Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Mỹ Bu-sơ đến Hà Nội ngày 17-11, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của quan chức cao cấp nhất nước Mỹ đến Việt Nam.
 |
Tổng thống G.Bush và phu nhân tại phi trường Saint Petersburg.Ảnh: EPA |
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng đi vào xác định quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, chuyến thăm là một dịp để hai nước điểm lại các mặt quan hệ và tìm phương hướng mở rộng hợp tác. Chuyến thăm cũng là biểu hiện cho thấy chính quyền của Tổng thống Bu-sơ coi trọng vai trò của Việt Nam và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (12-7-1995), quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng loạt chuyến thăm cấp cao từ cả hai phía, đặc biệt là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 6-2005, đã từng bước tạo ra khuôn khổ thuận lợi đưa quan hệ Việt - Mỹ đi vào phát triển, mở ra những cơ hội hợp tác mới. Với chủ trương nhất quán của Việt Nam "tạm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, từ mở đầu trong hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại, quan hệ Việt - Mỹ đã có bước phát triển trên nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục...
Trên đà phát triển thuận lợi đó, hai nước đã ký Hiệp định thương mại song phương, Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ, Hiệp định dệt – may, Hiệp định hàng không, Hiệp định khung hợp tác về kinh tế và kỹ thuật…Hai bên đã chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét thông qua quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Chúng ta ghi nhận sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ trong việc nâng cao năng lực hội nhập của Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS, ngăn chặn dịch cúm gia cầm, phát triển nguồn nhân lực.
Tổng thống Bu-sơ thăm chính thức Việt Nam là một dịp thuận lợi để hai bên mở ra những cơ hội hợp tác mới vì lợi ích của cả hai nước. Mỹ hiện là nước công nghiệp phát triển có quy mô lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2005 là 12.760 tỷ USD, chiếm khoảng 31% GDP toàn thế giới. Thu nhập bình quân tính theo đầu người là hơn 43 nghìn USD. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 18%, nông nghiệp 2%. Mỹ cũng là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu (khoảng hơn 3,2 nghìn tỷ USD). Đây cũng là trung tâm khoa học-kỹ thuật và công nghệ quan trọng hàng đầu thế giới.
Trên cơ sở quan hệ chính trị ngày càng mở ra, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2001 (1,5 tỉ USD) và gấp 17 lần so với năm 1995, thời điểm khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Dự kiến con số đó của năm 2006 sẽ lên tới 10 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước tính khoảng 2 tỷ USD (nếu tính cả qua nước thứ 3 thì khoảng 4 tỷ USD), đứng thứ 9 trong số các nước và các nền kinh tế có vốn đầu tư ở Việt Nam. Thành tựu Đổi mới tạo ra tốc độ tăng trưởng cao cùng những tiềm năng của một nền kinh tế đang trỗi dậy và sự ổn định chính trị của Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đến làm ăn có hiệu quả, trong đó có các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Microsoft, Intel, Boeing, Lockheed Martin... Nhiều dự án thương mại, đầu tư với quy mô hàng tỷ USD trong mỗi dự án đang được hai bên tích cực bàn bạc, triển khai để đưa vào thực hiện.
Tiềm năng mở rộng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Làm sao tiếp tục khai thác tiềm năng đó, đưa quan hệ Việt – Mỹ bước vào giai đoạn phát triển mới ngày càng hiệu quả là đòi hỏi mà quá trình phát triển của hai nước đang đặt ra. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Bu-sơ đến Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để tạo một bước ngoặt trong quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, mà lãnh đạo hai nước đã cam kết. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai nước không phải không có những vấn đề tồn tại mà việc giải quyết đòi hỏi phải có nỗ lực và trách nhiệm từ cả hai phía, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy đối thoại xây dựng để tăng cường sự hiểu biết và từng bước thu hẹp sự khác biệt.
Chúng ta tin tưởng rằng, với mong muốn và nỗ lực của cả hai phía, chuyến thăm của Tổng thống Bu-sơ sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm sẽ tạo một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, góp phần đem lại nhiều kết quả thiết thực không chỉ cho quan hệ Việt - Mỹ, mà còn cho cả sự phồn vinh và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
QĐND