 |
Cán bộ, chiến sĩ Phân đội N11, Đoàn M27 thu hoạch cá mú nuôi lồng trên biển. |
Thời điểm giao mùa, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nắng như đổ lửa, thời tiết khô nóng hơn đất liền. Nhưng khi bước vào khuôn viên doanh trại Đoàn M27, Vùng E Hải quân, chúng tôi cảm thấy khoan khoái như đang ở trong một công viên. Phía trước là mặt biển lặng sóng, những hàng dừa xanh râm mát ven bờ; những hồ cá, vườn rau, cây kiểng, giàn mướp nở hoa vàng rực… Nhìn không gian đẹp ấy, ít ai biết, chúng được làm nên sau những chuyến tuần tra, công tác trên biển dài ngày, sau những nhiệm vụ khó khăn bội phần cứ quay như chong chóng quanh năm, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt…
Chúng tôi ngồi trên chiếc ca-nô cùng Trung tá Nguyễn Thắng Lợi, Chỉ huy trưởng Phân đội N11, Đoàn M27 ra tham quan dự án nuôi cá lồng giữa biển khơi của Đoàn M27. Đứng trên chiếc nhà bè vốn là “sở chỉ huy” giữa biển tròng trành, ngắm hàng trăm chú cá mú mỗi con nặng hàng chục ki-lô-gam, chúng tôi càng hiểu quyết tâm, sáng tạo tìm hướng tăng gia sản xuất (TGSX) của cán bộ, chiến sĩ Đoàn M27. Ở vùng biển Tây Nam, nuôi cá lồng trên biển không phải là dễ, nhất là với loài cá “chất lượng cao” như cá mú. Ngay cả những ngư dân có kinh nghiệm, nuôi không khéo, không đúng kỹ thuật, cá nhanh chóng bị bệnh và chết. Song, lãnh đạo Đoàn M27 vẫn quyết tâm tìm lối ra cho bài toán TGSX thời tăng giá. Với những tấm gỗ ván, thùng phuy kết nối thành phao nổi, một ngôi nhà bè nhỏ gọn được dựng lên giữa bốn bề sóng vỗ. Hai quân nhân chuyên nghiệp “cai quản” lồng cá đêm ngày phải đối mặt với những thử thách.
Anh Lợi kể: “Lúc chưa triển khai Dự án TGSX khá mới lạ này, cán bộ, chiến sĩ Phân đội N11 lo lắm. Nhưng với quyết tâm cao và được sự hỗ trợ của chỉ huy Đoàn M27, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật từ những ngư dân giàu kinh nghiệm, mua con giống và triển khai dự án với vốn đầu tư 150 triệu đồng. Một túp lều trên biển với 6 lồng cá, thu gần 2.000 tấn cá thịt trong năm 2007 là kết quả ngoài mong đợi. Kinh phí thu hoạch từ nuôi cá lồng vừa giúp cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ vừa tạo nguồn để xây dựng đơn vị. Mô hình nuôi cá lồng trên biển mà Đoàn M27 khởi xướng được lãnh đạo Vùng E đánh giá cao, và sẽ nhân rộng ra toàn Vùng trong thời gian tới.
Ngoài nuôi cá dưới biển, Đoàn M27 đã phát triển nuôi cá trên bờ từ nhiều năm nay. Mỗi năm cũng thu hoạch khoảng một tấn cá. Các phân đội N11, N12 và các phòng thuộc Đoàn đều được phân công chỉ tiêu TGSX cụ thể. Những tháng đầu năm 2008, đơn vị đã tự túc 80% rau xanh, 40% thịt, 23% cá. Chúng tôi ghé thăm doanh trại của Phân đội N12 trong nắng ban trưa, khi cơn mưa rào đầu mùa vừa dứt. Thời tiết thuận lợi như vậy, chắc là đơn vị mình có điều kiện trồng rau cải quanh năm?- Tôi hỏi Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, chỉ huy trưởng phân đội N12 khi nhìn những vồng rau cải tán lá xanh nặng trĩu những hạt mưa còn đọng lại. Anh Hải trả lời: “Anh nhầm rồi, chỉ được mùa này thôi. Ở đảo, mưa thì thối trời thối đất, nắng thì gay gắt đến chết cỏ, chết cây. Mùa khô, nước sinh hoạt thiếu, anh em phải tiết kiệm theo định lượng và việc tưới tiêu rất khó khăn. Nước sinh hoạt đều được đơn vị dẫn ra các vườn rau để tưới tiêu cho cây. Mùa khô thì trồng cải, mướp, bầu bí; mùa mưa thì trồng rau muống... Việc tưới tiêu cho vườn rau phải được tính toán kỹ càng. Diện tích nào còn trống đất là đơn vị đều vận dụng, khai thác để TGSX. Ngoài nuôi cá, phân đội còn tổ chức nuôi 12 con lợn. Nhờ biết khắc phục khó khăn nên lượng rau, thực phẩm nhập bếp luôn đủ chỉ tiêu, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm của đơn vị. Các tàu thường xuyên ra khơi thực hiện nhiệm vụ, nhưng hoạt động TGSX ở đây vẫn bảo đảm tốt và không bị gián đoạn nhờ tổ chức phân công hợp lý.
Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Chỉ huy trưởng Đoàn M27 cho chúng tôi biết: Thực hiện tốt TGSX, xây dựng môi trường văn hóa tốt là nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn M27 trong điều kiện thường xuyên trên biển, thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ. Nhờ thực túc tốt mà đơn vị luôn bảo đảm hơn 99% quân số khỏe cho thực hiện các nhiệm vụ. Trong 10 năm qua, các tàu của Đoàn tổ chức hàng trăm chuyến vận tải, chở hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ yêu cầu xây dựng các công trình chiến đấu, đường quanh đảo, lương thực… cho các đơn vị và nhân dân trên tuyến đảo Tây Nam; vận chuyển hơn 20 nghìn lượt cán bộ của Đảng, Nhà nước, văn công, nhà báo, người dân… đến thăm các đảo. Đoàn đã sử dụng 126 lượt tàu thuyền, tổ chức 45 lần đi tìm kiếm-cứu nạn trên biển, tổ chức tham gia tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan 9 lần, với hải trình dài 9.100 hải lý; tuần tra với Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia 8 lần với hải trình dài 1.440 hải lý. Những chuyến phối hợp tuần tra thành công, đã giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa hải quân các nước.
Sau mỗi chuyến công tác, sau mỗi lần các tàu cập cảng về lại “ngôi nhà chung”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn M27 lại chung tay, tự giác lo cho vườn rau, ao cá, xây dựng môi trường cảnh quan của đơn vị. Cán bộ cũng như chiến sĩ, cấp trên cũng như cấp dưới đều cùng làm những việc như tưới rau, thu hoạch cá, chăm sóc cây kiểng, dọn chuồng lợn… Ai cũng hiểu được trách nhiệm của mình trong xây dựng đơn vị, trong TGSX. Doanh trại đơn vị ngày càng sạch, đẹp, sản lượng rau, thịt luôn đảm bảo chỉ tiêu, năng suất.
Bài, ảnh: Đặng Trung Kiên và Nguyễn Văn Minh