Sau khi báo Quân đội nhân dân đăng bài “Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói gì về vụ thành viên Việt Tân bị bắt?”, rất nhiều bạn đọc, trong đó có những người đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch truy quét các toán quân vũ trang của tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” do Hoàng Cơ Minh cầm đầu tìm cách vượt biên giới vào Việt Nam chống phá, đã điện thoại, gửi thư về báo phản ứng mạnh mẽ trước cách nhìn của phía Mỹ về bản chất khủng bố của tổ chức Việt Tân..
Xin trở lại cuộc gặp của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Mi-ha-lắc với báo chí sáng 11-12 tại Hà Nội. Một trong những vấn đề mà các phóng viên, trong đó có phóng viên báo Quân đội nhân dân, đặc biệt quan tâm, là những hoạt động vũ trang của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”, tiền thân của Việt Tân, trong những năm 1980 chống Việt Nam, thì phía Mỹ (trực tiếp là ngài Đại sứ) có biết không và nếu biết thì nhìn nhận thế nào, có coi là khủng bố không?
Trong câu trả lời gây bất ngờ với các phóng viên, Đại sứ Mi-ha-lắc cho biết ông chỉ được biết về Việt Tân qua mạng Internet và thông tin duy nhất mà ông có được cho đến nay là “trong cuộc họp năm 2004 tại Béc-lin (Đức), Việt Tân nói rằng họ chủ trương cổ súy cho dân chủ bằng các biện pháp hòa bình”. Tiếp đó Đại sứ Mi-ha-lắc khẳng định: “Việt Tân không phải là một nhóm khủng bố”!
Để bạn đọc hiểu về hoạt động phản động của Việt Tân, xin nêu ngắn gọn một số tư liệu. Đây là tổ chức có tiền thân từ các tổ chức phản động do Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, phó đề đốc hải quân ngụy, và một số đối tượng phản động lưu vong lập ra hồi những năm 1980 với mục tiêu đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại an ninh, lật đổ chính quyền Việt Nam.
Dưới khẩu hiệu “Giải phóng hay là chết”, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn đã tiến hành 3 chiến dịch “Đông Tiến” bí mật vượt qua Lào, Cam-pu-chia về Việt Nam để lập căn cứ. Tuy nhiên, các đợt xâm nhập này đều bị cơ quan an ninh Việt Nam phát hiện, tổ chức truy kích, bắt và tiêu diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, tài liệu phản động. Bản thân Hoàng Cơ Minh cũng bị tiêu diệt trong trận đánh ngày 28-8-1987.
Nhưng điều đáng nói ở đây là những tư liệu trên không phải là thông tin mới lạ với Đại sứ Mi-ha-lắc. Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng, diễn ra ngày 27-11-2007, tức là trước cuộc gặp của Đại sứ Mi-ha-lắc với các phóng viên nửa tháng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng đã trực tiếp trao tận tay Đại sứ Mi-ha-lắc các tài liệu chứng minh Việt Tân là tổ chức khủng bố để phía Mỹ xem xét. Ngài Đại sứ đã đáp lại chân thành: “Rất cảm ơn ngài đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tài liệu và chắc chắn chúng tôi sẽ mang về nghiên cứu kỹ”. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng cũng đã trao cho ngài Đại sứ lời khai của Trương Leon cho thấy rõ hắn vào Việt Nam không phải để “bày tỏ chính kiến”, mà là để thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức khủng bố chống nhà nước Việt Nam là Việt Tân.
Tiện đây, cũng xin nhắc lại là ngay từ tháng 4-2007, Việt Nam đã có công hàm chính thức gửi phía Mỹ thông báo Việt Tân là tổ chức khủng bố và đề nghị phía Mỹ phối hợp điều tra, ngăn chặn.
Một điểm đáng lưu ý nữa là những bằng chứng rõ ràng về hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam của Việt Tân như những cuốn hồi ký, những mẩu chuyện của những kẻ từng tham gia các cuộc “Đông tiến” mà chúng coi như “chiến tích của lòng yêu nước”, đều có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet. Nhưng trong rất nhiều tư liệu liên quan đến Việt Tân đăng công khai trên mạng này, không hiểu vì sao Đại sứ Mi-ha-lắc chỉ biết, chỉ quan tâm và nhấn duy nhất vào chi tiết “Việt Tân chủ trương cổ súy cho dân chủ bằng các biện pháp hòa bình”.
