Ngày 24-5, nhân dân Việt Nam vui mừng và nồng nhiệt chào đón Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Tha-bô Mờ-bê-ki thăm chính thức nước ta trong 2 ngày 24 và 25-5 theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Đây là chuyến thăm đầu tiên vốn được mong đợi của người đứng đầu nhà nước Nam Phi tới Việt Nam kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao (22-12-1993). Chuyến thăm diễn ra khi quan hệ giữa hai nước đang có những bước tiến quan trọng trên nền tảng hợp tác hữu nghị và tin cậy lẫn nhau.
 |
Thành phố Cape Town, Nam Phi (ảnh internet) |
Nằm ở cực nam châu Phi, bên bờ Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, với diện tích 1,2 triệu ki-lô-mét vuông và dân số 44 triệu người, CH Nam Phi là quốc gia phát triển về kinh tế, xã hội và chính trị ở lục địa châu Phi. Thu nhập bình quân đầu người ở Nam Phi đạt 4.500 USD/năm. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi đạt 5,5%, mức cao nhất trong lịch sử 20 năm qua. Nam Phi đứng đầu lục địa châu Phi về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đạt 6,4 tỉ USD trong năm 2006. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng kinh tế dồi dào và nền khoa học-công nghệ tiên tiến, Nam Phi là quốc gia phát triển nhất ở châu Phi và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của 14 quốc gia trong Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi. GDP của Nam Phi chiếm hơn 30% GDP của toàn châu lục. Theo đánh giá của IMF, mức tăng 1% trong phát triển kinh tế của Nam Phi có liên quan tới 50% - 80% tăng trưởng của các nước châu Phi còn lại. Nam Phi thực sự là một đầu cầu lớn nối các nước châu Phi với thế giới bên ngoài. Nổi tiếng về công nghiệp khai khoáng, Nam Phi sản xuất 4 triệu tấn crôm mỗi năm (60% lượng crôm giao dịch trên thế giới) và là nước khai thác và xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới. Các sản phẩm rượu vang ở vùng đất cực nam của châu Phi có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và đứng thứ tư trên thế giới về sản lượng. Nam Phi còn nổi danh về ngành “công nghiệp không khói” năng động, thu hút 7,3 triệu lượt khách năm 2006 và phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách vào năm 2010.
Là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ khóa 2007-2008, Nam Phi tích cực đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới thông qua việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng hiện nay ở châu Phi và Trung Đông; coi trọng thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha, đấu tranh chống lại sự chèn ép kinh tế và hợp tác bất bình đẳng của các nước lớn; coi trọng hợp tác Nam-Nam, Phong trào không liên kết, các nước đang phát triển nói chung và các nước châu Á nói riêng trong khuôn khổ hợp tác Á-Phi.
Việt Nam và Nam Phi mới thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây chưa đầy 14 năm, nhưng Việt Nam có quan hệ từ lâu với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) do Nen-xơn Man-đê-la, lãnh tụ của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của nhân dân Nam Phi, đứng đầu, và Đảng Cộng sản Nam Phi; luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi chống chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai, ủng hộ quá trình cải cách dân chủ ở Nam Phi. Sự ủng hộ của Việt Nam đã được nhân dân và các nhà lãnh đạo Nam Phi ghi nhận, trở thành nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong thời đại ngày nay.
Quan hệ giữa hai nước trong những năm qua đã có những bước tiến mạnh mẽ. Sau chuyến thăm chính thức Nam Phi của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2004, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn để học tập kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực là thế mạnh của nhau. Hai bên đã ký kết Tuyên bố chung về đối tác vì hợp tác và phát triển; Hiệp định thành lập Diễn đàn đối tác liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa, khoa học-kỹ thuật; Thỏa thuận thành lập Ủy ban thương mại hỗn hợp và Thỏa thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và công nghiệp. Trao đổi thương mại giữa hai bên đạt 250 triệu USD năm 2005 và Việt Nam luôn xuất siêu sang Nam Phi.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Nam Phi T.Mờ-bê-ki là cơ hội để hai bên bàn bạc các biện pháp thúc đẩy quan hệ nhiều mặt, tạo các mối quan hệ đối tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm và những thách thức về kinh tế để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ do LHQ đề ra. Thông qua Việt Nam, Nam Phi có điều kiện thâm nhập vào khối ASEAN và tìm kiếm mối quan hệ đối tác khu vực. Các doanh nghiệp Nam Phi nhân dịp này cũng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác.
Đón tiếp nhà lãnh đạo và các vị khách quý đến từ đất nước Nam Phi tươi đẹp và năng động, chúng ta tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, tiếp sức cho việc triển khai “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam – châu Phi giai đoạn 2004 – 2010” nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Phi nói chung và với Nam Phi nói riêng. Đây là dịp để trao đổi và đưa ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và thực hiện các cam kết giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống T.Mờ-bê-ki năm 2004.
Trên cơ sở ước nguyện thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai dân tộc vì lợi ích chung, vì hòa bình hợp tác và hữu nghị, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng chuyến thăm chính thức của Tổng thống T.Mờ-bê-ki lần này tới Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp. Các cuộc hội đàm và gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo của Việt Nam với Tổng thống T.Mờ-bê-ki sẽ tạo ra xung lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống vốn rất tốt đẹp giữa hai nước.