Chúng ta đều ghi nhớ lại lời dạy của V.I.Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Đó là nguyên lý của mọi cuộc cách mạng. Như vậy phải có lý luận đi trước soi đường, chỉ đạo, định hướng cho hành động (thực tiễn) đi đúng hướng. Ngược lại, từ thực tiễn, chúng ta tổng kết phát triển, bổ sung cho lý luận ngày càng phong phú và sâu sắc hơn. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Cuộc đấu tranh lý luận bảo vệ chủ nghĩa cộng sản khoa học trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” diễn ra trong bối cảnh đồng minh những người cộng sản - một tổ chức công nhân quốc tế vẫn phải hoạt động trong bí mật, địa bàn truyền bá phong trào vô sản còn hẹp, giai cấp công nhân chưa phát triển, các phe phái phản động còn hoành hành ở châu Âu và sang cả châu Mỹ… Vì vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận đã tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất để định hướng cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về các học thuyết trào lưu xã hội chủ nghĩa cải lương, phản động và tính chất cách mạng, khoa học tiến bộ của chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Trước hết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã phân tích một cách sâu sắc bản chất của các học thuyết, trào lưu mang danh chủ nghĩa xã hội, nhưng thực chất chỉ là một mớ hỗn tạp những tư tưởng mị dân, mang tính lừa gạt, ngộ nhận, nhằm che đậy bản chất phản động bên trong của những học thuyết, trào lưu tư tưởng đó. Mác và Ăng - ghen đã phân ra ba dạng “chủ nghĩa xã hội” là “chủ nghĩa xã hội phản động” (bao gồm chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản và chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội “chân chính”); “Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản”; “Chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán”.
“Chủ nghĩa xã hội phong kiến” đã lợi dụng địa vị lịch sử của giai cấp quý tộc ở Pháp, Anh để lên án, đả kích xã hội tư sản hiện đại, bênh vực chế độ phong kiến. Họ cho rằng phương thức bóc lột phong kiến không giống phương thức bóc lột tư sản và tỏ ra “quan tâm” đến lợi ích của giai cấp công nhân và người lao động với ý đồ để tập hợp, lôi kéo quần chúng nhân dân đi theo họ. Trong Tuyên ngôn, Mác và Ăng-ghen đã chỉ rõ về những người này: “Các ngài quý tộc ấy đã giương cái bị ăn mày lên làm cờ để lôi kéo nhân dân theo họ”, nhưng nhân dân đã nhận rõ bộ mặt thật của giai cấp quý tộc nên “nhân dân vừa chạy lại thì trông thấy ngay những huy chương phong kiến cũ đeo sau lưng họ, thế là nhân dân liền tản đi và phá lên cười một cách khinh bỉ”. Thực chất là trong cuộc đấu tranh chính trị để bảo vệ quyền lợi của mình, giai cấp quý tộc đã “tích cực tham gia vào tất cả những biện pháp bạo lực chống giai cấp công nhân”.
“Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản” mà đại diện là giai cấp qúy tộc phong kiến không phải là giai cấp duy nhất bị giai cấp tư sản làm phá sản mà còn là những thị dân và tiểu nông trong điều kiện lúc đó cũng sống lay lắt bên cạnh giai cấp tư sản thịnh vượng. Trong điều kiện đó, theo Mác và Ăng- ghen, "đã hình thành giai cấp tiểu tư sản mới ngả nghiêng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; là bộ phận bổ sung của xã hội tư sản”. Họ đả phá nền sản xuất bằng máy móc, sự phân công lao động, sự tập trung tư sản và ruộng đất, sự khủng hoảng của sản xuất thừa… dẫn đến sự sa sút của những người tiểu tư sản và nông dân, sự cùng khổ của công nhân, tình trạng vô chính phủ trong sản xuất... để họ đòi "khôi phục lại những công cụ sản xuất và trao đổi cũ và cùng với những công cụ ấy cũng khôi phục lại chế độ sở hữu cũ và toàn bộ xã hội cũ". Đây thật sự là tư tưởng muốn kéo lùi lịch sử, do đó chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản "vừa là phản động vừa là không tưởng".
Chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính" là một thứ du nhập lai căng từ Pháp vào Đức, chỉ mang tính chất thuần tuý văn chương, là sự điều hoà những tư tưởng mới của những người tư sản cách mạng Pháp bị cắt xén với ý thức triết học cũ của Đức. Khi du nhập vào Đức, nó "không còn là sự biểu hiện của cuộc đấu tranh của giai cấp này chống một giai cấp khác nữa" mà chỉ là đấu tranh bảo vệ lợi ích của con người chung chung "con người chỉ có trong bầu trời mây mù của ảo tưởng triết học mà thôi". Chủ nghĩa xã hội "chân chính" của Đức đã trở thành một thứ vũ khí trong tay Chính phủ để chống lại giai cấp tư sản Đức. Nó đại diện cho những lợi ích phản động của giai cấp tiểu tư sản Đức đang muốn trỗi dậy với tư tưởng của dân tộc Đức là dân tộc thượng đẳng để thống trị các dân tộc khác, mặt khác những kẻ theo chủ nghĩa xã hội "chân chính" Đức còn muốn làm một công đôi việc là chống lại giai cấp đại tư sản đang đe dọa đẩy giai cấp tiểu tư sản đến nguy cơ suy sụp và chống lại sự xuất hiện của giai cấp vô sản cách mạng. Như vậy "chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính" rốt cuộc chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tiểu tư sản Đức, chống lại những xu thế phát triển của xã hội.
Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản là đại diện đủ loại cho "những nhà cải lương ngồi xó buồng", họ muốn có giai cấp tư sản mà không có giai cấp vô sản bằng việc xóa nhòa giai cấp, "kêu gọi giai cấp vô sản bám lấy xã hội hiện tại, nhưng phải bỏ hết quan niệm thù hằn đối với xã hội ấy" và "cố làm cho công nhân chán ghét mọi phong trào cách mạng". Họ phản đối làm cách mạng để xóa bỏ chế độ sản xuất cũ thay bằng chế độ sản xuất mới, mà chỉ muốn thực hiện những cải cách về hành chính ngay trên cơ sở sản xuất cũ. Rõ ràng đây chỉ là sự ngụy biện cho tư tưởng không có đấu tranh giai cấp trong một xã hội có giai cấp đối kháng.
Chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán, chủ trương một "chủ nghĩa khổ hạnh phổ biến và chủ nghĩa bình quân thô kệch". Họ nhận thức được mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp, nhưng họ không nhận thức được vai trò lịch sử của giai cấp vô sản; họ muốn lấy tài ba cá nhân để thay cho hoạt động xã hội, lấy những điều kiện tưởng tượng thay cho những điều kiện lịch sử của sự giải phóng con người; họ cho rằng "tương lai của thế giới sẽ được giải quyết bằng cách tuyên truyền và thực hành những kế hoạch tổ chức xã hội của họ". Điều tiến bộ của chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán là các trào lưu này có ý thức bảo vệ lợi ích giai cấp công nhân, giai cấp chịu nhiều đau khổ nhất trong xã hội. Nhưng đây chỉ là sự thương xót bản tính, còn về bản chất họ đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp đối kháng và kêu gọi "toàn thể xã hội không có phân biệt gì cả và thậm chí họ còn thích kêu gọi giai cấp thống trị nhiều hơn" và tìm cách đạt được mục đích bình đẳng bằng phương pháp hòa bình ... Rõ ràng đây là điều ảo tưởng như việc xây dựng lâu đài trên bãi cát, đi ngược lại những quy luật trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp đối kháng.
Như vậy trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", mặc dù cuộc đấu tranh lý luận được C.Mác và Ph.Ăng - ghen tập trung viết trong chương III với tiêu đề "văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa" để phù hợp với điều kiện lịch sử ra đời của Tuyên ngôn, nhưng thực ra toàn bộ bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là cuộc đấu tranh lý luận rất quyết liệt giữa lý luận chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản khoa học với các lý luận và trào lưu tư tưởng khác, vạch rõ bản chất phản động mị dân và cả sự muốn ru ngủ quần chúng, phủ định cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, để bảo vệ quyền lợi của các dạng khác nhau của các giai cấp bóc lột.
160 năm trôi qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Nhất là sau sự kiện sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chủ nghĩa xã hội bị rơi vào thời kỳ khủng hoảng nặng nề cả về thực tiễn và lý luận. Đây cũng là thời cơ để các thế lực phản động trong nước và quốc tế lợi dụng chống phá, phê phán chủ nghĩa xã hội, trong đó phê phán cả "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". các thế lực này cho rằng những lý luận trong Tuyên ngôn đã "lỗi thời", không còn phù hợp với thời đại ngày nay... Chính vì vậy cuộc đấu tranh lý luận để bảo vệ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là một nhiệm vụ rất nặng nề như Nghị quyết Đại hội X đã xác định "kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch". Mới đây, hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa X đã có nghị quyết chuyên đề về "Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới", thể hiện sự quan tâm của Đảng ta đối với công tác đấu tranh lý luận hiện nay, đặc biệt là xung quanh những vấn đề nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Từ thực tiễn những thành quả đạt được và những bài học đau xót của những sai lầm ấu trĩ, chúng ta tổng kết, xây dựng lý luận để soi sáng con đường chúng ta đi. Điều quan trọng là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn của Đảng. Đúng như lời tựa viết cho bản "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" bằng tiếng Đức xuất bản năm 1872 do Các Mác và Phri-đrich Ăng - ghen viết "Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đó không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II". Mặt khác, chúng ta cần hình thành những hệ thống lý luận sắc bén, khoa học, đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những trào lưu lý luận phản động chống chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kể cả việc chống lại những mặt tiêu cực xuất hiện ngay trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân như mơ hồ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của ta, ngộ nhận về chủ nghĩa tư bản hiện đại, không thấy rõ bản chất thực sự của nó, phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phi chính trị hóa quân đội… Có thể thấy, hơn bao giờ hết, cuộc đấu tranh lý luận ngày càng đặt ra nhiều vấn đề mới mà chúng ta cần công phu tìm tòi, khám phá để phát triển lý luận cho phù hợp với thực tiễn mới đang đặt ra, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng đòi hỏi: “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”.
160 năm trôi qua, dù phải trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, nhưng những tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị đối với sự phát triển của thế giới ngày nay và tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trung tướng GS, TS Nguyễn Ngọc Thanh (*)
-------------------------------
* Ủy viên Hội đồng chức danh GS Nhà nước
Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Ngành KHQS