Nhà giàn DK 1/19 tại khu vực bãi cạn Quế Đường

QĐND Online- Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi Trường Sa của tàu HQ 996 thuộc Hải đội 411, Vùng D Hải quân sẽ đưa đoàn công tác của chúng tôi đến các đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ, An Bang và nhà giàn 1/19 thuộc Trạm khoa học kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ Quế Đường. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi nên chuyến thăm nhà giàn 1/19 của đoàn đã phải hủy bỏ trong sự nuối tiếc của nhiều người.

Sáu giờ sáng một ngày trung tuần tháng 5-2008, tàu chúng tôi đã đến khu vực bãi cạn Quế Đường theo đúng kế hoạch, mọi thành viên của đoàn công tác đã nai nịt sẵn sàng để “đổ bộ” lên với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn 1/19. Trời bỗng nhiên nổi gió, nước biển cũng trở nên sẫm màu như những đám mây đen đang ùn ùn kéo đến. Sóng biển bắt đầu cuộn lên. Nếu thả thuyền kéo và tàu chuyển tải xuống nước lúc này là quá mạo hiểm, không thể cập được vào sát chân nhà giàn. Từ trên tàu, chúng tôi thấy những bóng áo trắng của lính nhà giàn ra ra vào vào, chắc anh em cũng mong gặp được người đất liền lắm. Dưới boong, đã thấy mắt của mấy cô văn công đỏ hoe, ngân ngấn nước. Chỉ cách vài trăm mét thôi, nhưng chúng tôi chưa thể lên với các anh được. Lúc này sao mà thấy Trường Sa gần mà lại xa đến thế.

Thiếu tướng-Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn, lệnh cho tàu chạy ra xa, cách nhà giàn gần 400m thả neo để đảm bảo an toàn cho nhà giàn và chờ biển lặng sẽ tiếp cận. Cả đoàn công tác ngẩn ngơ, rồi lục tục kéo nhau về phòng. Một vài người vẫn nấn ná trên boong nhìn về phía nhà giàn. Ở đó có những con người mà gần 20 năm qua đã bám biển, đối mặt với bão táp phong ba, canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Không những thế các anh còn tích cực hỗ trợ, cứu nạn ngư dân khai thác hải sản trong vùng và tham gia nghiên cứu về khí tượng, hải văn, địa chất, y học... phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thật kỳ lạ, giữa biển khơi ngoài thềm lục địa, người ta lại có thể xây dựng được những ngôi nhà như vậy. Theo quan sát và qua lời giới thiệu của Thiếu tá Lê Hải Sơn, Thuyền trưởng tàu HQ 996, chúng tôi được biết: Nhà giàn gồm ba tầng, mỗi tầng có diện tích sàn khoảng 100m2, được dựng vững chắc trên bốn trụ sắt, mỗi trụ đường kính gần 1m, cắm sâu vào lòng biển (tại đây từ mặt nước biển cho tới lớp san hô của thềm lục địa khoảng 20m). Hằng năm, vào mùa biển lặng đều có tàu ra sửa chữa, gia cố và bảo dưỡng các trụ sắt, cột chống của nhà giàn. Tầng thứ nhất cách mặt biển cũng gần 20m là nơi tắm giặt, vệ sinh và để các bồn chứa nhiên liệu, nước ngọt. Tầng giữa là nơi ở, làm việc, được cất theo hình lục giác, cách tầng thứ nhất khoảng 5m. Tầng trên cùng (cũng là mái) gồm một số công trình phụ, có thể hứng được nước mưa đưa vào các bồn chứa bên dưới. Tầng này cũng là nơi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn trồng rau, tăng gia thêm cho bữa ăn hàng ngày… Đây có lẽ chính là một trong những nơi gian khó và hiểm nguy nhất trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Là nơi mà ai cũng muốn một lần lên thăm để hiểu về cuộc sống của những người lính đang sống ở đây. Theo anh Sơn, tuy trên các “chuồng chim” này cũng trồng được rau ăn nhưng những cán bộ, chiến sĩ sống trên nhà giàn nếu ở khoảng một năm thường hay có hiện tượng run tay…có thể là do thiếu vitaminC

Nằm trên tàu chờ, ai cũng thấy buồn. Đến 14 giờ chiều, mây đã tan bớt nhưng sóng vẫn còn to. Tàu 996 vẫn lắc lư theo từng cơn sóng. Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa quan sát rồi quyết định sẽ cho tàu nhổ neo. Nếu như vậy, những gói quà, kiện hàng của đoàn sẽ lại phải mang về đất liền, chờ chuyến công tác lần sau hoặc gửi qua các đơn vị khác đến với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Ông cho gọi đội văn nghệ xung kích của Đoàn văn công Hải quân lên ca bin của tàu để giao nhiệm vụ. Và cả đoàn công tác như­ muốn khóc òa khi nghe giọng hát của các nữ ca sĩ cất lên. Ca sĩ Nhật Huyền say sóng là thế nhưng cũng đã thấy cô có mặt trên ca bin. Nhìn các cô vừa hát mà nước mắt cứ chảy dài trên má, không ai nén được xúc động, nhiều người cũng đã khóc theo. Các cô gửi tiếng hát của mình qua biển, qua máy bộ đàm cho đồng đội của mình trên nhà giàn. Mọi người có mặt trên ca bin và trên tàu càng cảm động hơn khi nghe chị Tô Hà-đoàn Phú Yên đọc bài thơ “Gửi nhà giàn Quế Đường” mà chị vừa sáng tác để gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn:

Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió

Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa

Mang dáng vóc Tổ quốc mình nơi đó

Chí kiên trung vượt mọi phong ba

Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển

Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà

Khát một khúc dân ca, một dáng hình con gái

Một lá thư nhà ấm mong ước đoàn viên

Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi

Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời

Xin gửi lại tình đất liền sâu rộng

Qua những ngọn sóng bạc đầu

Ôi Quế Đường ơi!

Rồi cũng đến giờ con tàu phải nhổ neo. Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa thay mặt đoàn công tác gửi lời chúc cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Chúc các anh mạnh khoẻ, chủ động phòng chống bão, luôn cảnh giác, nắm chắc tình hình, giữ vững độc lập chủ quyền biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Con tàu kéo 3 hồi còi dài tạm biệt cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Tạm biệt các anh, những người anh hùng trên biển. Với tôi, đây là chuyến đi đặc biệt nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Tuy có vất vả nhưng tôi đã có được những giây phút và hình ảnh ấn tượng sẽ không bao giờ quên.

Bài, ảnh: Phúc Thắng