 |
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm báo Nhân Dân (11-3-1991) (ảnh nhandan.com.vn) |
Hai mươi năm Đảng ta phát động công cuộc đổi mới, cũng đã gần hai mươi năm, những bài báo về “Những việc cần làm ngay” như những lời kêu gọi của Đảng mở cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hoà nhịp với sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước, trong sự mở mang, phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác, cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cùng các tệ nạn xã hội cũ, mới đã lan toả trong xã hội. Chính cuộc đấu tranh này đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo bầu không khí dân chủ, đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong mọi công việc của đất nước, trở thành động lực mạnh mẽ đưa sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước liên tục tiến lên.
Cuộc đấu tranh ấy, hai mươi năm sau lại nổi lên nóng bỏng với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cùng với những quyết sách, những hành động kiên quyết trong nhiều bộ, ngành, địa phương. Như một hiệu quả tất yếu, cuộc đấu tranh nóng bỏng này đã được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân và dư luận xã hội.
Năm xưa, đồng chí Nguyễn Văn Linh dùng cụm từ “Sự im lặng đáng sợ” để phê phán sự kém hiệu lực, trì trệ, quan liêu, né tránh và bao che cho tiêu cực trong bộ máy công quyền, trong những người có chức, có quyền. Cuộc đấu tranh kiên trì, liên tục của chúng ta trong gần hai mươi năm qua tuy đạt được những kết quả như đã nêu trên, nhưng chưa thực sự được đẩy tới đúng tầm mức, chưa giải quyết được những vấn đề gốc rễ của các căn bệnh này, chưa có được những quyết sách và sự xử lý kiên quyết, kịp thời nên tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các bệnh thành tích, bệnh hình thức, tệ nạn chạy chọt cùng sự xuống cấp về đạo đức, lối sống vẫn tiếp tục lây lan, trở nên tinh vi, xảo quyệt hơn.
Do hiệu quả đấu tranh còn thấp nên “Sự im lặng đáng sợ” lây lan sang nhiều bộ phận cán bộ và nhân dân. Chưa đủ niềm tin, người dân còn im lặng, né tránh, thậm chí có những người vẫn sợ “đấu tranh tránh đâu”. Chưa đủ "niêm luật" chặt chẽ, nên người vi phạm còn nhởn nhơ! Có những lúc không khí “nói thẳng nói thật”, không khí đấu tranh ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương như bị chìm lắng, cuộc sống trôi đi trong sự bàng quan ngoài cuộc của người dân lẫn cán bộ, đảng viên. “Sự im lặng” của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước việc chung, việc nước thực sự là “Sự im lặng đáng sợ”.
Chính vì vậy, Đại hội X và Nghị quyết Trung ương 3 với các quyết sách, biện pháp và hành động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khởi động trở lại cuộc công phá vào “Sự im lặng đáng sợ” trong cả bộ máy và trong cả nhân dân. Sau sự tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây là những thước phim “không thể làm ngơ" của thầy giáo Lê Đình Hoàng ở Nam Đàn, Nghệ An về tiêu cực, hỗn loạn trong thi cử. Thầy giáo lên tiếng, rồi các phụ huynh cũng mạnh dạn tố cáo chuyện “chạy” vào trường điểm ở trường Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau sự lên tiếng của đồng chí sĩ quan công an đã nghỉ hưu về tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn là dư luận nhân dân và báo chí đòi hỏi việc xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, chống lại sự nể nang, che đỡ, chạy tội. Người dân không còn im lặng, dư luận đã lên tiếng thì cán bộ không thể ngồi yên. Việc tỉnh ủy Bến Tre và huyện ủy Châu Thành chỉ đạo cho những cán bộ trả lại số đất dù đã được cấp “sổ đỏ” nhưng trái pháp luật là một câu chuỵện thời sự đáng mừng…
Một phản ứng dây chuyền lành mạnh đang lan rộng trong xã hội. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí luôn được sự tiếp ứng của những dòng máu nóng của “Ý Đảng lòng dân”, “Trên dưới một lòng”. Khơi dậy lòng dân, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị ủng hộ và nâng tầm cuộc đấu tranh trong ngành giáo dục và đẩy tới cuộc tiến công vào sự trì trệ, lạc hậu, thiếu kỷ cương và trách nhiệm trong bộ máy hành chính.
Đường lối đúng, biện pháp trúng, Đảng ta luôn có dân, có lực lượng đấu tranh. Khi cán bộ, nhân viên không còn “im lặng”, nhiệt tình vào cuộc, những tấm lòng, những sáng kiến và hình thức đấu tranh sẽ nảy nở tạo nên sinh khí, sinh lực mới cho đất nước.
MẠNH HÙNG