Chuyến đầu tiên
QĐND - Sinh ra và lớn lên trên một miền quê giàu truyền thống cách mạng, tháng 4 năm 1963, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Hậu Vệ (bút danh Trần Tiền Vệ) đã xếp bút nghiên tạm biệt mẹ, cha, bạn bè và làng quê Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh) nơi có cửa biển Nhưỡng Bàn đẹp nổi tiếng để gia nhập lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau một thời gian huấn luyện tân binh, tháng 11 năm 1963, ông được điều về Đoàn tàu không số, được huấn luyện cơ bản về thủy thủ viễn dương.
Trước đây, những người lính đi Tàu không số hầu hết là con em miền Nam tập kết ra Bắc. Đến đầu năm 1963, khi những chuyến vượt biển chở hàng vào Nam mới có thêm các thủy thủ người miền Bắc được bổ sung vào. Những chiến sĩ này được lựa chọn rất kỹ càng, huấn luyện bài bản và được điều tra rất kỹ về lý lịch, thân thế… Họ được làm thẻ căn cước ở miền Nam để đề phòng khi địch bắt cũng không bị lộ.
Trần Hậu Vệ được biên chế vào Tàu 41 (trong chiến tranh chống Mỹ, tàu này được phong tặng danh hiệu anh hùng). Cuối năm 1963, tàu xuất phát chuyến đầu tiên, chở hơn 50 tấn vũ khí vào Cà Mau với 16 thủy thủ, do đồng chí Hồ Đắc Thạnh-quê Tuy Hòa (Phú Yên) làm thuyền trưởng. Xuất phát từ Quảng Ninh, men lên các dãy đảo ở vùng Đông Bắc đến eo biển Lôi Châu ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), rồi ra hải phận quốc tế, vòng về vùng biển miền Nam Việt Nam, tìm vào bến đã định sẵn. Mỗi lần qua ranh giới biển nước nào thì tàu được kẻ biển số, treo quốc kỳ, mặc quần áo thủy thủ nước đó để trà trộn với tàu đánh cá nước ngoài không cho địch phát hiện. Tất cả những công việc đó, thủy thủ ta phải làm xong trong đêm. Trong quá trình di chuyển trên biển, cánh thủy thủ đã đẽo những con cá gỗ, sau đó vẽ sơn màu như cá thật và treo đầy trên lưới, vứt đầy trên boong để nghi binh địch…
 |
Những chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Vào vùng biển Cà Mau, tàu của ta được bao bọc giữa vùng rừng đước nguyên sinh và hệ thống sông ngòi dày đặc. Hàng chục tấn vũ khí được các bến bốc chuyển hết sức mau lẹ. Tuy vậy, các thủy thủ vẫn có chút thời gian sống giữa sự âu yếm, đùm bọc của các bà má miền Nam sau những ngày vượt sóng vượt gió hiểm nguy. Những thứ vũ khí do các Tàu không số mang vào đã giúp cho các đơn vị Quân giải phóng và du kích miền Tây Nam Bộ chọi nhau với giặc, phát triển lực lượng, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.
Những chuyến tàu vào bến mới
Sau hai chuyến đi trên Tàu 41 vào Cà Mau (tháng 11-1963) và Bến Tre (năm 1964), ông Vệ được điều gấp về Tàu 56. Ông còn nhớ buổi sáng cuối tháng 11 năm 1964, khi ông cùng đồng đội Tàu 41 từ Bến Tre vừa về đến Quán Toan-Hải Phòng và đang định làm bữa liên hoan mừng chuyến đi an toàn, thắng lợi, tranh thủ tắm giặt, khi bộ quần áo bà ba đen, chiếc khăn rằn duy nhất giặt còn chưa khô thì Chính ủy đoàn đến gặp ông, chuyện trò, hỏi han tình hình và thông báo điều gấp ông về Tàu 56 nhận nhiệm vụ. Lúc ấy, Tàu 56 đã lấy vũ khí xong, đang đậu ở Đồ Sơn. Mấy tháng trời lênh đênh trên biển, râu tóc bù xù… Khi xuống đến trạm 66-nơi đón tiếp bộ đội Hải quân, ông được hai bảo vệ “áp tải” ra tiệm cắt tóc, tuyệt đối không nói chuyện với ai. Sau khi ăn cơm trưa, đến 12 giờ, ông được chở cấp tốc từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn.