Thế nhưng, hãy nhìn lại những thành viên lãnh đạo của Việt Tân hiện nay như Hoàng Điềm, Chủ tịch Việt Tân nhiệm kỳ 2006 – 2011, Nguyễn Kim, Hoàng Định Cơ (em ruột Hoàng Cơ Minh)….Tất cả những nhân vật này đều tham gia Việt Tân từ những năm 1980, tức là cùng thời với Hoàng Cơ Minh, biết rõ về các hoạt động vũ trang chống phá Việt Nam trong quá khứ. Chẳng lẽ chỉ bằng một lời tuyên bố đơn giản chuyển sang “cổ súy cho dân chủ bằng các biện pháp hòa bình” là họ đã trở thành “các nhà dân chủ” đi tìm con đường canh tân đất nước?
Hãy xem chân dung của một số nhân vật mà Việt Tân tổ chức vượt biên trái phép về Việt Nam hoạt động như Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Hải, tức KhumMi SomSak (quốc tịch Thái Lan), những kẻ bị cơ quan an ninh bắt giữ hôm 17-11-2007 với các hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam như tìm cách giả mạo tên của nhiều công ty Việt Nam phát tán truyền đơn của tổ chức Việt Tân và xâm nhập trái phép vào Việt Nam với giấy tờ giả mạo.
Nguyễn Quốc Quân, theo lời khai của y trước cơ quan an ninh Việt Nam, tham gia “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” năm 1986, tức là trước khi Hoàng Cơ Minh “Đông tiến”. Khi bị bắt, Quân khai thuê xe ôm vượt qua đường ruộng vào Việt Nam một cách không chính thức. Mục đích “chuyến đi tình nguyện” của Quân là để thực hiện mục tiêu của Việt Tân xem quá trình xâm nhập vào Việt Nam bất hợp pháp có những khó khăn trở ngại như thế nào. Nếu Quân thành công, Việt Tân sẽ tổ chức đưa người vào Việt Nam qua con đường này để thực hiện kế hoạch “Sang sông” mà tổ chức này thông qua trong đại hội năm 2006. Còn trong bản tự khai sau khi bị bắt, Nguyễn Hải thú nhận đầy đủ những ngày cùng Hoàng Cơ Minh và nhóm phản động vũ trang tìm cách vượt Lào về Việt Nam chống phá.
Vậy liệu có cần thiết và hợp lý khi ngay sau khi các thành viên Việt Tân là Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Hải, Trương Leon bị bắt, phía Mỹ đã vội lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải thả ngay các công dân mang quốc tịch Mỹ? Chẳng lẽ “hồ sơ” chống phá Việt Nam của Việt Tân chưa đủ rõ ràng để các cơ quan chức năng của Việt Nam có quyền bắt giữ những đối tượng xâm nhập vào Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Việt Tân giao?
Trong tuyên bố ngay sau khi đến Việt Nam, Đại sứ Mi-ha-lắc khẳng định: “Tôi có ba ưu tiên chính: nhân quyền, phát triển kinh tế và giáo dục. Tôi sẽ sử dụng tất cả thời gian nhiệm kỳ của mình để đấu tranh cho dân quyền, hối thúc chính phủ Việt Nam hoàn thiện những quy định về tự do bày tỏ ý kiến chính trị và kinh tế. Chúng tôi luôn luôn theo đuổi mục tiêu này”.
Người ta không thể không nêu câu hỏi: Ngài Đại sứ Mi-ha-lắc ủng hộ nhân quyền của ai? Của nhân dân Việt Nam hay của những phần tử chống đối Việt Nam? Những người như Trương Leon, Nguyễn Quốc Quân vào Việt Nam đâu phải để “bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình” như suy nghĩ của Đại sứ, mà là “thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức khủng bố chống nhà nước Việt Nam” như lời của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng đã khẳng định trong cuộc gặp với Đại sứ Mi-ha-lắc.
Cách nhìn nhận và việc làm của phía Mỹ trong vụ Trương Leon, Nguyễn Quốc Quân khiến nhiều người suy nghĩ, liệu có phải Mỹ đang ủng hộ những nhân vật chống đối Nhà nước Việt Nam?
Với truyền thống nhân đạo, Việt Nam luôn khoan dung với những người lầm lỗi nhưng nhìn ra sai lầm của mình với đất nước, với dân tộc. Những người này sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thế nhưng, không thể mơ hồ với bản chất phản động, khủng bố của Việt Tân.
Quan hệ Việt - Mỹ đã phải trải qua nhiều khúc quanh. Phải mất rất nhiều nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ này mới được bình thường hóa và phát triển theo hướng trở thành đối tác ổn định và bền vững. Hợp tác Việt - Mỹ, kể cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như chống khủng bố, đang phát triển thuận lợi, ngày càng cho thấy những tiềm năng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, cũng như cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung góp phần ngăn ngừa khủng bố. Trong bối cảnh đó, không nên để một vấn đề như Việt Tân lại có thể trở thành vật cản trong quá trình phát triển quan hệ Việt - Mỹ./.
LINH THU