Ngày 26-11, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Hô-xê Ma-nu-en Ba-rốt-xô bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) tới Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 17 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU.
Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển, EU đã trở thành mô hình liên kết khu vực thành công nhất thế giới. Hiện EU có 27 quốc gia thành viên với tổng diện tích 4 triệu km vuông và khoảng 493 triệu người, GDP đạt hơn 13 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP thế giới), chiếm 41% thương mại và 43% đầu tư toàn cầu. EU đang là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ hàng đầu của thế giới. EU đang đẩy mạnh tiến trình thể chế hóa về kinh tế, tiền tệ và chủ trương xây dựng EU thành một cực mạnh trên thế giới với chính sách chung về đối ngoại và quốc phòng.
EC là cơ quan điều hành của EU có trụ sở chính ở thủ đô Brúc-xen, Bỉ, với chức năng chính là đệ trình dự luật lên Nghị viện và Hội đồng châu Âu; thi hành chính sách của EU và kiểm soát ngân sách; cùng với Tòa án châu Âu thi hành luật, và là cơ quan đại diện cho Liên minh. Ưu tiên chính của Ủy ban là vấn đề ngân sách, thúc đẩy cải cách để tăng hiệu quả liên kết, duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế trong toàn EU, thông qua Hiến pháp châu Âu và vấn đề mở rộng thành viên.
Việt Nam và EC thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11-1990. Quan hệ Việt Nam và EU đang phát triển tích cực về các mặt chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ. Việt Nam và EC thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức EC (9-2006). Tháng 10-2004, Chủ tịch EU Rô-ma-nô Prô-đi và Cao ủy thương mại EU Pa-xcan La-my đã tới Hà Nội tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 và nhân dịp này Hội nghị cấp cao Việt Nam - EU đầu tiên đã được tổ chức thành công tại Hà Nội với việc đưa ra các biện pháp và phương hướng xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài và toàn diện giữa Việt Nam và EU. Cơ chế đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và EU bắt đầu từ năm 2001 và hiện được tổ chức một năm hai lần. Từ năm 2003, EU đề nghị Việt Nam nâng cấp đối thoại nhân quyền lên cấp Vụ Bộ Ngoại giao và cấp Đại sứ.
EU đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn bảy lần so với năm 1995. EU là khu vực thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam với các nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, thủ công mỹ nghệ… Các nước EU hiện có hơn 640 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn đăng ký 8,35 tỷ USD. EU cũng là một trong những đối tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay, khoản ODA mà EU đã dành cho Việt Nam lên tới 6,7 tỷ USD, riêng năm 2007 là 940 triệu USD. Viện trợ của EU chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, phát triển bền vững, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hội nhập.
Với mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ mọi mặt với EU, tháng 6-2005 chính phủ Việt Nam đã thông qua Đề án tổng thể Quan hệ Việt Nam - EU và Chương trình hành động của chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015 với mục tiêu đưa hợp tác Việt Nam - EU lên tầm cao mới theo phương châm “Quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy vì hòa bình và phát triển”. Việt Nam và EU đã chính thức khởi động cuộc đàm phán Hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) thay thế cho Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam - EU ký kết năm 1995, theo đề nghị của EU, nhằm tạo khuôn khổ mới cho quan hệ giữa Việt Nam và EU; Thể hiện quyết tâm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng cường sự hợp tác Việt Nam - EU trong khuôn khổ đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Chào đón Chủ tịch EC tới thăm chính thức Việt Nam lần này, hai bên mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU cũng như quan hệ giữa Việt Nam và EC; Giúp EC và EU hiểu rõ hơn về tình hình và đường lối phát triển kinh tế-xã hội, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO và trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.