Thượng úy Nguyễn Tuấn Đạt, trợ lý hậu cần đảo Trường Sa lớn bên vườn rau năng suất cao. Ảnh Phúc Thắng

Con tàu HQ-996 cập mạn đảo Trường Sa Lớn, trong số những người ra đón chúng tôi có một nữ sĩ quan cao cấp. Chị là Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga (Bộ Quốc phòng), chi nhánh phía Nam. Tiếp đón chúng tôi thân mật như chính mình là “chủ nhà”, chị Tuyết vui vẻ “bật mí” lý do có mặt trên hòn đảo xa xôi này:

- Đây là lần thứ hai tôi ra Trường Sa để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Mô hình trồng rau năng suất cao cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa”. Lần thứ nhất, tôi ở đảo gần một tháng để khảo sát, nghiên cứu, xây dựng đề cương và triển khai trồng thử nghiệm. Lần này, tôi cùng đồng nghiệp có mặt trên đảo cũng gần 30 ngày rồi, để nghiệm thu công trình đó. Thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng và chuyển giao công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo trồng rau xanh năng suất cao, cải thiện đời sống. Như vậy, riêng đề tài trồng rau trên đảo, chúng tôi sẽ còn được ra Trường Sa vài lần nữa.

Chị Tuyết say sưa khi giới thiệu với chúng tôi về đề tài trồng rau năng suất cao ở Trường Sa, do chị làm chủ nhiệm, theo đơn đặt hàng của Quân chủng Hải quân. Chị cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tiến hành thử nghiệm từ giữa năm 2006 tại bán đảo Cam Ranh và đảo Trường Sa Lớn. Bài toán khó nhất đặt ra là: Rau xanh phải phát triển tốt trong điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là san hô, sỏi, đá, nghèo chất dinh dưỡng. Đặc biệt, rau phải chịu được tác động khắc nghiệt của nắng, gió, sóng biển và hơi muối... nhưng lại đáp ứng được yếu tố tiết kiệm diện tích trồng; gọn, nhẹ và cơ động nhanh khi có bão... Sau nhiều trăn trở tìm tòi, nghiên cứu, cấy thử trong phòng thí nghiệm... nhưng tất cả đều không thể bằng được cách trồng thử nghiệm tại chính nơi mà đề tài nghiên cứu khoa học đang tìm giải pháp. Nên thời kỳ đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm tại bán đảo Cam Ranh, nơi có điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt và gần giống trên các đảo ở Trường Sa. Cùng với những kinh nghiệm thực tế đã nhiều năm nghiên cứu khoa học trên biển, đảo, chúng tôi quyết định xây dựng các phương án cho “vườn rau” ở Trường Sa như hiện tại”.

Loại "vườn" rau này được gọi là Khay Trường Sa (ảnh Phúc Thắng)

Chị Tuyết dẫn chúng tôi đi thăm hai loại “vườn rau” thử nghiệm đã cho thu hoạch, gồm đủ các loại rau muống, dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt... Một loại “vườn” có diện tích khoảng 5m2, còn một loại chỉ rộng như chiếc khay nhựa (ước chừng 40cm x 60cm). “Vườn rau” như niềm say mê, chị Tuyết giải thích rành mạch: “Vườn” to chúng tôi thiết kế cho các đảo nổi, vì diện tích đảo rộng hơn; còn “vườn” nhỏ, có nắp đậy, dành cho đảo chìm để chống sóng và nước mặn... Các loại “vườn rau” đều có kính làm bằng chất liệu pô-li-cac-bon-nát bền, nhẹ, cách nhiệt tốt bao quanh, che chắn an toàn khi có bão muối, nước mặn táp vào. Đặc biệt, “vườn rau” không cần đất. “Đất” để trồng được rau trên đảo chúng tôi nghiên cứu, chế tạo với 2/3 là cát, còn 1/3 là cá thể. “Vườn rau” nào cũng có hệ thống hứng nước mưa và tự tưới nhỏ giọt vào từng khay rau, có tác dụng vừa duy trì độ ẩm, vừa tiết kiệm nước tưới...”.

- Là phụ nữ, sống ở đảo chị thấy thế nào? -Tôi cắt ngang niềm đam mê của chị.

Chị cười hiền hậu: “Điều kiện ở biển, đảo xa không thể đầy đủ như trong đất liền. Cả đảo chỉ có một nơi tắm giặt và công trình phụ cho tất cả cán bộ, chiến sĩ. Mình là phụ nữ, nên phải dậy thật sớm, tập thể dục và làm các công việc vệ sinh buổi sáng xong trước giờ báo thức”.

Là cán bộ quản lý, nhưng các đề tài nghiên cứu khoa học luôn cuốn hút chị, nhất là những công trình nghiên cứu về sức khỏe, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội đang công tác trên biển, đảo, điều kiện khó khăn, khắc nghiệt. Trong số hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học của chị, có gần nửa là phục vụ bộ đội, như: “Xử lý rác thải, bảo vệ môi trường biển, đảo”; “Nghiên cứu tâm sinh lý của bộ đội Trường Sa”; “Lập hồ sơ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”...

Tôi thật sự khâm phục chị. Người phụ nữ bình dị, giỏi giang, năng động, không chỉ biết lo toan, vun vén hạnh phúc gia đình riêng, mà tấm lòng nhân hậu của chị luôn hướng về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bởi trò chuyện với chị, tôi được biết: Nhiều dự định vẫn đang được chị ấp ủ...

Khi tôi trở lại đất liền thì tin về cơn bão số 2 với sức gió mạnh hơn 100km/giờ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bộ đội Trường Sa. Qua điện thoại, Thượng tá Nguyễn Đại Dương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cho tôi biết: “Hầu hết cây cối và rau xanh trên đảo đều bị hư hỏng vì sóng gió của bão ập vào, chỉ riêng các “vườn rau” của chị Tuyết vẫn an toàn tuyệt đối. Vì thế, bộ đội ở đảo Trường Sa Lớn vẫn có rau ăn sau những ngày bão, gió mịt mù”.

Chắc hẳn, khi nhận được tin này, chị Tuyết sẽ rất vui!

MAI PHƯƠNG