Một góc Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu

Trở lại Đồ Sơn, một vùng biển nổi tiếng của thành phố Hải Phòng lần này, chúng  tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu ở vùng địa linh Hòn Dấu. Gần cầu cảng – nơi quân viễn chinh Pháp  cuối cùng rút khỏi miền Bắc năm 1955 là vườn tượng  với hàng chục tác phẩm điêu khắc bằng đá của các họa sĩ nhiều quốc gia,  trang điểm họa tiết cho vùng đất mới vừa lấn biển. Bên cạnh đó là một đại công trường  xây dựng Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu.

Ông Hoàng Văn Thiềng, nguyên là chiến sĩ trên đoàn tàu không số lừng danh thời chống Mỹ nay là Giám đốc Công ty cổ phần  quốc tế Hòn Dấu say sưa giới thiệu với chúng tôi về dự án “dời non, lấp biển, tạo diện mạo mới cho Đồ Sơn”. Dự án được thực hiện bằng việc lấn biển phía chân đồi khu CASINO Đồ Sơn về phía đảo Hòn Dấu,  nằm trong Khu III của vùng du lịch nghỉ mát Đồ Sơn với định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái biển, khu vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, Hội nghị Quốc tế, khu biệt thự cao cấp, khu biển nhân tạo, khu rừng nguyên sinh và hoạt động lễ hội Đền Dấu hàng năm… Tại đây sẽ có vùng biển “du lịch bốn mùa” với bãi lọc nước biển để du khách có thể tắm giữa mùa nước đục,  rộng 6ha. Tiếp đến là bãi tắm biển mùa đông, rộng 2ha. Bãi tắm này được bơm hơi nóng vào hệt như một phòng xông hơi thu nhỏ, xung quanh bãi dựng kính dày, trong suốt để du khách nhìn thấu ra biển. Hai bãi tắm nằm dưới những dòng thác chảy. Khách sạn năm sao có diện tích 10ha. Còn lại là khu vui chơi giữa những vườn hoa. Trên bán đảo Đồ Sơn với muôn vàn cây thông cổ thụ sẽ  là đường xe điện nối với đảo Hòn Dấu đầy ắp huyền thoại. Ở đó lại có bãi tắm khá đặc biệt: Bãi tắm chăng lưới mắt nhỏ ngầm dưới mặt biển 1,5 mét, người tắm luôn đi trên màn lưới đó nên không lo bị hụt chân…

Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành, Công ty cổ phần quốc tế Hòn Dấu đang triển khai giai đoạn 2 của dự án.

Bên cạnh vết tích cột bê tông của cầu cảng K15, cột mốc của Đường Hồ Chí Minh trên biển, ông  Hoàng Văn Thiềng  đã kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm trên tuyến chi viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên biển Đông.  Hồi ấy, mỗi lần tàu chuẩn bị rời bến để vào chiến trường miền Nam, ông và đồng đội lại tự làm lễ mặc niệm cho nhau “bởi ai cũng xác định đã đi là không hẹn ngày về”. Trên mỗi chiếc tàu đều mang theo sáu quả bom và hai ngòi cháy chậm. Một ngòi có nhiệm vụ phá hủy toàn bộ con tàu để phi tang khi bị địch bắt. Ngòi còn lại sẽ gây nổ trong một thời gian nhất định trong tình huống các thủy thủ phải bỏ tàu… “Sau năm 1975, nhiều đồng đội không về nữa. Bến tàu không số luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về chiến tranh. Đây chính là lý do đầu tiên tôi quay về quê để  đầu tư ngay bên cảng biển lịch sử…”-Ông Thiềng nói với chúng tôi như nói với biển cả và mảnh đất dưới chân ông.

Bài và ảnh: PHÚ QUÝ