Ở phía ngoài vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long chếch lên Đông Bắc, sừng sững chùm đảo Cô Tô với 32 hòn đảo lớn, nhỏ quần tụ, nhấp nhô. Trong chùm đảo ấy thì đảo Cô Tô lớn, Cô Tô nhỏ và đảo Thanh Lân tạo thành một tam giác, có vị trí quan trọng hàng đầu là những đảo tiền tiêu phát hiện và ngăn chặn từ xa mọi cuộc xâm lược của địch từ biển vào đất liền. Khoảng cách từ Cô Tô lớn đến Thanh Lân là 2 hải lý và cũng từng ấy hải lý từ Cô Tô lớn đến Cô Tô nhỏ. Diện tích chùm đảo Cô Tô chừng 30km2, với chiều dài 12km và chiều rộng 2,5km; trong đó diện tích Cô Tô nhỏ là 5km2, đảo Thanh Lân là 17km2. Nguồn sống chính của nhân dân trên đảo là đánh bắt cá, làm muối, nuôi cấy hải sản, trồng rau màu.

Đảo Cô Tô

Cách mạng Tháng Tám 1945 lật đổ ách thống trị ngót 100 năm của chủ nghĩa thực dân phong kiến, thế nhưng thực dân Pháp còn nuối tiếc miền đất thuộc địa nhiệt đới béo bở, chúng câu kết với thực dân Anh âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngay khi Nhật đầu hàng cách mạng, bọn tàn quân Pháp từ biển Hoa Nam đã dùng 4 tàu chiến chở 500 lính đổ bộ lên đảo Cô Tô và đảo Vạn Hoa. Để hỗ trợ cho nhân dân lập chính quyền trên đảo, ngày 10-10-1945, Bộ Tư lệnh duyên hải Đông Bắc giao nhiệm vụ cho Đại đội Ký Con dùng thuyền đinh đổ bộ lên đảo Cô Tô đánh bọn tàn quân Pháp, không cho chúng lập căn cứ ở đây. Mặc dù tinh thần chiến đấu dũng cảm có thừa, nhưng do lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật chênh lệch, quân Pháp lại có hỏa lực mạnh từ pháo hạm bắn yểm trợ nên cuộc tiến công của Đại đội Ký Con không thành công. 17 đồng chí đã hy sinh, 22 đồng chí bị sa vào tay giặc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi. Vào hạ tuần tháng 7-1954, tên thực dân cuối cùng cuốn gói khỏi vùng đảo Đông Bắc, đảo Cô Tô được giải phóng. Nhân dân trên đảo vui mừng xây dựng cuộc sống hòa bình trong chế độ mới. Nghề cá được khôi phục, phát triển; công cụ đánh bắt cá được cải tiến và được trang bị mới. Để đẩy nhanh sản lượng đánh bắt cá, chính quyền trên đảo Cô Tô đã thành lập hợp tác xã đánh bắt cá mang tên Chiến thắng. Nhờ làm ăn tập thể, năng suất đánh bắt cá của xã viên đạt năng suất rất cao và điều quý hơn là có đến 93-95% sản phẩm, ngư dân đều bán cho Nhà nước. Cùng với việc xây dựng, phát triển nghề cá, Đảng bộ và chính quyền trên đảo Cô Tô chú trọng lãnh đạo thực hiện việc định cư lâu dài từ thuyền lên bờ nhằm khai thác tiềm năng đất đai, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, cấy lúa nước, tạo nguồn lương thực tại chỗ phòng khi mưa bão kéo dài và để thu hút lao động nghề cá.

Năm 1960, một tin vui làm xúc động trái tim mỗi người dân trên đảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô. Để lưu giữ lại hình ảnh Bác Hồ kính yêu, nhân dân trên đảo Cô Tô đã dựng tượng Người ở đất Nam Vân - nơi bước chân đầu tiên của Bác in dấu lên đảo.

Trong cuộc chiến đánh trả chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ (1964-1972), quân và dân trên đảo Cô Tô đã kiên cường bám biển sản xuất và đánh giặc, thực hiện đầy đủ chỉ tiêu hằng năm về sản xuất, giao nộp sản phẩm, tuyển quân, chi viện tiền tuyến. Đặc biệt, ngày 25-11-1965, bộ đội và dân quân trên đảo đã phối hợp chặt chẽ với nhau, bắn rơi một máy bay của đế quốc Mỹ khi chúng lao xuống bắn phá đảo.

Bất chấp sóng to, gió cả và những biến thiên của thời gian, chùm đảo Cô Tô luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đảo luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ khi người ra thăm đảo, đoàn kết một lòng xây dựng Cô Tô không những giàu và đẹp mà còn là pháo đài bất khả xâm phạm, vọng gác tiền tiêu ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc./.

Hà Thanh