Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Phú Tế luôn bên máy, bảo đảm thông tin thông suốt giữa đảo với đất liền.

Trên đất liền, cuộc sống hiện nay gắn liền với điện thoại di động. Mới đây Viettel công bố đã có gần 30 triệu thuê bao. Vinaphone ít hơn cũng có con số 10 triệu. Và còn khoảng 5 triệu thuê bao khác là khách hàng chung thủy của viễn thông Hà Nội, Điện lực... Về cơ bản, lúc này điện thoại di động đã phổ cập và hầu hết chúng ta đều sử dụng phương tiện liên lạc này để trao đổi công việc, tình cảm. Riêng một phần huyện đảo Trường Sa, nhu cầu này còn là ước mơ. Vì thế khi tới thăm đảo Đá Lát, chúng tôi bất ngờ nhìn thấy hai chiếc máy điện thoại di động treo giữa khoảng trời mênh mông đầy nắng gió. Hỏi chuyện mới biết đó là sáng kiến của anh em trẻ. Vùng này chưa được phủ sóng, nhưng như những người đi câu cá, anh em treo máy giữa khoảng trống và kiên nhẫn chờ đợi lúc trời quang mây tạnh biết đâu trên máy cũng có được một, hai vạch sóng. Chớp thời cơ anh em gọi ngay về thăm nhà. Sự chờ đợi thường rất dài và sự kết nối chập chờn ít thành công, nhưng ở đó có hy vọng, và là niềm vui không nhỏ.

Tâm sự với Trung úy bác sĩ Bùi Văn Doanh chúng tôi mới thấy việc thông tin, giao lưu tình cảm giữa biển đảo với đất liền quý biết nhường nào. Sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, mẹ mất sớm, hai chị gái đã lấy chồng và công tác ở thành phố Hải Phòng nên Bùi Văn Doanh rất thương nhớ bố hiện sống một mình ở quê nhà. Bố anh là thương binh hạng 1/4, nhưng rất giàu ý chí và nghị lực. Tuy tuổi đã gần 70, nhưng ông luôn động viên con phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Vì thế, nhập ngũ năm 1993, một năm sau Bùi Văn Doanh được tuyển chọn đi học Trung cấp quân y. Năm 2000, anh được điều động ra đảo Tiên Nữ công tác hai năm. Vừa làm, vừa học đến 2003, anh được cử tuyển về đất liền học đại học tại chức và khi tốt nghiệp anh lại tình nguyện ra huyện đảo Trường Sa làm việc. Dù là bác sĩ nhưng cũng như các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Trung úy Bùi Văn Doanh sẵn sàng xông xáo tham gia công tác đoàn, xắn tay áo tăng gia sản xuất, bắt cá cải thiện đời sống... Với anh, mọi công việc đều tốt đẹp, trừ một việc là thiếu thông tin, nhất là khi chàng trai 33 tuổi đang yêu. Không còn bồng bột như tuổi mười tám đôi mươi, nhưng đã là lính đảo, một niềm vui dù nhỏ cũng cùng chia sẻ. Anh cho chúng tôi đọc lá thư mới nhất (ngày 12-2-2008) của người bạn đời tương lai Trần Thị Như Hoa: "...Em viết thư cho anh không phải từ biển Cam Ranh lộng gió mà là TP Hồ Chí Minh ồn ào, nhộn nhịp. Chắc là anh ngạc nhiên lắm phải không! Nếu anh ở đất liền em sẽ gọi điện để trao đổi và xin ý kiến anh. Song anh ở đảo xa nên em đắn đo mãi và tự quyết thử sức mình ở "biển lớn". Còn sau này, lúc nào anh "lệnh" về Cam Ranh là em chấp hành ngay.

Giao lưu văn nghệ giữa các thành viên của đoàn với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: QUỲNH ANH

Mùa này Trường Sa gió lạnh lắm, nếu trực đêm anh nhớ quàng khăn giữ ấm cổ, tránh bị viêm họng nhé. Tết này không có anh nên em chỉ ở nhà. Nhìn bạn bè ríu rít bên nhau, đôi lúc em cũng chạnh lòng, những giọt nước mắt cứ chực rơi. Những lúc như vậy em càng nhớ thương anh hơn...".

