Nhận lời mời của Tổng thống nước CH Áo Ha-xơ Phi-sơ, Nhà Vua Na Uy Ha-ran-đơ V và Tổng thống CH Hy Lạp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân hôm nay bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần lượt tới Áo, Na Uy và Hy Lạp từ ngày 2 đến 10-6. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Áo, Na Uy và Hy Lạp kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước châu Âu này.
Với diện tích 83.870 ki-lô-mét vuông và 8,3 triệu dân, Áo là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 31.400 ơ-rô/năm. Áo có thế mạnh về công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, điện tử, dịch vụ ngân hàng… Là thành viên EU từ năm 1995, nhưng Áo theo đuổi chính sách trung lập vĩnh viễn từ năm 1955. Áo từng là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ các nhiệm kỳ 1973-1974 và 1991-1992, hiện đang là ứng cử viên cho nhiệm kỳ 2009-2010.
Việt Nam và Áo thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1-12-1972 và từ đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển tốt đẹp. Việt Nam từng đón Tổng thống Áo Thô-mát Kle-xkin thăm Việt Nam tháng 3-1995, Chủ tịch Quốc hội Áo Ha-xơ Phi-sơ (đương kim tổng thống) tháng 4-1997, Thủ tướng Áo tham dự ASEM-5 tại Hà Nội tháng 10-2004. Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Áo tháng 4-1998. Quan hệ thương mại giữa hai nước vốn được thiết lập từ những năm 1970 và chỉ phát triển trong những năm gần đây, nhưng còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước, đạt 175,6 triệu USD năm 2007. Áo hiện đang đứng thứ 54 trong danh sách 82 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 10 dự án có tổng số vốn 12,4 triệu USD. Áo tài trợ cho Việt Nam trong ba lĩnh vực mà Áo có thế mạnh, đó là đường sắt, y tế và giáo dục.
Nằm ở bán đảo Xcan-đi-na-vi-a, tây bắc Âu, với diện tích 386.958 ki-lô-mét vuông và 4,6 triệu dân, Na Uy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có nền giáo dục phát triển nên có lực lượng lao động có trình độ khoa học-kỹ thuật và tay nghề cao. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Na Uy gồm dầu khí (xuất khẩu đứng thứ ba thế giới), đóng tàu, đánh bắt cá, sản xuất giấy và bột giấy, thuỷ điện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55.600 USD/năm.
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-11-1971. Cũng như các nước khác ở Bắc Âu, trước đây Na Uy có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ. Quan hệ giữa hai bên không ngừng phát triển. Các Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đã từng tới thăm Na Uy. Thủ tướng Na Uy Grô Hác-lem Brun-len, Nhà Vua Ha-ran-đơ và Hoàng hậu Xô-ni-a, Công chúa Mác-tha Lu-ít cũng đã đến thăm Việt Nam. Na Uy tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Hai nước cùng hợp tác với nhau có hiệu quả trong các diễn đàn đa phương. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng làm cơ sở pháp lý cho các mối quan hệ kinh tế-thương mại. Đến nay Na Uy đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 200 triệu USD. Na Uy đang đứng thứ 43 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 14 dự án và tổng vốn đăng ký là 35,2 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương tuy liên tục phát triển trong những năm gần đây, nhưng mới chỉ đạt 73,74 triệu USD vào năm 2007, thấp hơn nhiều so với tiềm năng của hai bên. Hai bên hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, nghệ thuật và du lịch.
Hy Lạp nằm ở Đông Nam Âu với diện tích 131.944 ki-lô-mét vuông và là nơi sinh sống của hơn 10,7 triệu dân, là thành viên của EU. Hy Lạp có nền kinh tế khá phát triển, thế mạnh là vận tải biển với đội thương thuyền lớn thứ ba thế giới và ngành công nghiệp du lịch đóng góp 15% GDP hằng năm.
Lịch sử quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước mới chỉ có hơn 33 năm, kể từ ngày 15-4-1975, nhưng từ trước đó nhân dân và Đảng Cộng sản Hy Lạp đã biết tới và ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Hy Lạp đã nhiều lần ra tuyên bố lên án đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, nhân dân Hy Lạp đã từng không chỉ một lần xuống đường mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vẫn còn nhớ sự kiện các thủy thủ tàu Marilena của Hy Lạp không chịu chở hàng quân sự của Mỹ sang miền nam Việt Nam. Đất nước Hy Lạp được người dân Việt Nam, từ các em thiếu nhi, biết tới như một quốc gia có nền văn hóa cổ rực rỡ, nơi có kho tàng thần thoại như vô tận, là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà sử học, triết học, kiến trúc, thiên văn, nhà thơ.
Mối quan hệ Việt Nam – Hy Lạp đang phát triển tích cực. Chính phủ Hy Lạp đánh giá cao công cuộc đổi mới và mong muốn mở rộng quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư. Tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên Thủ tướng Hy Lạp C.Ca-ra-man-lít và phu nhân đã tới thăm chính thức nước ta.
Chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Áo, Na Uy và Hy Lạp diễn ra khi Việt Nam đang tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, quan hệ đối ngoại với các nước được tăng cường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây sẽ là dịp để Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và các nhà lãnh đạo ba nước bàn thảo các biện pháp tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, đặc biệt trên các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư xứng đáng với tiềm năng và mong muốn của mỗi bên. Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm này của Chủ tịch nước sẽ thành công tốt đẹp, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác có hiệu quả với Áo, Na Uy và Hy Lạp, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.