QĐND Online - Làng nghề đóng tàu hơn 700 tuổi ở thôn Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nổi tiếng cả nước. Thế nhưng, câu chuyện những thợ cả ở đây đóng tàu cho Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương phục vụ cho kháng chiến, sau này qua những nhân chứng kể lại mới biết đó là những con tàu trong đoàn tàu không số thì chưa nhiều người biết…

Nhân chứng duy nhất còn lại

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên giờ không còn nhộn nhịp như xưa. Tiếng búa gõ, tiếng cưa cũng thưa thớt dần. Vì nhiều lý do mà làng nghề đóng tàu Trung Kiên đã qua thời “hoàng kim”. Chuyện về làng và nghề có những thăng trầm nhưng người dân ở đây luôn tự hào khi nhắc đến những con tàu không số được đóng ở đây như chiến công nhỏ bé góp phần vào thành công của cách mạng.

Cụ Phan Anh Phúc, nghệ nhân đóng tàu có tiếng của làng Trung Kiên - nhân chứng còn sống duy nhất tham gia đóng tàu cho Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương cũng bước vào tuổi “bát tiên”. Trong căn nhà nhỏ nằm khuất nơi ngõ hẻm ấy vẫn còn lưu trữ những dụng cụ tham gia đóng tàu cho Đội thủy văn năm xưa. Thấy tôi say sưa với những dụng cụ thủ công như: Khoan dây, búa, rìu, chắn, cái roóc, cụ bảo: “Bộ đồ nghề này được tôi lau chùi và cất kỹ từ lâu như kỷ niệm của một đời làm nghề của mình. Cũng có nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi đều từ chối”.

Ông Phúc với dụng cụ đồ nghề đóng tàu năm xưa. 

Sực nhớ ra, cụ Phúc bổ sung thêm: “Bộ đồ nghề này tham gia đóng những con tàu “đặc biệt” năm 1968 cho Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương. Sau này, qua Ban liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh tôi mới biết đó là những con tàu tham gia chiến dịch Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Theo báo cáo của UBND xã Nghi Thiết, tháng 6-1959, Đảng ủy xã Nghi Thiết tiếp nhận công văn của Tỉnh ủy triệu tập với nội dung: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghi Thiết và chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên có mặt tại Vinh để tiếp thu nhiệm vụ mới”. Đồng chí Nguyễn Văn Điệu, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và đồng chí Nguyễn Thân Mến, đảng ủy viên, Chủ nhiệm HTX đi nhận nhiệm vụ. Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh giao nhiệm vụ cho Nghi Thiết đóng 2 chiếc ghe, vỏ ngoài đan bằng nan tre, đồ trên và xương bên trong kết cấu bằng gỗ, các chi tiết lắp ráp cụ thể do cán bộ Đội thủy văn về hướng dẫn. Quá trình đóng ghe phải chọn địa điểm thi công an toàn, thuận lợi, bảo đảm đúng tiến độ, thời gian và các yếu tố kỹ thuật. Đặc biệt, công tác bảo đảm bí mật phải chặt chẽ. Địa phương tuyển chọn những thợ có tay nghề lâu năm, kỹ thuật cao, phẩm chất đạo đức tốt.

Với không khí lao động khẩn trương, nghiêm túc đến cuối năm 1959, cơ sở Trung Kiên đã hoàn thành đóng mới 2 chiếc ghe nan theo sự hướng dẫn lắp ráp, kết cấu của đội công tác và hạ thủy an toàn.

Đến năm 1961, HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên tiếp tục nhận được nhiệm vụ của Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương đóng 4 tàu lớn hơn và khác trước, không dùng nan mà kết cấu bằng gỗ, có sức chở 30 tấn, có thể hoạt động dài ngày trên biển nên thiết kế khoang hàng, khoang nước. Sau khi hoàn thành 4 tàu, đến giữa năm 1964, cán bộ Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương tiếp tục trở lại cơ sở đóng tàu Trung Kiên làm việc. Lần này, đoàn về bàn đóng tàu 2 vỏ bằng gỗ. Đây là loại tàu yêu cầu lắp ráp, kết cấu hết sức phức tạp, chặt chẽ, đòi hỏi thợ đóng tàu phải có tay nghề cao, kỹ thuật tốt để bào chải, xoi, lắp vào mộng một cách kín đáo, kín nước.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc diễn ra quyết liệt nên việc đóng tàu gặp nhiều khó khăn hơn. Cơ sở đóng tàu Trung Kiên phải di chuyển nhiều vị trí, làm nhiều nhiệm vụ phục vụ kháng chiến nên đến năm 1971, đôi tàu 2 vỏ gỗ mới được hạ thủy và bàn giao an toàn.

