 |
Nhạc sĩ Văn Cao
|
Những ca khúc của Văn Cao đều thắm đượm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu những con người lao động thuần phác, nhất là những chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến. Âm nhạc của Văn Cao có giai điệu đẹp, uyển chuyển, nhiều hình tượng, tất cả đều do ông tự học. Ca khúc đầu tiên của ông là bài hát “Buồn tàn thu” ra đời khi ông mới tròn 16 tuổi, đó là vào năm 1939, lúc đất nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ của hai đế quốc Pháp và Nhật. “Buồn tàn thu” ra đời như một lời than thở cho một thế hệ trẻ đang tìm đường đi, tuy chỉ là buồn “của cái tôi” như ta thấy câu mở đầu: “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng” và ở hai câu kết thì có một sự luyến tiếc “Nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần/ Thôi tình em đấy, như mùa thu chết, rơi theo lá vàng”.
30 ca khúc của Văn Cao khi trực tiếp, lúc gián tiếp hoặc những hình ảnh siêu thực, ta đều thấy “tiếng thu”. Tiếng thu của bài hát đầu tiên Văn Cao viết năm 1939 trong bài “Buồn tàn thu” đã hiện lên rất rõ những tiếng thu trong lá vàng, trong sương gió và trong tình người. Cứ mỗi mùa thu về, đất nước lại vang lên những ca khúc của một mùa thu cách mạng. Văn Cao rất có “duyên” và có “tình” với tiếng thu trong các ca khúc của ông. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong bài “Suối mơ”, ông cũng đã vẽ lên một cảnh đẹp thiên nhiên ở vùng núi Ba Vì “Suối mơ bên rừng thu vắng/ Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”, tiếng thu ấy là cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vỹ của đất nước.
Khi bài hát “Trương Chi” của Văn Cao ra đời, ông đã dựng lên một con người tài năng nhưng bất hạnh, ý tưởng “tiếng thu” trong câu hát còn vương vấn trong câu hát “vương vấn heo may, hoa yến mong chờ”. Heo may đã báo hiệu một mùa thu, heo may cũng đã tìm về trong ca khúc “Thu cô liêu” của Văn Cao. Trong “Thu cô liêu” ông viết “Thu cô liêu trên sông/ Đã từng nghe gió biết thu sang”.
Với Văn Cao, mùa thu là mùa đẹp cả tình lẫn cảnh, ông đã nhiều lần đặt tên cho nhiều ca khúc trong đó có chữ “thu” như bài hát “Buồn tàn thu” rồi bài hát “Thu cô liêu”. Nhiều bài hát sau này không có tiếng thu ở đầu bài thì có tiếng thu ở giữa bài hoặc ở cuối bài như trong ca khúc “Thiên thai” có câu “là cả một thiên thu, trong tiếng đàn chơi vơi”, hoặc trong bài “Thu cô liêu”, ông đã hạ bút nhắc tới thu nhiều lần trong đó có câu “ta yêu thu, yêu mùa thu, đã từng nghe gió biết thu về”.
Trong các hành khúc về đấu tranh vũ trang và chân dung người lính, “nét thu” của Văn Cao rất đẹp, hoành tráng và rất trữ tình. “Trường ca Sông Lô” đã vẽ lên một khoảng trời bừng sáng, một chiến công chói lọi, hình ảnh những chiến sĩ Sông Lô, những cô gái Sông Lô và đến nay, những thế hệ cùng dòng chảy với Sông Lô luôn nhớ về một Sông Lô oai hùng: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u, thu ru bến nắng vàng lặng nhìn màu khói thu”. Tới đoạn kết, Văn Cao lại dựng lên những “nét thu” tươi sáng tràn đầy hy vọng với câu “mùa thu tới, nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh in bóng tre/ Dòng Sông Lô trôi”.
Tiếng thu trong các ca khúc của Văn Cao từ “Làng tôi” đến “Ngày mùa” đều như những bức tranh thủy mặc, nào là “Khói thu, Gió thu về, Rừng thu vắng, Biết thu sang”.
Văn Cao vừa là nhạc sĩ, là thi sĩ, là họa sĩ nên trong các ca khúc của ông, những tiếng thu như có hồn, như lãng đãng ẩn hiện, như có cảnh và có tình… Nhớ Văn Cao trong các ca khúc của ông, người ta vẫn thấy nổi lên một “Tiến quân ca” nở hoa kết trái giữa ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.
NGUYỄN VĂN VĨNH