QĐND - Đường biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là giữ gìn đường biên giới quốc gia, trong đó có đường biên giới trên biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua.
Đường biên giới quốc gia trên biển do Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đưa ra. Điều 2 của Công ước này nêu rõ "Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và các vùng nội thủy tới một vùng biển tiếp giáp với chúng, dưới tên gọi là lãnh hải và có bề rộng không vượt quá 12 hải lý (1 hải lý bằng 1,852km)". Ranh giới ngoài của lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển.
Khác với đường biên giới quốc gia trên đất liền, đường biên giới quốc gia trên biển không được đánh dấu bằng các cột mốc quốc giới, mà được công bố bằng các bản kê tọa độ địa lý của đường biên giới đó trong các hiệp ước phân định lãnh hải hay gián tiếp bằng các bản kê tọa độ địa lý các điểm của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và được thể hiện trên các hải đồ có tỷ lệ thích hợp. Hải đồ và các bản kê tọa độ địa lý các điểm này phải được công bố theo đúng thủ tục và gửi Liên hợp quốc để lưu chiểu.
Tại Việt Nam, theo Luật Biên giới quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17-6-2003; Nghị định số 140/2004/NĐ-CP, ngày 25-6-2004 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Khu vực biên giới trên biển được tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, căn cứ để xác định biên giới trên biển là đường cơ sở. Tuân thủ Công ước này, Điều 8 của Luật Biển Việt Nam nêu rõ: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Điều 11 của Luật Biển Việt Nam quy định: “Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”.
Chế độ pháp lý của lãnh hải Việt Nam được quy định trong Điều 12 của Luật Biển Việt Nam: “Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông, khoản 2 trong Điều 12 của Luật Biển Việt Nam khẳng định: “Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”. Cũng theo Điều 12 của Luật Biển Việt Nam thì việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đường biên giới trên biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, ngày 18-12-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển. Điều 9 của Nghị định này nêu rõ: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và mọi công dân”. Điều 18 của Nghị định này quy định: “Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài phải tuân thủ các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định có liên quan đến việc phòng ngừa đâm va trên biển, các luật và quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.
Theo quy định của Nghị định số 161/2003/NĐ-CP thì Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.
Trên cơ sở Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới biển, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đường biên giới trên biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển theo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ mới.
Để góp phần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với khu vực biên giới biển, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có Quyết định thành lập Đoàn khảo sát “về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển do đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn. Trong tháng 7 và tháng 8 này, Đoàn khảo sát đã đến và làm việc tại nhiều địa phương ven biển và hải đảo để khảo sát về việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng và an ninh trên địa bàn; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển và xây dựng thế trận lòng dân bảo vệ biên giới biển. Đoàn đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của các địa phương. Trên cơ sở đó kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển, góp phần xây dựng đường biên giới trên biển thực sự hòa bình, hữu nghị và hợp tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền của quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia biển, có truyền thống quản lý và khai thác các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời, đó là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết bảo vệ đến cùng chủ quyền quốc gia thiêng liêng về biển, đảo do cha ông để lại.
HẢI HÀ