Theo Trung tá Nguyễn Đình Sin, người tham gia 4 chuyến tàu 41, 42, 49, 604 vận chuyển vũ khí vào miền Nam, Trưởng ban Ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh: Tất cả số tàu do HTX Trung Kiên sản xuất đã được giao cho tập đoàn đánh cá Sông Gianh (Tiểu đoàn 603 ngụy trang). Chuyến tàu đầu tiên thực hiện nhiệm vụ do đồng chí Nguyễn Bất chỉ huy cùng 5 chiến sĩ chở 5 tấn hàng, xuất phát vào đêm 30 Tết năm Canh Tý (tức 27-1-1960), sẽ vào bến Hồ Chuối (Quảng Nam) đoạn chân đèo Hải Vân. Đêm đầu, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân. Ngày hôm sau, sóng to, gió lớn, thuyền có nguy cơ bị lật, sáu người cố chèo chống nhưng thuyền cứ trôi mãi về phía nam. Một bên lái của thuyền bị gãy. Ngày thứ 3, thuyền lạc vào Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bây giờ) và bị gãy nốt bên lái còn lại nên anh em không thể cho tàu ngược lên. Gió bắt đầu lặng nên tàu đánh cá của dân ra khơi đông, tàu tuần tiễu của địch cũng tăng cường kiểm soát. Loay hoay ở đây sẽ bị lộ nên để giữ ý đồ chiến lược của con đường, thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định: Phải phi tang hàng theo phương án đã định. 5 tấn súng đạn, thuốc men lần lượt được anh em thả xuống biển dù mọi người tiếc đứt ruột. Chiều hôm đó, cả 6 thủy thủ trên tàu bị địch bắt. Dù có giấy tờ giả hợp pháp là đi đánh cá bị lạc nhưng địch vẫn tách ra, giam ở Đà Nẵng, sau đó chuyển đi Phú Lợi, có người bị đày đi Côn Đảo. 5 người sau đó lần lượt hy sinh hoặc mất do bệnh tật, chỉ còn lại đồng chí Huỳnh Ba, năm 1974 trở về. Chiếc thứ hai do HTX Trung Kiên sửa lại một tàu đưa từ Bạc Liêu ra, sau đó đưa vào sông Gianh giao cho đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy. Ngày 10-4-1962, tàu đi chuyến trinh sát không chở hàng, đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn vào ngày 18-4-1962, chính thức khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển. Được tin này, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi.

Cụ Phúc kể: “Trong số những người tham gia đóng “tàu không số” ngày ấy, tôi cũng vào loại bậc em, nghĩa là tôi chỉ được tham gia đóng tàu vào năm 1968. Tổ tôi gồm 5 người là ông Cảnh, ông Bé, ông Nhậm, ông Diên và tôi. Hồi đó, tôi vừa mới xuất ngũ, về quê tham gia đóng tàu ở HTX Trung Kiên do ông Mến làm chủ nhiệm HTX (Anh hùng Lao động Nguyễn Thân Mến - PV). Một hôm, tôi được ông Mến gọi lên, giao nhiệm vụ đóng một con tàu kiểu mới. Tôi được giao làm trong khoang máy, mọi cấu trúc do ông Hưng (cán bộ Đội thủy văn) hướng dẫn, tàu này được chia làm 4 khoang. Khi ấy ai làm ở khoang nào biết khoang ấy, xong nhiệm vụ là được nghỉ, không làm buổi tối vì sợ bị lộ.

Hồi đó, có ai nói đến chuyện “tàu không số” với đường Hồ Chí Minh trên biển đâu. Chúng tôi chỉ được thông báo là đóng tàu đánh cá thôi. Có lần tôi mạnh dạn hỏi ông Hưng nhưng ông ấy đánh trống lảng. Ông ấy còn giải thích với anh Nhậm là làm 2 đáy để cất vật dụng tránh cướp biển”.

Kỷ vật của làng

Đoàn công tác Đội thủy văn thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương về làng Trung Kiên với nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát quá trình đóng tàu lần đầu có hai đồng chí tên Hưng và Long. Ủy ban hành chính kháng chiến xã Nghi Thiết đã quyết định chọn nhà ông Phan Ngọc Chốc và Lê Đăng Mã làm nơi ăn nghỉ, làm việc cho cán bộ của Đoàn công tác. Quá trình về công tác tại địa phương, những cán bộ trong đoàn công tác đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân địa phương bằng lối sống giản dị, khiêm tốn, đức độ, ân cần và vui vẻ. Khi đoàn cán bộ về công tác, chị Vũ Thị Dình (con dâu đồng chí Lê Đăng Mã) được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cấp dưỡng, nấu ăn phục vụ cho đoàn. Trong quá trình làm việc, ông Long (sau này được biết ông Long là đồng chí Tư Mao) giao nhiệm vụ hướng dẫn học văn hóa cho ông Hưng (sau này được biết ông Hưng là đồng chí Trần Tấn Mới).