Thuyền trưởng Lê Quốc Thân, quê miền Tây Nam Bộ, người gầy tựa cành đước nhưng cứng sóng, sinh ra như thể để đi biển vậy. Ông ấy từng vào Cà Mau, nói theo cách các thủy thủ vẫn đùa “như đi chợ”, có tháng chỉ huy đi hai chuyến liền… Trên tàu còn có sáu chiến sĩ trước đây là người Bà Rịa vượt biển, tập kết ra Bắc rất thông thuộc địa hình để dẫn tàu vào bến an toàn. Trong đêm đó, Tàu 56 chở hơn 60 tấn vũ khí xuất phát đi luôn vào Bà Rịa. Mãi cho đến lúc đó, ông và các thủy thủ trên tàu vẫn không hề biết nguyên nhân của chuyến hành trình gấp gáp ấy, chỉ nghe cấp trên căn dặn: Đây là chuyến đi đặc biệt quan trọng, vũ khí vào Bà Rịa kịp thời sẽ giúp cho quân ta đánh to, thắng lớn…
10 giờ đêm ngày 22 tháng 12, tàu vào cửa Lộc An (Sông Ray) của Bà Rịa. Trong khu ẩn náu của rừng tràm Phước Hải mênh mông, một trung đoàn bộ binh của ta đã chờ sẵn để nhận vũ khí, tiếp tế cho chiến trường. Thì ra, lúc ấy chiến dịch Bình Giã của quân dân Bà Rịa đang bắt đầu và đang nóng lòng chờ vũ khí từ miền Bắc vào. Đợt đó, Tàu 56 liên tục chở vũ khí vào Bà Rịa 3 chuyến liền, có chuyến ở lại ăn Tết tại quê hương chị Võ Thị Sáu. Đêm Giao thừa, tàu vào đến cửa biển thì địch ở căn cứ Vũng Tàu bắn pháo hoa sáng rực trời… Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in các bà má cứ ôm lấy từng thủy thủ Tàu 56 mà xuýt xoa, mà khóc “tội nghiệp các con còn nhỏ mà đã phải vất vả quá…”. Những ngày tàu ở lại, các má, các chị chăm sóc rất kỹ, ép ăn đủ thứ, khi tàu rời bến, các má ôm vào lòng rơm rớm nước mắt, bịn rịn không muốn rời.
Từ 1965-1968, Tàu 56 vào các bến mới ở khu 5 nhưng sau sự kiện Tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô (Phú Yên) phải phá hủy tàu, các chuyến đi của những con tàu không số đã trở nên vô cùng nguy hiểm và gian khổ. Nhưng chiến trường miền Nam đang cần vũ khí, quân dân miền Nam đang mong ngóng từng viên đạn, cây súng từ những chuyến tàu. Mỗi thủy thủ Tàu không số lúc này trở thành người lính cảm tử, ra đi là xác định sẵn sàng hy sinh. Để giữ bí mật và hạn chế thương vong, thời điểm này các con tàu ra đi đều chọn thời tiết khi gió mùa Đông Bắc tràn về và cả những khi có những cơn bão xuất hiện giữa Biển Đông… Họ đi lặng lẽ, gặp tàu buôn, tàu đánh cá của các nước cũng phải tránh xa. Khi rủi ro, tàu trôi cả tháng trời trên biển cũng không dám gọi tàu buôn cấp cứu. Con tàu và các chiến sĩ đơn độc trong phong ba bão táp, giữa sự xăm xoi đeo bám của kẻ thù. Thăm thẳm trùng khơi, ngọn lửa duy nhất soi đường cho họ là lòng kiên trung với Đảng, với dân, là khát khao cháy bỏng quyết tâm vì miền Nam ruột thịt. Nếu có hy sinh, chỉ có bao ni-lông đặc biệt cột lại thả xuống biển, lặng yên đi vào cõi vĩnh hằng…
Những con tàu đã đi vào huyền thoại
Năm 1968, để tiếp tế vũ khí cho quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bộ tư lệnh Hải quân và Đoàn tàu không số nhận một kế hoạch tuyệt mật từ Bộ Tổng tham mưu gửi xuống. Theo đó, Đoàn tàu không số chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau sao cho cùng vào bến trong đêm đón Giao thừa, lúc địch lơ là mất cảnh giác nhất. Trước lúc xuất phát, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và dặn dò đơn vị, đồng chí nói đại ý: Nếu gặp khó khăn, chỉ cần 2 tàu vào bến trót lọt là đã thắng lợi. Thậm chí, chỉ một tàu vào bến an toàn ta cũng đành chấp nhận. Trong chuyến ấy 4 tàu ra đi, chỉ có Tàu 56 của Trần Hậu Vệ trở về căn cứ an toàn. Giọng ông chùng xuống: “Ba tàu ra đi đều gặp địch, đó là Tàu 43, 165, 235 lần lượt bị lộ, buộc phải hủy tàu. Trên Tàu 56, không khí lúc này căng như dây đàn. Đồng chí Chính trị viên Đỗ Văn Sạn mặc dầu đã nhận được điện 3 tàu đi cùng đã bị địch chặn đánh nhưng vẫn hết sức bình tĩnh, động viên anh em khi cần thì quyết chiến đấu đến cùng với địch".
