đặc trưng về điều kiện tự nhiên chủ yếu của biển. Hệ thống pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển đã được xây dựng.

Trong quá trình phát triển kinh tế mở, bước đầu đã hình thành các trung tâm phát triển để ra biển. Đến nay, trên các vùng biển đã có các trung tâm kinh tế biển như các thành phố Hạ Long, Hải Phòng (vùng biển Bắc Bộ); Huế, Đà Nẵng, Nha Trang-Cam Ranh (vùng biển miền Trung); Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh (vùng biển phía Nam) và Rạch Giá, Cà Mau, khu kinh tế đảo Phú Quốc (vùng biển phía Tây Nam). Đây là những khu vực đã có sự phát triển tổng hợp các ngành nghề biển như hậu cần nghề cá; công nghiệp gắn với cảng ; cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, nghiên cứu khoa học về biển, v.v…

Đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo. Hiện nay, ở những đảo có điều kiện phát triển đều có dân cư, kết cấu hạ tầng được tăng lên rõ rệt nhờ nguồn vốn Biển Đông-hải đảo (hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, các đảo xa bờ có máy phát điện, một số đảo sử dụng điện mặt trời, trên các đảo đã xây dựng các cơ sở cung cấp nước ngọt). Vài trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt, nhiều đảo đã phát triển du lịch, bảo vệ và phát triển rừng, v.v… Tương lai có nhiều đảo như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc… sẽ phát triển thành những trung tâm để ra biển.

Công tác đối ngoại đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cho đến nay, ta đã ký một số thoả thuận trên biển với các nước láng giềng: Hiệp định vùng nước lịch sử Việt Nam - Cam-pu-chia (1982), Thoả thuận khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa Việt Nam-Ma-lai-xi-a (1992), Hiệp định về phân định ranh giới biển Việt Nam-Thái Lan (1997), Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam-Trung Quốc (2004) và Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam- In-đô-nê-xi-a (2003). Ngoài ra, ta cũng mở diễn đàn trao đổi về vấn đề chủ quyền hai quần đảo với Phi-líp-pin (1995), Trung Quốc (1995) và Ma-lai-xi-a, tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất khu vực về Biển Đông, triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan, trong đó có sự án nghiên cứu khoa học biển Việt Nam-Phi-líp-pin (JOMSRE).

Quốc phòng, an ninh trên biển được bảo đảm. Đã đàm phán giải quyết phân định ranh giới về biển giữa nước ta với một số nước có biển trong khu vực; các lực lượng an ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền trên biển. Ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của người dân được nâng lên rõ rệt.

QĐND Online