Từ tháng 3-1961 đến tháng 3-1963, chị Dình đã hướng dẫn cho ông Hưng đọc thông, viết thạo và hoàn thành chương trình cấp 1 bổ túc văn hóa. Trong bức thư viết ngày 7-2-1963, có ký tên T-M và địa chỉ phường 2, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam gửi cô Dình có đoạn: “Cô Dình. Tôi là người trò của cô, giờ đây tôi xa gia đình và cô, tôi thấy như xa cả một cái gì cao quý và đầm ấm nhất, những điều đó tôi không quên được… Tôi thành tâm kính chúc gia đình và cô mạnh khỏe để công tác tốt và hạnh phúc. Cô Dình ơi! Ngày mai tôi ra đi, vẫn biết là người đi mãi thôi chẳng mong chi ngày trở lại nữa ở đây”. Được biết, hiện cô Dình đã theo con vào tỉnh Tây Ninh ở.

Chiếc áo 4 túi do cán bộ thủy văn trung ương tặng ông Phúc được ông cất giữ cẩn thận.

Cụ Phan Anh Phúc thì vẫn còn lưu giữ cẩn thận chiếc áo mà đồng chí Hưng tặng cụ. Cụ Phúc nhớ lại, lúc tặng chiếc áo, ông Hưng chỉ bảo: “Em tặng anh bộ quần áo mặc cho đỡ rét, nếu sống thì gặp nhau, chết thì giữ làm kỷ niệm”. Đặc biệt, gia đình ông Chốc còn lưu lại được những bức ảnh chụp chung với ông Phát (người về đóng tàu đợt 2).

50 năm đã trôi qua nhưng người dân ở đây vẫn đau đáu một câu hỏi: Có phải những chiếc tàu mà HTX Trung Kiên đóng tàu năm xưa là những con tàu không số? Anh Lê Trọng Nhân, cán bộ văn hóa xã Nghi Thiết cho biết: “Năm 2006, qua xác minh, thẩm định các chứng cứ, UBND xã đã có hồ sơ gửi các cấp để tìm ra lời giải trên. Thế nhưng, tại cuộc hội thảo cuối cùng giữa UBND xã, Ban liên lạc Đoàn tàu không số tỉnh Nghệ Tĩnh với Bộ tư lệnh Hải quân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Bộ tư lệnh Hải quân hẹn vào địa phương điều tra để làm rõ nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai vào đây tìm hiểu cả. Khi làm hồ sơ đề nghị thì 7 cụ tham gia đóng tàu ngày ấy còn sống (kể cả cụ Điệu) thế nhưng đến thời điểm này chỉ còn duy nhất cụ Phúc. Nguyện vọng của người dân làng Trung Kiên nói riêng và nhân dân xã Nghi Thiết nói chung mong muốn được cơ quan chức năng làm rõ, sớm trả lời dứt khoát. Nếu đúng Trung Kiên đóng tàu không số thì địa phương sẽ đắp một mô hình tàu không số và bia khắc tên những người tham gia đóng tàu tại đây....

Box: Theo cuốn sách “Năm đường mòn Hồ Chí Minh” của nhà sử học kinh tế Đặng Phong (NXB Tri Thức - 2009) thì nơi được giao đóng những con thuyền đầu tiên cho Tập đoàn đánh cá Sông Gianh vào cuối năm 1959 là làng Trung Kiên ở Nghệ An. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xương, Trưởng ban thiết kế tàu không số thuộc Bộ Giao thông vận tải thời chống Mỹ không nắm được việc đóng tàu gỗ trước năm 1961. Ông Xương cho biết, loại tàu không số vỏ gỗ đầu tiên được đóng tại Xưởng đóng tàu 1 ở Hải Phòng, còn loại tàu vỏ sắt đầu tiên được đóng tại Xưởng đóng tàu 3 (nay là nhà máy đóng tàu Tam Bạc, Hải Phòng). Năm 1968, khi đường Hồ Chí Minh trên biển đã bị lộ, gặp khó khăn, ta đã đóng gấp rút loại thuyền vỏ gỗ có trọng tải 3 - 5 tấn giả dạng là tàu đánh cá, có tới 12 tỉnh miền Bắc, trong đó có Nghệ An được tham gia chiến dịch tên gọi T5 này.

Bài, ảnh: ĐỨC DỤC