Khi đến đảo Núi Le, trong lúc hầu hết anh em ùa ra đón khách từ đất liền thì Trung úy Nguyễn Phú Tế, nhân viên báo vụ vẫn mải miết làm việc. Dù trong lòng rộn ràng nhưng anh không thể rời nhiệm vụ. Mỗi ca trực anh được nghe giọng nói của đồng nghiệp, nhiều đến quen thuộc, nhưng từ ngày ra đảo chưa được nghe người thân tâm tình. Nguyễn Phú Tế nhớ lại, ngày mới yêu nhau (vợ anh bây giờ) cũng hay hờn dỗi, có lần trong thư còn trách tại sao có người ở đảo gọi điện thoại về nhà được mà anh thì không? Hay là tiếc... cả với em. Rồi cô ấy còn hỏi ở ngoài đảo, buổi tối anh có đi uống cà phê không? Anh tâm sự cũng như để chúng tôi cảm thông chia sẻ, bởi vợ anh-chị Trần Thị Diễn cùng quê Quỳnh Phụ, Thái Bình. Là con nhà nông, lớn lên gắn bó với ruộng đồng. Cưới nhau từ 2006, nhưng tính tổng cộng mới ở bên vợ được gần 2 tháng. Hằng ngày, ngoài việc đồng áng, chị Diễn còn phải thay anh phụng dưỡng bố mẹ già đã ở tuổi 70.

Anh cho biết thêm: "Theo tính toán, vợ tôi sẽ sinh cháu đầu lòng vào đầu tháng 10. Nhưng chờ mãi cho đến gần Tết Mậu Tý tôi mới được nhận niềm vui làm cha qua thư của bố vợ. Nhạc phụ tả cháu giống bố như đúc, mới sinh ra nặng 2,8kg và theo ý nguyện của tôi, nhà đã khai sinh, đặt tên cháu là Nguyễn Phú Khánh. Còn lúc này, tôi mong nhất là nhận được ảnh con”.

Đến An Bang, Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, chính trị viên phó đảo giới thiệu tôi với Thiếu tá Thiều Thế Xuân, trợ lý kỹ thuật là một trong số ít cán bộ đã 4 lần ra đảo. Thiều Thế Xuân nhập ngũ năm 20 tuổi (1986). Tốt nghiệp trường Vũ khí đạn, rồi về nhận công tác ở kho 862. Năm 2000, anh được điều động ra công tác tại đảo Sơn Ca 18 tháng. Sau đó lần lượt đến công tác tại các đảo An Bang, Song Tử Tây và từ tháng 7-2007 một lần nữa anh trở lại An Bang. Ngồi trò chuyện với nhau giữa biển khơi mênh mông, nhưng lúc đó trời nắng gắt không có gió, chiếc quạt tự tạo dùng điện ắc quy cứ phút chốc lại "ngủ gà ngủ gật". Điều đó xảy ra trước mặt dân kỹ thuật làm anh có phần áy náy. Song thời gian của đoàn công tác trên đảo chỉ còn tính bằng phút nên tôi tranh thủ hỏi về cuộc sống, tâm tình của anh và đồng đội trên đảo. Anh cho rằng cái thời "vợ một nơi, chồng một nẻo" hai con phải gửi ông bà trông giữ đã qua. Bây giờ anh sướng nhất tổ, có nhà cao, cửa rộng (đất được Quân đội cấp, tiền xây nhà phần lớn do vợ đi lao động ở Hàn Quốc dành dụm được) nên anh an tâm theo đuổi nghiệp nhà binh, gắn bó với đảo. Các cán bộ trong tổ kỹ thuật do anh phụ trách đều quê ở Quảng Bình và có thâm niên ít nhất hai nhiệm kỳ ở huyện đảo Trường Sa. Cuộc sống trên đảo bây giờ chẳng khác chuyện "nước chảy ngược". Ở tuyến đầu khá đầy đủ, nhưng hậu phương một số anh em còn khó khăn. Trong tổ, khó khăn nhất là Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Hải. Anh 36 tuổi, vợ cùng quê, nhưng đã theo chồng vào Mỹ Ca, Cam Ranh sinh sống. Nhà chưa có, phải đi thuê ở tạm, con đầu còn nhỏ, con sau mới sinh, trong nhà có thêm mẹ già… tất cả chỉ trông chờ vào lương, phụ cấp biển đảo của anh…

Dù hậu phương khó khăn là vậy, nhưng anh em trong tổ động viên nhau hoàn thành tốt mọi mặt công tác, đặc biệt, có những sáng kiến bảo quản vũ khí, khí tài hiệu quả hơn trong điều kiện thời tiết biển đảo khắc nghiệt, được Bộ Tư lệnh vùng cho điểm cao nhất.

Huyện đảo Trường Sa lúc này còn thiếu gì? Chắc chắn đó không phải là những dàn máy karaoke, vi tính, máy tập đa năng… thậm chí có điểm đảo, trong ngày, nhận quà tặng 4 chiếc ti-vi. Có ăng-ten chảo, thu sóng qua vệ sinh nên thông tin thời sự chính trị trong nước, trên thế giới anh em nắm bắt khá đầy đủ, chi tiết. Sách báo ra đảo tuy chưa nhiều, nhưng anh em lưu giữ cẩn thận. Trong chuyến đi này Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị mang tặng các điểm đảo nhiều đĩa nhạc, nội dung phong phú và có lẽ phải 3 tháng sau anh em mới xem hết một vòng.