Tàu địch giăng trên biển, phục kích tàu ta. Vẫn biết là chuyến hành trình đã bị lộ, nhưng tất cả 18 cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 56 vẫn vững vàng. Ban chỉ huy cho tàu chuyển hướng chạy ra biển Đông, 3 tàu tuần dương Mỹ từ hướng Vũng Tàu gấp rút đuổi theo đánh tín hiệu đòi kiểm tra Tàu 56. Tàu 56 vẫn bình thản tiến mặc cho địch nã pháo lớn và đại liên đe dọa. Đạn đan chéo đỏ trời nhưng các anh em thủy thủ vẫn ngồi canh gác trên ca-bin trực chiến đấu ở các vị trí không hề nao núng. Trần Hậu Vệ đã bị phát đạn địch xẹt qua bụng, nhiều người khác cũng bị trúng đạn, anh em tự băng bó cho nhau không kêu một tiếng cũng không đánh trả lại địch. Chừng một tiếng sau, tình hình bớt căng thẳng, đồng chí Chính trị viên Đỗ Văn Sạn động viên anh em: “Địch chưa xác định tàu mình là tàu Bắc Việt, các đồng chí không được manh động bắn lại nó, không được trả lời… Ai bị thương thì tự băng bó, đến phiên ai thì người ấy ra vị trí canh gác, trực chiến đấu. Và anh đến các vị trí truyền lệnh của ban chỉ huy cho tháo hết các ngòi nổ đã gài sẵn trong các khối thuốc nổ gắn sẵn trên tàu để tránh tàu bị phát nổ do chấn động. Khi cần thiết, ta mới chập kíp điện và lao thẳng vào tàu địch.
Hôm ấy biển động, sóng gió lớn. Địch lại dùng pháo lớn nã về hướng Tàu 56 đe dọa. Không chùn bước, Tàu 56 cứ thẳng hướng Biển Đông. Tàu địch vẫn bám theo suốt một ngày đêm, làm cho các thủy thủ căng thẳng đến tột độ. Sáng hôm sau, tàu địch có tốc độ và hỏa lực mạnh tìm cách áp sát. Thế nhưng, những tên lính Mỹ lúc đó cũng đã mệt nhoài gục đầu, chẳng tên nào muốn đuổi theo nổ súng vào chiếc tàu đánh cá. Địch cho tàu tăng tốc độ chạy cắt mũi tàu ta để ép Tàu 56 dừng lại. Mình cũng liều với nó, liều hơn nó nữa. Giọng ông Trần Hậu Vệ sôi nổi, Tàu 56 chúng tôi vẫn giữ nguyên tốc độ phóng về phía trước, có lúc suýt đâm thẳng vào tàu địch. Địch hoảng sợ, vội vàng tăng tốc độ chịu thua bỏ đi. Chuyến đó Tàu 56 mặc dù không đưa được hàng vào bến nhưng đã trở về căn cứ an toàn, làm bài học cho các chuyến đi sau… Chuyến ấy, 4 con tàu không số ra đi chỉ một mình Tàu 56 trở lại căn cứ!
Ông Trần Hậu Vệ trầm ngâm: “Trong chuyến vượt biển phục vụ trong chiến dịch Mậu Thân này, Đoàn tàu không số đã có những gương chiến đấu vô cùng quả cảm. Những anh hùng liệt sĩ như: Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh làm khiếp hồn quân giặc ở Hòn Hèo (Khánh Hòa); Huỳnh Ngọc Trạch và đồng đội ở Ba Làng An (Quảng Ngãi); Nguyễn Chánh Tâm với toàn bộ thủy thủ và con tàu 165 như một quả ngư lôi nổ tung giữa vòng vây. Các anh mãi mãi đi vào cõi bất tận của lòng dân và lịch sử kháng chiến oai hùng của dân tộc.
Tuấn Anh (ghi)