Đã lâu Trường Sa mới có văn công chuyên nghiệp ra biểu diễn phục vụ nên hôm ấy, dù sân khấu ngoài trời, nhưng người đến xem đông như trẩy hội. Với tài nghệ diễn xuất và nhất là lòng nhiệt huyết của mình, các diễn viên đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 như thăng hoa cùng các điệu múa dân gian, các tiết mục tân cổ giao duyên. Một phần của chương trình đêm ấy là giao lưu giữa khách từ đất liền với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Nguyễn Thị Yến, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cụm cảng hàng không miền Trung, có giọng hát khỏe, được học thanh nhạc từ nhỏ lại rất mê các ca khúc cách mạng… Với chất giọng Quảng Nam truyền cảm, tác phong linh hoạt, chị đã tạo nên những đợt sóng trên hàng ghế khán giả, lôi cuốn được những giọng ca trung đội, đại đội và cả các nhân viên phục vụ trên tàu lên sân khấu hòa lời ca, tiếng hát, trong các điệu nhảy, tạo nên đêm hội đủ sắc màu.

Từ tối hôm đó, Nguyễn Thị Yến trở thành hạt nhân của các phong trào văn nghệ trên các điểm đảo, trên tàu.

Trực tiếp xem buổi giao lưu trên, nghe anh em kể về những buổi sinh hoạt Đoàn thanh niên, chúng tôi cảm nhận không ít cán bộ, chiến sĩ ta có tài lẻ, nhưng ít có cơ hội để thể hiện… Có lẽ trên các điểm đảo lúc này cần có thêm những “thủ lĩnh thực thụ” của Đoàn thanh niên.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi đã có cuộc gặp trao đổi về kinh nghiệm làm công tác Đoàn ở Cụm cảng Hàng không miền Trung, nơi Nguyễn Thị Yến là Bí thư. Chị cho biết: Cụm cảng Hàng không miền Trung có hơn 400 đoàn viên nhưng công tác rải rác ở Cam Ranh, Phú Bài… và trên các chuyến bay. Công việc chuyên môn có nhiều điểm khác biệt nên tổ chức được một buổi sinh hoạt đoàn cũng rất khó. Song chúng tôi gắn công tác Đoàn với chuyên môn, lấy nhiệm vụ chuyên môn làm trọng tâm và tích cực tổ chức các hoạt động bề nổi. Đoàn Cụm cảng Hàng không miền Trung là một trong những cơ quan tổ chức cuộc thi kể chuyện “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sớm nhất. Được biết tháng tư Bộ Quốc phòng có kế hoạch đi thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa, thì tháng 3 chúng tôi phát động Tháng Thanh niên hướng về biển đảo và quyên góp được 10 triệu đồng mua quà tặng các chiến sĩ.

Tôi hỏi: Với tư cách là Bí thư Đoàn chuyên trách, chị có ý kiến đóng góp gì để phong trào Đoàn Thanh niên ở huyện đảo Trường Sa sôi động hơn?

Chị Nguyễn Thị Yến cho rằng, công tác Đoàn ở huyện đảo có nhiều khó khăn, nhất là về địa lý, khoảng cách giữa các điểm đảo, nhưng cũng có thuận lợi, đó là mặt tư tưởng, ý thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ đồng nhất. Vấn đề cần nhất đối với công tác Đoàn ở huyện đảo là phải xóa đi sự cách biệt về không gian giữa đất liền với biển đảo; giữa các điểm đảo với nhau. Bản thân đoàn thanh niên thông qua các phong trào hoạt động trở thành cầu nối hữu hiệu giữa đất liền với biển đảo".

Bí thư Đoàn Cụm cảng Hàng không miền Trung khẳng định: “Trước hết, huyện đảo Trường Sa cần những cán bộ Đoàn tâm huyết, có sức lay động tuổi trẻ, biết vui chơi, ca hát, khiêu vũ, hoạt động TDTT. Phải biết nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên".

Chị đã có sáng kiến đề xuất với lãnh đạo Cụm cảng Hàng không miền Trung cũng như chỉ huy Vùng D Hải quân cho phép tổ chức kết nghĩa Đoàn với huyện đảo Trường Sa, ưu tiên tạo điều kiện cho chiến sĩ trên đảo sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự được học nghề, hỗ trợ đào tạo nghề tại địa bàn miền Trung.

Trường Sa trung tuần tháng 4-2008

ĐỖ NAM THẮNG